Người xưa có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Lời dạy ngàn xưa của cố nhân đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi đất nước ta đang trong quá trình đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại và vô vàn kính yêu của chúng ta luôn khẳng định:
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1), “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(2), và để có đội ngũ cán bộ tốt “vừa hồng vừa chuyên” thì Người dạy rằng:“Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(3).
Nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ, trong đó Người xác định công tác “huấn luyện cán bộ” là khâu quan trọng nhất. Ngay từ năm 1924, khi trở về Quảng Châu (Trung Quốc) để hoạt động, điều đầu tiên được Bác quan tâm là thành lập, xây dựng tổ chức và huấn luyện cán bộ. Trong một thời gian ngắn Người đã huấn luyện được trên 200 cán bộ xuất sắc đưa về nước hoạt động cách mạng và cử một số cán bộ sang Liên Xô học tập ở trường Đại học
Phương Đông, trực thuộc Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Từ khi Đảng ra đời, trong suốt tiến trình lịch sử hơn 81 năm qua, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết và các chủ trương, đường lối quan trọng về xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ của Đảng ngày càng đông đảo, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao đáp ứng mọi yêu cầu của sự nghiệp cách mạng qua từng giai đoạn lịch sử.
* Thực trạng công tác đào tạo, bố trí sử dụng người lao động có trình độ cao (nhân lực, nhân tài) tỉnh Lâm Đồng
Lâm Đồng là một tỉnh nằm ở phía Nam Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên 9.772,19km2; dân số 1.189.327 người (theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009), tăng 188.759 người so với năm 1999. Trong 10 năm (giai đoạn 1999 – 2009), bình quân mỗi năm tăng 18.876 người, tỷ lệ tăng dân số bình quân hàng năm là 1,7%/năm, giảm mạnh so với tỷ lệ tăng dân số 10 năm (giai đoạn 1989 - 1999). Mật độ dân số 122 người /1Km2.
Phân theo khu vực: dân số ở khu vực thành thị là 449.430 người, tăng 63.983 người trong vòng 10 năm 1999 - 2009, bình quân mỗi năm tăng 1,55% (tăng thấp hơn so với mức bình quân chung của toàn tỉnh); dân số ở khu vực nông thôn là 737.356 người, tăng 124.776 người, trong vòng 10 năm 1999 - 2009, bình quân mỗi năm tăng 1,9% (tăng cao hơn so với mức tăng bình quân chung của toàn tỉnh). Tỷ số giới tính toàn tỉnh qua hai lần Tổng điều tra dân số và nhà ở luôn ở mức 100, từ 101,8 nam/100 nữ (năm 1999), giảm xuống còn 100,9 nam/100 nữ (năm 2009). Đất đai, khí hậu, tài nguyên của tỉnh Lâm Đồng rất phong phú đa dạng, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế lớn như chè, cà phê, dâu tằm, các loại cây ăn quả.... Đặc biệt có thành phố Đà Lạt thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng được thiên nhiên ban tặng một vùng khí hậu á nhiệt đới, quanh năm mát mẻ, bình quân khí hậu từ 18oc - 22oc rất thích hợp cho sự phát triển ngành du lịch nghỉ dưỡng. Ở các huyện: Bảo Lâm, Di Linh và Thành phố Bảo Lộc có mỏ Bauxit nối dài sang tỉnh Đắk Nông có trữ lượng quặng nguyên khai 4,3 tỷ tấn tương ứng với khoảng 1,8 tỷ tấn quặng tinh. Đây là nguồn tài nguyên quý giá nếu được khai thác sử dụng hợp lý, đúng mục đích sẽ thu về lợi nhuận to lớn cho địa phương, đất nước trong thời hội nhập kinh tế quốc tế…
Theo số liệu điều tra năm 2009: Dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh Lâm Đồng là 653.282 người, chiếm 54,91% dân số toàn tỉnh, tăng 3,8% năm 1999. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 26,4%, trong đó lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ 3,08%, trình độ trung cấp 8,32%, lao động qua đào tạo nghề 15%. Trong số lao động có trình độ đại học trở lên, trình độ tiến sỹ 0,02%; trình độ thạc sỹ 0,1%; trình độ đại học 2,96%. Như vậy, cứ 100 lao động thì có gần 3 người có trình độ đại học, 1.000 lao động thì có 1 người có trình độ thác sỹ, 10.000 lao động thì mới có 2 người có trình độ tiến sỹ.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay có 2 trường Đại học; 5 trường Cao đẳng; 1 trường Trung cấp; 1 Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng tại chức; 1 trường Chính trị; 1 trường Quân sự địa phương và 37 cơ sở dạy nghề. Hàng năm các cơ sở đào tạo này đã trực tiếp chiêu sinh và liên kết mở nhiều loại hình lớp đào tạo có lưu lượng trên 12.000 sinh viên với trên 50 loại ngành, nghề đào tạo. Tuy nhiên, số sinh viên tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng theo đúng ngành nghề đào tạo chưa nhiều; thậm chí có trường hợp “đào tạo một đường bố trí một nẻo”, gây lãng phí cho bản thân người học, gia đình và cho xã hội. Số người có trình độ đại học trở lên ở Lâm Đồng rất thấp nhưng lại bố trí không đồng đều giữa thành thị và nông thôn, giữa thành phố, đô thị với các huyện vùng sâu, vùng xa, cũng như các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt hơn trong những năm gần đây hiện tượng “chảy máu chất xám” đang diễn ra nhiều nơi ở các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành, các doanh nghiệp do tỉnh đào tạo nhưng lại chuyển đi làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, nhất là lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, học thức cao (thạc sỹ, tiến sỹ).
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) khẳng định: “Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề được phát triển, đến nay toàn tỉnh có 37 cơ sở dạy nghề (trong đó có 19/37 cơ sở dạy nghề công lập). Ngành nghề và hình thức đào tạo đa dạng, cơ sở vất chất và thiết bị phục vụ giảng dạy được tăng cường. Đến năm 2010 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ước đạt 25%”.
Tiếp đến, theo Thông Báo nội bộ (tháng 10 năm 2009) của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho biết:
“Đến nay tổng số lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 15.538 người, bao gồm cả lao động không có việc làm thường xuyên 567 người. Lao động tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến 12.561 người, chiếm 80,84%; lao động ở ngành sản xuất, phân phối điện, ga và nước chiếm 11,36%; lao động ở ngành khai thác mỏ chiếm 7,8%. Tổng số lao động của các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ và vận tải trên địa bàn tỉnh là 5.701 người, bao gồm cả lao động không có việc làm thường xuyên là 33 người. Ở ngành du lịch, dịch vụ có 2.708 người, chiếm 47,5%, chiếm tỷ lệ cao nhất; lao động ở ngành vận tải 1.224 người, chiếm 21,46%; lao động ở ngành thương nghiệp 1.127 người, chiếm 19,76%”.
Cơ cấu trình độ lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, được phân bổ như sau:
- Nông - lâm nghiệp tổng số: 0,29% có trình độ đại học, trình độ thạc sỹ trở lên;
- Công nghiệp - xây dựng tổng số: 3,28% có trình độ từ đại học trở lên trong đó tiến sỹ: 0,01%, thạc sỹ: 0,05%, đại học: 3,22%;
- Dịch vụ tổng số: 14,06% có trình độ từ đại học trở lên trong đó tiến sỹ 0,08%, thạc sỹ 0,49%, đại học 13,49%;
- Ngành giáo dục tổng số: 32,92% có trình độ từ đại học trở lên trong đó tiến sỹ 0,26%; thạc sỹ 0,54%, đại học 31.12%;
- Ngành y tế tổng số: 24,75% có trình độ từ đại học trở lên trong đó tiến sỹ 0,16%, thạc sỹ 1,55%, đại học 23,04%;
- Các ngành khác tổng số: 9,73% có trình độ từ đại học trở lên trong đó tiến sỹ 0,04%, thạc sỹ 0,23%, đại học 9,46%.
Sự phân bố nguồn nhân lực giữa các huyện, thành phố trong toàn tỉnh: Nhìn chung người lao động có trình độ từ đại học trở lên tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị cụ thể là thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và huyện Đức Trọng chiếm gần 70%, trong đó thành phố Đà Lạt 47,02%; thành phố Bảo Lộc 13,43%, huyện Đức Trọng 8,2%. Các huyện còn lại chỉ chiếm từ 1,5% đến 6,5%, trong đó có huyện không có lao động nào có trình độ tiến sỹ.
Để tăng cường đào tạo, sử dụng có hiệu quả sản phẩm đào tạo, đáp ứng lao động có trình độ tay nghề cao (nhân tài) cho tỉnh Lâm Đồng trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế cần quán triệt và thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế - xã hội trong đó lưu ý phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đã được Đại hội IX của Đảng xác định: “Đẩy mạnh đào tạo nghề theo yêu cầu phát triển; đặc biệt tại các khu, cụm, công nghiệp, du lịch của tỉnh; đa dạng các hình thức đào tạo và dạy nghề; tăng cường quản lý nhà nước về dạy nghề, giám sát nội dung, chương trình, điều kiện, cơ sở vật chất dạy nghề; tích cực chuẩn bị nhân lực cho một số dự án có vốn đầu tư lơn; Phát triển dào tạo nghề tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc và gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động”(4).
* Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhân tài hiện nay ở tỉnh Lâm Đồng.
-Nhóm giải pháp một: đào tạo phải gắn với bố trí, sử dụng:
Nên thực hiện nhất quán quan điểm đào tạo theo nhu cầu của xã hội, xã hội yêu cầu ngành nghề gì, tập trung đào tạo ngành nghề đấy, chú trọng cả trình độ tay nghề với trình độ ngoại ngữ (nhìn chung lao động cũng như đội ngũ cán bộ Lâm Đồng rất yếu ngoại ngữ). Có như vậy mới đáp ứng được theo yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đào tạo theo địa chỉ, đào tạo xong phải bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc tránh tình trạng thợ rèn thì bảo đi làm mộc, thợ mộc thì bảo đi xây dựng thì sẽ hỏng cả 2 người.
Đào tạo cần phải gắn kết với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng phải chung tay cùng Nhà nước, nhà trường chăm lo cho công tác đào tạo nhân lực, nhân tài. Trong toàn khoá học cần bố trí 1/3 thời gian đi thực tập tại doanh nghiệp, tránh tình trạng dạy chay, dạy bằng máy móc phương tiện kỹ thuật đã quá cũ kỹ, lạc hậu không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
- Nhóm giải pháp hai: phải xem xét, nhìn nhận đánh giá đúng nhân tài (đánh giá đúng cán bộ), và phải có chính sách thu hút và giữ nhân tài hợp lý:
Có thể khẳng định rằng nhân tài không thiếu, trong các Văn kiện của Đảng luôn khẳng định coi giáo dục đào tạo là “quốc sách hàng đầu”. Người xưa có câu “nhân bất học bất tri lý”. Thực tế đã chứng minh, người không biết chữ, người thất học chẳng làm được gì. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo trí tuệ thì nhất định sẽ không tránh khỏi tình trạng nhiều người vì chạy theo bằng cấp mà bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để mua bằng cấp hoặc bỏ tiền ra chạy chữ, chạy thầy để thực hiện mục đích chạy chức, chạy quyền. Chính vì vậy, khi xây dựng chính sách thu hút nhân tài, giữ nhân tài các nhà hoạch định chính sách phải thật tỉnh táo, phải đánh giá đúng thực chất nhân tài để trọng dụng, tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” hoặc bị loá mắt bởi bằng cấp.
Nhân tài là rất quý, “là nguyên khí quốc gia”; muốn có nhân tài phải thực hiện đồng bộ nhiều chính sách hay theo Bác Hồ gọi đó là “kách” đối với cán bộ, đối với nhân tài. Theo chúng tôi, trước hết phải đánh giá đúng thực tài, nhất là trong đánh giá phải khách quan, toàn diện, công tâm không vì yêu ghét, “cánh hẩu” mà làm sai lệnh thực chất tài năng của con người. Đi liền với đánh giá đúng nhân tài phải thực hiện chính sách tiền lương, nhà ở phù hợp với đặc thù của địa phương. Không chạy theo bằng cấp, nhưng cũng không thể không chú ý tới bằng cấp.
Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vấn đề cạnh tranh, thu hút nhân tài “chất xám” sẽ diễn ra gay gắt và nên xem đây là vấn đề tất yếu. Cạnh tranh lành mạnh, thu hút nhân tài, sử dụng đúng nhân tài tạo ra nhiều của cải cho xã hội thì không cứ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều được tham gia và phải tôn trọng họ thậm chí cần có chính sách khuyến khích, khen thưởng thỏa đáng; không để tình trạng “chảy chất xám” đi nơi khác.
Suy cho cùng việc thu hút, sử dụng nhân tài chính là để đạt tới đích hiệu quả kinh tế, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh xuất phát từ việc cạnh tranh thu hút nhân tài.
PHAN XUÂN KHANH
PHAN CÔNG THÀNH
* Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài tỉnh Lâm Đồng
* Trung Tâm đào tạo – bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng.