Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 2, 23/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Trẻ nông thôn học thêm từ khi... gà gáy

Cứ ngỡ chuyện học thêm, dạy thêm chỉ “quá đáng” ở thành thị, nào ngờ ở nông thôn cũng nhan nhản các lớp dạy thêm, chen chúc mở từ gà gáy đến canh khuya...

Tại thôn Phú Diễn (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên), chỉ trên một đoạn đường 100m trước UBND xã, đã hơn 8 giờ tối nhưng khoảng 10 điểm dạy thêm vẫn còn đỏ đèn, chen chúc học sinh.

Một lớp học thêm tại làng biển Phú Đông (TP.Tuy Hòa).

Gà gáy, đêm thâu…

Anh T.X.Q - cán bộ xã Hòa Đồng, nhà ở thôn Phú Diễn, kể vanh vách tên tuổi từng giáo viên trực tiếp đứng “cua”, đều là các thầy cô dạy ở các trường trong vùng. Hầu hết các điểm dạy thêm này đều kết thúc vào lúc 21 giờ. T.T.V (học lớp 9), con gái anh xong “cua” môn vật lý lúc 20 giờ 30, tại điểm học cách nhà hơn 2 cây số…

Ngoài ra, T.T.V còn học toán từ 4 giờ 30 đến 6 giờ sáng, sau đó mới quáng quàng kiếm đồ lót dạ rồi đến trường. Nhìn lịch học thêm của T.T.V, chúng tôi không khỏi rùng mình: Bé học thêm về nhà lúc 21 giờ đêm qua, rồi ăn uống, tắm rửa, học bài, đến khuya mới chợp mắt. Chưa ngủ đủ giấc, 4 giờ sáng đã dậy để lại đi học thêm…

Còn em Đ.T.L (13 tuổi, học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Thị Định, Hòa Đồng) học thêm 4 môn tại nhà thầy cô. Môn toán của cô Th, môn tiếng Anh của thầy T, môn vật lý của thầy L và môn ngữ văn của cô K. Đây đều là các thầy cô dạy Đ.T.L ở trường…

Cụ thể, mỗi tuần, Đ.T.L học thêm môn ngữ văn một buổi 5-7 giờ sáng và một buổi 17-19 giờ chiều; môn vật lý một buổi 5-7 giờ sáng, một buổi 17-19 giờ chiều; môn toán hai buổi 5-7 giờ sáng và một buổi 18-20 giờ tối; môn tiếng Anh thì thường là học sau 19 giờ tối… Thấy chúng tôi e ngại trước sức vóc của bé Đ.T.L, chị Nguyễn Thị Hoa - mẹ L nói: “Hồi giờ nó cứ vậy, học nhiều quá có thấy lớn đâu! Bạn bè nó đứa nào cũng thế”.

Em V.T.H (học lớp 11 Trường THPT Lê Hồng Phong, Tây Hòa) bảo: “Hầu như ngày nào trong tuần em cũng học thêm từ 4 giờ sáng và buổi tối thì xong “cua” lúc 20-21 giờ…”.

Người “mở mắt”, kẻ “bịt tai”

Ông Mai Ne - Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng có con đang học lớp 10, cũng thường xuyên đi học thêm vào sáng sớm, tối và ngày Chủ nhật, cho biết: “Con trai tôi học lớp chọn của trường nên học chính khóa 2 buổi/ngày. Vì vậy nó buộc phải đi học thêm vào những giờ trái với quy định dạy thêm. Tôi thấy cái chuyện học thêm của tụi nhỏ thâu đêm suốt sáng là rất phản khoa học…”.

Còn ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Đồng thì bày tỏ: “Dạy và học đến hành xác thế này mà gọi là giáo dục à? Bao nhiêu quy định, thanh kiểm tra dạy thêm, học thêm mà chỉ thấy học trò ngày càng bị đày ải!”. Nói rồi ông lắc đầu chỉ tay ra mấy ngôi nhà của các thầy cô ở ngay mặt tiền, thấp thoáng những mái đầu học trò, đều đều tiếng thầy cô trong ánh đèn nhờ nhờ…

Ông V.T.H có 3 con đang học THCS và THPT ở xã Hòa Đồng cho biết: “Tụi nó đi học thêm từ gà gáy đến khuya. Sáng tụi nó thức dậy trước tui, tối về ngủ sau tui nên nhiều ngày chẳng thể nói chuyện với con. Chi phí học thêm cho mỗi đứa mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng. Vợ chồng tui làm ruộng, làm mướn è cổ mà nhà cửa cứ trống trơn...”.

Chúng tôi liên hệ với hiệu trưởng các trường phổ thông tại địa phương, ông Cao Trung - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Định và ông Lê Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) - đều nói rằng: “Không biết gì về chuyện đó, chúng tôi sẽ kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Chúng tôi chưa nghe phụ huynh, học sinh phản ánh gì về chuyện dạy thêm trái quy định…”(?!).

Thậm chí, ở mỗi trường này đều có ban quản lý dạy thêm, học thêm (do hiệu trưởng trực tiếp làm trưởng ban), nhưng hàng loạt điểm dạy thêm (quá giờ quy định) mở ngay cạnh trường hoặc cạnh nhà hiệu trưởng mà họ cũng không hay biết.

Một số giáo viên (có dạy thêm) xin giấu tên, cho hay: “Hầu như giáo viên nào cũng dạy thêm để kiếm thu nhập. Tôi cũng đã được truyền đạt về quy định giờ giấc dạy thêm và biết dạy những giờ như vậy là vi phạm quy định. Nhưng ngặt nỗi, các em học thêm rất nhiều môn, lịch kín mít; giờ cho phép dạy thêm thì ít quá, nếu không dạy vào những giờ này thì chẳng còn lúc nào để dạy…”.

Tình trạng dạy thêm, học thêm đã được các cấp từ vĩ mô đến vi mô “bàn” và nêu “giải pháp” quá nhiều rồi, thế nhưng nó vẫn trở nên “phổ cập”, không riêng địa phương, giáo viên, học sinh nào.

theo danviet.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển