Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 26/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Vượt lên khó khăn vì con chữ

Giữa vùng núi non trùng điệp của xã Tam Sơn, để gieo được cái chữ cho học sinh, ngoài tri thức các thầy cô còn mang trong mình rất nhiều tâm huyết.

Cô và trò trường THCS Quang Trung, xã Tam Sơn.

 
 

Xã miền núi Tam Sơn nằm lọt giữa trập trùng đồi núi, người dân quanh năm quần quật với nương rẫy mới mong đủ ăn. Khó khăn là thế, nhưng thầy trò nơi đây vẫn khiến mọi người nể phục với nỗ lực gieo chữ, học chữ.

Những khó khăn còn mãi

Mới 4h30 sáng, con gà trống trong chuồng còn đang ngái ngủ, cô bé Linh (13 tuổi) đã lục đục dậy chuẩn bị mọi thứ để đến lớp. 5h sáng, sương núi còn giăng mắc khắp không gian, bên ngoài trời còn tối, Linh đã bấm đèn pin soi đường đến trường. Qua nhà Hương, Linh í ới gọi bạn, Hương ôm cặp chạy vội ra. Bóng đôi bạn nhỏ ẩn hiện trong trời lờ mờ sáng. Vừa đặt chân đến lớp đã nghe tiếng trống đánh vào lớp. Mồ hôi còn chưa kịp ráo trên hai tấm áo trắng, các em đã ngồi ngay ngắn vào bàn, lắng nghe như nuốt từng con chữ thầy giáo giảng.

Ở Tam Sơn, để đến với cái chữ, mỗi ngày có em phải đi bộ gần 10km qua những con đường gập gềnh sỏi đá, thưa thớt dân cư. Sáng đi học từ khi trời còn mù mịt. Tối về đến nhà là đã qua bữa cơm tối. Bởi thế, trong cặp sách của học trò ở tam sơn ngoài sách vở và đồ dùng học tập lúc nào cũng có thêm một chiếc đèn pin và ít gói mỳ tôm chống đói.

Anh Trương Kim Hạnh, một người dân sống ven đường đến trường của các em kể: “Ngày nào cũng đúng 18h là lại gặp một đứa nhỏ khoảng lớp 6 đi bộ qua đây, vừa đi vừa khóc rấm rứt. Tôi hỏi thì nó nói phải đi bộ 1 tiếng nữa mới về đến nhà. Trời tối thì tối, nó thì đi một mình, thấy thương lắm! Trẻ con vùng này kiếm được cái chữ là bao nhiêu khổ cực ”. Cũng có gia đình “khá giả” sắm được cho con mình chiếc xe đạp, nhưng đi được dăm hôm là đành chịu. Địa hình hiểm trở, toàn đường núi, sỏi đá lởm chởm, con dốc nào cũng dài và cao đến mức phải “cắm mặt mà đi” thì đi xe đạp cũng chỉ còn nước dắt bộ.

Gần đến giữa trưa, trên những con dốc sỏi đá, chúng tôi gặp từng tốp học sinh đang gò mình leo dốc. Vượt qua con dốc, các em ngồi bệt ngay vệ đường thở hổn hển, tay quệt mồ hôi đang chảy ướt đầm khuôn mặt. Mùa nắng là thế, mùa mưa cái cực còn nhân đôi khi các em phải lội qua những con suối chảy xiết, nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt, qua hết suối là áo quần, sách vở coi như ướt hết, bởi địa hình Tam Sơn mất hơn một nửa bị cách trở bởi lòng hồ Phú Ninh mùa nước lên.

 

Chiếc cầu tạm mới làm xong để học sinh và nguời dân qua lại thuận tiện hơn.

Có mùa mưa lớn, nước ngập cao đầu, các em bị mắc kẹt lại phía bờ bên này, phải chờ nước rút mới về nhà được. Một học sinh tên Nguyệt lớp 7A nhà thôn Thuận Yên Tây tâm sự: “Hôm nào cũng vậy, em phải đi học từ lúc tờ mờ sáng cùng hai bạn nữa trên chiếc thuyền nan để qua Thuận Yên Đông. Chúng em thay nhau chèo lái. Nhà bạn em còn có 2 em là Lương Thị Nga (lớp 7B) và Lương Thị Kiều (lớp 5A) cũng đi học bằng thuyền vào buổi chiều. Nhiều hôm thời tiết xấu, đang chèo thuyền giữa hồ, gặp mưa giông, chúng em đành phải tấp vào bờ trú ẩn, nên bị muộn học”.

Có em vừa phải đi bộ đường rừng, vừa phải đi thuyền mới đến được lớp học. Mùa mưa bão, nước hồ dâng lên làm ngập đường giao thông liên bản, nên số học sinh đi học bằng thuyền tăng lên.

Mùa mưa lũ, học trò không qua suối được, các thầy phải xắn quần cõng từng em đưa qua. Học trò lớp 7, lớp 8 cũng không nặng lắm nhưng nước lớn đến thắt lưng, lại chảy xiết khiến có lúc người thầy cũng muốn trôi theo. Khi các học trò qua bờ an toàn hết, các em tíu tít vòng tay cảm ơn thầy, thầy gật gật: “Thôi về nhanh đi kẻo tối, nguy hiểm!”. Mặt thầy cô nào cũng cố tỏ vẻ bình thường nhưng trong lòng thương học trò muốn rớt nước mắt, các thầy chỉ mong đúng một điều ngày mai sĩ số lớp vẫn được giữ nguyên.

Giữa vùng núi non trùng điệp của xã Tam Sơn, để gieo được cái chữ cho học sinh, ngoài tri thức các thầy cô còn mang trong mình rất nhiều tâm huyết. Tình trạng học sinh bỏ học ở Tam Sơn trong thời gian qua đã không còn chính là một phần nhờ công sức của các thầy cô giáo. Sợ các em nghỉ học, mất cái chữ sau này sẽ khổ, nhiều thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà để thuyết phục các em quay trở lại lớp.

Có một tương lai tươi sáng chờ đợi

Tuy khó khăn là thế, nhưng nhìn vào những thành tích mà trường và địa phương đã đạt được trong những năm qua mới thấy thật đáng tự hào. Năm 2010, tam sơn có 21 em đậu đại học, năm 2011 có 15 em. Tỷ lệ tốt nghiệp lớp 9 luôn đạt 100%, tỷ lệ đậu vào các trường THPT trong huyện, trong tỉnh xấp xỉ 90%, trong đó có các trường chuyên, trường hàng đầu của tỉnh, của huyện. Tỷ lệ học sinh ở độ tuổi đến trường luôn đạt 100%, hiện tượng nghỉ học giữa chừng tuyệt nhiên không còn.

Trường THCS Quang Trung hiện đã phổ cập tin học cho học sinh với 17 máy tính, nối mạng Internet, có màn hình Plasma phục vụ giảng dạy, thư viện với nguồn sách giáo khoa, sách tham khảo tương đối đảm bảo, trường THCS Quang Trung  hiện có 18 giáo viên đứng lớp trên 26 cán bộ giáo viên, trong đó có 8/18 đạt trình độ đại học, còn lại là cao đẳng và đa phần là giáo viên trẻ… đây là những điều kiện thuận lợi để thầy và trò làm tốt công tác dạy và học.

Tiếp chuyện với chúng tôi, thầy Đặng Ngọc Nhơn, Phó Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung cho biết: “Tuy là xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng bằng tấm lòng tâm huyết với nghề, tình thương yêu với học sinh nơi đây, các cán bộ giáo viên đã không quản ngại khó khăn để mang cái chữ đến cho các em. Chính vì thế, trường Quang Trung đang cố gắng phấn đấu hết mình, khắc phục những khó khăn để vươn lên đạt trường chuẩn quốc gia vào năm 2015!”.

Các thầy cô giáo ở đây có những người nhà cách trường 40km, nhưng vì học sinh, các thầy các cô không quản ngại vất vả để đứng lớp, truyền đạt kiến thức cho học sinh nơi miền núi xa xôi này, và trên khuôn mặt họ, lúc nào cũng thấy một nụ cười, một ánh mắt tin tưởng vào tương lai giáo dục của xã. Tôi hiểu để có nụ cười mãn nguyện như vậy, thầy và cả tập thể giáo viên ở đây đã phải qua cả một quá trình không ít công sức trèo đèo lội suối, ngày đêm miệt mài với học sinh, và nhất là sự chung sức của bà con nơi đây, những người đang khát khao cái chữ...

Thời gian gần đây, sự nghiệp giáo dục ở Tam Sơn đã được sự quan tâm, chăm lo hết lòng của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn, cùng sự tâm huyết, nhiệt tình hết lòng vì học sinh thân yêu của những người làm công tác trồng người ở xã Tam Sơn, sự nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, chăm chỉ học tập của các em học sinh, trường đã tự tin bước vào năm học mới với niềm tin thắng lợi mới. Mới đây, một chiếc cầu nhỏ đã được làm để nối Thuận Yên Đông và Thuận Yên Tây, mùa mưa lũ các em học sinh không còn thất học vì nguy hiểm nữa.

Tạm biệt thầy trò ở Tam Sơn, tôi đi về giữa núi non ngút ngàn miên man nghĩ: Hình như trong gian nan, tình thầy trò trở nên vô cùng thiêng liêng. Lòng thầy đã thế, thì hà cớ gì học trò không vượt qua được những khó khăn kia để học được nhiều hơn nữa?./.

Theo Vov.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển