Để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế không có con đường nào khác là phải có chiến lược phát triển con người, tái cơ cấu nguồn nhân lực, nhất là hiện nay nước ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, lao động trẻ chiếm gần 40% dân số cả nước.
|
Cần phải có chiến lược phát triển con người, tái cơ cấu nguồn nhân lực, xã hội hóa trong dạy nghề, dạy ngoại ngữ. Ảnh minh họa |
Tháng 10/2014, Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10, Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn với 15 HCV, 6 HCB. Trong khi đó, Singapore là quốc gia có năng suất lao động đứng thứ nhất trong khu vực lại về vị trí thứ tư thi tay nghề.
Trong 7 năm Việt Nam tham gia thi tay nghề ASEAN, có 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn là các năm 2004, 2006, 2014.
Ngược lại về năng suất lao động, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố Việt Nam thấp nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần và chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan.
Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng lao động Việt Nam mới đạt 3,79 điểm (theo thang điểm 10), xếp vị trí 11 trong 12 nước châu Á tham gia xếp hạng…
Vì sao có nghịch lý như vậy, phải chăng lao động Việt Nam trình độ kém hơn so với các nước trong khu vực? Tại sao thi tay nghề, thi Olympic quốc tế, thi Robocon châu Á-Thái Bình Dương đạt thứ hạng cao?... Hay là Việt Nam mới chỉ làm tốt trong việc tuyển lựa lao động để đào tạo trong một số trường nghề và trường chuyên? Còn 53 triệu dân trong độ tuổi lao động thì sao?
Mặc dù trong thời gian gần đây Đảng và Chính phủ đã ban hành luật, chính sách liên quan đến giáo dục, dạy nghề, đầu tư phát triển nhiều trường nghề, trường mầm non, trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng,… song cho đến nay đang còn nhiều bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực: Lao động ở nông thôn chiếm đến 47% so với lao động cả nước, nhưng chỉ có 11,2% qua đào tạo, 88,5% chưa được trang bị kiến thức về khoa học, công nghệ.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa nhiều; sản xuất còn nhỏ lẻ…; ở thành thị mới có 33,7% qua đào tạo, 66,1% chưa được trang bị kiến thức chuyên môn.
Các doanh nghiệp trong nước còn lạc hậu về công nghệ có nhiều công đoạn sản xuất còn thô sơ, tốn nhiều nhân công, hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp… Hệ thống giáo dục và dạy nghề đổi mới chậm, đào tạo chưa gắn với yêu cầu của thị trường, dạy chữ chưa gắn với dạy nghề, dạy người và dạy ngoại ngữ…
Tình trạng trên chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của nước ta thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Cần phải tái cơ cấu nguồn nhân lực
Để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế không có con đường nào khác là phải có chiến lược phát triển con người, tái cơ cấu nguồn nhân lực, xã hội hóa trong dạy nghề, dạy ngoại ngữ,… nhất là hiện nay nước ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, lao động trẻ chiếm gần 40% dân số cả nước và đang hội nhập sâu vào khu vực và thế giới.
Vì vậy, để chớp lấy thời cơ có một không hai và vượt qua thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ và quyết liệt để thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và dạy nghề, tinh giản bộ máy tổ chức và cán bộ, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Với trí tuệ sẵn có của người Việt Nam, nếu được đầu tư đúng tầm và quyết tâm đổi mới trong tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, chắc chắn lao động Việt Nam trong thời gian tới sẽ đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi khu vực và thế giới, năng suất lao động được nâng cao, không thua kém các nước trong khu vực.
Ngày 31/12/2015 đã đến gần, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, các quốc gia thành viên chỉ còn chung một thị trường. Nếu năng suất và chất lượng lao động được nâng lên, lao động Việt Nam sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập.
TS. Hồ Văn Hoành
Phó Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển
nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam
Theo Báo Điện tử Chính phủ