Dường như mô hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp FDI chỉ là nhập khẩu - lắp ráp - xuất khẩu. Như vậy, lợi ích của FDI sẽ chỉ là ngắn hạn khi Việt Nam thiếu vốn, thừa lao động.
Tạo nguồn nhân lực có kỹ năng để hút FDI chất lượng cao
Một lợi ích thường được nhắc đến trong việc thu hút đầu tư nước ngoài là sự lan tỏa về công nghệ và kinh nghiệm quản lý thông qua các mối quan hệ thương mại và lao động giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp và lao động trong nước. Vậy nhưng, khảo sát chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI cho thấy hiệu ứng lan tỏa của các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam là không lớn.
Ông Jim Winkler- Giám đốc dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAD/VNCI) cho biết: “Những nhận định về thiếu tính liên kết với khu doanh nghiệp trong nước đã được đề cập trong báo cáo PCI năm 2010 tiếp tục được khẳng định khi kết quả khảo sát PCI 2011 cho thấy doanh nghiệp FDI nhập khẩu tới 57,5% hàng hoá, dịch vụ trung gian. Chỉ khoảng 40% hàng hoá, dịch vụ trung gian được mua trong nước và chỉ 2% trong số này do các doanh nghiệp tư nhân trong nước cung cấp”.
Mối liên kết lỏng lẻo giữa FDI và doanh nghiệp trong nước cùng với sự phổ biến của hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài khiến Việt Nam không thu được nhiều lợi ích vô hình về chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý. Dường như mô hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp FDI chỉ là nhập khẩu - lắp ráp - xuất khẩu. Như vậy, lợi ích của FDI sẽ chỉ là ngắn hạn khi Việt Nam thiếu vốn, thừa lao động. Còn vai trò của FDI trong việc góp phần đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế năng động, sáng tạo và có khả năng phát triển bền vững là rất hạn chế.
Theo ông Jim Winkler, rõ ràng, sự thiếu liên kết với khu vực kinh tế tư nhân trong nước rất đáng lo ngại do hạn chế cơ hội doanh nghiệp trong nước tận dụng lợi thế về công nghệ và cải thiện năng suất. Ông Jim cho rằng, “các chương trình đào tạo và tập huấn kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận và sử dụng tốt hơn vốn và công nghệ của doanh nghiệp FDI”.
Điều đáng lưu ý là dù đánh giá thấp nỗ lực kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương nhưng các doanh nghiệp FDI không coi đó là vấn đề. Họ còn thậm trí không quan tâm đến các yếu tố đảm bảo tính bền vững của môi trường kinh doanh như bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo thực thi hợp đồng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Khảo sát PCI 2011 cho thấy các doanh nghiệp FDI đều đánh giá cao các yếu tố: chi phí lao động; ổn định chính trị; chất lượng lao động; và ưu đãi thuế và đất.
Điều này thể hiện tư duy kinh doanh ngắn hạn, nhất thời, thường thấy ở những mô hình kinh doanh nhỏ, gọn, linh hoạt, có thể điều chỉnh nhanh chóng. Họ không quan tâm đến bảo vệ sở hữu trí tuệ vì có lẽ họ thường sản xuất những mặt hàng có hàm lượng chất xám thấp (giày dép, quần áo) và cung ứng cho thị trường bên ngoài.
Ngừng việc thu hút FDI bằng mọi giá
Trên thực tế nhiều năm qua cho thấy, chính sách thu hút FDI của các địa phương Việt Nam chưa chú trọng đến chất lượng mà chủ yếu nhắm đến số lượng nhằm nhanh chóng khai thác nguồn nhân lực dồi dào và tài nguyên thiên nhiên sẵn có. GS Đặng Hùng Võ cũng đã từng nêu thực trạng: “Tỉnh nào cũng muốn phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế để đưa tỷ lệ công nghiệp hóa tỉnh mình lên cao nhất. Các tỉnh cạnh tranh nhau bằng giải pháp ưu đãi đầu tư, tạo lợi ích kinh tế cao nhất cho các nhà đầu tư. Đôi khi còn bỏ qua mọi vấn đề để níu kéo nhà đầu tư”.
Trong khi đó, vẫn đề bao trùm là phát triển bền vững cấp tỉnh phải được đặt dưới quy hoạch phát triển bền vững của cả nước. Không phải tỉnh nào cũng phát triển tràn lan, bất kỳ thể loại nào miễn là nhà đầu tư đề xuất.
Thực tế cũng cho thấy, các địa phương đã tranh thủ sự phân cấp quản lý của chính quyền trung ương để đề ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư dễ dãi về thuế và đất, nhằm thu hút FDI bằng mọi giá để tận dụng nguồn nhân lực địa phương, tăng thu ngân sách, cải thiện thu nhập của người dân địa phương. Hiện tượng chính quyền địa phương ưu tiên doanh nghiệp FDI không phải là hiếm vì theo khảo sát PCI năm 2011 gần 30% doanh nghiệp tư nhân trong nước đồng ý với điều đó.
Theo nhân tích của nhóm nghiên cứu PCI 2011, cuộc chạy đua hút FDI như đã nói ở trên sẽ không đem lại lợi thế đáng kể nào cho từng địa phương vì nơi nào cũng có ưu đãi và những ưu đãi này cũng không quá khác biệt nhau (vì thẩm quyền của các tỉnh có giới hạn). Vì vậy các địa phương không thể kéo nhà đầu tư vào tỉnh mình chỉ bằng ưu đãi. Mặt khác, chạy đua về ưu đãi thường chỉ thu hút được những doanh nghiệp sản xuất giản đơn, không có sức cạnh tranh về công nghệ và phụ thuộc vào cắt giảm chi phí để tồn tại. Họ có thể tạo ra việc làm cho người dân địa phương nhưng chắc chắn đó không phải là những việc làm có mức lương cao. Hiện nay, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp FDI còn trả lương thấp hơn so với doanh nghiệp trong nước.
Hút FDI chất lượng cao
Theo nhóm nghiên cứu PCI, nâng cao năng suất, mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia, Việt Nam cần chú trọng thu hút FDI chất lượng cao.
Để giữ chân được các nhà đầu tư hiện tại cũng như thu hút được dòng vốn FDI có giá trị gia tăng cao trong tương lai, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường cải thiện chính sách giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng cao. Một ví dụ thực tế từ Công ty Intel, trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam Intel đã khảo sát nguồn nhân lực ở các địa phương và lựa chọn TP HCM - nơi có lực lượng lao động ngành công nghệ thông tin lớn nhất và có chất lượng tốt hơn các nơi khác.
Điểm thứ hai là tạo ra cộng đồng doanh nghiệp trong nước đủ mạnh, đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp FDI. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sang khảo sát thị trường Việt Nam để tìm đối tác cung cấp linh phụ kiện trước khi đầu tư mở nhà máy đã phải thất vọng vì không tìm được nhà cung cấp phù hợp.
Cải thiện môi trường thể chế là giải pháp bền vững, lâu dài để thu hút đầu tư, kể cả FDI và đầu tư trong nước. Môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục đơn giản, ít rào cản và chính sách ổn định, dễ tiên liệu sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, giảm chi phí và giảm rủi ro cho họ. Hiện nay Việt Nam còn nhiều hạn chế về đầu tư nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực (ví dụ bán lẻ, tài chính-ngân hàng). Nhiều rào cản này không còn phù hợp với tình hình thực tế và lợi ích chung của đất nước. Cắt bỏ những rào cản này sẽ tạo hấp lực thu hút FDI nhiều hơn.
Cuối cùng, việc ký kết các thỏa thuận thương mại song phương và khu vực cũng là một biện pháp hữu hiệu trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và trong tương lai gần sẽ đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.
Hai thỏa thuận này hứa hẹn là những tiền đề quan trọng cho một làn sóng đầu tư mạnh đến từ những nước có nền tảng công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật và EU./.
vov.vn