Các cuộc hội thảo khoa học và các hội nghị lấy ý kiến cán bộ lãnh đạo các ngành các cấp, các chuyên gia và các nhà khoa học ở thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, kết quả có nhiều người đồng tình việc xây dựng chính quyền đô thị và chính quyền địa phương, cho đó là nhu cầu của cuộc sống hôm nay, phù hợp đặc thù với những thành phố lớn và đông dân cư. Nhưng cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn như: chính quyền đô thị và chính quyền địa phương có gì khác biệt chính quyền hiện nay và người dân được gì? ...
Nếu chưa hình thành nhà nước pháp quyền XHCN thì mô hình chính quyền đô thị và chính quyền địa phương sẽ không có gì khác biệt chính quyền hiện nay, hoặc nếu có khác biệt sẽ bị thể chế chính quyền hiện nay làm cản ngại tổ chức và hoạt động hiệu quả thấp.
Theo khoa học tổ chức, để thiết lập hay đổi mới một tổ chức cần phải tuân thủ tính hệ thống. Để có cơ sở thành lập chính quyền đô thị và chính quyền địa phương, trước hết phải đổi mới mô hình nhà nước pháp quyền tập trung quan liêu sang mô hình nhà nước pháp quyền XHCN phù hợp với khoa học tổ chức, học thuyết Mác-Lénine và tư tưởng Hồ Chí Minh, để định hướng thành lập chính quyền đô thị và chính quyền địa phương phù hợp.
Điều nghịch lý là qua hơn hai mươi năm đổi mới, do chưa làm xuất hiện tư duy mới về lĩnh vực nhà nước hiện còn lúng túng trong quá trình đổi mới như: lấy khâu cuối “cải cách thủ tục hành chính” làm khâu xuất phát đột phá quá trình đổi mới do vậy gần ba mươi năm hình dáng mô hình nhà nước vẫn chồng chéo tập trung quan liêu, tạo nhiều khe hở để các quan tham lợi dụng trục lợi tham nhũng ngày càng tinh vi, sâu rộng khắp các lĩnh vực hoạt động đời sống xã hội. Để khắc phục những khiếm khuyết trên càng làm xuất hiện tư duy mới về nhà nước, để định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN phù hợp.
Nhà nước pháp quyền không phải sở hửu của giai cấp tư sản và CNTB như nhận thức tư duy trước đây, mà do yêu cầu của nền kinh tế thị trường để định chế mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực của nền kinh tế thị trường nhằm quản lý hiệu lực và hiệu quả nền kinh tế -xã hội. Giai cấp tư sản chỉ có công đầu tiên là phát hiện, thiết lập và hoàn thiện nhà nước pháp quyền nhiều thế kỷ qua, do đó nhà nước pháp quyền là sản phẩm trí tuệ của nhân loại, về cơ bản nó mang tính khoa học. Nếu toán học ta sẽ có công thức như sau: mô hình tổ chức và thể chế vận hành của nhà nước pháp quyền là mẫu số chung cho tất cả các nước trên thế giới có chế độ chính trị khác nhau, còn pháp luật để nhà nước vận hành quản lý nền kinh tế-xã hội là tử số riêng của giai cấp cầm quyền để thực hiện mục tiêu của giai cấp mình nên luật pháp mang tính giai cấp, giai cấp cầm quyền tự xây dựng trên cơ sở tư duy mới nêu trên, chúng ta phải tham khảo học tập mô hình nhà nước pháp quyền tư sản (không có mô hình riêng cho những người cộng sản) tất nhiên không sao chép giáo điều, mà phải lựa chọn phát triển sao cho phù hợp với hoàn cảnh và môi trường của Việt Nam.
Để đổi mới mô hình nhà nước từ tập quyền tập trung quan liêu sang nhà nước pháp quyền XHCN, theo định hướng của khoa học tổ chức, phải theo trình tự hệ thống.Trước hết phải xóa bỏ chức năng, nhiệm vụ của nhà nước tập quyền quản lý bằng mệnh lệnh (nay không còn phù hợp với môi trường nền kinh tế thị trường XHCN), xây dựng chức năng, nhiệm vụ nhà nước pháp quyền XHCN sao cho phù hợp với khoa học tổ chức và yêu cầu của nền kinh tế thị trường XHCN. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ mới làm căn cứ định hướng cho việc tổ chức lại hệ thống tổ chức và thể chế vận hành của nhà nước, đào tạo lại công chức và viên chức theo yêu cầu, chức năng-nhiệm vụ sẽ giảm thiểu ít nhất một phần ba đầu mối tổ chức và biên chế công chức-viên chức nhà nước. Người đứng đầu các tổ chức phải có chương trình hành động ứng cử, tranh cử để cử tri lựa chọn bầu cử, khi triển khai chương trình hành động khi tiếp cử không thành công thì phải từ chức hoặc miễn nhiệm bầu người khác thay thế. Sau cùng là trên cơ sở chức năng-nhiệm vụ, hệ thống tổ chức và thể chế vận hành mới, rà soát sẽ làm giảm thiểu ít nhất một phần ba thủ tục hành chính, làm cơ sở xây dựng nền hành chính hiện đại.
Nhà nước pháp quyền nói chung và nhà nước pháp quyền XHCN nói riêng đều đòi hỏi cơ quan lập pháp hoàn toàn chuyên trách và đại biểu quốc hội quy định chuẩn trình độ để đảm bảo quỹ thời gian(1) và khả năng lập pháp, chất lượng luật pháp theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường XHCN. Cơ cấu quốc hội theo vùng, địa phương để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dám sát hoạt động chính quyền ở các địa phương nên đại biểu quốc hội ứng cử, mỗi đại biểu hay nhóm đại biểu mở văn phòng riêng, tuyển chọn một số chuyên gia giúp việc tham mưu và cũng là nơi tiếp dân.
Các cơ quan hành pháp và tư pháp, cán bộ công chức và viên chức đào tạo theo chức năng-nhiệm vụ và các kiến thức bổ trợ, phân công hoặc bổ nhiệm về các địa phương ngoài nơi cư trú và quê quán để tránh các hiện tượng cục bộ địa phương, dòng tộc.vv... làm tha hóa công chức, viên chức và suy giảm tổ chức.
Nhà nước pháp quyền XHCN vận hành và quản lý nề kinh tế-xã hội bằng pháp luật, thể chế kiểm tra dọc của nhà nước tập quyền thời kỳ chiến tranh đế quốc và xây dựng CNXH hiện thực ở miền bắc nay không còn phù hợp, cần phải chuyển đổi sang thể chế kiểm tra chéo giữa các cơ quan: Lập pháp - Hành pháp - Tư pháp theo luật để định chế các quyền lực xấu, làm lành mạnh nhà nước để quản lý hiệu lực và hiệu quả nền kinh tế-xã hội, phát triển tốt nhất tiềm năng đất nước, phát triển rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới.
Trên cơ sở mô hình nhà nước pháp quyền XHCN đổi mới để thiết lập chính quyền đô thị và chính quyền địa phương mới có thể khác biệt với chính quyền hiện nay, để trở thành nhà nước của dân, do dân và vì dân.
(1) Thời gian là một nội dung trong hệ thống các yếu tố tổ chức, Quốc Hội.
KS NGUYỄN KIM ĐĨNH
Nguyên CVCC Ban tổ chức TW
Phó chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển
nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam