|
Công nghiệp hoá dầu lĩnh vực được ưu tiên phát triển trong đề án |
Báo Đầu tư dẫn lời Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, vẫn còn có những “khoảng trống” cần lấp đầy trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020.
Tuy nhiên, mục tiêu của đề án này là tìm được sự đồng thuận chung, sau đó tiếp tục thảo luận, tìm ra những giải pháp căn cơ nhất để thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Hiện tại, Đề án mới chỉ đặt ra định hướng chung, các giải pháp làm tiền đề cho tái cơ cấu kinh tế, còn các biện pháp căn cơ thì vẫn chưa động tới được”.
Thực tế, dù đã qua rất nhiều lần thảo luận, song theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những người chắp bút cho Đề án cho biết, với Đề án này, tái cơ cấu kinh tế được hiểu là quá trình phân bố lại các nguồn lực trên phạm vi quốc gia và toàn bộ nền kinh tế.
“Kết quả của tái cơ cấu kinh tế là hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn”, ông Cung nói.
Song theo ông Nguyễn Đình Cung, tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ phù hợp với các vùng, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ là trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế.
“Tái cơ cấu ngành kinh tế và vùng kinh tế là nhân tố chính, vừa trực tiếp cải thiện hiệu quả phân bố của nền kinh tế, vừa thúc đẩy hình thành cơ cấu kinh tế năng động và linh hoạt hơn, có năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển cao hơn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhiều lần nhắc tới điều này, phải làm sao tái cơ cấu các ngành sản xuất phù hợp với từng vùng”, ông Cung cho biết.
Theo Đề án, sẽ có hai loại ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển. Thứ nhất, là các ngành, sản phẩm hiện đang có lợi thế cạnh tranh. Thứ hai, là các ngành, sản phẩm được ưu tiên phát triển để xây dựng, bổ sung và nâng cao lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, sản xuất và chế biến lúa gạo, cà phê, chế biến thủy, hải sản, thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ, may mặc, giày da, máy tính, hàng điện tử, đóng tàu, dịch vụ thương mại… được lựa chọn là các ngành, sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh.
Trong khi đó, với các ngành, sản phẩm ưu tiên phát triển để tăng cường, củng cố và phát triển năng lực cạnh tranh của nền kinh tế những năm tiếp theo, Đề án đề xuất các lĩnh vực: luyện kim; hóa dầu; đóng tàu và các phương tiện vận tải khác; điện tử; dịch vụ logistics; du lịch…
Đề án xác định là vậy, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Cao Viết Sinh, điều quan trọng là phải làm sao xác định được các tiêu chí để loại bỏ hay khuyến khích phát triển một ngành, hay sản phẩm, doanh nghiệp nào đó.
Việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên, theo đó sẽ góp phần cơ cấu lại các khu vực của nền kinh tế. Đến năm 2020, dự kiến tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế tối đa của nông nghiệp sẽ chỉ đạt 15% trong khi công nghiệp và dịch vụ sẽ chiếm tối thiểu 85% (hiện lần lượt là hơn 20% và gần 80%). Ngoài ra, các sản phẩm và ứng dụng công nghệ cao cũng phải chiếm khoảng 45% GDP.
Để thực hiện các mục tiêu này, đề án tái cơ cấu đề ra một loạt các giải pháp, mà trước hết là tập trung vào việc rà soát, nâng cao chất lượng quy hoạch, công khai các quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, làng nghề… Bộ KH-ĐT cũng đề xuất việc đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước (đưa vốn Nhà nước, bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ, đầu tư ngoài ngân sách vào khuôn khổ chi tiêu trung hạn), tái cơ cấu để nâng cao chất lượng doanh nghiệp quốc doanh.
Để tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu, cơ quan soạn thảo tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phải hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tải khóa, đảm bảo ổn định vĩ mô. Chính sách tiền tệ cần theo đuổi mục tiêu lạm phát 4-6% một năm trong trung và dài hạn, thực hiện đầy đủ, nhất quán đề án tái cơ cấu thị trường tài chính - chứng khoán… Cùng với đó, tài khóa sẽ được điều hành chủ động theo hướng “nghịch chu kỳ” (giảm chi tiêu công khi kinh tế tăng trưởng mạnh), phân đầu giảm bội chi trung hạn xuống mức 3-3,5% một năm. Đồng thời, nhằm “dưỡng sức” cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ giảm dần mức thu thuế thu nhập xuống mức 22-23% vào năm 2015 và 20% trước năm 2020.
Việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh để huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước cũng được để án nhắc tới nhưng một giải pháp. Theo đó, vai trò của doanh nghiệp, nhà đầu tư mang tính quyết định trong đổi mới, chuyển dịch từng bước. Tuy nhiên, ở các khâu tăng tốc, đột phá, Việt Nam vẫn xác định Nhà nước có vai trò “quan trọng hơn nhiều”.
Cụ thể, Nhà nước sẽ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ bằng cách xác định ưu tiên phát triển, trực tiếp tham gia đầu tư dưới hình thức thích hợp, trực tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng cứng và mềm, dẫn dắt, định hướng và lôi kéo nhà đầu tư cũng như các bên liên quan để thực hiện tăng tốc, đột phá phát triển các ngành, sản phẩm ưu tiên.
Ngoài ra, Đề án của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đề cập đến các giải pháp khác như thực hiện chương trình quốc gia về phát triển, nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh, nâng cao hiệu lực quản lý các dự án FDI, hoàn thiện các hành lang pháp lý đối với phát triển kinh tế, doanh nghiệp…
Đề án Tái cơ cấu kinh tế chính thức được đệ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày mai (19/4)./.
theo vov.vn