Một đối tượng quan tâm khác, đó chính là cộng đồng doanh nghiệp Việt. Bao nhiêu năm, doanh nghiệp, doanh nhân làm giàu (giàu thiệt) bằng các sản phẩm gì? Không ít người đi lên từ bất động sản, mua đất làm dự án, bán căn hộ, bán đất nền. Đôi khi, cũng chỉ một miếng đất, trao qua đổi lại, nhiều người cùng giàu. Nhưng suy cho cùng, chẳng làm ra được của cải vật chất đáng giá cho xã hội ngoài những sản phẩm nhà ở. Tất nhiên là làm được gì cũng tốt, cũng có đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Còn nhiều sản phẩm khác nữa, nhưng chưa có doanh nghiệp nào mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ, những sản phẩm không khai thác tài nguyên đất đai, quặng mỏ, mà khai thác tài nguyên là trí tuệ của con người. Viện nghiên cứu có rất nhiều, kể ra không hết, nhưng sản phẩm công nghệ phục vụ cho sản xuất, ứng dụng được trong cuộc sống quá thiếu vắng. Mỗi năm, ngân sách nhà nước dành 2% cho khoa học công nghệ, số tiền này chia nhỏ ra cho các trường, viện, địa phương. Ai cũng có chút tiền để tiêu, có vài công trình khoa học để báo cáo. Các công trình đó không cần ứng dụng vào sản xuất, nó chỉ nhằm đối phó với các thủ tục thanh quyết toán. Còn doanh nghiệp nhà nước thì sao? Có vài đơn vị có tiềm lực, nhưng nghĩ ra kế sách thành lập một viện nghiên cứu để làm ra sản phẩm công nghệ thì quá ít ỏi. Nay, một tập đoàn tư nhân, đầu tư cho nghiên cứu khoa học thì quả là rất đáng quý. Rõ ràng Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn sinh ra từ khát vọng lớn. Viện có Quỹ Nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng với mức đầu tư 1.000 tỉ đồng trong ba năm, tài trợ cho những dự án đạt chất lượng được hội đồng khoa học thẩm định với mức kinh phí không có trần. Và đối với sản phẩm có thể thương mại hóa tốt, sẽ hỗ trợ để sản xuất thành phẩm. Các nhà khoa học, các nhà phát minh, sáng chế có một địa chỉ để giới thiệu sản phẩm, và sẽ có sự hỗ trợ tối đa về tài chính để thực hiện dự án. Chưa kể, Viện còn tập hợp các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, phục vụ cho nghiên cứu và làm ra các sản phẩm công nghệ chất lượng cao. Nhiều người nói đến cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng làm gì với cuộc cách mạng này thì chưa thấy. Mong rằng, sẽ có thêm doanh nghiệp bắt tay “xã hội hóa” nghiên cứu khoa học cho khoa học tiến nhanh, bắt kịp với “đoàn tàu 4.0”.