Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 23/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Triển khai dạy học tiếng Anh, Tin học bắt buộc: Hành trang vững vàng cho tương lai

 
Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (Tam Điệp – Ninh Bình) trong giờ Tin học. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (Tam Điệp – Ninh Bình) trong giờ Tin học. Ảnh: TG

Các chuyên gia giáo dục chia sẻ quan điểm để làm rõ hơn vấn đề trên.

TS Nguyễn Thế Lộc – Trưởng bộ môn Kỹ thuật máy tính và mạng, Khoa Công nghệ thông tin – Trường ĐHSP Hà Nội: Tin học là then chốt

Công nghệ thông tin là ngành khoa học mang lại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đưa loài người bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số. Do đó, quốc gia nào không muốn bị bỏ lại phía sau đều phải coi tin học là then chốt trong chương trình giáo dục.

TS Nguyễn Thế Lộc. Ảnh: NVCC

Ở nước ta, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa Tin học thành môn bắt buộc (bắt đầu từ học sinh lớp 3 năm học 2022 - 2023) ở tiểu học được xem như bước cải cách đầu tiên, phù hợp và tất yếu. Cần và sẽ phải có nhiều bước cải cách tiếp theo thì Tin học mới lên tới vị trí xứng đáng.

Quá trình các địa phương, nhà trường chuẩn bị điều kiện và triển khai trong bối cảnh hiện nay cần lưu ý: Môn Tin học trước giờ bị coi là môn phụ, tự chọn ở trường tiểu học và trung học cơ sở. Môn Tin học cũng chưa bao giờ được đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tuy đưa Tin học thành môn bắt buộc ở tiểu học nhưng thời lượng chỉ bằng 1/5 môn Toán, 1/7 môn Tiếng Việt. Tất cả điều này nói lên rằng, vị thế của môn Tin học trong nhà trường còn kém xa so với giá trị đích thực của nó trong xã hội.

Thực trạng này tất yếu sẽ phải thay đổi, dù sớm hay muộn. Thay đổi sớm thì quốc gia cường thịnh, muộn sẽ tụt hậu. Lãnh đạo các cơ sở giáo dục, cơ quan chính quyền cần phải thay đổi để có hiểu biết và tầm nhìn xa hơn, từ đó  sớm chuẩn bị về nhân lực và hạ tầng trang thiết bị.

Mặt khác, để việc triển khai hiệu quả, giáo viên Tin học cần được bồi dưỡng, tập huấn làm quen với Chương trình và sách giáo khoa mới. Nhà quản lý giáo dục và cả chính quyền cần được tập huấn để hiểu sự bất hợp lý trong thứ tự xếp hạng của các môn học, điều không tồn tại trong văn bản chính thức nhưng ai cũng biết, cũng là nguyên nhân sự tụt hậu của nền giáo dục và cả quốc gia.

TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội: Trang bị khả năng hội nhập toàn cầu

Chúng ta đã biết, thực tiễn thế giới phẳng vận hành trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn đòi hỏi mỗi người phải có năng lực phù hợp về tiếng Anh và Tin học để có thể thực hiện tốt công việc và đạt được mục đích của mình.

TS Nghiêm Xuân Huy. Ảnh: NVCC

Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc với học sinh từ lớp 3 đồng nghĩa với việc chúng ta “phổ cập” tiếng Anh và tin học cho trẻ em trên khắp cả nước.

Nếu triển khai môn học này phù hợp, hiệu quả, sẽ tạo nên sự thay đổi đáng kể về năng lực giao tiếp, giúp thế hệ tương lai có hành trang vững vàng cho những chặng đường phát triển tiếp theo.

Học tiếng Anh với trẻ em không đơn thuần là học một ngôn ngữ, mà còn là cơ hội để tiếp xúc với nền văn hoá mới mang tính đại chúng, toàn cầu, và có thêm phương tiện để rèn luyện tư duy. Nếu trẻ được học đúng cách, đúng khối lượng, không chỉ năng lực ngôn ngữ được gia tăng mà vốn văn hoá cũng dày thêm, giúp trẻ hội nhập tốt trong bối cảnh quốc tế khác nhau, làm cơ sở cho sự phát triển sau này.

Ở độ tuổi từ 8 - 9 tuổi (lớp 3), vốn tiếng Việt của trẻ đã khá vững, khó có thể bị mai một khi “đặt cạnh” ngôn ngữ khác. Đồng thời, đây cũng là độ tuổi trẻ dễ tiếp cận và học ngôn ngữ mới.

Tuy nhiên, khi triển khai cần lưu ý:

Ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố, môn Tiếng Anh và Tin học (có nơi gọi là môn Công nghệ thông tin) được đưa vào giảng dạy chính thức cho học sinh ngay từ lớp 1. Vì vậy nên có những nghiên cứu, đánh giá tổng kết về mô hình đào tạo này để rút ra bài học, kinh nghiệm khi triển khai ở diện rộng.

Không nên đưa 2 môn học này vào như là phần bổ sung của chương trình đào tạo hiện tại. Nói cách khác, không nên gia tăng khối lượng học tập của trẻ nếu chưa có những nghiên cứu, đánh giá chính xác.

Cần phải xem 2 môn này tương tự như những môn học khác. Tức là, nếu khối lượng học tập của trẻ hiện nay là phù hợp rồi, khi đưa 2 môn học này vào phải giảm tải các môn học khác, làm sao để tổng khối lượng học tập không đổi.

Bên cạnh đó, ngoại ngữ là môn học thiên về kỹ năng, do đó sẽ không thể duy trì và phát triển được năng lực ngoại ngữ của trẻ nếu chỉ dạy ngoại ngữ như những môn học độc lập. Cần phải có sự tích hợp, kết hợp với các môn học khác để tạo cho trẻ cơ hội thực hành, áp dụng kỹ năng tiếng Anh một cách thường xuyên.

Yếu tố độ tuổi, tâm lý, sức khoẻ của trẻ cần được quan tâm khi xây dựng và thiết kế các môn học này. Cần có một thiết kế tổng thể về lộ trình học tập tiếng Anh cho trẻ từ lớp 3 - 12, bảo đảm sự liên thông và tránh trùng lặp về nội dung đào tạo giữa các lớp, khối học.

Cuối cùng, cần có sự chuẩn bị chu đáo về đội ngũ giáo viên, hệ thống sách giáo khoa, cơ sở vật chất để tổ chức dạy các môn học này. Đây là môn học đòi hỏi cơ sở vật chất hiện đại. Dạy ngoại ngữ muốn hiệu quả không thể dạy “suông”. Điều này có lẽ cũng là thách thức lớn khi triển khai với các địa phương, nhà trường vùng khó.

Đức Trí

 

Nguồn: giaoducthoidai.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển