Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 07/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Đơn vị trực thuộc hội

VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO, THU HÚT TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó càng được phát huy cao độ thông qua chính sách trọng dụng nhân tài của Ðảng ta, thông qua tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài kiệt xuất kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của non sông đất nước ta.

 

I. Đặt vấn đề:

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhân tài luôn được tôn vinh, trọng dụng, kế thừa và tiếp nối, đã trở thành truyền thống tốt đẹp.Từ xa xưa, ông cha ta đã coi hiền tài là nguyên khí Quốc gia.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó càng được phát huy cao độ thông qua chính sách trọng dụng nhân tài của Ðảng ta, thông qua tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài kiệt xuất kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của non sông đất nước ta.

Trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới hiện nay để đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân tài (bộ phận tinh túy của nguồn nhân lực chất lượng cao) trở thành khâu đột phá chiến lược.

Ngày nay, nhân loại đang tiến vào kỷ nguyên văn minh trí tuệ; đất nước ta đang thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập, vươn lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu, thì Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta phải xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển nhân tài, sao cho mỗi người Việt Nam phát huy được tối đa tài năng và nhiệt huyết, cống hiến được nhiều nhất cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.

II. Khái niệm chung về “nhân tài”:

- Theo cách hiểu đơn giản, “nhân tài” là người có tài năng thực sự trong lĩnh vực hoạt động nào đó, họ luôn luôn hoạt động đạt hiệu quả cao, hiệu quả xuất sắc, xuất chúng trong lĩnh vự hoạt động đó.

- Dưới góc độ khoa học, “ nhân tài” gắn liền khái niệm năng lực, một trong những thuộc tính tâm lý cơ bản của nhân cách. Đó là khả năng của con người có thành tích tốt một lĩnh vực hoạt động nào đó. Xét về cấu trúc, năng lực là một tổ chức thuộc tính của cá nhân phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định. Nếu sự phù hợp càng cao, năng lực càng có điều kiện phát triển cao, con người càng dễ phát triển tài năng.

- Nhân tài hiện tại vẫn hiểu là người có tài, có đầu óc hơn người, nhất là khả năng sáng tạo, ứng xử, đối phó, hiệu quả công việc của họ hơn hẳn người khác trong điều kiện như nhau, có việc họ làm được mà nhiều người khác không làm được. Nhân tài trước hết là trí thức, là số ít trong trí thức, vì vậy số người tài là ít, quí và hiếm. Nhân tài có tính chất tương đối, có thể người này ở địa vị này, địa phương này là nhân tài nhưng ở địa vị khác, địa phương khác thì lại không. Nhân tài phải là người có năng khiếu, được giáo dục một cách căn bản, hiểu biết sâu, có thể hiểu biết nhiều lĩnh vực, biến hiểu biết thành hiện thực một cách nhuần nhuyễn và tâm nguyện của họ muốn được đưa kiến thức hiểu biết để phục vụ quảng đại quần chúng. Nhân tài có và cần cho tất cả các lĩnh vực đời sống: Kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh, văn hóa nghệ thuật, thể thao…Đối với lĩnh vực quản lí, lãnh đạo rất cần nhân tài, đây  là đầu mối qui tụ, điều khiển những “cái đầu” khác. Một quốc gia muốn phát triển ắt phải có nhân tài, càng nhiều nhân tài thì phát triển càng nhanh. Ông bà xưa đã rất coi trọng nhân tài: “Một người lo bằng kho người làm”,

Nhân tài không tự dưng mà có, mà phải được Đảng và Nhà nước sớm phát hiện, có chính sách trọng dụng, khuyến khích, thu hút nhân tài trên tất cả các lĩnh vực không định kiến, hẹp hòi, cục bộ, bản vị, đào tạo đúng hướng đúng, thời điểm nhằm phát huy hết tài năng và điều không thể thiếu là sự nỗ lực không ngừng vươn lên của chính nhân tài để cống hiến phục vụ đất nước.

III. Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề nhân tài:

Quý trọng nhân tài, quý trọng cán bộ là một tư tưởng, một phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này được toát lên từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Người, thông qua những việc làm rất cụ thể và với tình cảm yêu thương, nhân ái bao la.

- Theo Bác Hồ, để thu hút và trọng dụng được những trí thức, nhân sĩ tài năng như thế thì không chỉ cần có chủ trương và chính sách đúng, mà vai trò, uy tín của cá nhân Lãnh đạo đóng vai trò hết sức quan trọng. Lãnh đạo không những tự mình nêu gương sáng mà còn biết vận dụng những biện pháp, những tác động cá nhân cần thiết để thu hút, khích lệ nhân tài yên tâm cống hiến.

- Tài đức phải song toàn, đức là gốc là quan điểm, tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân'. Ra sức thu hút nhân tài, đối xử thành thực, nhân ái và trọng dụng nhân tài, nhưng cũng cần chú trọng đến việc nhắc nhở, chỉnh đốn, giáo dục nhân tài để họ thực sự trở thành những 'người tài đức', cống hiến được nhiều nhất cho dân tộc và cho cách mạng.

Quan trọng hơn, ở cương vị Chủ tịch Chính phủ, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, việc 'trọng dụng những kẻ hiền năng' trước hết là nhiệm vụ của hệ thống chính quyền cách mạng các cấp. Sau này, Hồ Chủ tịch còn tiếp tục đúc kết, phát triển tư tưởng đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài và đặt công việc này trong công tác tổ chức và cán bộ nói chung của Ðảng. Người căn dặn: 'Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều'; 'Ðảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta'. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều cốt yếu nhất trong chiến lược nhân tài là sử dụng nhân tài sao cho đúng người, đúng việc, tạo môi trường, điều kiện để nhân tài làm việc, cống hiến và phát triển tài năng.

IV. Vấn đề bồi dưỡng và phát triển nhân tài hiện nay:

1/. Trước hết cần đổi mới về nhận thức và đối xử với nhân tài:

- Chính sách, chủ trương về phát triển trí thức, nhân tài ta có nhiều, gần đây là Chỉ thị 11/CT-TW về khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập, Nghị quyết 27 NQ-TW về công tác trí thức, quan điểm rất rõ, nhưng chủ trương và thực tế đang là khoảng cách rất xa. Gần 3 năm thực hiện Nghị quyết nhưng chưa được chuyển biến gì nhiều. Trong các cơ quan, đơn vị tư tưởng đố kị với người giỏi hơn mình, sợ họ thay thế mình, không tạo điều kiện để người giỏi dưới quyền làm việc còn khá phổ biến. Từ đó ít nghe ý kiến họ, nhất là những ý tưởng mới, vượt khỏi tầm nghĩ của lãnh đạo, cho là viển vông, thậm chí bị chụp mũ “hoang tưởng”, “thần kinh có vấn đề”. Trong nghiên cứu khoa học cũng vậy, chưa nghiên cứu phải biết kết quả là thành công, không cho phép thất bại. Trong khoa học, có những thí nghiệm phải làm đến hàng ngàn lần mới thành công, không có những ý tưởng có vẻ viển vông ban đầu như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Giuyn Vecnơ thì sau này không có tàu ngầm, và những phát kiến về hàng hải như ngày nay. Sự nghiệp đổi mới ở nước ta ban đầu chỉ là sự tự phát, ý tưởng của một vài doanh nghiệp, địa phương, nếu không dám nghĩ dám làm thì làm sao đất nước ta có được vị thế ngày nay? Đây là rào cản lớn, nếu không vượt qua thì khó để làm được việc gì.

 

-Chính sách sử dụng nhân tài vừa không nhất quán, vừa không công bằng, vừa chưa khuyến khích nhân tài phát triển trước đây nặng về chủ nghĩa thành phần, có cấp ủy thì làm cán bộ quản lý ở đâu cũng được, thồi kỳ gần đây thì nặng về chủ nghĩa bằng cấp đơn thuần. Nhân tài là người đặc biệt phải có cơ chế đặc biệt, nhằm thu hút, khuyến khích động viên và tưởng thưởng xứng đáng. Vì vậy cơ quan nhà nước không thu hút được người giỏi, có vào rồi cũng tìm cách ra, hiện tượng chảy máu chất xám, nhưng chỉ chảy một chiều: Từ nhà nước chảy ra. Một điều tưởng chừng rất nghịch lý là những người thực sự có năng lực, trình độ và khát khao cống hiến lại thường rất khó thăng tiến trong môi trường công chức, muốn thăng tiến phải biết tạo dựng quan hệ, phải biết điều, mà điều này lại thường dị ứng với người tài.. Lương bổng chỉ là một khía cạnh, không phải là tất cả vì có người lương không thấp nhưng cũng “dứt áo ra đi” khỏi cơ quan nhà nước vì ”Hòa Thân được trọng dụng, Lưu Gù chán nản”. Nếu không thay đổi sẽ đến ngày không có người tài ở cơ quan Đảng và nhà nước.

 

2/. Về đào tạo nhân tài:

Đây là nhiệm vụ của giáo dục. Nhưng trước hết cần xây dựng cơ chế phát hiện nhân tài. Có những tài năng xuất hiện từ rất sớm, nếu không kịp thời phát hiện và không có hình thức đào tạo phù hợp thì tiềm năng sẽ thui chột

Với lĩnh vực GDĐT, các đại hội đảng gần đây đề cập rất mạnh mẽ, Nghị quyết Đại hội XI khẳng định “Đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT”, muốn nói đến mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục hiện tại không còn phù hợp nữa, cần được thay đổi.

Riêng với đào tạo nhân tài, là một chức năng của GDĐT, đến nay hướng đào tạo nhân tài không rõ và hiệu quả không cao. Ở Phổ thông ta có trường chuyên, trường chất lượng cao, lên đại học có đào tạo kĩ sư chất lượng cao, đào tạo ThS, TS. Một số địa phương trường THPT chuyên có xu hướng  đang theo đuổi mục đích: để chắc một suất vào ĐH, học giỏi nhưng không muốn thi học sinh giỏi vì mất thời gian, chi phối luyện thi ĐH, có giải cũng chẳng thêm cái gì. Các môn KHXH có em giỏi cũng không thích học, dự thi ĐH phải là khối A để có nhiều cơ hội lựa chọn. Vào trường chuyên vì tỉ lệ đỗ ĐH cao, thực tế thì không học trường chuyên các em này vẫn đỗ ĐH, vì khả năng học tập rất tốt, là tinh hoa được chọn lọc của cả tỉnh. Tuy nhiên, có nơi còn tặng bằng khen cho trường chuyên vì đỗ tốt nghiệp 100%, thật khôi hài. Mục tiêu đào tạo ở trường chuyên là vườn ươm nhân tài đang bị méo mó.

Lớp kĩ sư chất lượng cao các trường ĐH chưa nhiều và cũng chỉ ở mức cao hơn các lớp thường trong nước thôi, chưa thể thi thố  được, mục tiêu thành nhân tài còn xa. Bậc đào tạo sau ĐH đang là vấn đề, cách sử dụng người có bằng cấp Ts, ThS trong thực tế đang góp phần làm sai mục tiêu đào tạo. Có bằng ThS, TS chuyên ngành thì được cất nhắc làm cán bộ quản lí, cán bộ lãnh đạo mà quên rằng để làm cán bộ quản lí, cán bộ lãnh đạo  không chỉ giỏi về chuyên môn, mà ngoài khả năng chuyên môn còn phải là người có năng khiếu, óc tổ chức, được đào tạo về quản lý và phải có kinh nghiệm, phải qua hoạt động thực tiễn.

Ai đó đã tổng kết “Phi phổ thông bất thành dân trí, phi chuyên nghiệp bất thành nhân lực, phi đại học bất thành nhân tài”. GDĐT cần có một chiến lược riêng về đào tạo nhân tài trong chuỗi thực hiện chức năng đối với dân trí, nhân lực và nhân tài. Ở đây chiến lược cần đề cập chăm lo nhân tài từ phổ thông và tất cả lĩnh vực: kiến thức văn hóa, âm nhạc, thể thao, các khả năng đặc biệt. Giáo dục ĐH phải được qui hoạch lại, có trường đào tạo người tài kiểu Lomonosop của Nga.

 

3. Vấn đề trọng dụng:

Đối với nhân tài, việc trọng dụng trước hết là tạo cho họ môi trường làm việc: Môi trường kĩ thuật như phòng làm việc, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại, thông tin. Môi trường xã hội như có các cộng sự, trợ lí, giao công việc phù hợp, có một tập thể lành mạnh, hướng tới mục tiêu nhiệm vụ. Ở thành phố lớn nên hình thành khu đô thị khoa học, tạo điều kiện cho các nhà khoa học giao lưu, hợp tác.

Về công việc, cần thực hiện ai giỏi hơn thì được bố trí trước và vị trí cao hơn với cơ chế chọn minh bạch, không câu nệ tuổi tác, quá khứ, thành phần xuất thân, quê quán, họ hàng. Tổ chức thi tuyển, hoặc phỏng vấn, nội dung thi hoặc phỏng vấn phải thiết thực cho vị trí công việc của ứng viên. Thực tế có nhiều cuộc thi như đánh đố, làm nản lòng thí sinh.

Công khai đánh giá năng lực làm việc, qua hội đồng có uy tín. Điều cấm kị với nhân tài là bố trí vào nơi mà người lãnh đạo không am hiểu chuyên môn, đố kị, gia trưởng, độc đoán và thô lỗ. Nếu xảy ra thì ra đi là điều không tránh khỏi. Có chế độ nâng lương, nâng bậc, đi học, rõ ràng. Thực hiện dân chủ, công khai mọi vấn đề, biết lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của họ, khi khác ý kiến nhất là vấn đề khoa học, chuyên môn cần được tổ chức tranh luận để đi đến cùng, lấy hiệu quả công việc làm thước đo để đánh giá cán bộ, phát hiện nhân tài.

Thành tích và nhất là những công trình sáng tạo của họ cần được tuyên dương về mặt tinh thần và phần thưởng thỏa đáng về vật chất. Cụ thể là các hình thức khen thưởng nhà nước phải kịp thời, hình thức tôn vinh trang trọng. Với những sáng tạo lớn cần có mức khen thưởng vượt khung qui định, có hình thức vinh danh thỏa đáng.

 

4/. Vấn đề thu hút.

Thu hút được hiểu là cả trong và ngoài nước. Để thu hút cần tạo ra lực thu hút, cụ thể là bằng tinh thần và vật chất. Người giỏi không thích ngồi không, mà họ muốn làm việc, muốn cống hiến, ở đâu họ cảm thấy phát huy được khả năng thì họ tìm đến. Nhiều doanh nghiệp có nhiều cách dẫn dụ người tài từ khi họ là sinh viên, một thời ở phía Nam rộ lên chiến dịch “săn đầu người”, nghe có vẻ rùng rợn, nhưng đây là chiêu tìm người tài của các doanh nghiệp lớn. Cũng vì mục đích thu hút, nhiều nơi chủ trương “trải thảm đỏ”, nhưng không mấy thành công, ví quá nặng đồng tiền, mà quên chú ý tạo môi trường làm việc. Thu hút nhân tài từ nước ngoài là chuyện khó, không làm được nhiều, có chăng là thu hút người Việt thành đạt, nhưng cũng chẳng dễ, vì điều kiện tài chính, môi trường làm việc quá khác biệt.

Việc thu hút muốn thành công phải đi sâu từng cá thể, xem họ cần gì, muốn gì, phải vận động, thuyết phục, đừng bao giờ lấy tiền để buộc chặt họ. Điều quan trọng là họ được tôn trọng, có điều kiện để làm việc và phát huy năng lực, có cơ hội thăng tiến, đảm bảo cuộc sống để họ tập trung cho công việc. Trước mắt cần có cơ chế thu hút người tài vào cơ quan nhà nước, mạnh dạn thay đổi những cái không còn phù hợp nữa, nhất là chế độ lương, đừng bình quân chủ nghĩa. Việc bố trí chức vụ đừng nặng về lí lịch, tiêu chí cao nhất là năng lực làm việc, ý thức phục vụ và hiệu quả công việc.

 

5/. Vấn đề đãi ngộ.

Trong lịch sử phong kiến nước ta có chủ trương “Chiêu hiền, đãi sĩ”, cho dù vật chất không nhiều. Người đỗ đạt cao được tổ chức vinh qui rất long trọng, được làng cấp ruộng, đó là những nét đẹp truyền thống đãi ngộ người tài.  

Về mặt tinh thần là sự tôn vinh, sự quan tâm của lãnh đạo với họ như thăm hỏi, động viên, cho họ bày tỏ ý kiến, những kiến nghị của họ được lắng nghe và nếu hợp lí thì được chấp thuận. Cân nhắc bố trí ở vị trí cao hơn khi họ làm được việc. Vật chất cũng là yếu tố cần thiết, đãi ngộ người tài nên không nằm trong khung qui định bình thường.

Việt Nam đất nước từ xưa đã coi trọng nhân tài, một đất nước “mà hào kiệt đời nào cũng có”, nhiều nhân tài làm rạng danh nước Việt: Lí Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Lê Quí Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ và đặc biệt thời đại chúng ta Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tuyên dương “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, và chính Người đã làm “Rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp . . . . Ngày nay thế giới bước sang kỉ nguyên kinh tế tri thức, chúng ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu. Nước ta là quốc gia đang phát triển, thua các nước hàng mấy thập kỉ, nếu không đi tắt, đón đầu thì mãi là người đi sau.

Muốn vậy cần tập trung phát triển kinh tế tri thức, coi trọng nhân tài. Để làm được, phải đổi mới căn bản Giáo dục-Đào tạo theo tinh thần Nghị quyết đại hội đảng lần thứ XI, Giáo dục- Đào tạo phải thực sự là quốc sách hàng đầu. Để đổi mới giáo dục thắng lợi, một mình ngành giáo dục không làm được và với cách làm như từ trước đến nay lại càng không làm  được, mà đòi hỏi sự góp sức của nhiều ngành, nhiều lực lượng. Điều đó đòi hỏi một cuộc cách mạng thực sự về giáo dục, mà băt đầu là từ tư duy quản lí giáo dục đào tạo, bởi vì bài học từ đổi mới kinh tế thật sự sâu sắc và có ý nghĩa.

 

V. Những kiến nghị về việc phát triển nhân tài:

Đảng và Nhà nước cần sớm đầu tư, nghiên cứu, ban hành “ Chiến lược nhân tài”:

 

1. Đường lối tổ chức và việc xây dựng đội ngũ cán bộ phải theo yêu cầu của quá trình CNH,HĐH đất nước.

2. Cải cách chế độ nhân sự, xây dựng chế độ nhân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

3. Cần có kế hoạch thống kê, đánh giá nhân tài trên từng lãnh vực. Từ đó có những chính sách đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhân tài, tạo động lực để nhân tài phát triển đúng tài năng.

4. Phải có hoạt động giáo dục đúng hướng, đúng khoa học đối với con người.

5.Phải đưa con người vào hoạt động tương ứng với những phẩm chất năng khiếu của họ.

6. Giáo dục toàn diện nhằm bộc lộ, phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng các loại hình năng khiếu ở nhà trường phổ thông.

7. Tạo dựng tài năng và tạo điều kiện phát triển lớp người khỏe, đẹp, thông minh trong xã hội,

8. Phát hiện, bồi dưỡng các mầm mống năng khiếu ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

9. Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng các loại tài năng đặc biệt ở bậc đại học, sau đại học.

10. Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng có kỹ năng, kỹ xảo giỏi ở hệ thống trường chuyên nghiệp, dạy nghề và ngoài xã hội.

11. Chú trọng vai trò của gia đình, nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy tài năng nhân tài.

 

                                                                    Trần Văn Hương

                                                                  Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn

                                                                     nhân lực, nhân tài tỉnh Đồng Nai

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển