Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 27/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

VẤN ĐỀ ĐÀO TẠO NHÂN TÀI KINH DOANH

Trong cuộc sống thường nhật, nhiều khi hay nói đến nhân tài, mà theo ngôn ngữ Hán-Việt, có thể dịch là người tài. Vậy về mặt ngữ nghĩa, liệu người tài và nhân tài có giống nhau không?
1. Quan niệm về nhân tài
Ai cũng biết, đất nước nào cũng có người tài và về phạm vi hoạt động, có người tài trong từng lĩnh vực, có người tài trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, có lẽ cho đến nay, chưa có định nghĩa đầy đủ và rõ ràng thế nào là người tài.
Trong cuộc sống thường nhật, nhiều khi hay nói đến nhân tài, mà theo ngôn ngữ Hán-Việt, có thể dịch là người tài. Vậy về mặt ngữ nghĩa, liệu người tài và nhân tài có giống nhau không?
Trong các tự điển tiếng Việt phổ thông, nhân tài được xem là “người có tài năng nổi bật” 1, “người có tài năng xuất sắc” 2. Nhiều người chấp nhận cách hiểu như vậy, mặc dù không hề đưa ra các tiêu chí xác định thế nào là “nổi bật”, thế nào là “xuất sắc” 3.
Theo tôi, chung nhất, có thể coi người tài là người có năng lực hơn phần lớn những người lao động (nhân lực 4) bình thường. Quan niệm này nói rõ hai điều: một là, người tài là số ít, số hiếm trong lực lượng lao động; hai là, người tài phân biệt với nhau theo cấp độ năng lực. Mỗi cấp độ năng lực thể hiện một mức độ giá trị mà người tài đáp ứng yêu cầu của xã hội. Giá trị lớn, nhỏ hay trung bình là do mức độ thỏa mãn nhu cầu của xã hội.
Như vậy, người tài là do nhiều người khác, do xã hội thừa nhận, tôn vinh, chứ không phải tự xưng mà có. Mặt khác, cần thấy rằng, một người có thể có trí tuệ thông thái, làm những chuyện kinh thiên động địa, nhưng đi ngược lại sự đòi hỏi của xã hội, thì không phải là người tài. Người tài đồng nghĩa với hiền tài. Vì thế, người tài là tài sản, là của quý của xã hội.
Có thể phân loại người tài theo ba cấp độ năng lực như sau:
- Người tạo ra giá trị xã hội nhỏ, giải quyết được những vấn đề của một nhóm nhỏ người, của một lĩnh vực hoạt động nào đó, hay của một địa phương trong phạm vi một quốc gia nào đó, được một cộng đồng dân cư thừa nhận, thì thuộc loại người có tài.
- Người tạo ra giá trị rất lớn, có ảnh hưởng tới trí tuệ của nhân loại, thúc đẩy nền văn minh nhân loại phát triển trong một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc lâu dài, được cả nhân loại thừa nhận, tôn vinh, thì thuộc loại thiên tài. Những người thuộc loại này có thể đếm trên đầu ngón tay.
- Người tạo ra giá trị góp phần giải quyết những vấn đề tầm cỡ một quốc gia, làm rạng danh đất nước, được nhân dân cả nước thừa nhận, tôn vinh, thì thuộc loại nhân tài.
Dĩ nhiên, ranh giới giữa ba cấp độ này, giữa người có tài, nhân tài và thiên tài, không phải lúc nào cũng thật rõ ràng, mạch lạc. Nó là mảng chuyển tiếp mờ, có tính thang bậc.
 
-----------------------------------------------------
1. Tự điển tiếng Việt. Lê Thị Huyền, Minh Trí. NXB Thanh Niên. Hà Nội, 2009.
2. Tự điển tiếng Việt. Hoang Phê chủ biên. NXB Đà Nẵng, 1998.
3. Trong tiếng Anh, talentist – a man possessing special aptitude or gift, high mental or artistic ability (người có kỹ xảo hoặc tài năng đặc biệt, khả năng trí tuệ hoặc văn hóa cao).
4. Ở đây theo quan niệm của các tổ chức UNESCO, ILO,…
Có thể có nhiều cách phân loại khác đối với cấp độ người tài. Cách phân loại của tôi là theo quan điểm nhân khẩu học, hoặc địa lý học. Từ cách phân loại như vậy, tôi cho răng, người có tài khác với nhân tài. Người có tài là khái niệm chung, còn nhân tài là chỉ một cấp độ năng lực của người có tài, cho dù trong thực tế, nhiều khi người ta dùng hai khái niệm này để phản ánh về cùng một loại người: người tài.
Dựa vào quan niệm trên, dưới đây tôi xin đi sâu nghiên cứu việc đào tạo nhân tài ở Việt Nam. Nghiên cứu phần nào tập trung vào lĩnh vực kinh doanh và đào tạo đại học, phần nhiều dựa vào quan sát và kinh nghiệm thực tế của tôi khi làm việc ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
2. Cơ sở tự nhiên của nhân tài
Như định nghĩa đã nêu, nhân tài là người có tài năng nổi bật, tài năng xuất sắc, tạo ra giá trị góp phần giải quyết những vấn đề tầm cỡ một quốc gia, làm rạng danh đất nước, được nhân dân cả nước thừa nhận, tôn vinh. Họ không phải là những người lao động bình thường hoặc được ít người, ít địa phương biết tên. Họ cũng không được cả thế giới biết tiếng, như đối với thiên tài. Họ chỉ có giá trị chủ yếu đối với một quốc gia, cụ thể ở đây là Việt Nam.
2.1. Mầm mống tự nhiên.Vấn đề này có ý nghĩa với công việc đào tạo.
Tài năng của con người có được chính yếu là nhờ ở bộ óc (não), cụ thể hơn là ở vỏ não (lớp trên cùng và lớp trung tâm). Theo cách nói hiện nay, nó còn được gọi là “phần cứng” của sự thông minh, trí tuệ, tài năng và được cấu tạo từ khoảng 1012 tế bào não (nơ-ron). Đối với một người có thể lực phát triển bình thường, thì “phần cứng” này hầu như hoàn toàn giống nhau.
Để thấy sự phi thường của “phần cứng”, có thể so sánh: một bộ vi xử lý của máy tính Intel Pentium III (500 Mhz) chỉ chạy được 1.354 MIPS (triệu xử lý / giây); còn một tế bào não (nơ-ron) thực hiện 1.000 MIPS. Tức là bộ não của một người bình thường có năng lực tương đương 73.855 máy tính cá nhân. Khi bộ óc được kích hoạt, các nơ-ron sẽ liên kết với nhau – nguồn gốc tạo nên trí tuệ. Theo các kết quả nghiên cứu, nếu xếp nối tiếp tổng số các liên kết nơ-ron có thể hình thành trong não bộ của một người, ta sẽ được độ dài chừng 10,5 triệu kilômét. Như vậy, tiềm năng trí tuệ là vô cùng lớn, có thể nói là vô hạn. Cũng theo các nhà khoa học, một người bình thường mới khai thác được 1% năng lực tiềm ẩn trong não bộ, tức là khoảng 105.000 liên kết nơ-ron!
Một điều khác đáng lưu ý nữa: về mặt chức năng 5 hình thành trí tuệ, não bộ con người phân thành nửa bên trái và nửa bên phải, có lúc gọi là bán cầu đại não trái và bán cầu đại não phải. Não trái “phụ trách” các mảng: ngôn ngữ nói và viết; lịch sử; địa lý; vật lý; hóa học; sinh học; toán học; kế toán; tin học; lập luận; phân tích; thứ tự; sự kiện;... Não phải “phụ trách” các mảng: tưởng tượng; sáng tạo; mơ mộng; màu sắc; âm điệu; di chuyển; cảm xúc;...
Thông thường, trong cuộc sống, phần lớn chỉ sử dụng não trái hoặc não phải, ít người sử dụng cả hai phần của não bộ. Người ta nhận thấy các bậc thiên tài, như
 
-----------------------------------------------------
5. Adam Khoo & Gary Lee. Con cái chúng ta đều giỏi. NXB “Phụ nữ”, Hà Nội, 2009.
Leonardo da Vinci, Albert Einstein, Goethe, Beethoven,… thường sử dụng cả hai đại não, trái và phải. Theo các nhà nghiên cứu, họ trở thành thiên tài không phải vì sở hữu một bộ não siêu phàm, mà vì biết cách “cởi trói” cho tiềm năng của bộ não, nâng mức sử dụng tiềm năng ấy lên 3-5%.
Dĩ nhiên, không phải không có những người tài chỉ sử dụng một đại não. Nhưng những người sử dụng cả hai đại não, thì cấp độ tài năng thường cao hơn.
Điều rút ra ở đây là, muốn có nhân tài, phải tìm cách giúp người bình thường tăng tỉ lệ sử dụng và biết cách sử dụng toàn bộ bộ não, cả trái lẫn phải. Như thế mới có nhiều cơ may thành nhân tài và có nhân tài.
2. 2. Biểu hiện vô thức. Ở các trường đại học hiện nay dạy nhiều môn khác nhau và cách dạy của thầy cô không giống nhau. Có thể tạm phân chia các môn học thành bốn nhóm: các môn lý thuyết cơ bản, các môn lý thuyết cơ sở, các môn chuyên sâu và các môn phụ trợ. Cơ cấu các môn học được thiết kế theo nhu cầu đào tạo của ngành nghề, có nghĩa là nội dung của chúng đều cần cho sinh viên. Tuy nhiên, kết quả học tập của sinh viên luôn khác nhau.
Vấn đề đặt ra: do cách học hay do cách dạy?
Đối với một trường đại học ngoài công lập (tư thục), chẳng hạn như trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội của chúng tôi, thì quan điểm phổ biến là: đổ lỗi cho sinh viên. Cơ sở của nhận định này như sau:
Một là, sinh viên của trường tư vốn đã học yếu từ phổ thông, điểm “đầu vào” thường thấp so với sinh viên trường công. Vì thế, chất lượng chuyên môn của sinh viên trường tư kém hơn sinh viên trường công là có lý, là điều có thể chấp nhận, giải thích được.
Hai là, do học kém từ phổ thông, mà một trong những nguyên nhân đưa lại kết quả này chắc chắn là không có phương pháp học tốt, nên khi vào đại học, số này tiếp tục học yếu. Từ đó càng dễ sinh ra chán nản, không hứng thú học.
(Tất nhiên ở đây tôi không nói đến những sinh viên lười, không chịu học).
Tôi cho rằng cách đánh giá như trên về sinh viên các trường đại học tư là rất không chính xác. Tôi thiên về ý kiến cho rằng sự yếu kém hoặc chất lượng đào tạo chưa đạt mức mong muốn của sinh viên chủ yếu là lỗi của người dạy, của trường. Lập luận như sau:
Các nhà nghiên cứu giáo dục nhận thấy phần lớn các môn học thường liên quan đến não trái. Thêm vào đó, trong các giờ lên lớp, các thầy cô có xu hướng giảng dạy bằng các phương pháp truyền thống Á Đông: thầy đọc – trò ghi, cung cấp nhiều con số, sự kiện khô khan, ra nhiều bài tập, bài kiểm tra.... Các bài giảng thiếu màu sắc, âm thanh, thiếu hoạt động di chuyển, trí tưởng tượng, sáng tạo… Nghĩa là, trong phần lớn trường hợp trên lớp, não phải của người học không có cơ hội tham gia vào quá trình học. Tất nhiên não phải không chịu “ngồi chơi”! Nó sẽ “rong ruổi đến một xứ sở thần tiên” nào đó. Các hiện tượng không chú ý nghe giảng, nói chuyện, chọc ghẹo người bên cạnh, làm bài tập của môn học khác, tập trung vào một chủ đề nào đó, thậm chí ngủ,… chính là do não phải không được kích hoạt. Nó “buồn chán” thì nó phải “dịch chuyển”. Đó là biểu hiện tự nhiên, vô thức của nó. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng bộ não có khả năng ghi nhớ các thông tin bằng hình ảnh, âm thanh tốt hơn là bằng từ ngữ và những con số đơn thuần.
Các nhà nghiên cứu dẫn ra câu chuyện sau mà nhiều người đã biết. Nhà bác học thiên tài người Đức Albert Einstein đã sử dụng não trái để nghiên cứu toán học, phân tích số liệu, lập luận chuỗi sự kiện… Đồng thời ông thích chơi đàn violon để thư giãn và dành hàng giờ cho những mơ mộng sáng tạo, đôi khi có vẻ viển vông. Ông thường thấy mình cưỡi trên một tia sáng ngao du đến tận cùng vũ trụ. Chính trong chuyến bay như vậy, ông đã có những suy tư đột phá, hình thành khái niệm về mối liên hệ giữa không gian và thời gian, đưa ra công thức E = MC2 của Thuyết tương đối, làm thay đổi thế giới! Einstein đã dùng não phải để khơi gợi, phát triển ý tưởng và dùng não trái để hợp lý hóa nó bằng toán học.
Để đào tạo nhân tài, điều quan trọng là phải thúc đẩy hoạt động vô thức của toàn não bộ đi theo luồng hoạt động có ý thức. Theo các nhà khoa học, đó là một bí quyết cực kỳ quan trọng để có nhân tài.
3. Đặc điểm của nhân tài
Muốn đào tạo nhân tài, trước hết cần biết nhân tài có những đặc điểm gì khác với những người bình thường, những người không hoặc chưa phải là nhân tài. Sách vở, người đời nêu ra vô cùng nhiều phẩm chất của nhân tài và thiên tài: từ thể lực tới trí tuệ, từ tâm lý tới đạo đức, từ nghị lực tới kỷ luật, từ kiên định tới phế bỏ, từ bảo lưu tới sáng tạo, v.v. và v.v. Không ít người cho rằng trong vô vàn những phẩm chất đó, có rất nhiều phẩm chất có tính bẩm sinh, thiên phú. Sự khẳng định như vậy liệu có mâu thuẫn với quan niệm cho rằng bộ óc của mọi người đêu tiềm ẩn những năng lực như nhau? 6 Hiện tại, nhan nhản sách viết về các đặc điểm của nhân tài và thiên tài. Song tôi nhận thấy những đặc tính sau đây là cơ sở chung nhất để một người có thể được quan tâm lựa chọn đào tạo thành nhân tài:
Thứ nhất, nói gì thì nói, nhân tài phải có sức khỏe, thể lực, đúng hơn là bộ óc, phát triển bình thường. Có những nhân tài, thậm chí thiên tài, như người sáng lập Tập đoàn Masushita bị hen từ nhỏ, tổng thống Mỹ Roosevel bị liệt chân,… – nói chung là thể lực bị khiếm khuyết – nhưng dứt khoát bộ óc phải lành lặn. Chỉ như vậy mới hi vọng trở thành nhân tài.
Thứ hai, nhân tài phải là người thích làm việc, ham muốn lao động, cả chân tay và trí óc, tuy nhiên, đối với nhân tài, lao động trí óc chiếm phần áp đảo. Nhân tài luôn tìm hiểu, cả cái mới lẫn cái cũ, để thỏa ý tò mò, thay đổi, cải tiến. Nhân tài khi là sinh viên đại học, dứt khoát phải là người thích học hỏi, ham hiểu biết, phân chia thời gian cá nhân hợp lý.
Thứ ba, nhân tài phải có động lực. Động lực hoàn toàn khác động cơ. Động cơ chỉ là mục đích. Còn động lực là lòng nhiệt huyết, là ý chí mãnh liệt đạt mục đích. Chỉ người nào có động lực mới có cơ may trở thành nhân tài.
 
-----------------------------------------
6. Tuy nhiên, phải thừa nhận quan điểm bốn khí chất (sôi nổi, linh hoạt, điềm tĩnh, ưu tư) của con người là có tính bẩm sinh. Khí chất là đặc điểm chung nhất của mỗi con người, là đặc điểm cơ bản của hệ thần kinh, tạo ra các diện mạo nhất định của toàn bộ hoạt động ở mỗi cá thể. (Tham khảo I. M. Xechenov, I. P. Pavlov).
Thứ tư, nhân tài luôn mong muốn thành công, nhưng không sợ thất bại; coi thất bai là điều tự nhiên, là việc nên tránh, không được lặp lại, là bài học, là kinh nghiệm dẫn đến thành công.
Thứ năm, nhân tài không coi thành công là niềm vui của riêng mình, mà là niềm vui chung của mọi người, là sự cống hiến của mình cho lợi ích của xã hội. Thành công của nhân tài không thể là thất bại, là nỗi buồn của người khác.
Mỗi loại nhân tài có thể có những đặc điểm khác nữa. Thí dụ, đối với nhân tài trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, nhà nghiên cứu người Mỹ Ladry Willjiton nêu bảy đặc trưng sau:
1) Có thói quen nỗ lực làm việc;
2) Có khả năng phân biệt cái chính, cái phụ trong cả mớ vấn đề phức tạp và có thể biến đổi vấn đề cho phù hợp, tương thích;
3) Có năng lực ứng phó đạt hiệu quả cao nhất trong rất nhiều công việc, đồng thời có sự kiến giải độc đáo riêng;
4) Có đủ tài năng chỉ huy để sản sinh ra hiệu quả tốt đẹp nhất;
5) Nguyện vì lợi ích tổng thể mà vứt bỏ lợi ích cá nhân;
6) Có khả năng biểu đạt đầy đủ ý đồ của mình bằng văn tự và lời nói;
7) Có khả năng khống chế bản than, không thể thấy người nói cũng nói, từ đó trong tình hình phức tạp, có được dự kiến chính xác.
Nhà nghiên cứu Mỹ cũng đưa ra mười đặc điểm của người điều hành giỏi một doanh nghiệp:
1) Tinh thần hợp tác. Muốn giành thắng lợi trong sự hợp tác vủa mọi người; nguyện cùng làm việc với người khác, không phải là ép buộc, khuất phục, mà là thuyết phục.
2) Quyết sách tài năng. Dựa vào thực tế, chứ không phải dựa vào sự tưởng tượng để tiến hành đưa ra quyết sách; có đầy đủ năng lực nhìn xa trông rộng.
3) Năng lực tổ chức. Có khả năng phát huy tài năng của người dưới quyền; giỏi tổ chức nhân lực, vật lực và tài lực.
4) Giỏi về giao quyền. Có thể nắm giữ quyền lớn, phân tán quyền bé; nắm chắc việc lớn, giao việc nhỏ cho thuộc cấp.
5) Giỏi ứng biến. Dễ truyền đạt; tiến thủ linh hoạt; không ôm đồm, bao biện; không hoàn toàn theo lối mòn.
6) Dám nhận trách nhiệm. Phải có tinh thần trách nhiệm cao đối với cấp trên, cấp dưới, người tiêu dung sản phẩm và cả xã hội.
7) Dám mong muốn cái mới. Cảm thụ nhạy bén với sự vật mới, hoàn cảnh mới, quan niệm mới.
8) Dám gánh vác phong ba, nguy hiểm. Dám đảm nhiệm sự khó khăn trong sự phát triển của doanh nghiệp; có long quả cảm và niềm tin để thay đổi bộ mặt doanh nghiệp, tạo nên cục diện mới.
9) Tôn trọng người khác. Kính trọng và lắng nghe ý kiến của người khác; không võ đoán, nổi khùng.
10) Phẩm chất đạo đức hơn người. Được mọi người trong doanh nghiệp và xã hội ngưỡng mộ.
Giới doanh nhân Nhật Bản nêu ra mười tiêu chuẩn đạo đức và mười tiêu chuẩn của các nhân tai trong lĩnh vực kinh doanh như sau:
1) Tiêu chuẩn đạo đức:
- Cảm nhận sứ mạng;
- Cảm nhận trách nhiệm;
- Có niềm tin;
- Có tinh thần tích cực;
- Trung thành, thật thà;
- Có chí tiến thủ;
- Có tính nhẫn nại;
- Công bằng;
- Nhiệt tình;
- Dũng khí.
2) Tiêu chuẩn năng lực:
- Tư duy;
- Quyết đoán;
- Quy hoạch; Phán đoán;
- Sáng tạo;
- Quan sát;
- Thuyết phục;
- Lý giải cho mọi người; Giải quyết vấn đề;
- Bồi dưỡng cấp dưới;
- Tập hợp tính tích cực của mọi người.
Có thể nêu ra rất nhiều kết luận của nhiều nhà nghiên cứu khác về đặc trưng của nhân tài kinh tế, kinh doanh trong từng lĩnh vực, ngành nghề, môi trường cụ thể. Sự liệt kê như vậy có thể kéo khá dài. Điều quan trọng là có những đạc trưng phổ biến, chung nhất cho các nhân tài. Đó chính là cái cần đối với nhà đào tạo.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ngay từ nhỏ, nhiều người sau này trở thành nhân tài thường hiếu động, nghich ngợm, hay hỏi, hay nói leo, hay có hành vi mà người lơn gọi là “không ngoan ngoãn”, thậm chí có những ước mơ mà người lớn cho là viển vông, hão huyền,… Nếu bố mẹ, người lớn biết duy trì, côt xúy cho những hành vi “bất trị”, “vô bổ” đó của trẻ đi đúng hướng, thì sau này chắc chắn trẻ có nhều cơ may sẽ thành nhân tài. Nhưng tiếc rằng, phần lớn các bậc cha mẹ, các cô giáo nhà trẻ, mẫu giáo, các thầy cô giáo phổ thông, cả đại học nữa (!), đều mong muốn con cái, học sinh, sinh viên “ngoan ngoãn”, “biết nghe lời”, biết tuân thủ những lời răn dạy khôn ngoan của thế hệ đi trước, tạo lập thứ “văn hóa phục tùng”, tước bỏ quyền tự do phát triển trí tuệ, nên đã làm thui chột nhiều mầm mống nhân tài.
Tiến sĩ triết học J. P. Lyci ở Sở Giáo dục bang California (Mỹ) nhận thấy mầm mống nhân tài ở trẻ có “trí lực ưu tú”. Ông cho rằng trẻ có trí lực ưu tú không nhất thiết phải là trẻ học tập nổi trội, có học lực tốt, luôn đạt điểm cao. Ông gợi ý choi các thầy cô phương pháp nhận biết khá dễ dàng những học sinh, sinh viên có trí lực ưu tú qua những đặc trưng sau:
- Nôn nóng; dễ nổi nóng; nóng long hoàn thành công việc;
- Khát vọng vượt lên trên nguyện vọng của người khác;
- Ngôn ngữ phong phú, nhiều mầu sắc;
- Khi người khác nói chuyện, thường nói leo;
- Dám đưa ra cách nhìn với người lớn một cách thoải mái;
- Suy nghĩ lien tưởng hai chiều;
- Hiếu kỳ và thích đặt câu hỏi;
- Quan sát sự vật một cách tiri mỉ;
- Mong muốn đưa vấn đề phát hiện ra nói cho mọi người biết;
- Có thể tìm được mối lien hệ trong quan niệm không tương quan rõ rang;
- Tỏ rõ sự phấn khởi khi gặp sự phát hiện mới;
- Có khuynh hướng quên hết cả thời gian.
Theo nhà giáo dục học người Mỹ TS. Hopter Tily, thì việc giám định phân biệt học sinh có tài năng thiêm bẩm không phải là khó khăn. Ông chỉ rõ, ngay từ cấp tiểu học, những học sinh có những đặc tính sau đây, có thể được xem là những triển vọng nhân tài có trí tuệ thiêm bẩm cao:
- Có rất nhiều ảo tưởng.
- Hoàn toàn chán ghét chỗ ngồi cuối lớp.
- Thích làm mất trật tự.
- Thích nêu ra những vấn đề mà tự mình cho là hay.
- Giáo viên muốn em nêu cách trả lời một vấn đề, thì em thường đưa ra năm, sáu cách trả lời.
Trường THCS công lập của bang San Francisco (Mỹ) đưa ra một bảng danh mục về tiêu chuẩn hành vi để các thầy cô giáo dựa vào đó lựa chọn học sinh có trí lực siêu việt:
1) Ham học; học không mệt mỏi.
2) Nhận được các giải thưởng về khoa học, nghệ thuật hoặc văn học.
3) Có cảm hứng rất nhiều mặt, đặc biệt mạnh mẽ về khoa học và văn học.
4) Trả lời nhanh và thong minh các câu hỏi.
5) Thành tích toán học nổi bật.
6) Có hứng thú, tình cảm rất ổn định.
7) Mạnh dạn, nóng long làm những việc mới.
8) Có thể khống chế cục diện hoặc với người tuổi tác tương tự với mình.
9) Rất biết kinh doanh.
10) Thích một mình làm việc.
11) Mẫn cảm đối với cảm tình của người khác hặc với hoàn cảnh xung quanh.
12) Có long tin ở chính mình.
13) Có khả năng khống chế bản than.
14) Giỏi quan sát biểu diễn nghệ thuật.
15) Dùng phương pháp có tính sang tạo dể giải quyết vấn đề.
16) Có tư duy sang tạo, giỏi quan sát mối liên hệ giữa các sự vật.
17) Khuôn mặt và phong thái gợi cảm.
Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị phân biệt các mầm mống nhân tài có “trí lực ưu tú toàn diện” trong nhiều lĩnh vực và có “trí lực ưu tú đặc thù” trong một lĩnh vực nào đó. Người có “trí lực ưu tú đặc thù” đôi khi được gọi là “thiên tài ngốc nghếch”, vì họ có năng lực đặc biệt trong một licnh vực, nhưng lại không thích hợp trong nhiều lĩnh vực khác. Hiện tượng này đã được nêu trong báo cáo của các nhà khoa học Pháp từ thế kỷ XVIII.
Các nhà nghiên cứu cũng phân biệt trẻ có “trí lực ưu tú” với trẻ “sớm già dặn” và chop rằng trẻ “sớm già dặn” thường có phương pháp biểu đạt hành vi như người lớn trước tuổi, ta thường gọi là “cụ non”, nhưng sau khi qua thời niên thiếu, sự phát triển nhanh chóng, khác lạ này sẽ chậm lại và yếu dần. Còn trẻ có “trí lực ưu tú” thì sau tuổi 12-13, càng phát triển nhanh.
4. Những kiến nghị về đào tạo nhân tài ở trường đại học
Từ một số dẫn chứng và suy luận như trên, tôi cho rằng để đất nước có nhân tài, cần có chiến lược và kế hoach thực hiện quy trình tuyển chọn và đào tạo. Hình như gần đây trường Đại học Đại Nam có chủ trường về vấn đề này? Quy trình này cần được tiến hành theo từng bước, có bài bản, khoa học và không được nôn nóng. Ngày nay có hiện tương “tăng tốc” trong quá trình thai giáo. Nhiều bà mẹ mua đai giáo dục âm nhạc cho con khi chưa ra đời, nghĩ rằng như vậy đứa con sẽ có cơ may trở thành thiên tài. Nhưng do mong muốn thái quá, nôn nóng, nên lợi bất cập hai. Điều này đã được các nhà y học và tâm lý học cảnh báo.
Tuy nhiên, nếu theo dõi các đối tượng từ khi còn học phổ thông, thậm chí tiểu học, thì rất tốt. Nhưng tìm kiếm trong số sinh viên đã nhập trường, cũng không muộn. Sau khi đã tuyển chọn được những người “đạt tiêu chuẩn đào tạo nhân tài”, cần tổ chức lớp học riêng cho họ. Trong hoàn cảnh hiện nay, cùng với chương trình, hoặc chương trình khung đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đòi hỏi phải dạy thêm cho họ những môn học cần thiết khác. Đối với những lớp này cần triệt để đổi mới phương pháp giảng dạy theo xu hướng phát huy trí tuệ và kích hoạt cả hai đại não của sinh viên, kết hợp hợp lý, hài hòa khí chất, tính cáchvà tài năng của họ. Napoleon Bonapart từng nói: “Điều rất lý tưởng là sự cân bằng giữa khí chất và tính cách tương đối lớn thì anh ta sẽ đeo đuổi việc ngoài năng lực của mình một cách quyết liệt; ngược lại, khi tính cách và dũng khí của anh ta không như tài trí của anh ta, thì anh ta không dám thực hiện kế hoach của mình”.
1. Về khâu lựa chọn sinh viên cho lớp đào tạo nhân tài kinh doanh, có thể tuân theo một số tiêu chuẩn cơ bản nhất như các chuyên gia sư phạm, các nhà khoa học đã gợi ý ở trên, được khái quát lại dưới đây:
1) Say mê học tập, tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề bản thân quan tâm, dù đó là vấn đề mới hay cũ.
2) Không thích tư duy theo kiểu cũ, lối mòn; có cách suy nghĩ độc đáo, sang tạo, khác người.
3) Kiên trì theo đuổi đến cùng vấn đề quan tâm.
4) Biết phân phối thời gian hợp lý; khi học tập, nghiên cứu thường “quên” thời gian.
5) Biết chia sẻ hài hòa lợi ich cá nhân, gia đình và mọi người (xã hội).
2. Về khâu dạy và học
1) Hoàn toàn loại trừ cách giảng “thầy đọc – trò ghi”.
2) Sinh viên tự học, tự nghiên cứu là chính (chiếm nhiều thời gian); thầy giảng là phụ (ít thời gian), chỉ mang tính giải đáp, gợi mở, hướng dẫn, giới thiệu.
3) Việc cho điểm không căn cứ nhiều vào mức độ “đúng – sai”, mà nặng về mức độ “sáng tạo – độc đáo”.
4) Phải kết hợp học trên lớp với tham quan thực tế kinh doanh.
5) Các hình thức giảng phải đa dạng, phong phú, hấp dẫn.
Rõ rang, để đạt được những điều này, phải có những người thầy tài năng, tâm huyết.
3. Về chương trình và môn học
Căn cứ vào chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường được quyền tự chủ trong việc thiết kế sang tạo chương trình và danh mục, nội dung các môn học cho lớp đào tạo nhân tài.
1) Hệ thống các môn học phải đi theo hướng kích hoạt toàn bộ bộ não.
2) Trong số các môn học, nhất thiết phải luôn luôn có môn Văn và Toán.
3) Phải lấy công việc xử lý các tình huống trong thực tiễn kinh doanh làm nội dung chủ yếu trong chương trình giảng dạy và học tập.
Trên đây là những suy nghĩ sơ bộ về đào tạo nhân cài trong lĩnh vực kinh doanh, mong được trao đổ cùng bạn đọc. Chắc chắn để đào tạo được những nhà kinh doanh cấp độ nhân tài, vấn đề không hề chỉ đơn giản như vậy, đòi hỏi phải được nghiên cứu tiếp, sâu sắc hơn và tiến hành thử nghiệm ở các trường đại học. Chỉ với sự hợp tác của nhiều cơ quan, việc đào tạo nhân tài cho đất nước mới mong đạt được kết quả.
TS. Đỗ Trọng Thiều
Viện Ngiên cứu Quản lý và Kinh doanh
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
 
 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển