Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

Vua đồ cổ đất cảng và 2 tấn vàng ròng

Chỉ trong khoảng 10 năm, ông Hải đã có trong tay 2 tấn vàng, một số vàng có thể mua được một góc thành phố cảng.
Ông Bùi Xuân Hải sinh ra và lớn lên ở huyện Ân Thi (Hưng Yên) trong một gia đình rất nghèo. Hải là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em. Tuy nhiên, Hải không chịu đói khổ như bạn bè đồng trang lứa, mà luôn vận động tìm cách kiếm sống.

Ngoài lúc đi học, Hải đi chăn trâu giúp bố, nhưng Hải toàn rả rông trâu ngoài đồng rồi đi khắp thôn xóm nhặt nhạnh lông vịt, lông ngan. Cứ tích tiểu thành đại, mang bao lông vịt, lông ngan đi bán, cũng kiếm được mấy kg gạo, đủ cho gia đình no bụng vài ngày.

Hải là một cậu bé cực kỳ thông minh, học giỏi, năm nào cũng đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài học giỏi, Hải luôn có ý tưởng sáng tạo khác người.

Ông Hải vẫn rưng rưng khi nhớ lại cảm xúc đầu tiên, mà giây phút định mệnh ấy đã định hướng cả cuộc đời ông. Một ngày tháng 9 năm 1955, khi Hải mới học lớp 4, lúc đó 12 tuổi, được thầy giáo mời đến nhà chơi. Thấy nhà thầy có giá sách, Hải chúi mũi vào những cuốn sách đọc ngấu nghiến.

Trong cuốn sách ấy, có lời kêu gọi của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Đọc những lời ấy, Hải thấy như Bác đang nói bên tai mình. Chẳng hiểu vì sao, Hải khóc như mưa, nhòe cả trang sách.
 
Đồ cổ đã mang lại cho ông 2 tấn vàng vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Ngay lúc đó, trong thâm tâm cậu bé Hải đã nguyện đi theo con đường Bác Hồ đã chỉ dẫn. Hải quyết tâm tự hứa với bản thân mình sẽ làm một điều gì đó thật lớn lao, để biến đất nước mình thành cường quốc, sánh vai được với năm châu bốn bể như điều Bác mong mỏi. Cho đến lúc này, với ông Hải, Bác luôn là một vị Thánh, mà ông luôn đặt ở một vị trí trang trọng nhất trong trái tim mình.

Mang khát vọng làm giàu cho Tổ quốc từ bé, nên Hải rất mê môn địa lý, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề kinh tế vĩ mô của quốc gia và quốc tế. Mới 15 tuổi, song Hải có thể đối thoại ngang ngửa với thầy cô về môn học này.

Năm cuối phổ thông, Hải được giải thưởng học sinh giỏi cấp quốc gia, được tuyển thẳng vào Khoa địa lý Kinh tế, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngày học đại học, Đài Phát thanh Liên Xô (cũ) phát động cuộc thi tìm hiểu về Lênin, Hải đã tranh thủ tham gia và giành giải nhì. Phần thưởng là chiếc đài Liên Xô. Tuy nhiên, Hải không dùng, mà bán lấy mấy chỉ vàng rồi cất kỹ. Khi đó, mấy chỉ vàng là một tài sản rất lớn.

Năm 1972, Đài Phát thanh Moscow tổ chức cuộc thi tìm hiểu về đất nước Liên Xô. Cả nước tưng bừng náo nhiệt viết bài dự thi để thể hiện tình yêu với đất nước anh em. Hải coi đây là cơ hội kiếm tiền. Hải đã kỳ công viết bài dày tới 7cm, nặng 4kg và lại giành giải thưởng. Giải thưởng là mô hình tháp truyền hình bằng bạch kim. Hải cũng đem bán nốt lấy mấy chỉ vàng giắt túi làm vốn.

Là sinh viên xuất sắc, nên ra trường, Hải được nhận ngay về Trường PTTH Phù Cừ (Hưng Yên) giảng dạy môn địa lý. Trong suốt 13 năm giảng dạy, Hải liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia.
 
 
Hồi làm giáo viên, ông thầy giáo này vẫn nung nấu làm kinh tế. Hải nhận việc quản lý bếp ăn, rồi đưa cả 3 người em đến vừa học vừa giúp đỡ anh. Bếp ăn của trường Phù Cừ khi đó ngon và rẻ nhất Hưng Yên. Sau này, chuyển sang dạy ở trường Văn Giang, bếp ăn Văn Giang lại nổi tiếng cả tỉnh. Vừa dạy học, vừa nấu ăn kiếm tiền, vừa tranh thủ thả ngan ngoài đồng, Hải có thêm vốn giắt lưng nuôi mộng làm giàu.

Thời kỳ đó, ông đã đọc đủ các loại luận thuyết kinh tế, thuộc làu quy luật kinh tế của Marx, song vẫn chưa tìm được đường đi cho mình trong hoàn cảnh bao cấp lạc hậu, nơi mà mọi thứ đều trói buộc những người có khát vọng làm giàu.

Lần đến thăm nhà một em học sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông Bùi Xuân Hải. Nhà em học sinh này ở Phố Nối. Bố em bị bệnh lao phổi, cứ ôm chiếc bình sứ cũ bẩn để khạc đờm.

Nhìn cảnh phụ huynh cứ dán miệng vào cái bình sứ cáu bẩn, ông Hải đã ra chợ mua tặng chiếc bô sứ khảm trai mới tinh, chuyên dùng để khạc nhổ. Cậu học trò đem chiếc bình cũ đi đánh rửa thì thấy hiện lên hình ảnh các thiếu nữ váy áo thướt tha, với nước men xanh ngọc sang trọng. Thấy chiếc bình đẹp, cậu học trò mang đến tặng thầy.

Lúc đó ông Hải cũng nhận thấy cái bình rất đẹp, màu men lạ, hình 8 thiếu nữ rất sinh động. Gõ lên chiếc bình sứ thì tiếng kêu thanh thoát và vang như tiếng chuồng đồng. Ông Hải đặt chiếc bình lên đôn gỗ. Mỗi lần mệt nhọc, ngắm chiếc bình lại phát hiện ra một vẻ đẹp mới và cảm giác như nó có sức hút ma mị.

Một ngày, người bạn từ Hà Nội đi cùng người nữa về chơi. Thấy chiếc bình cổ, anh này cứ dán mắt vào. Theo anh ta, đó là chiếc bình bát tiên, thuộc loại tối cổ. Sau khi xem xét cả buổi, người này đòi mua với giá 2 cây vàng, bằng mấy ngôi nhà ở quê lúc bấy giờ.

Biết giá trị của cái bình rất lớn, nên ông Hải quyết định không bán. Mấy hôm sau, anh này cũng giới buôn đồ cổ ở Hàng Khay lại tìm về và nâng giá lên 7 cây vàng. Với số tiền khổng lồ đó, ông Hải không thể từ chối. Một cái bình cũ kỹ, mà giá trị bằng 10 năm đứng lớp.

Chỉ một cái bình cũ, mà biến một ông giáo nghèo thành một người giàu, khiến Hải trằn trọc suy nghĩ. Và Hải quyết định làm một việc mà khiến gia đình, đồng nghiệp coi là ngớ ngẩn: săn tìm thu mua bình lọ và tất cả những thứ cũ kỹ. Ngày đó, người dân chưa biết giá trị của những thứ đồ cũ, nên cứ vừa bán vừa cho, do đó, Hải thu mua rất dễ, chẳng mấy mà gom được đầy nhà. Những thứ đó, Hải bán lại cho giới chơi đồ cổ, thu về không biết bao nhiêu tiền của, vàng bạc.

Việc mua bán đồ cổ lên như diều gặp gió. Từ vài cây vàng trong tay, cứ mua đi bán lại, đến năm 1980, chỉ trong khoảng 10 năm, ông Hải đã có trong tay 2 tấn vàng, một số vàng có thể mua được một góc thành phố cảng. Những chuyến tàu chở đầy toa đồ cổ từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, rồi đi các nước đem về cho ông không biết bao nhiêu vàng bạc, đô la. Đồ cổ chất ngập trong ngôi biệt thự khổng lồ ở 14 Phạm Bá Trực. Từ Bắc vào Nam, ông có tổng cộng 200 điểm cất giữ đồ cổ, vì nhà cửa ở Hải Phòng không đủ chỗ để. Cái tên Hải “đồ cổ” bắt đầu nổi danh khắp nước từ đó. Người ta gọi ông Hải là “vua đồ cổ”.

Ông Hải nói vui: “Ngày đó buôn bán vàng bạc châu báu, đồ cổ chả ai cấm. Tôi dùng xe tải chở đồ cổ nghênh ngang ngoài đường, dùng tàu chở đồ cổ đi khắp biển chẳng ai bắt, nhưng hễ chở mấy cân gạo hay vài con ngan là bị gây khó dễ ngay”. Ngành nghề kinh doanh của ông Hải khi đó quả là độc đáo, chẳng ai có thể nghĩ đến được.
(Theo VTC News)

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển