Đọc mẩu tin trên báo, Intel Việt Nam sắp tới sẽ tuyển dụng 4.000 lao động, giám đốc một doanh nghiệp công nghệ thông tin nói ngay: “Lo quá! Nhân viên mình chắc chắn không khỏi dao động”.
Không chỉ ngành công nghệ thông tin, khá nhiều giám đốc ở các ngành khác đang cùng có nỗi lo: áp lực thiếu và mất người sẽ càng gay gắt trong thời gian tới.
Thiếu và mất
Khả năng đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO là điều đáng mừng, bởi điều này sẽ giúp giải quyết việc làm cho rất nhiều người lao động.
Nhưng ở góc nhìn khác, các doanh nghiệp trong nước nhìn thấy trước nguy cơ bị xáo trộn lớn về lao động - khi nhân viên của mình, nhất là những người có trình độ, tay nghề cao, chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với lương bổng, điều kiện làm việc tốt hơn.
Cụ thể, lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, thương mại... vốn đang rất thiếu nhân lực có chuyên môn cao, sẽ khó tránh khỏi tác động này. Tổng giám đốc một ngân hàng nhận định: “Người ta lo quy mô vốn của ngân hàng trong nước quá nhỏ, sẽ bị các ngân hàng nước ngoài đè bẹp trong thời gian tới. Nhưng theo tôi, cái lo lớn nhất lại là nhân lực. Áp lực này đã căng thẳng từ lâu nay, đến mức các ngân hàng đang ra sức “chiêu mộ” người của nhau”.
Ông kể, tại một vài chi nhánh lớn ở ngân hàng ông, việc thay đổi nhân sự từ đầu năm đến nay bình quân khoảng 30 người. Còn khi lập chi nhánh mới, trước đây cán bộ có thâm niên ít nhất 10 năm mới được làm giám đốc chi nhánh. Bây giờ phải sử dụng cả người chỉ mới qua làm việc năm năm trong ngành.
Ngay cả doanh nghiệp sản xuất cũng lo mất người. Ông Lê Văn Trí, Phó giám đốc Công ty Casumina, cho rằng sắp tới việc thu hút lao động ở các doanh nghiệp khác là chuyện khó tránh khỏi. “Thực ra, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài mà ngay cả doanh nghiệp trong nước, trong đó có Casumina, cũng sẽ làm như vậy. Nếu có điều kiện, doanh nghiệp có xu hướng lấy người của doanh nghiệp khác vốn đã có kinh nghiệm làm việc thay vì phải mất thời gian đào tạo”, ông Trí nói.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, các vị trí công việc kỹ thuật, sản xuất mang tính đặc thù của ngành sẽ xáo trộn ít hơn, còn các vị trí công việc thông dụng khác như kế toán, tiếp thị, bán hàng... sẽ “mất người” nhanh hơn. Với người quản lý cấp cao hoặc đã lớn tuổi thì doanh nghiệp không lo họ bỏ đi nhưng với cấp trưởng phòng trở xuống thì họ sẽ có sự lựa chọn khác nếu công ty không có những đãi ngộ tốt, ông Trí nhận định.
Tìm cách giữ người
Ở Công ty Casumina, một trong những biện pháp đang triển khai để giữ nhân viên là xây dựng lại quy chế tiền lương. Ông Trí cho biết ngoài việc trả lương theo mặt bằng chung của giá lao động trên thị trường, Casumina còn đưa ra nguyên tắc trả lương theo nhóm năng động - theo đó thước đo tiền lương không quá nặng về bằng cấp mà theo hiệu quả của công việc được giao.
Bằng cách này, người lao động nhận được tiền lương đúng công sức và qua đó kích thích họ làm việc với năng suất cao hơn. Từ đó tăng được lợi nhuận để bù đắp vào quỹ tiền lương tăng thêm.
Bên cạnh tiền lương, theo ông Cao Tiến Vị, Giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn, cần có một chính sách đúng đắn về sử dụng nguồn nhân lực. Nếu người lao động được chăm sóc tốt, chẳng hạn như họ được hưởng những khoản phúc lợi ngoài lương, được mua cổ phần của công ty, được đào tạo nâng cao, thấy được hướng phát triển trong tương lai... thì họ sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Ông Vị cũng cho rằng doanh nghiệp trong nước nên tranh thủ lợi thế về việc có cùng văn hóa. “Với doanh nghiệp nước ngoài, dù có thể họ trả lương cao hơn nhưng họ cũng sòng phẳng hơn, không để tình cảm dính vào công việc. Còn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động cùng là người trong nước, cách làm việc và cư xử có phần dễ chịu hơn”, ông Vị nói.
Mặt khác, với quy mô nhỏ và vừa của phần đông doanh nghiệp, các nhà doanh nghiệp cho rằng tính phù hợp là yếu tố quan trọng trong việc sử dụng người. Nếu tuyển người quá giỏi mà không có công việc phù hợp cho họ thì họ cũng sẽ ra đi dù có trả lương thật cao.
Một giám đốc doanh nghiệp cho rằng trước đây vài năm, việc người giỏi ra đi là chuyện đáng buồn, nhưng hiện nay nên xem đó là điều bình thường. Vấn đề là cần tổ chức tốt hệ thống quản trị sao cho khi có người ra khỏi bộ máy, dù là người rất giỏi, vẫn không làm cho bộ máy đó bị tê liệt.
Ông Mikkel Schonherr Thogersen, người phụ trách dự án khảo sát tiền lương năm 2007 của công ty chuyên về tư vấn nhân sự Navigos, cho biết hiện đang có sự cạnh tranh khá gay gắt về nguồn nhân lực cấp cao giữa các công ty với nhau, kể cả công ty trong nước và nước ngoài. Một vài công ty trong nước hiện đã có những chính sách thu hút được người giỏi đang làm việc cho công ty vốn nước ngoài sang làm việc cho mình.
Tuy nhiên, nhìn chung các công ty vốn nước ngoài, các công ty đa quốc gia vẫn đang có ưu thế hơn về thu hút nguồn nhân lực này. Ngoài tiền lương, các công ty này có chế độ đãi ngộ tốt hơn về đào tạo, huấn luyện, môi trường làm việc chuyên nghiệp và nhiều cơ hội thăng tiến.