Công tác thi tuyển công chức, bổ nhiệm cán bộ cần công khai, minh bạch. Trong ảnh: thí sinh làm bài thi tuyển công chức TP.HCM tại Học viện Cán bộ TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật
Trưởng Ban Tổ chức trung ương PHẠM MINH CHÍNH
Các chuyên gia tham gia phục vụ công tác xây dựng đề án cho biết đề án nêu trên đều được nghiên cứu bài bản, trong một thời gian dài, trên cơ sở đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả, tồn tại và nhiệm vụ đặt ra.
Công tác cán bộ còn bị động, chắp vá
Nhìn lại công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời gian qua, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính đánh giá: "Có thể khẳng định rằng sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua".
Tuy nhiên, ông Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng: "Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi.
Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược, chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Trình độ tư duy và khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của một bộ phận cán bộ còn chậm; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện còn hạn chế.
Không ít cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa gương mẫu, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có nhiều lợi ích.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật".
Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này cũng thẳng thắn chỉ rõ: "Công tác cán bộ chậm đổi mới, chưa tương xứng với đổi mới kinh tế, chưa gắn chặt với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, với đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của hệ thống chính trị.
Công tác cán bộ còn bị động, chắp vá, lúng túng, tư duy nhiệm kỳ, chưa đồng bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành giữa các khâu trong công tác cán bộ; tình trạng "đúng quy trình" nhưng không đúng người, đúng việc.
Số lượng cán bộ đông nhưng cơ cấu chưa hợp lý, chất lượng không đồng đều, chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm nhanh, "thần tốc"... diễn ra ở nhiều nơi".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn
Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương
Được biết, đề án trình Hội nghị Trung ương 7 đã xác định hai trọng tâm trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.
Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Đề án cũng đã đề ra năm đột phá, gồm:
Một, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương.
Hai, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền.
Ba, thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Bốn, cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm.
Năm, hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Ông Lê Quang Thưởng - nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương - bình luận: "Tôi thấy đề án lần này cụ thể, nhiều vấn đề rõ hơn, tiếp tục kế thừa tư tưởng của nghị quyết trung ương cách đây hơn 20 năm.
Cách nhìn nhận, đánh giá thực tế rất thẳng thắn, trúng. Giải pháp nêu lên cũng tương đối đầy đủ, phù hợp thực tiễn. Nhưng tôi muốn lưu ý rằng điểm yếu của chúng ta luôn là khâu thực hiện.
Do đó, tôi mong muốn, chờ đợi tới đây trung ương ban hành nghị quyết thì đề cập thật rõ lộ trình, cách thức, trách nhiệm trong thực hiện thì mới thành công được.
Đặc biệt, đối với công tác cán bộ thì cần phải cụ thể hóa bằng pháp luật, đặc biệt ở khâu giám sát quyền lực như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là phải "nhốt quyền lực trong lồng pháp luật".
* Đỗ Nguyễn Hữu Tấn (sinh viên Đại học Luật TP.HCM):
Tháo dỡ điều kiện vô lý với nhân tài
Những ngày qua, tôi cũng rất quan tâm và bức xúc trước thông tin nhà khoa học tài năng, một nhân tài như giáo sư Trương Nguyện Thành không được làm hiệu trưởng đại học chỉ vì thiếu điều kiện kinh nghiệm quản lý.
Từ đó khiến tôi có cách nghĩ khác rằng cuối cùng có lẽ chính sách của chúng ta vẫn chuộng thâm niên hơn tài năng. Trong khi nhân tài của đất nước ta hiện nay rất trẻ, được đào tạo ở nước ngoài và có các thành tích tốt ngày càng nhiều.
Vì vậy, với đề án xây dựng đội ngũ cán bộ tại hội nghị trung ương lần này, tôi mong muốn có những giải pháp để thu hút tốt hơn nhân tài, nhất là người trẻ, nhân tài Việt kiều..., tạo nguồn cán bộ.
Cụ thể: Cần tháo dỡ các điều kiện vô lý để nhân tài, người trẻ có thể tham gia đóng góp, cống hiến nhiều hơn tại tất cả các lĩnh vực, tất cả các cấp.
Tiếp theo là tổ chức tuyển chọn thông qua thi tuyển cạnh tranh lành mạnh, có số dư để chọn ra cán bộ xứng đáng. Cùng với đó, các tiêu chí đánh giá để cơ cấu, phát triển cán bộ từ nguồn nhân tài phải minh bạch, công bằng.
Cuối cùng là chế độ chính sách đãi ngộ (nhất là lương, thưởng, thu nhập...) nhân tài, người trẻ... cũng phải phù hợp, tránh tình trạng nhiều cán bộ tìm cách leo lên vị trí cao hơn để vụ lợi, tiêu cực.
* PGS.TS Nguyễn Văn Trình (nguyên giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM):
Tránh việc cán bộ "hư" vẫn được đẩy lên cao
Tôi đánh giá cao đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ tại Hội nghị Trung ương 7. Đề án này đã hệ thống các cách làm mới trong khâu tuyển chọn nhân tài, đào tạo, giám sát, đề bạt cán bộ.
Tôi mong muốn khi Đảng thông qua đề án thì phải thực thi hiệu quả, đồng bộ và nhanh chóng triển khai đi vào cuộc sống ở tất cả các cấp Đảng để làm tốt công tác cán bộ từ cấp cơ sở cho đến cấp chiến lược.
Các cấp phải làm công tác cán bộ thực sự quyết liệt nhất là yêu cầu giám sát, đánh giá cán bộ từ các khâu tuyển chọn, đào tạo, đề bạt lên các vị trí ở cấp chiến lược.
Tránh tình trạng các cán bộ đã "hư" từ cấp dưới vẫn được đẩy lên cấp chiến lược như một số cá nhân bị xử lý vừa qua.
ĐỨC BÌNH - ÁI NHÂN ghi
lÊ KIÊN