Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 5, 28/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

VÌ SAO 13 CHÁU ĐI DU HỌC, 12 CHÁU KHÔNG VỀ?

 Vì sao 13 cháu đi du học, 12 cháu không về?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, TP.HCM đã day dứt đặt ra câu hỏi đó trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 2015 và kế hoạch năm 2016 sáng 2-11.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa 
Ông Nguyễn Ngọc Hòa 

Theo ông Hòa, chuyện 13 học sinh nhận học bổng của cuộc thi “đường lên đỉnh Olympia” đi du học, 12 cháu ở lại nước ngoài làm việc chỉ là một ví dụ minh họa cho tình trạng bức xúc trong sử dụng nhân tài.

Chúng ta có trăn trở việc này không?

“Về nguồn nhân lực, tôi thấy dân tộc ta có truyền thống hiếu học, hiện nay cộng đồng dân cư đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ được đi học bài bản ở nước ngoài, nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu rất mong muốn về làm việc trong nước nhưng rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác” - ông Hòa nhận xét.

Rồi ông đặt vấn đề: “Chúng ta có trăn trở việc này không, trong khi đó nhiều địa phương đang cố gắng cân đối ngân sách cho chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ?”

“Vì vậy, tôi kiến nghị thời gian tới cần có sự đột phá mạnh mẽ trong việc thu hút, sử dụng nhân tài, hết sức chú trọng nguồn nhân lực đã được xã hội đầu tư bài bản, chứ không chỉ dựa vào nguồn nhân lực nhà nước đầu tư đào tạo.

Làm thế nào có thể thu hút lực lượng này vào làm việc trong hệ thống chính trị thông qua cơ chế thi tuyển rộng rãi, công khai, minh bạch dựa trên các tiêu chí tuyển chọn khách quan, khoa học”.

Đồng thời phải có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để tinh giảm bộ máy và rà soát, hợp lý hóa các đầu mối, hợp nhất các bộ phận tránh chồng chéo, tiết giảm chi phí bộ máy để có điều kiện nâng cao thu nhập cho những người lao động làm việc có hiệu quả.

Cần tạo ra những động lực mới

Ông Hòa cho rằng trong năm 2015 có hai thành tựu nổi bật: một là bảo đảm tăng trưởng kinh tế 6,5%, bảo đảm thu ngân sách là thành công lớn; hai là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt đã ký kết TPP, tạo cơ hội để VN cân bằng thương mại, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhận định cho cả giai đoạn, ông Hòa cho rằng “động lực tăng trưởng đến nay đã đạt mức bão hòa, các nguồn lực phát triển cần phải được tạo ra những động lực mới, trong đó đặc biệt là động lực cải cách thể chế và khoa học công nghệ để mở ra chu kỳ mới phát triển về chiều sâu và phát triển bền vững”.

“Thứ hai là tôi quan tâm đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Theo diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của VN sếp thứ 56/140 là mức thấp so với các nước trong khu vực (Singapore thứ 2, Malaysia 18, Thái Lan 32, Indonesia 37)” - ông nói.

Vẫn theo ông Hòa, phân tích sâu các yếu tố hình thành nên chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, chúng ta thấy rằng VN cũng có những chỉ số được xếp hạng cao (ví dụ quy mô thị trường được xếp hạng 33, hiệu quả thị trường lao động ở mức trung bình khá là 52, trong khi đó chúng ta đạt mức thấp về thể chế là 85, về sự phát triển thị trường tài chính 84, giáo dục - khoa học thứ 95, trình độ công nghệ 92 và đặc biệt là độ tinh vi trong tổ chức và quản trị doanh nghiệp đứng thứ 100).

Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Nguồn lực phân bổ của chúng ta thời gian qua còn chưa hợp lý, hoặc là thủ tục phức tạp, chi phí để tiếp cận nguồn lực cao dẫn đến chi phí sản xuất cao, làm cho giá thành không cạnh tranh được. Các lực lượng trong xã hội thiếu động lực kích thích, dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn mang tính cầm chừng.

Cần 2 triệu doanh nghiệp

Đại biểu Hòa cho biết, cả nước có 800.000 doanh nghiệp đăng ký nhưng chỉ có khoảng 500.000 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. VN chưa có những doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ thì tụt hậu, năng lực quản trị thì trình độ thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trong hội nhập.

“Về đột phá chiến lược nguồn lực, tôi thấy rằng chúng ta chưa đạt được như mong đợi. Tôi kiến nghị cần xã hội hóa trong việc phân bổ các nguồn lực để mọi thành phần, mọi lực lượng trong xã hội đều có cơ hội tiếp cận nguồn lực một cách bình đẳng, dễ dàng và thuận lợi” - ông Hòa nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị đẩy nhanh tiến trình cổ phần hòa để huy động và phát huy tối đa động lực xã hội vào phát triển kinh tế, đồng thời giảm tải cho bộ máy nhà nước để bộ máy này không phải tập trung quản lý doanh nghiệp mà tập trung vào vai trò kiến tạo, tạo môi trường cho xã hội và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động.

Tập trung cải cách thể chế để việc tiếp cận nguồn lực được thực hiện với thủ tục đơn giản và chi phí thấp nhất. Đặc biệt là chúng ta phải quan tâm xây dựng những thể chế mới phù hợp với yêu cầu của quá trình thực hiện các cam kết quốc tế (việc thực hiện các cam kết, đặc biệt là TPP đòi hỏi những thay đổi mạnh mẽ về thể chế).

Có giải pháp phát triển mạnh mẽ lực lực doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, đây là lực lượng quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới. Chúng ta phấn đấu 5 năm tới đưa lực lượng doanh nghiệp VN lên khoảng 2 triệu.

Có chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tập trung hỗ trợ, xây dựng một số doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ công nghệ tiên tiến, có năng lực quản trị hiện đại thuộc các thành phần kinh tế chứ không phải chỉ tập trung vào các tập đoàn nhà nước.

Có những chính sách cụ thể, khả thi cao để thúc đẩy doanh nghiệp tập trung vào đổi mới công nghệ, đẩy nhanh áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Vì sao du học sinh không về?

Câu hỏi “Vì sao 13 cháu du học, 12 cháu không về?” của đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) sáng 2/11 tại diễn đàn Quốc hội một lần nữa thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Dường như không khó trả lời khi trò chuyện với chính những du học sinh từng phân vân giữa hai ngã rẽ: ở lại hay trở về...

Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin về du học các trường ĐH Pháp - Ảnh: Như Hùng
Phụ huynh và học sinh tìm hiểu thông tin về du học các trường ĐH Pháp.

Về: Chỉ có lý do là gia đình

PGS.TS Trương Anh Hoàng (ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ thời điểm gần 10 năm trước khi nhận bằng tiến sĩ ngành công nghệ thông tin tại Na Uy, ông cũng từng có ý định ở lại, tiếp tục thực hiện dự án nghiên cứu theo lời mời của thầy hướng dẫn.

Sau này, vì lý do gia đình, ông về nước, nhưng trong thâm tâm khi ấy thực chất vẫn nung nấu sau khi giải quyết xong việc cá nhân sẽ trở lại Na Uy.

Còn TS Đỗ Thành Trung (32 tuổi, hiện công tác tại Công ty Vinaconex) chia sẻ, dù từng có ý định ở lại sau thời gian làm nghiên cứu sinh tại Pháp, nhưng lựa chọn cuối cùng của anh lại là trở về quê hương.

TS Trung giải thích lý do quan trọng và có ý nghĩa lớn nhất cho quyết định trở về chính là gia đình.

Dù đánh giá lạc quan môi trường làm việc ở Việt Nam có nhiều thách thức, cơ hội - là một trong những lý do để trở về - nhưng TS Đỗ Thành Trung cũng thẳng thắn cho rằng, trải nghiệm thực tế công việc trong nước cho anh thấy rõ phương thức làm việc của tổ chức, cá nhân người lao động còn chưa chuyên nghiệp, thiếu tính cạnh tranh lành mạnh, không có tinh thần phối hợp làm việc tập thể.

“Chưa kể, môi trường xã hội còn nhiều rào cản như hiện tượng “con ông, cháu cha”, cơ chế xin cho còn quá nặng nề, mức đãi ngộ so với mức sống chưa đảm bảo... dẫn đến người lao động không chuyên tâm làm việc” - TS Trung nhận định.

Ở: Điều kiện sống và làm việc vượt trội

PGS Trương Anh Hoàng cho biết ông nhận thấy môi trường làm việc tại nước ngoài thuận lợi hơn hẳn cho mục tiêu muốn chuyên tâm nghiên cứu.

“Ở Na Uy - nơi tôi làm nghiên cứu sinh, các giáo sư hoàn toàn có thể yên tâm rằng mình có thể chuyên tâm vào công việc khi mức lương đảm bảo được cho cuộc sống của cả gia đình. Trong khi đó về nước, mức lương và môi trường làm việc hạn chế hơn nhiều, khó chuyên tâm vào việc nghiên cứu và thường phải tìm thêm cơ hội công việc bên ngoài...” - ông Hoàng nói.

Cũng vậy, anh Dũng Lê (26 tuổi, cựu sinh viên ĐH La Trobe - Úc) lý giải quyết định ở lại vì ngoài môi trường làm việc lý tưởng, nhiều cơ hội phát triển thì điều kiện sống cùng các dịch vụ công đảm bảo cho anh có được cuộc sống dễ chịu, thoải mái hơn rất nhiều so với việc về nước.

Trong số những người ở lại, có những người rất giỏi làm chuyên ngành nghiên cứu giảng dạy, muốn ở lại vì có điều kiện làm việc, cống hiến trong môi trường khoa học chuyên nghiệp thực thụ, không phải bận tâm suy nghĩ đến cuộc sống mưu sinh thường nhật.

Trong khi đó, Võ Duy Khang, Giám đốc công nghệ Công ty Zappasoft - Úc, học bổng toàn phần tại ĐH Carnegie Mellon - Mỹ và là tác giả quyển sách Pro iOS App Performance Optimization được xuất bản tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới năm 2009, cho rằng, dù môi trường kinh tế, kinh doanh tại VN đã dần thoáng hơn nhưng mọi thứ vẫn còn diễn ra khá chậm.

Ngoài ra, những bạn chọn con đường nghiên cứu sâu về các ngành nghiên cứu (cả lý thuyết lẫn ứng dụng) đều khó tìm thấy cơ hội phát triển khi quay về VN.

Phần vì công tác nghiên cứu chưa nhận được sự quan tâm đúng mức (chẳng hạn phần lớn các trường ĐH chưa được cung cấp đủ tự do học thuật, hỗ trợ kinh phí và thời gian... cho những dự án cần thiết), phần vì vẫn còn khoảng cách nhất định giữa môi trường, nguồn lực trong nước và nước ngoài.

Những kiến thức như big data (tạm dịch: dữ liệu lớn), trí tuệ nhân tạo, máy học (machine learning)... vẫn còn khá mới mẻ đối với trong nước.

“Ngoài ra, tôi cho rằng, những lý do sau đây cũng phần nào khiến du học sinh chùn bước trước quyết định về nước: môi trường giáo dục chưa đủ tốt và điều này liên quan đến chuyện con cái sau này, môi trường sống còn nhiều bất ổn (ô nhiễm không khí, vệ sinh an toàn thực phẩm luôn ở mức báo động, kẹt xe nghiêm trọng và tỉ lệ tai nạn giao thông cao...)” - Duy Khang cho biết.

T.N.T. (27 tuổi, thạc sĩ kinh tế ĐH UC Davis - Mỹ, hiện sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ): “Không về” hay “chưa về”?

Tôi nghĩ chúng ta nên phân chia chính xác là du học sinh “không về” với “chưa về”, bởi tôi biết một số bạn quyết định ở lại nước ngoài làm việc trong khoảng thời gian nhất định để tích lũy kinh nghiệm làm việc, hoàn thiện vốn tiếng Anh...

Những bạn du học tự túc thì có áp lực “thu hồi vốn” mà gia đình đã chi trả cho mình. Cá nhân tôi thì chọn con đường “không về” vì tôi từng nếm trải nhiều “trái đắng” trong khoảng thời gian ba năm làm việc tại VN sau khi tốt nghiệp ĐH tại nước ngoài.

Tôi từng đầu quân vào một công ty nhà nước với niềm tin mạnh mẽ rằng mọi thứ đang dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, nhất là khi VN là một quốc gia đang hội nhập mạnh mẽ. Nhưng tôi nhanh chóng rơi vào trạng thái lạc lõng khi luôn hoàn thành công việc sớm so với các đồng nghiệp.

Trong các buổi họp cơ quan, khi tôi góp ý thẳng thắn (dĩ nhiên là tôi không “thẳng như ruột ngựa” mà vẫn tìm cách nói sao cho thuyết phục, dễ nghe) thì sau đó vẫn bị xì xầm, tẩy chay và tất nhiên buồn hơn là những góp ý của tôi chẳng nhận được sự đồng cảm, lắng nghe từ đồng nghiệp lẫn cấp trên.

Cũng cần nói thêm, tôi đã phải thử việc trong khoảng thời gian khá dài trước khi được công ty trên ký hợp đồng, điều đó càng khiến tôi nghi ngại về tính minh bạch trong quá trình tuyển dụng.

Tôi rời công ty trên và trở thành giảng viên thỉnh giảng một trường ĐH lớn. Vì là ĐH công nên mức thu nhập ở đây khá thấp.

Tôi đi dạy nhưng không thấy niềm vui trong công việc do cách dạy và học ở VN quá khác so với ở nước ngoài. Sinh viên ở đây quen với việc được “mớm bài” và mất khả năng tự học, tự đọc... còn các giảng viên miệt mài chạy sô (phần vì lý do tài chính, phần vì do lịch dạy trường phân công...).

Tôi chỉ mới tốt nghiệp hệ thạc sĩ nên tự thấy bản thân còn thiếu rất nhiều kiến thức chuyên môn, thế nhưng tôi không đào đâu ra thời gian để nghiên cứu tài liệu chuyên ngành, bổ sung kiến thức thực tế... Và tôi quyết định nghỉ dạy vì thấy công việc này không đem lại nhiều giá trị cho mình.

Tôi hiện làm công tác tư vấn cho một công ty lớn tại Mỹ, một quyết định nhận được sự ủng hộ của tất cả người thân. Tôi nhớ ngày bản thân quyết định về nước lập nghiệp, cha mẹ tôi đã giận rất nhiều. Giờ tôi hiểu mọi thứ đều có lý do.

Tổng hợp theo tuoitre.vn và news.zing.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển