Nỗ lực phân luồng

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, thí sinh trên trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 để lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Thời điểm này, các trường THPT đang khẩn trương phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trước khi các em chọn ngành, chọn nghề.

Toàn tỉnh Bắc Ninh có 37 trường THPT với hơn 13.000 học sinh. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Ninh cho biết: Công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh được ngành giáo dục tỉnh chú trọng triển khai trong nhiều năm nay. Để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, sở đã chỉ đạo các trường nghiên cứu kỹ quy chế, cách thức tổ chức thi làm căn cứ tư vấn, định hướng cho học sinh xác định đúng tổ hợp môn thi, đồng thời chọn trường phù hợp với năng lực bản thân.

Qua thực tế nhiều năm quản lý, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã thành lập phòng tham vấn học đường từ năm 2002. Không chỉ tư vấn tâm lý cho học sinh, phòng còn có thêm chức năng tư vấn hướng nghiệp cho 100% học sinh trong trường ngay từ khi các em bắt đầu vào đầu cấp. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, quan trọng nhất của việc hướng nghiệp là học sinh được đối thoại với các chuyên gia tư vấn. Phòng tư vấn của trường có ba chuyên gia, kết hợp hai phương pháp hướng nghiệp. Một là sử dụng phương pháp của các nhà khoa học quốc tế. Theo đó, các em được làm bài kiểm tra với 6 nghề lớn để từ đó chọn ra ngành nghề phù hợp. Hai là kết hợp phương pháp của Á Đông theo cách dùng ngày, giờ, tháng, năm sinh của học sinh để đánh giá sở trường năng lực. Các chuyên gia sẽ có thời gian để làm việc với từng lớp. Căn cứ vào trắc nhiệm theo hai phương pháp Tây-Đông, các chuyên gia kiểm tra lại thông số, chia học sinh theo từng nhóm nghề riêng rồi đưa ra những lời khuyên, hướng nghiệp phù hợp với sở trường, sở đoản của học sinh.

Để cử nhân, kỹ sư... ra trường không thất nghiệp

Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2018 tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Cần thay đổi tư duy về chọn nghề

Những năm gần đây công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh được các cơ sở giáo dục từ cấp THPT đến các trường ĐH, CĐ đặc biệt quan tâm, chủ động thực hiện bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, suy nghĩ của nhiều phụ huynh và học sinh vẫn là sau khi tốt nghiệp THPT phải đỗ đại học bằng mọi giá, kể cả trái với hoài bão, ước mơ của con em mình. Hệ quả, không ít sinh viên “xôi hỏng bỏng không”, nghỉ học giữa chừng. Nhiều năm làm công tác đào tạo, ông Dương Ngọc Khánh, Trưởng Bộ môn Ô tô và Xe chuyên dụng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thừa nhận, do không chọn đúng ngành nghề nên không ít sinh viên theo học bộ môn ô tô chỉ vì… thích ô tô chứ không biết ngành này sẽ học gì và ra trường làm việc như thế nào. Trong khi đó, những nhà tuyển dụng thì biết rõ họ cần đối tượng lao động có trình độ ra sao. Vì thế, nhà trường luôn lắng nghe, tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, từ đó điều chỉnh công tác đào tạo để sinh viên khi ra trường đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị sử dụng lao động.

Trong suốt thời gian từ tháng 1 đến tháng 3-2018, Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), báo Tuổi trẻ tổ chức chuỗi 17 chương trình và Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp cho học sinh trên cả nước. Năm 2018 là năm thứ 16 ngày hội được tổ chức. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT đánh giá, hoạt động này rất hữu ích với học sinh. Đây là dịp để các em tiếp cận thông tin, hiểu rõ các quy định về kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đồng thời có những kiến thức cần thiết để chuẩn bị đăng ký vào các trường ĐH, CĐ hoặc lựa chọn nghề cho tương lai phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện gia đình. Việc tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp trong suốt 16 năm qua là minh chứng rằng xã hội rất quan tâm và đồng hành cùng thế hệ trẻ khi các em chuẩn bị bước vào đời.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng phân tích, về cơ bản, quy chế thi THPT Quốc gia và tuyển sinh năm 2018 không có nhiều thay đổi so với năm 2017. Một trong vài điểm thay đổi trong quy chế năm nay là Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học công bố tỷ lệ có việc làm của các sinh viên trong hai năm trước liền kề. Qua đó làm cơ sở để các em có thể tham khảo xem ngành nghề nào đang thiếu, đang thừa để lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng: “Không cứ phải học đại học hay cao đẳng mà quan trọng nhất là sau khi học xong, các em phải có việc làm chứ đừng để mình thành nạn nhân của thất nghiệp”.

 NGUYỄN HOÀI

Sẽ đưa cử nhân, bác sĩ cây trồng, vật nuôi về các HTX nông nghiệp

Hàng trăm “bác sĩ cây trồng, vật nuôi” trình độ cao đẳng, đại học được tăng cường bổ sung cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp từ năm 2018.

Hỗ trợ 100% kinh phí

Thông tin được đưa ra tại hội nghị “Triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc ở HTX nông nghiệp” tổ chức tại Hà Nội ngày 22.3.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), đến hết tháng 12.2017 có 11.668 HTX nông nghiệp chủ yếu hoạt động tổng hợp (60%); với hơn 4,1 triệu thành viên, giảm trên 1,3 triệu xã viên so năm 2012; bình quân khoảng 368 thành viên/HTX.

Đến hết năm 2017 cả nước có 38% số HTX nông nghiệp được phân loại khá, tốt. Hiện cả nước có 193 HTX nông nghiệp bước đầu đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

 se dua cu nhan, bac si cay trong, vat nuoi ve cac htx nong nghiep hinh anh 1

 HTX nông nghiệp sẽ được hỗ trợ nhân lực trẻ trình độ cao. ảnh tư liệu

Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực kinh tế HTX nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế như thiếu vốn, chưa đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật... Năm 2017, sơ kết 5 năm thực hiện Luật HTX năm 2012 đã đánh giá rất kỹ và xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của các HTX là trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ HTX rất hạn chế (có khoảng 60% cán bộ HTX nông nghiệp chưa học hết THPT), dẫn đến việc tổ chức quản lý và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh của các HTX gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhận định, phát triển HTX nông nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa như mong đợi. Một trong những nguyên nhân là trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ HTX rất hạn chế, đa số các cán bộ HTX cao tuổi, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu nhạy bén trong hoạt động. Chính vì thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật để tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên, khiến tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả thấp.

Chính vì thế, để nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ HTX, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đã đưa ra kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp đảm bảo hiệu quả nhất.

TS Lê Đức Thịnh – Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, trình độ quản lý và chuyên môn của các cán bộ HTX hiện nay được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. HTX có nhu cầu hỗ trợ về lao động có trình độ cao đẳng trở lên để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh phù hợp với lĩnh vực hoạt động chính của HTX được hỗ trợ một lần để thuê tối đa 3 lao động có trình độ cao đẳng trở lên về làm việc tại HTX, thời hạn hỗ trợ không quá 36 tháng.

Năm 2018 thí điểm hỗ trợ 1 cán bộ chuyên môn hoặc cán bộ kế toán cho mỗi HTX  có nhu cầu. Các HTX thuộc diện ưu tiên hỗ trợ phải là HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, có hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản, có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của HTX; có phương án sử dụng lao động phù hợp hiệu quả đối với cán bộ dự kiến tuyển dụng về làm việc cho HTX.

Tăng cường nhân lực trình độ cao

Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí bằng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để các địa phương thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX. Những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự chủ kinh phí”. 
Ông Ma Quang Trung -  Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

 

Thực tế thời gian qua, các HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả đều quan tâm thu hút và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và nhất là cán bộ chuyên môn giỏi. HTX chăn nuôi bò sữa Evergrowth hiện có trên 20 cán bộ có trình độ đại học, tốt nghiệp các chuyên ngành thú y, chăn nuôi, trồng trọt, quản lý kinh tế... đang làm tư vấn kỹ thuật hỗ trợ nông dân nuôi bò với mức lương trung bình 5-7 triệu đồng/tháng. Giám đốc (do HTX thuê) có trình độ trên đại học và đã qua 2 chuyên ngành đào tạo là chăn nuôi và quản lý kinh tế. Hoạt động kế toán HTX thực hiện theo chương trình kế toán quốc tế và được tin học hóa 100%.

HTX cà phê ở Bảo Lộc, Lâm Đồng ngoài cung cấp dịch vụ phân bón ứng trước và tiêu thụ sản phẩm thì hoạt động tư vấn kỹ thuật vào bảo hành năng suất cà phê cho thành viên và nông dân là dịch vụ chính của các HTX. Nhờ có hoạt động tư vấn kỹ thuật này mà người trồng cà phê tin tưởng ký hợp đồng mua phân bón của HTX ngày càng nhiều, doanh số dịch vụ phân bón và tư vấn kỹ thuật năm 2017 lên đến gần 20 tỷ đồng. Để làm được điều này, trong nhiều năm liền HTX đã tuyển dụng và cử con em của các thành viên HTX đi học đại học. Hiện tại đội ngũ “bác sĩ cây trồng” của HTX có 7 người, với mức lương trên 7 triệu đồng/tháng.

Rất nhiều HTX khác như HTX Mường Động (Hòa Bình); HTX rau an toàn Vân Hội Xanh (Vĩnh Phúc); HTX nuôi cá Xuyên Việt (Hải Dương); HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình Định (Thái Bình); HTX cà phê Công bằng Eakiết (Đăk Lăk)... đều là những HTX kiểu mới, có đội ngũ cán bộ quản lý chuyên môn vững vàng và vẫn đang tiếp tục đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn giỏi cho HTX. /.

Đình Thắng 

Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp từ các nguồn: nld.com.vn; giaoducthoidai.vn; www.qdnd.vn; danviet.vn