Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tham luận

Vấn đề nhân tài và phát triển nhân tài

Ngày nay, khi nói đến sức mạnh của một quốc gia, mọi người đều thừa nhận rằng, nguồn nhân lực, nhân tài là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất. Trong đó, nhân tài là bộ phận tinh tuý nhất, có giá trị nhất của nguồn nhân lực quốc gia
 Vì vậy, việc nghiên cứu và phát triển nhân tài, đào tạo bồi dưỡng nhân tài, thu hút và sử dụng nhân tài đã trở thành quốc sách của nhiều quốc gia. Ðể làm tốt được những việc đó, trước hết cần phải hiểu rõ bản chất của vấn đề nhân tài và phát triển nhân tài.

I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ NHÂN TÀI.

- Trước hết, theo cách hiểu đơn giản, nhân tài là những người có tài năng thực sự trong lĩnh vực hoạt động nào đó. Biểu hiện cụ thể ai cũng thấy là, họ luôn luôn hoạt động đạt hiệu quả cao, hiệu quả xuất sắc, xuất chúng trong lĩnh vực hoạt động đó.

- Dưới góc độ khoa học, khái niệm nhân tài gắn liền khái niệm năng lực. Năng lực là một trong những thuộc tính tâm lý cơ bản của nhân cách. Ðó là khả năng của con người có thể hoàn thành tốt một lĩnh vực hoạt động nào đó. Xét về cấu trúc, năng lực là một tổ chức thuộc tính của cá nhân phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định. Nếu sự phù hợp càng cao, năng lực càng có điều kiện phát triển cao, con người càng dễ phát triển tài năng.

- Những thuộc tính cá nhân rất đa dạng phức tạp, nhưng có thể chia thành 3 loại chính:

+ Những đặc điểm sinh lý cơ thể như: sức mạnh và sự dẻo dai của cơ bắp, đặc tính linh hoạt của hệ thần kinh, bàn tay mềm mại, thân hình cao lớn.

+ Những đặc điểm tâm lý như: cảm xúc nhạy bén, tính dễ rung động, tâm hồn tươi trẻ, tri thức sâu rộng, hành động kỹ xảo khéo léo.

+ Những đặc điểm xã hội như: được giáo dục, học tập, được tiếp cận với các phương tiện khoa học kỹ thuật, được sự quan tâm động viên của mọi người.

- Sự phù hợp của các thuộc tính trên ở con người với những đặc điểm của một hoạt động nào đó tạo nên năng lực của họ trong hoạt động đông ấy. Nếu sự phù hợp càng cao, mức độ của năng lực càng cao. Có ba mức độ của năng lực:

+ Mức độ 1: Người có năng lực. Ðó là người luôn luôn hoàn thành tốt công việc, đảm đương tốt chức trách được giao, là người làm việc có kế hoạch có sáng tạo ở mức độ nhất định, biết giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, là người có chủ kiến, bản lĩnh và quyết đoán trong mọi tình huống, là người biết nhìn xa trông rộng, có bản lĩnh, tự tin và thông minh.

+ Mức độ 2: Con người tài năng. Là con người có những phẩm chất giống như người có năng lực nhưng ở mức độ cao hơn. Họ luôn hoàn thành rất xuất sắc công việc, dù bị nhiều khó khăn, trở ngại. Kết quả công việc của họ thường là rất kiệt xuất, hiếm có, hiệu quả rất cao, ý nghĩa rất lớn, rất sáng tạo, ít người đạt được. Họ là người có tính chiến lược, chiến thuật rất cao trong hoạt động, say mê, nhiệt tình, tích cực trong hoạt động đó. Hiệu quả công việc của họ có ý nghĩa ở tầm cỡ quốc gia, quốc tế, có tác động lớn đến xã hội.

+ Mức độ 3: Con người thiên tài. Ðây là mức độ cao nhất của năng lực. Là người tuyệt vời thông minh tài giỏi, sáng tạo độc đáo, có những phát minh sáng chế kiệt xuất, có ý nghĩa lớn lao đối với toàn nhân loại trong cả một giai đoạn lịch sử loài người, tạo nên những sự biến đổi ?có tính cách mạng trong đời sống xã hội. Có thể gọi đó là con người tài năng vĩ đại, hiếm có trong lịch sử nhân loại. Có những trường hợp, con người chỉ được tôn vinh là thiên tài khi họ đã mất đi, và ở thế hệ sau loài người mới thấy hết được ý nghĩa, giá trị của những phát minh sáng chế của những cống hiến của họ.

Xét ở mức độ trên của năng lực, có thể nói, nhân tài là những người có năng lực (ở cả 3 mức độ). Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nhân tài chỉ là những người có năng lực ở mức độ "con người tài năng","con người thiên tài".

Như vậy, xét theo nghĩa hẹp, nhân tài là những con người tài năng,con người thiên tài. Nhưng theo nghĩa rộng, nhân tài có thể bao gồm tất cả những người có năng lực, là những người có thể hoàn thành tốt một lĩnh vực hoạt động nào đó với hiệu quả cao.

Nhân tài là những người có tài năng trong một số lĩnh vực hoạt động nhất định, làm việc có hiệu quả cao trong lĩnh vực đó.

Nhân tài thường có một số điểm đặc trưng sau đây:

+ Về phẩm chất trí tuệ: Họ thường có sự nhạy bén, sự tinh tế trong tư duy, sự sâu sắc trong suy nghĩ, họ thường có ý tưởng độc đáo, sáng tạo hơn người khác. Họ luôn luôn tìm tòi cái mới, hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn về mọi mặt.

+ Về mặt tình cảm và cá tính: Họ rất say mê trong lĩnh vực hoạt động nhất định liên quan đến tài năng của họ, họ rất tích cực và năng động, say sưa làm việc, say sưa sáng tạo, tự tin, quyết đoán và kiên trì trong công việc.

+ Về mặt hoạt động: Họ làm việc rất hiệu quả và luôn luôn quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động. Họ rất chú trọng sáng tạo cái mới, chú trọng đến những giá trị về nhiều mặt của kết quả hoạt động. Họ thường có những kỹ xảo đặc biệt và giải pháp tối ưu trong công việc.

Nhân tài có một số đặc điểm riêng độc đáo như:

- Họ có tài năng trong một hoặc một số hoạt động nhất định, còn trong lĩnh vực hoạt động khác có thể họ không phải là người tài.

- Do tinh anh trí tuệ thường tập trung vào những lĩnh vực hoạt động đặc trưng cho tài năng, hoạt động tâm lý của họ đôi khi không được cân bằng (đãng trí "bác học", tâm trạng thất thường,)

- Rất say mê trong lĩnh vực hoạt động tạo ra tài năng, nhưng có khi lại ít quan tâm đến các lĩnh vực hoạt động khác.

Tài năng ở nhân tài thường được hình thành và xuất hiện khi con người đạt được một số trong những yếu tố sau đây:

• Có những phẩm chất đặc biệt về mặt tư chất: sự phát triển trí tuệ, sự thông minh, sự linh hoạt trong tư duy, sự tinh tế trong quan sát, sức bền, sức khoẻ, sự khéo léo, và những đặc điểm thuận lợi khác về mặt cơ thể.

• Sự táo bạo và mạnh dạn, sự quyết đoán và tinh tế, tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chấp nhận.

• Sự tự tin gắn với lòng dũng cảm, sự suy xét và phán đoán một cách tích cực và sâu sắc.

• Năng động, tích cực, hăng hái trong hoạt động thực tiễn, trong lao động sáng tạo.

• Việc nghiên cứu học tập đạt tới một trình độ nhất định.

• Tham gia hoạt động đúng thời điểm thuận lợi cho sự phát triển tài năng của nhân cách. Nếu qua thời điểm đó tài năng sẽ bị hạn chế.

• Tận dụng được tối đa những cơ hội có thể có.

Dưới ảnh hưởng của các yếu tố trên, tài năng sẽ được hình thành và phát triển theo chiều hướng nhất định về một lĩnh vực hoạt động như: khoa học hay chính trị xã hội, âm nhạc nghệ thuật hay thể dục thể thao, kinh doanh hay quản lý.

II. TÀI NĂNG VÀ ÐẠO ÐỨC

+ Tài năng và đạo đức là hai lĩnh vực độc lập với nhau, nhưng lại có mối quan hệ rất mật thiết. Một số người nhầm lẫn những yếu tố của tài năng với phẩm chất của đạo đức. Họ thường cho rằng kiên trì, lòng quyết tâm, tính tích cực trong công việc, là những yếu tố được xem xét khi đánh giá tài năng. Trong thực tế đó là những phẩm chất của đạo đức.
Những yếu tố khả năng về thực chất khác với đạo đức. Ðó thường là những phẩm chất của trí tuệ (trí thông minh, khả năng suy xét, phán đoán, trí nhớ), lượng tri thức, vốn sống, kinh nghiệm, sức làm việc, sức khoẻ, sự khéo léo, mềm mại, linh hoạt của công tác, những đặc điểm về mặt sinh lý, cơ thể (như chiều cao, hình thức cơ thể, độ tinh nhạy của ánh mắt, trường lực cơ bắp, sức bền, độ dẻo dai.), những đặc điểm tâm lý tích cực.
Những phẩm chất của đạo đức và những yếu tố trên thường gắn bó với nhau, có tác dụng tương hỗ nhau và làm cơ sở cho nhau cùng phát triển.
Những yếu tố của tài năng chịu sự chi phối của đạo đức. Chúng thường hình thành trong kiên trì tập luyện, trong nỗ lực rèn luyện, trong thái độ trung thực và tích cực hoạt động. Ðạo đức tốt sẽ góp phần phát triển những yếu tố trên, làm cho giá trị mức độ của tài năng ngày càng gia tăng.
Các phẩm chất đạo đức còn tạo nên và phát triển các giá trị tài năng khác, làm cho tài năng có giá trị tích cực cho xã hội, làm cho tài năng được xã hội xác nhận và tôn vinh.
Nếu con người có các yếu tố tài năng, có những hiệu quả hoạt động cao nhưng lại thiếu những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của nhân cách hay có những thói hư tật xấu, tài năng của họ sẽ bị giảm giá trị hoặc bị thoái hoá đi, hoặc gây ra những hậu quả tai hại cho xã hội. Những người có tài năng cao mà phẩm chất đạo đức xấu thì càng gây tác hại xấu cho xã hội, và càng dễ bị mọi người lên án. Nếu có tài mà không có đức sẽ vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp này, họ không được gọi là nhân tài.
Một số người tài nhưng đạo đức kém thường dễ mắc một số khuyết điểm như: kiêu ngạo, vị kỷ cá nhân, ?bệnh ngôi sao?, chủ quan khinh thường mọi người, dẫn đến sự thui chột dần về tài năng.
Tài năng và đạo đức là hai yếu tố khác nhau nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau.
Vì vậy, khi nói đến nhân tài, người ta thường muốn bao hàm cả ý nghĩa về đạo đức. Người có tài năng và có cả đạo đức tốt được gọi là bậc hiền tài.
Tuy nhiên, khi đánh giá về tài năng của con người, chúng ta lại cần phân biệt những yếu tố, những đặc điểm tạo nên tài năng và những yếu tố, những đặc điểm thuộc về lĩnh vực đạo đức.

III. TÀI NĂNG VÀ NĂNG KHIẾU

Thường tài năng được phát triển từ năng khiếu. Năng khiếu là những phẩm chất đặc biệt của con người mang tính bẩm sinh, báo hiệu một tài năng. Những phẩm chất của năng khiếu thường được thể hiện ở chỗ con người có thể có những hiệu quả cao trong một số hành động một cách tự nhiên, không cần phải học tập hay tập luyện gì. Tuy nhiên, hiệu quả cao trong hành động này thường chưa có giá trị lớn về mặt xã hội, đặc biệt là có thể mất dần đi nếu người đó không được học tập, rèn luyện và giáo dục cần thiết. Người ta thường gọi những phẩm chất của năng khiếu là tư chất.
Năng khiếu tạo điều kiện thuận lợi để trở thành tài năng, để phát triển tài năng. Nếu cùng học tập, rèn luyện như nhau, người có năng khiếu sẽ trở thành tài nhanh hơn, mức độ cao hơn.
Năng khiếu chưa phải là năng lực, chưa phải là tài năng mà chỉ là dấu hiệu của năng lực và tài năng. Năng khiếu là tiền đề để hình thành phát triển tài năng nhưng nó chỉ thực sự trở thành tài năng nếu được giáo dục, bồi dưỡng đúng thời điểm, đúng phương pháp. Vì vậy, muốn đào tạo tài năng cần chú ý dựa vào người có năng khiếu và phải bồi dưỡng kịp thời.

IV. CÁC LOẠI TÀI NĂNG

Có nhiều cách phân loại tài năng của con người dựa trên những căn cứ khác nhau. Khi phân loại tài năng, người ta thường dựa trên cơ sở những loại năng lực sau đây:
Năng lực chung là những năng lực làm cơ sở cho mọi năng lực khác như: năng lực trí tuệ, năng lực cơ bắp, năng lực của một số bộ phận đặc biệt của cơ thể như buồng phổi, trái tim, năng lực trí nhớ, năng lực ngôn ngữ,
Năng lực riêng là những năng lực đặc trưng trong một hoạt động nhất định như: năng lực âm nhạc, năng lực ca hát, năng lực đá bóng, năng lực điền kinh, năng lực nghiên cứu khoa học.
Từ các loại năng lực trên sẽ có những loại tài năng tương ứng. Thường thường người ta phân loại tài năng theo các lĩnh vực hoạt động như: tài năng quân sự, tài năng hoạt động chính trị - xã hội, tài năng khoa học, tài năng quản lý, tài năng kinh doanh, tài năng ca hát, âm nhạc, tài năng thể thao. ở mỗi lĩnh vực hoạt động đó lại có những tài năng ở phạm vi cụ thể hơn như: trong tài năng thể thao lại có tài năng về bóng đá, tài năng về điền kinh; trong tài năng khoa học có tài năng về toán học, về khoa học, về hoá học,

V. NHỮNG CĂN CỨ ĐÁNH GIÁ TÀI NĂNG

Khi đánh giá tài năng của con người, cần chú ý dựa trên những căn cứ sau đây:
1. Những yếu tố góp nên tài năng:

Cần phải xem xét con người có những đặc điểm nào, có ở mức độ nào trong những đặc điểm sau đây:
- Những đặc điểm sinh lý cơ thể có ý nghĩa tới sự hình thành tài năng như: trí thông minh, đặc điểm về cấu trúc và tính năng của các bộ phận cơ thể (sức mạnh của cơ bắp đối với vận động viên thể thao, cấu trúc thanh quản và dây thanh đới với của ca sỹ)
- Sự linh hoạt của tư duy, sự nhạy bén trong quan sát, sự tinh tế trong phát hiện vấn đề, khả năng của trí nhớ.

- Vốn tri thức, vốn kinh nghiệm sống trong thực tiễn. Những yếu tố này thường được thể hiện ở bằng cấp, khả năng giao tiếp, khả năng nói và diễn đạt.

- Sự giáo dục của xã hội được thể hiện trong việc học tập của con người : học
ở đâu, học những gì, bằng cấp, trình độ.

- Tính tích cực, sự say mê sáng tạo, tính độc lập trong hoạt động, sự chăm chỉ chịu khó trong lao động và những phẩm chất đạo đức tích cực giúp con người phát triển nhân cách.

- Sự rèn luyện, tập luyện tích cực trong hoạt động, trong học tập, trong công tác.

- Sự từng trải trong cuộc sống. Con người càng kinh qua nhiều hoạt động, lao động càng có điều kiện phát triển tài năng.

2. Những phát hiện và hiệu quả trong hoạt động thực tiễn thuộc lĩnh vực của tài năng:

Ðể đánh giá tài năng của con người về một lĩnh vực nào đó, cần giao cho con người một công việc trong lĩnh vực ấy. Sau đó sẽ đánh giá tài năng của họ dựa vào những căn cứ:

- Phương thức hoàn thành công việc: xây dựng kế hoạch làm việc, chuẩn bị các giải pháp; chọn cách thức tiến hành công việc một cách hợp lý; có tính sáng tạo, tính chủ động, tính kế thừa. Trong việc tìm các phương pháp, các con đường tối ưu để hoàn thành công việc.

- Hiệu suất hoàn thành công việc: tốn kém bao nhiêu sức lực, vật lực, thời gian. Thường thường người có năng lực bao giờ cũng hoàn thành công việc với hiệu suất cao, thời gian ngắn và ít tốn kém.

- Hiệu quả hoàn thành công việc: Hiệu quả hoàn thành công việc thường được đánh giá về hai mặt số lượng và chất lượng. Số lượng cần phải được kiểm tra cụ thể như: năng suất, tổng giá trị thặng dư. Về chất lượng là các phẩm chất như độ bền, công dụng, giá trị thẩm mỹ.

3. Những yếu tố tâm lý xã hội khác như: Ðiều kiện hoạt động, địa vị xã hội, cơ sở vật chất phục vụ cho việc hoàn thành công việc. Với cùng một hiệu suất, một hiệu quả công việc như nhau, những người có điều kiện khó khăn hơn, chức vụ và quyền hạn kém hơn, cơ sở vật chất phục vụ cho công việc kém hơn thường là người có tài hơn người kia.

VI. VẤN ÐỀ BỒI DƯỠNG VÀ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG

Tài năng của con người chủ yếu là được hình thành trong hoạt động thực tiễn, trong học tập và rèn luyện của từng người. Tuy nhiên, vai trò của năng khiếu rất quan trọng. Nếu không có năng khiếu, không có những tư chất thuận lợi thì rất khó hình thành tài năng. Vì vậy, việc bồi dưỡng và phát triển tài năng của con người cần chú ý đến những vấn đề sau:

- Phải có hoạt động giáo dục đúng hướng, đúng khoa học đối với con người. Con đường học tập và rèn luyện là con đường chủ yếu để phát triển tài năng.

- Phải đưa con người vào hoạt động tương ứng với những phẩm chất năng khiếu của họ.

- Phải phát hiện người có năng khiếu một cách kịp thời, có kế hoạch động viên, giáo dục và giúp đỡ họ phát triển tài năng.

- Phải có kế hoạch giáo dục đặc biệt đối với người có năng khiếu hoặc đã có dấu hiệu phát triển thành tài năng.

- Phải trân trọng và biết sử dụng nhân tài, có chính sách chiêu hiền đãi sĩ đối với các bậc hiền tài.

- Trong thực tế nên lưu ý đến khái niệm tài năng theo nghĩa rộng. Cần có kế hoạch giúp đỡ, đặc biệt là sử dụng người có năng lực, trên cơ sở đó bồi dưỡng và giáo dục họ trở thành tài năng. Tài năng con người chỉ được thực sự phát triển trong hoạt động thực tiễn, trong rèn luyện học tập đúng hướng, đúng phương pháp khoa học.

Xin cám ơn sự lắng nghe của Ðại hội!

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển