Một trong 3 phương án mà dự thảo Đề án cải cách lương cán bộ, công chức, viên chức 2012 - 2020 đưa ra là quy định mức lương tối thiểu bằng mức bình quân các mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp, đồng thời áp dụng hệ số tăng thêm ở những vùng có thị trường lao động phát triển, nhằm thu hút người tài vào bộ máy nhà nước.
Các ý kiến từ kết quả khảo sát do Bộ Nội vụ tiến hành năm 2011 đề nghị đưa mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp để động viên khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức gắn bó, tận tâm với công việc, làm tròn trách nhiệm công vụ, góp phần phòng, chống tham nhũng... (theo TTXVN).
Theo Báo cáo năm 2005 về Hệ thống tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp Việt Nam do GTZ phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, nhóm chuyên gia cho rằng một trong những giải pháp giải quyết vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam là cần cải cách hệ thống tiền lương khu vực công. Báo cáo đề xuất để tăng lương cho khu vực hành chính sự nghiệp, cần dựa trên 4 yếu tố then chốt: tăng trưởng GDP, chỉ số giá sinh hoạt, quan hệ cung - cầu lao động và sự cân đối hợp lý giữa lương của khu vực nhà nước - khu vực tư nhân.
|
Ảnh minh họa: Bình Minh |
Như vậy, có thể thấy rằng một trong những đề xuất trong đề án cải cách tiền lương được các chuyên gia gợi ý là cần có sự so sánh và cân đối giữa lương của người lao động trong khu vực nhà nước và lương của khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra liệu tiền lương cho khu vực nhà nước trên thực tế có thực sự thấp hơn so với khu vực tư? Và có nên so sánh giữa tiền lương của hai khu vực khi xây dựng hệ thống tiền lương khu vưc công hay không?
Từ trước đến nay, căn cứ để so sánh tiền lương giữa hai khu vực thường dựa trên mức việc tính toán mức lương trung bình của từng khu vực để có sự đối chiếu. Ở các nước đang phát triển, cách tiếp cận phổ biến nhất là so sánh mức lương thực trả cho các công việc có các đặc tính tương tự nhau giữa hai khu vực.
Với cách tiếp cận này, các nghiên cứu ở Việt Nam đều cho thấy nếu công việc được dùng làm cơ sở để so sánh mức lương, lương trong khu vực nhà nước của cùng một loại công việc thường thấp hơn từ 2 đến 6 lần so với một công việc tương tự trong khu vực tư nhân. Hơn nữa, mức độ phức tạp của công việc càng cao thì khoảng cách tiền lương giữa hai khu vực này lại càng lớn.
Tuy nhiên, sử dụng cách tiếp cận theo công việc để đánh giá khoảng cách tiền lương tồn tại nhiều hạn chế.
Thứ nhất, có nhiều công việc chỉ có trong khu vực nhà nước, đặc biệt trong khu vực quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp, như cán bộ hộ tịch, cán bộ phụ trách dân số hay địa chính, khiến cho so sánh gặp nhiều khó khăn khi không tìm thấy được những công việc tương ứng ở khu vực tư nhân, cũng như không tìm thấy được mức lương tham chiếu trên thị trường.
Thứ hai, các công việc được so sánh chỉ dựa vào khu vực kinh tế chính thức mà không tính đến khu vực phi chính thức (ví dụ như nghề nông). Trên thực tế công việc trong khu vực này hoàn toàn có thể thay thế cho một số công việc trong khu vực chính thức đối với một bộ phận lao động làm trong khu vực hành chính sự nghiệp, nhất là đối với một số công việc ít đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật. Từ đó, việc so sánh thường dẫn đến hai trường hợp, người lao động trong khu vực sự nghiệp quá cao so với mức họ được trả, hoặc quá thấp so với việc họ đáng được trả nếu họ làm ở khu vực tư nhân.
Một trong những phương pháp tiếp cận mới hiện nay là đánh giá và so sánh thu nhập của lao động giữa các khu vực giữa trên đặc điểm của người lao động làm việc trong các khu vực đó. Tiền lương của người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp được so sánh với người lao động có những đặc điểm tương tự trong các khu vực khác. Những đặc điểm này bao gồm trình độ giáo dục, kỹ năng cũng như kinh nghiệm làm việc.
Phương pháp này tỏ ra tiên tiến hơn vì các yếu tố chênh lệch giữa các khu vực được phản ánh thông qua sự khác biệt về các yếu tố của người làm trong các khu vực đó và đảm bảo được nguyên tắc những người có trình độ như nhau hoặc làm ngành nghề tương tự nhau được trả một mức lương như nhau.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, đối với những người cùng trình độ và kinh nghiệm, mức lương của người làm trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ cao hơn 25% so với lao động làm trong khu vực tư nhân.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng không tránh khỏi những hạn chế. Trình độ giáo dục, kỹ năng hoặc kinh nghiệm là những yếu tố có thể đo lường được. Nhưng người lao động trong hai khu vực có thể khác nhau khi tính đến các yếu tố khác mà đa phần là không quan sát được. Các yếu tố này không những ảnh hưởng đến mức lương mà còn ảnh hưởng đến các quyết định làm việc trong từng khu vực. Ngoài các yếu tố về tài năng và tham vọng, có thể thấy một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp là dựa trên các mối quan hệ cá nhân (người thân giới thiệu cho nhau để vào làm trong cùng cơ quan)...
Một nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy, nếu tính đến các yếu tố không quan sát được, thì thực tế lương của người lao động khu vực nhà nước lại cao hơn 20% nếu như họ làm trong khu vực tư nhân.
Mặc dù nghiên cứu này được thực hiện cách đây 10 năm, nhưng việc phát hiện ra mức tiền lương của người lao động làm trong khu vực nhà nước cao hơn 20% so với mức họ đáng được trả nếu như họ làm trong khu vực tư nhân đặt ra yêu cầu phải thực hiện thêm những nghiên cứu nhằm so sánh tiền lương giữa hai khu vực.
Cũng cần lượng hóa các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định làm việc của người lao động, khi đó việc so sánh mức lương giữa hai khu vực làm cơ sở cho việc xác định lương khu vực công mới thực sự có ý nghĩa.
Theo vnn.vn