EVFTA đi vào thực thi không chỉ thúc đẩy xuất khẩu nông sản chủ lực, mà còn giúp Việt Nam thu hút công nghệ chế biến hiện đại của EU thông qua thu hút FDI.
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
|
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Thưa Bộ trưởng, trong những ngày vừa qua, ngành nông nghiệp liên tiếp đón nhận tin vui khi nhiều nông sản chính thức lên đường xuất khẩu sang EU. Đây là tín hiệu cho thấy, cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường EU đang rất rộng mở?
Trong tuần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức lễ xuất khẩu cà phê và chanh leo sang EU; phối hợp với tỉnh Bến Tre tổ chức lễ xuất khẩu trái cây sang thị trường này sau khi được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trước đó, lễ xuất khẩu tôm sang EU theo EVFTA cũng đã được tổ chức tại Ninh Thuận.
Có được những tín hiệu tốt như vậy là do ngành nông nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Ngay trong quá trình đàm phán ký kết EVFTA, nông nghiệp được xác định là ngành có nhiều lợi thế.
Một là, có thể đẩy mạnh thương mại xuất khẩu nông sản ở một số nhóm mặt hàng đang có lợi thế như tôm, cà phê, trái cây, gạo...
Hai là, thông qua việc thực thi EVFTA, chúng ta có thể tiếp thu, thu hút công nghệ chế biến hiện đại của EU thông qua thu hút FDI.
Ba là, các doanh nghiệp Việt có thể nâng cao năng lực quản trị thông qua những chương trình hợp tác đào tạo quản lý, tập huấn; nâng cao kỹ năng phát triển thị trường để cùng nhau phát triển.
Với những lợi thế này, ngay từ đầu, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Bộ Công thương, các doanh nghiệp và nông dân tích cực chuẩn bị các điều kiện; đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu tổ chức nguyên liệu, chế biến sâu đến tiêu thụ sản phẩm…
Chính vì vậy, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, chúng ta đã đón bắt được cơ hội, tập trung đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu để tận dụng ưu đãi về hạn ngạch thuế quan. Theo thống kê sơ bộ, chỉ sau 1 tháng thực hiện EVFTA, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 tăng 15 - 17% so với tháng 7.
Bên cạnh sự chỉ đạo, hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, để có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA, yếu tố quyết định vẫn nằm ở doanh nghiệp. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của các doanh nghiệp tiên phong thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang EU?
Rõ ràng, trong chuỗi sản xuất, doanh nghiệp là hạt nhân rất quan trọng. Họ không chỉ đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào ứng dụng, mà còn tổ chức xuất khẩu thương mại.
Do vậy, phải hết sức chăm lo khối này, kể cả doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Từ đó, đảm bảo tốt khâu liên kết với bà con nông dân để hình thành chuỗi khép kín, hình thành một nền nông nghiệp hiện đại. Đây là phương châm chung để đảm bảo thắng lợi trong hội nhập quốc tế ở lĩnh vực nông sản.
Vậy theo Bộ trưởng, cần phải ưu tiên những giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu và chinh phục thị trường EU?
Thị trường EU đang mở ra những cánh cửa vô cùng rộng lớn cho nông sản Việt, nhưng để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tập trung các đơn hàng cho những ngành hàng có lợi thế như rau, quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây công nghiệp (chè, cà phê, hạt điều…); tập trung đẩy nhanh hơn sản xuất theo chuỗi, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, cần chuẩn bị tốt kỹ năng thương mại để tận dụng các lợi thế từ EVFTA.
Song song đó, trong dài hạn, cần có các giải pháp căn cơ, bền vững để đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi, liên kết chặt chẽ với nông dân, hình thành quy trình khép kín, từ tổ chức nguyên liệu, chế biến, thương mại.
Chúng ta phải xác định, với thị trường EU, không chỉ khai thác giá trị từ xuất khẩu, mà còn thông qua thị trường này làm tín chỉ để chứng minh trình độ sản xuất của nông dân Việt Nam, chứng minh hàng Việt có thể đi đến bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Với lợi thế từ thị trường EU, khả năng hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông sản 41 tỷ USD trong năm 2020 ra sao, thưa Bộ trưởng?
Cũng như các ngành kinh tế khác, ngành nông nghiệp đang cố gắng đạt mục tiêu kép của năm 2020, đó là vừa đảm bảo phòng, chống Covid-19, vừa nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra, trong đó có mục tiêu xuất khẩu.
Để hoàn thành mục tiêu này, từ đầu năm đến nay, các chính sách đã được thực hiện rất uyển chuyển. Vì vậy, sau 8 tháng, kết quả đạt được khá tích cực. Riêng trong tháng 8 vừa qua, chúng ta có cơ hội rất tốt là Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Ngành nông nghiệp xác định, đây là dư địa để tập trung và triển khai ngay các nhóm ngành hàng lợi thế.
Với đà này, trong những tháng còn lại của năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy nhanh hơn sản lượng xuất khẩu đi thị trường EU, đồng thời vẫn tiếp tục tập trung cho các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản...
Bên cạnh chương trình bao trùm là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Tái cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy khác. Ví dụ, từ nay đến cuối năm, có khoảng 10 - 12 dự án lớn sẽ được khánh thành và khởi công, tập trung nhiều vào khâu yếu nhất hiện nay là chế biến nông sản.
Với quyết tâm cao nhất, đồng bộ nhất, ngành nông nghiệp tin tưởng, năm nay sẽ đạt chỉ tiêu tích cực nhất.
Thu Phương
Nguồn: baodautu.vn