Căn nhà lịch sử số 48 phố Hàng Ngang, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập. Nơi đây là đất phường Diên Hưng, tổng Hữu Túc (sau đổi là tổng Đông Thọ) huyện Thọ Xương phủ Hoài Đức xưa. Nay di tích này thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Căn nhà là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc sau khi Người rời Tân Trào (Tuyên Quang) về Hà Nội. Cũng chính tại nơi đây, sáng 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về chủ trương đối nội và đối ngoại trong tình hình mới, về việc sớm công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời. Người còn đề nghị mở rộng hơn nữa thành phần Chính phủ lâm thời, chuẩn bị Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu -TTXVN |
Thời gian ở số nhà 48, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần lớn thời gian soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Trong hoàn cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt: Thời gian ngắn, yêu cầu gấp rút, địa điểm chật hẹp, thân phận bí mật. Song bằng sức mạnh, tâm lực, trí tuệ và bản lĩnh của một vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành bản thảo Tuyên ngôn Độc lập chỉ trong vòng 3 ngày (từ 28 đến 30/8/1945). Trong quá trình viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số đồng chí đến để trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 30/8/1945, Người tiếp tục mời một số đồng chí đến trao đổi, góp ý kiến. Ngày 31/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung, chỉnh sửa một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Khi viết xong, Người nói: "Trong đời tôi, tôi đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy".
Viết bản Tuyên ngôn Độc lập, Người đã viện dẫn lời từ chính bản Tuyên ngôn Độc lập (năm 1776) của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791), khi nói về quyền bình đẳng, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Vậy mà, thực dân Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của thực dân Pháp trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Chính vì vậy, nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người viết: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập lên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.
Thời gian sống, làm việc và đặc biệt là viết bản Tuyên ngôn Độc lập ở ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị, đạm bạc. Lúc bấy giờ Người gầy và ho nhiều. Người thường mặc bộ quần áo chàm cũ, đi đôi giày vải và đội chiếc mũ cát đã sờn mà Người đã cầm để vẫy chào đồng bào ở Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiếc bàn tròn trong phòng khách nhỏ, nơi Người viết bản Tuyên ngôn Độc lập, và ngay cả ấn kiếm của Bảo Đại sau khi đưa từ Huế về lúc đầu cũng để trên mặt chiếc tủ ở căn phòng này. Trong suốt thời gian làm việc ở đây, ngôi nhà 48 Hàng Ngang vẫn có người ra vào bình thường, vì tầng 1 lúc đó vẫn là cửa hàng bán vải vóc, tơ lụa của gia đình. Điều đó, chứng tỏ Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng vào dân, tin tưởng vào lực lượng cách mạng quần chúng. Sống ở 48 Hàng Ngang có lẽ là những giây phút sảng khoái, hạnh phúc nhất của Người, bởi thành quả độc lập, tự do của dân tộc do chính Người gieo trồng đang ngời lên từng chữ, từng câu trong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Lấp lánh giá trị thời đại
Đúng 14 giờ ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị trong Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt ở Kỳ đài Độc lập, tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Vị cha già dân tộc xuất hiện giản dị trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời, hình thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, Nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới. Đây là văn kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng trọng đại đối với vận mệnh dân tộc, là mốc son chói lọi trong lịch sử vẻ vang của đất nước ta. Tuyên ngôn là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân ta trước toàn thế giới. Bản Tuyên ngôn khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam quyết giữ vững quyền thiêng liêng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đồng thời là một tác phẩm “Thiên cổ hùng văn”, tiếp sau bài thơ “Thần” - “Nam quốc sơn hà” và bài “Bình Ngô đại cáo”, kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta; là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và góp phần làm phong phú về Quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới - Quyền độc lập tự do. Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, Người nói: “Độc lập tự do là quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.
Cách mạng tháng Tám với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xóa tan hai tầng xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp (kéo dài hơn 80 năm) và của phát xít Nhật, đồng thời lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót gần 1.000 năm. Nước ta từ một nước thuộc địa, phong kiến đã trở thành một nước độc lập dưới chế độ dân chủ cộng hòa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà. Đây là một bước phát triển nhảy vọt của Cách mạng Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong sự phát triển của lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động; kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trên thế giới, đặc biệt là nhân dân châu Á và châu Phi.
Có thể khẳng định rằng chính thời điểm lịch sử cực kỳ quan trọng và thử thách ngặt nghèo từ sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, việc thành lập chính quyền nhân dân, tuyên bố độc lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời… đã bộc lộ đầy đủ và sinh động nhất thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đây với tư cách là người chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. 30 năm sau ngày “Tuyên ngôn Độc lập”, Đảng và nhân dân đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc - dân chủ, thống nhất đất nước. Tổ quốc vĩnh viễn được độc lập, nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2/9/1945 đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.