Phát huy truyền thống của dân tộc về trọng dụng nhân tài, những năm qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp “chiêu mộ”, thu hút người có tài năng, phát huy trí tuệ, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Rất nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị có những chủ trương, chính sách hết sức ưu ái để thu hút nhân tài từ cơ chế tuyển dụng, chế độ lương, thưởng, chính sách nhà ở, đến lộ trình phát triển, cơ hội học tập... Tuy nhiên, thực tiễn vẫn đặt ra rất nhiều điều đáng để bàn luận, suy ngẫm.
Tài năng, dù nhìn ở góc độ nào cũng luôn được xã hội trân trọng, ghi nhận. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn tài năng ấy phải nhằm tới mục đích cao nhất là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tài năng chỉ trở thành nhân tài, trở thành hiền tài khi thể hiện được giá trị đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Nếu thiếu đi tình yêu Tổ quốc, nếu đứng ngoài lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc, thì những cá nhân mà ban đầu được xem là “tài năng” cũng chẳng có giá trị gì. Bởi vậy, tôn vinh hiền tài, trọng dụng tài năng là trọng dụng những con người luôn khát khao cống hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho nhân dân và sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Ảnh minh họa/nguồn internet.
Thu hút tài năng, trọng dụng nhân tài là trách nhiệm của mỗi tổ chức và toàn xã hội, nhất là trong điều kiện đất nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, khi mà kinh tế tri thức đang được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, để tài năng được nở rộ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường, điều kiện công tác. Tài năng của một cá nhân là giá trị ban đầu rất đáng trân trọng, nhưng tài năng ấy phải được nuôi dưỡng, bồi đắp thường xuyên. Bởi vậy, nuôi dưỡng, bồi đắp, tạo điều kiện để từng tài năng phát triển, cống hiến được nhiều nhất cho Tổ quốc, cho nhân dân, trách nhiệm trước hết thuộc về từng cơ quan, đơn vị. Nhìn vào thực tiễn ở một số địa phương, đơn vị thời gian qua cho thấy, do thiếu sự quan tâm, bồi dưỡng, tạo điều kiện một cách đúng mức của từng cơ quan, đơn vị nên không ít tài năng bị thui chột, thậm chí trở thành “rào cản” trên con đường phát triển chung. Điều đó không chỉ đánh mất một tài năng, mà còn gây nhiều lãng phí cho xã hội, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Mặt khác, xét trên bình diện cả nước, chúng ta chưa có tiêu chí thống nhất về xem xét, đánh giá, sử dụng nhân tài. Ở một số nơi nhấn mạnh về bằng cấp, có lúc nhấn mạnh về cơ cấu, về độ tuổi; có địa phương chỉ thu hút những sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc từ các trường công lập; việc thu hút nhân tài chủ yếu tập trung cho hệ thống chính trị, chưa quan tâm cho khối doanh nghiệp; chưa đánh giá, phân loại về trình độ, sở trường của nhân tài để tiếp tục định hướng đào tạo, bồi dưỡng...
Đánh giá đúng vị trí, vai trò của nhân tài trong sự phát triển chung của xã hội hiện nay để bố trí, sử dụng một cách hiệu quả, không những phát huy được giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà còn tạo nên một lực lượng vật chất to lớn thúc đẩy xã hội phát triển. Để sử dụng nhân tài một cách hiệu quả, để mỗi nhân tài đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước, trách nhiệm đó trước hết là của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Chủ trương đúng, nhưng thiếu cách làm phù hợp cũng sẽ không mang lại kết quả. Bài học đó không chỉ có giá trị trong việc trọng dụng, sử dụng nhân tài, mà còn có ý nghĩa với nhiều vấn đề xã hội đang đặt ra hiện nay.
LÊ NGỌC LONG
Theo www.qdnd.vn