Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 5, 25/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

VIỆT NAM CÓ THÊM NHỮNG TỶ PHÚ ĐÔ LA: KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ DOANH NGHIỆP VIỆT; TỶ PHÚ SINH RA KHÔNG CHỈ LÀM GIÀU CHO HỌ

Việt Nam có thêm những tỷ phú đô la: Khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2018. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet, Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hòa Phát và ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco.
Theo các chuyên gia kinh tế và cộng đồng DN, đây là một tin đáng mừng. Với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), quyết tâm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự nỗ lực của DN, dự báo thời gian tới, Việt Nam chắc chắn sẽ có thêm nhiều tỷ phú USD. Tuy nhiên, để khẳng định thương hiệu của mình trên bản đồ kinh tế quốc tế, DN Việt vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
 
TTCK đi lên, DN tốt, giá trị tài sản tăng
Theo danh sách của của Forbes, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long đang nắm giữ khối tài sản trị giá 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trên thế giới. Tài sản của ông Dương và gia đình ước tính khoảng 1,8 tỷ USD, đứng thứ 1.339. Chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng nằm trong Top 500 người giàu nhất hành tinh, ở vị trí 499 với tài sản 4,3 tỷ USD. Đây là năm thứ 6 liên tiếp người đứng đầu Vingroup có tên trong danh sách này. CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo lần thứ 2 được Forbes xướng tên trong Top tỷ phú thế giới với tài sản 3,1 tỷ USD, tăng 1,9 tỷ USD so với năm ngoái và đứng ở vị trí 766 trên bảng xếp hạng.
Đây không chỉ là tin vui của riêng 4 DN mà còn là tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam nói chung và các DN nói riêng. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ngoài các yếu tố nội tại phát triển sản xuất kinh doanh DN thì việc TTCK Việt Nam thời gian qua tăng mạnh, VN-Index lên trên 1.000 điểm cũng khiến tài sản của các tỷ phú này tăng lên.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội TS Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, thị trường tốt, bản thân nội tại DN tốt nên giá trị cổ phiếu của họ theo đó tăng lên. Nếu DN không tốt thì dù thị trường có phi mã cũng khó gia tăng bền vững như thời gian qua. Bản thân các DN của 4 tỷ phú này đã có nhiều hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng giá trị tài sản một cách hiệu quả bằng việc mua bán, sáp nhập…
Viết thêm tên những DN Việt - nhiều việc phải làm
Theo danh sách lần thứ 32 của Forbes, đây là năm thế giới có số tỷ phú kỷ lục. Số người có tài sản hàng tỷ USD là 2.208 người. Có thể thấy, con số 4 trong hơn 2.200 tỷ phú của Việt Nam vẫn rất nhỏ. Và quy mô tài sản cũng như DN Việt Nam vẫn ở vị trí thấp và trung bình trong danh sách này.
Một trong những vấn đề được các chuyên gia nhắc đến là dù số lượng người giàu Việt Nam tăng nhưng chênh lệch giàu nghèo vẫn lớn, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. “Chúng ta có 4 tỷ phú USD nhưng bình quân GDP mới chỉ có 2.500 USD/năm. Con số này quá nhỏ bé nếu so với các nước xung quanh như Singapo 40.000 USD/người/năm, Thái Lan 10.000 USD/người/năm…”- TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ. Về mặt kinh doanh, Việt Nam hiện có nhiều mặt hàng có lợi thế như gạo, café… nhưng các DN Việt phần lớn chưa tạo được thương hiệu trên toàn cầu.
Ở một góc độ khác, TS Mạc Quốc Anh cũng đánh giá, các DN của 4 tỷ phú Việt năm này vẫn chủ yếu lớn ở quy mô trong nước. Trong khi nhiều tên tuổi trong danh sách Forbes là các DN mang tầm toàn cầu ở các lĩnh vực mang tính xu hướng như thương mại điện tử, CNTT, thời trang….
Vì vậy, các chuyên gia và DN cho rằng, để viết tên trên bản đồ quốc tế, trước hết các DN Việt cần nâng cao khả năng nội tại của mình, nâng cao năng lực lao động, thay đổi quản trị, tạo dựng thương hiệu… Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế tháo gỡ rào cản để các DN phát triển năng lực của họ.

"Thông tin Việt Nam ngày càng có thêm nhiều tỷ phú đô la là một động lực để nhiều DNNVV phấn đấu. Ngoài ra, với khối DN này, đây cũng là một cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, tìm cơ hội để hợp tác, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh." - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội Mạc Quốc Anh

 

NHA TRANG

 

Tỷ phú sinh ra không chỉ làm giàu cho họ

Việt Nam có 4 tỉ phú, đó là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị PhươngThảo, Chủ tịch Hoà Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, theo công bố của Tạp chí Forbes về danh sách tỉ phú thế giới năm 2018.

Các tỉ phú người Việt từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Trần Bá Dương theo công bố mới nhất của Tạp chí Forbes. Ảnh: A.C

 
Các tỉ phú người Việt từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Trần Bá Dương theo công bố mới nhất của Tạp chí Forbes. Ảnh: A.C/LĐO

Đất nước thêm một tỉ phú, chúng ta thêm niềm tự hào. Nhưng không chỉ thế, có một tỉ phú, thị trường lao động có thêm hàng vạn việc làm, ngân khố có thêm hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế mỗi năm. Và quan trọng hơn, họ tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có giá trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các công trình đô thị, khu dân cư của các tập đoàn này mọc lên ở đâu, diện mạo đô thị ở đó thay đổi, khang trang, đẹp đẽ, văn minh hơn.

Các sản phẩm ôtô từ xe tải, xe bus đến xe du lịch của Thaco đã biến thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu sang thế chủ động một phần, tỉ lệ nội địa hóa không chỉ làm lợi riêng cho hãng xe, mà làm sống dậy các ngành nghề liên quan. Chỉ nhập khẩu thôi không thể tạo ra được các giá trị và tác động kinh tế xã hội như vậy.

Hãng Vietjet ra đời, người nghèo đi máy bay dễ dàng hơn, cạnh tranh dẫn đến lợi ích cho khách hàng, điều này không cần phân tích nhiều vì đã quá rõ. Không có con người dám nghĩ, dám làm những điều tưởng chừng như không tưởng đó, sẽ không có thêm những đội tàu bay vận chuyển hàng triệu lượt hành khách với giá rẻ, đi lại thuận tiện trong nước và quốc tế trong những năm qua. Xin lưu ý, Nhà nước không tốn một đồng cho những đội tàu bay này.

Nhưng, giá trị của các tỉ phú dẫn dắt các tập đoàn mang lại không chỉ có thế. Quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp của họ không đơn giản chỉ có thuận lợi, mà vấp phải rất nhiều khó khăn, rào cản, họ đã vượt qua được bằng nỗ lực của chính họ và bằng sự hỗ trợ của chính sách, đó chính là sự đồng hành của doanh nghiệp với Nhà nước. Có những chính sách được tạo ra từ sự tác động từ quá trình phát triển doanh nghiệp.

Còn nhớ tại buổi tọa đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 14 tập đoàn kinh tế tư nhân ngày 3.9.2017, Thủ tướng đặt ra các câu hỏi: “Vì sao kinh tế tư nhân ở Việt Nam chưa phát triển? Do môi trường kinh doanh hay thuế khoá, lao động...? Nhà nước phải làm gì trong giai đoạn hiện nay?”.

Vậy thì, phải có thực tiễn, phải từ mồ hôi, nước mắt, sự trả giá của các doanh nghiệp tư nhân, mới có được lời giải thông minh từ chính sách.

LÊ THANH PHONG

Nguồn: kinhtedothi.vn; laodong.vn

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển