Có nguy cơ dồn ứ
Mùa hè là dịp nông dân cả nước thu hoạch nhiều loại trái cây như vải, xoài, mít, dứa, mận... với sản lượng vô cùng lớn. Chỉ tính riêng vải thiều đã hơn 200.000 tấn và thu hoạch trong thời gian ngắn, từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6. Các loại trái cây khác cũng cho thu hoạch trùng thời điểm và gối vụ nhau khiến sản lượng trái cây tăng liên tục trong suốt mùa hè.
Cần tăng cường chuỗi liên kết để có những chương trình tiêu thụ sản phẩm trọng điểm |
Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu sang thị trường số 1 là Trung Quốc cũng như các thị trường trọng điểm khác bị hạn chế. Vì vậy nguồn cung trái cây trong mùa hè có nguy cơ bị dồn ứ. Phần lớn các loại hoa quả đều phải chịu sức ép mùa vụ rất cao và chủ yếu là bán tươi, việc chế biến còn hạn chế. Hiện các địa phương đã đưa ra rất nhiều kịch bản tiêu thụ trái cây mùa hè, trong đó quan trọng nhất là đẩy mạnh thị trường nội địa, đồng thời tìm hướng xuất khẩu sang một số thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã sát vụ thu hoạch nhưng vẫn vắng bóng thương lái Trung Quốc. Mặc dù tỷ lệ đậu quả năm nay chỉ đạt 70% so với 2019 nhưng tổng sản lượng vải Lục Ngạn đạt gần 85.000 tấn. Năm nay nhuận tháng 4 âm lịch, vải thiều Bắc Giang thu hoạch muộn hơn mọi năm 3 tuần. Thời điểm này cũng gần với vụ thu hoạch vải chính vụ ở Trung Quốc (từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7) và nhờ thời tiết thuận lợi nên sản lượng vải thiều Trung Quốc dự báo sẽ được mùa.
Ngay trong tháng 4.2020, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản xuất khẩu vải thiều. Theo đó, thuận lợi nhất là xuất khẩu sang tất cả thị trường, cả thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai, tuy khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Trường hợp không thể xuất khẩu, tỉnh sẽ tập trung tiêu thụ trong nước.
Trong khi nhiều mặt hàng trái cây đang loay hoay tìm đầu ra thì mới đây Sơn La đã xuất khẩu chính ngạch được 30 tấn xoài Yên Châu sang thị trường Trung Quốc. Năm nay sản lượng xoài Yên Châu dự kiến đạt gần 200.000 tấn. Thời điểm hiện tại, ảnh hưởng từ dịch Covid - 19 khiến việc xuất khẩu nhiều trái cây khác gặp khó khăn, nhưng với xoài Yên Châu, nhiều hợp đồng ký kết với Trung Quốc vẫn đang được tiến hành thuận lợi. Ngoài việc kết nối, tổ chức xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, UBND huyện Yên Châu chủ động kết nối với các doanh nghiệp cả nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm hiểu và ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản của huyện. Giữa tháng 5 vừa qua, huyện Yên Châu khai trương gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm xoài và nông sản an toàn của huyện đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Hiện tỉnh Sơn La đang đẩy nhanh việc hoàn thành Nhà máy Chế biến nông sản TH để tháng 7 tới đi vào hoạt động, phục vụ tiêu thụ nông sản nếu không xuất khẩu hết.
Tận dụng lợi thế của đặc sản vùng miền
Đánh giá về tiềm năng thị trường trong nước, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng cần phải phát huy lợi thế của những loại đặc sản mang tính vùng miền. Lấy dẫn chứng quả vải thiều, tuy phổ biến ở miền Bắc nhưng rất nhiều người dân ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên hay Nam Bộ không được tiếp cận quả vải chính gốc. Thị trường nội địa quy mô dân số gần 100 triệu dân phân bổ khắp các vùng miền là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phân phối đa dạng các loại nông sản.
Đối với những mặt hàng trọng điểm sắp tới vụ thu hoạch như nhãn lồng hay na, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, phải tăng cường liên kết chuỗi giữa bà con nông dân với chính quyền địa phương, doanh nghiệp thu mua, các chuỗi siêu thị để có những chương trình tiêu thụ trọng điểm.
Trước mắt, để hỗ trợ xuất khẩu nông sản, trong đó có trái cây sang Trung Quốc, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ phương án thông quan đã được các lực lượng chức năng ở biên giới thống nhất, đồng thời cải tiến thủ tục để rút ngắn thời gian thông quan. Bên cạnh đó, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản cho rằng cần quan tâm hơn đến khâu chế biến, bởi nhiều loại nông sản có thời gian thu hoạch vô cùng ngắn, sản lượng lại cao, khó tiêu thụ hết được. “Việc này không phải mang tính chất giải cứu mà nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm”, ông Toản nói.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) Đặng Phúc Nguyên, nước ta có khí hậu nhiệt đới, đa phần trái cây cho thu hoạch vào mùa hè, sản lượng đến hàng trăm nghìn tấn, nếu đầu ra chỉ tập trung vào thị trường nội địa hay xuất khẩu tiểu ngạch thì rủi ro vẫn rất lớn. Sau vải, mận, dứa, dưa lê hay xoài, sắp tới sẽ vào vụ thu hoạch rộ na và nhãn. Để giải quyết bài toán đầu ra, ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp phải rất tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới theo con đường chính ngạch như Ấn Độ, EU, Hoa Kỳ. Song song với đó là các giải pháp chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nông sản, chế biến ngày càng cao trên thế giới hiện nay.