Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 5, 26/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Vũ Trọng Phụng trong cõi trăm năm

Chỉ với gần 10 năm sáng tác trong nghèo nàn, bệnh tật, nhưng với tài năng của mình, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã để lại một di sản văn học quý giá và đồ sộ.

Kiện tướng của làng văn

Năm 2012 này, chúng ta có lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng (20.10.1912- 20.10.2012), đó là một gương mặt của thế hệ đầu nguồn của văn học hiện đại bao gồm các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Khái Hưng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân… Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã để lại những dấu ấn đặc sắc trong di sản thuộc thế hệ vàng đó.

Ký họa nhà văn Vũ Trọng Phụng của cố họa sĩ Chóe.

Đặt cạnh Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, nét riêng của Vũ Trọng Phụng nằm ở giá trị phê phán sắc sảo, quyết liệt nhất đi vào mặt tối tăm, tồi tàn, nhơ nhớp, tệ nạn, ung nhọt trong xã hội thời đó. Với 7 phóng sự, được phong tặng danh hiệu “Vua phóng sự đất Bắc”, ông vạch ra bao nhiêu tệ nạn, đó là cờ bạc (trong “Cạm bẫy người”, mãi dâm (trong “Lục sì”, “Làm đĩ”), con sen đứa ở (trong “Cơm thầy cơm cô”), lấy Tây (trong “Kỹ nghệ lấy Tây”)… Những tệ nạn này cho đến bây giờ vẫn là vấn đề nóng trong xã hội nên có thể nói tác phẩm của ông có tính chất vĩnh cửu.

Về tiểu thuyết, nhà văn họ Vũ có hai cuốn theo đánh giá của tôi thuộc hàng xuất sắc nhất văn học VN là “Giông tố” và “Số đỏ”. Trong “Giông tố”, ông xây dựng được nhân vật phản diện Nghị Hách - điển hình cho tầng lớp quan lại thời đó, sắc nét và sống động hơn tất cả các nhân vật khác như Nghị Quế của Ngô Tất Tố, Nghị Lại của Nguyễn Công Hoan hay Bá Kiến của Nam Cao.

Còn với “Số đỏ”, nhân vật Xuân tóc đỏ của ông là một nhân vật điển hình có ý nghĩa thời đại, không phải là của một thời mà là mọi thời, trong xã hội nào cũng có những nhân vật như Xuân tóc đỏ. Thiên kiệt tác về một gã ưa may “chó ngáp phải ruồi” này quả là có sức sống thế kỷ; nếu thiếu nó thì làm sao mà hình dung được một khái quát nghệ thuật tuyệt vời về trò đời và nhân thế, ở bất cứ đâu, và vào bất cứ thời nào. Sức khái quát luôn luôn sống động, đến như sờ mó được trong những chân dung thực của một thời - Hà Nội, và cũng không riêng Hà Nội - những cụ cố Hồng, bà Phó Đoan, cậu Phước - Em chã, ông Tipphờnờ...

Chỉ với 27 năm tuổi đời và dưới 10 năm tuổi nghề, thế mà Vũ Trọng Phụng đã để lại một khối lượng đồ sộ các tác phẩm trên nhiều thể loại, gồm 9 tiểu thuyết, 7 phóng sự dài, 2 vở kịch dài cùng nhiều chục truyện ngắn, bút ký, tiểu luận, bản dịch... Đó là một kỷ lục viết không chỉ người đương thời mà cho đến nay chắc chắn chưa có ai sánh bằng, có thể gọi ông là “kiện tướng trong làng văn học VN hiện đại”.

Án oan 50 năm

Vũ Trọng Phụng viết trong cái “nghèo gia truyền” như lời nhà văn Ngô Tất Tố, một thân hình ốm đau quặt quẹo lại mắc bệnh lao, mà ông vẫn phải gắng gượng để gánh vác 4 người đàn bà gồm bà, mẹ, vợ, con. Và chính vì thế, Vũ phải tìm đến thuốc phiện, như có lần Vũ nói với Nguyễn Triệu Luật: “Tôi phải dùng cái này mới sống đến ngày nay đó ông ạ. Thầy thuốc bảo rằng có hút thì mới khỏi được. Nghiện thuốc phiện thì đê tiện thật, nhưng còn hơn chết chứ! Tôi, trên còn bà, còn mẹ, dưới còn vợ, còn con. Bằng ấy người già dại trông vào tôi. Tôi chết... tính ra làm sao? Bởi thế, tôi đành hút thuốc phiện”.

Suốt cả đời ông chỉ quanh quẩn ở Hàng Bạc, Sầm Công, Cầu Gỗ, xa lắm thì cũng chỉ di chuyển đến Thái Hà, Ngã Tư Sở - Thanh Xuân... thế mà sức viết sao mà cường tráng đến vậy; năng lực bao quát xã hội lại rộng rãi và kỹ lưỡng đến vậy; sức công phá lại quyết liệt và sắc sảo đến vậy... Chỉ với cây bút, ông dám đối mặt với cái xấu, cái ác gần như bủa vây bốn phía, đến từ những kẻ có tiền, có quyền...

Ngày 22.10, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng. Nhân dịp này, những nhà nghiên cứu, những độc giả sẽ cùng nhìn nhận những thành tựu sáng tác của ông - di sản đặc sắc của thế hệ vàng văn chương Việt Nam hiện đại.

Suốt 50 năm, từ 1939 đến 1989, trong dòng văn học hiện thực, Vũ Trọng Phụng phải chịu một án oan khi ông từ chỗ là “kiện tướng của trào lưu hiện thực” biến thành “người dẫn đầu chủ nghĩa tự nhiên trong văn học”. Thời ấy, đã có những ý kiến cho rằng Vũ Trọng Phụng đề cao bản năng con người, kích động bản năng con người, rơi vào “tự nhiên chủ nghĩa” khi miêu tả những cảnh liên quan tới dục tính.

Lại thêm một vài bài viết vào năm 1937 trong đó ông tỏ ra không phân biệt được Đệ tam và Đệ tứ quốc tế và có những lời có phần bất kính đối với các lãnh tụ Lênin và Stalin... Kể từ đây Vũ Trọng Phụng, cùng với Tự lực văn đoàn và Thơ mới chính thức trở thành một “vùng cấm” trong sinh hoạt phê bình- lý luận văn học và giáo dục ở học đường trên miền Bắc cho đến 1975; và tiếp tục kéo dài trên cả nước cho đến ngày 12.10.1989 là ngày Viện Văn học chủ trì việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Vũ Trọng Phụng, ở Văn Miếu (Hà Nội), trong không khí đổi mới, trước yêu cầu nhận thức và thẩm định lại các giá trị của quá khứ.

Từ đó trở đi, Vũ Trọng Phụng mới được nhìn nhận lại là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học hiện thực, theo tôi, có lẽ ông chỉ xếp sau Nam Cao. Một nhà văn cuộc đời ngắn ngủi nhưng tên tuổi thì bất tử, bởi di sản ông để lại đã vượt ra ngoài cõi trăm năm.

theo danviet.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển