Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 5, 25/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

Thủ tướng Thái Lan - Gánh nặng trên vai nhà cải cách quân sự

Sau những sóng gió trên chính trường Thái Lan, người dân dường như đang tìm một lý do để tin rằng, Thủ tướng - bất luận là ai - đều phải là người có khả năng mang đến cho họ một cuộc sống yên bình. Với tân Thủ tướng Surayud Chulanont, trách nhiệm đó còn lớn hơn nhiều. Bởi hình ảnh của ông luôn gắn liền với quân đội, và ông cũng từng là sếp của người đã lãnh đạo cuộc đảo chính. Nhận lý tưởng từ người cha khác chiến tuyến
Cuối những năm 1960, Surayud Chulanont đã lãnh đạo một trung đội chống lại các cuộc nổi dậy ở các tỉnh đông bắc Thái Lan. Điều trái khoáy là, có mặt trong cuộc nổi dậy này còn có cả người cha của Surayud Chulanont.


Trước đây, cha của Chulanont cũng từng là một quân nhân, nhưng ông đã rời quân ngũ và tham gia đảng cộng sản. Ông giải thích với gia đình và con trai rằng, quyết định ra đi của ông là do mất lòng tin vào quân đội, vì quân đội không còn bảo vệ những người yếu thế nữa mà chỉ lo làm giàu và củng cố thế lực. Những hành động của Surayud cha đã ăn sâu vào tâm thức Surayud con.

Thế nên sau này, tuy hai cha con đứng ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng ông luôn coi cha là người đã khiến ông hiểu rõ ý nghĩa của việc trở thành một người lính và vai trò mà quân đội Thái Lan nên đảm trách. Trong một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Time năm 2003, ông Surayud nói: đối với ông, cha ông là một anh hùng. Bởi vì "ông ấy dạy tôi cách trở thành một người lính tốt", và "ông ấy cũng dạy tôi cách trở thành một công dân tốt của đất nước".

Những bài học về lý tưởng đó đã dần đưa Surayud trở thành một nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử hiện đại của quân đội Thái Lan. Không ai cống hiến nhiều cho việc hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân đội Thái Lan như ông. Ông đã truyền vào đó những lý tưởng mà mình tiếp thu được từ người cha theo con đường cộng sản.

Nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử quân đội Thái hiện đại


Mãi đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, quân đội Thái Lan vẫn "nổi tiếng" là hay can thiệp vào các cuộc bầu cử, thực hiện các cuộc đảo chính và lạm dụng nhân quyền. Nhiều báo cáo cho thấy quân đội có liên quan đến buôn bán ma túy, vũ khí, gỗ và đưa người qua biên giới. Điều này khiến cho người Thái Lan sợ hãi chính quân đội của mình. Và chặng đường mà Surayud đấu tranh để đưa đội quân này trở lại với vai trò tốt đẹp của nó đã gặp không ít gian nan.

Ngày 17/5/1992, quân đội xả súng vào đám đông biểu tình ủng hộ dân chủ ở Bangkok, khiến 52 người chết và hơn 100 người bị thương. Khi đó, ông đang là chỉ huy của một lực lượng đặc biệt. Ông đã cố gắng vận động hành lang các sĩ quan cấp trên giải quyết tình trạng bằng giải pháp hòa bình. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như thế. Đó chính là tấm thảm kịch mà người ta gọi là sự kiện Tháng Năm Đen tối. Sau này nhìn lại, ông đã khẳng định: "Bất cứ khi nào quân đội cũng không nên tham gia vào chính trị".

Tuy nhiên, năm 1997, ông bị điều sang làm một công việc bàn giấy - tẻ nhạt đến độ ông tự coi như mình đã nghỉ hưu. Thế nhưng, Thủ tướng Thái Lan khi đó, ông Chuan Leekpai - một người muốn cải cách quân đội - đã đề nghị ông làm Tổng tư lệnh. Surayud chấp nhận và ngay lập tức chĩa mũi nhọn vào cái mà ông gọi là "Mafia trong quân đội". Ông đã thuyên chuyển những sĩ quan tham nhũng ra khỏi những vị trí có nhiều ảnh hưởng hoặc buộc những người này phải xuất ngũ. Ông nhìn lại: "Tôi đã tự tạo kẻ thù cho mình. Nhưng tôi tin vào pháp luật". Bây giờ thì những chuyện đó đã qua đi, thậm chí cả những kẻ thích châm chọc cũng phải công nhận sức ảnh hưởng mà ông đã tạo ra.

Ông còn xây dựng các đội phản ứng nhanh nhằm đối phó với những nguy cơ ở các khu vực biên giới của Thái Lan. Ông xử lý nhanh nhạy và quyết đoán đối với bất kẻ xâm nhập có vũ trang nào gây nguy hại cho những công dân Thái. Và vượt ra khỏi biên giới, với sự lãnh đạo của ông, lần đầu tiên quân đội Thái Lan đã góp phần gìn giữ hòa bình quốc tế tại Đông Timor.

Còn đối với người dân Thái Lan, thành tựu lớn nhất mà ông đạt được chính là việc làm mới gần như toàn bộ hình ảnh của quân đội trong mắt công chúng. "Ông ấy đã làm cho mọi người tin tưởng vào quân đội", Adul Khiewboriboon - một người có tất cả lý do để không bao giờ đánh giá tốt về quân đội đưa ra một câu nhận xét như vậy. Con của Adul đã bị giết trong sự kiện Tháng Năm Đen tối, nhưng ông đã nói: "Chính vì Surayud nên chúng tôi mới không còn sợ hãi quân đội của mình nữa".

Quan điểm của vị Thủ tướng mới

Hôm qua, vị tân Thủ tướng Thái Lan đã phát biểu tại tòa thị chính: "Tôi biết tôi đã tiếp nhận vị trí lãnh đạo chính quyền mà không qua bầu cử. Tôi chấp nhận sự chỉ định này để giải quyết các vấn đề chính trị và sự bất ổn ở miền Nam". Ông khẳng định: "Tương lai của chúng ta sẽ tươi sáng hơn và quyền lực sẽ trở lại tay người dân".

Thủ tướng mới hứa sẽ thành lập nội các trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, ông không khẳng định liệu ông có đưa Thống đốc Ngân hàng Thái Lan M.R. Pridiyathorn Devakula lên làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, cánh tay phải trong các chính sách về kinh tế của ông hay không. Nhưng ông bày tỏ quan điểm rằng, chính quyền của ông sẽ đẩy mạnh triết lý kinh tế tự túc của Quốc vương Thái Lan, hoàn toàn khác với các chính sách lấy kinh tế làm nền tảng chủ đạo của ông Thaksin - cựu Thủ tướng vừa bị lật đổ - trước đây.

Ông Surayud sẽ đảm nhiệm cương vị Thủ tướng trong khoảng 12 tháng, cho đến khi tổng tuyển cử diễn ra. Trong thời gian đó, những thách thức lớn nhất đối với ông Surayud là tình trạng chia rẽ trong đất nước và vấn đề bạo lực ở miền nam Thái Lan.

Ông Surayud được Hội đồng cải cách chính trị Thái Lan chỉ định dưới sự ủng hộ của Hoàng gia.

Ý kiến của công chúng

Đảng Dân chủ, giới doanh nhân, các nhà lãnh đạo chính trị và giới học giả đón nhận sự bổ nhiệm Tướng Surayud với những quan điểm rất khác nhau.

Ông Ongart Klampaiboon - người phát ngôn của Đảng Dân chủ - cho biết: tướng Surayud hoàn toàn tự tin để điều hành đất nước với sự ủng hộ của Quốc vương, đảng của ông và công chúng không có gì phải phân vân về phẩm chất và sự chính trực của ông. Tuy nhiên, cựu thành viên đảng đối lập này thúc giục ông Surayud nên lựa chọn nội các của mình một cách cẩn thận. Quan điểm của ông là: không nên lựa chọn những người bị công luận chỉ trích. Trước đây ít ngày, Hội đồng cải cách chính trị Thái Lan đã mắc phải lỗi này khi chọn một vài người thân cận với ông Thaksin làm thành viên Hội đồng quốc gia chống tham nhũng.

Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp Thái Lan Santi Vilassakdanont và chủ tịch Phòng thương mại Thái Lan Pramon Suthiwong tin rằng vị Thủ tướng mới sẽ giải quyết các vấn đề kinh tế và tạo ra sự tin tưởng cho giới đầu tư quốc tế.

Ông Vorajet Pakeerat, giảng viên luật Đại học Thammasat thì kêu gọi chính phủ tương lai của ông Surayud thu hồi lại tất cả các sắc lệnh mà Hội đồng cải cách chính trị Thái Lan đã ban hành, như lệnh cấm tự do thể hiện các quan điểm chính trị, lệnh cấm tụ tập hội họp từ 5 người trở nên. "Tôi tôn trọng quyết định của Tướng Surayud khi chấp nhận điều hành chính phủ mới. Tôi hy vọng ông ấy sẽ giải quyết các vấn đề bằng quan điểm trung lập và chọn các bộ trưởng vừa có năng lực vừa có phẩm cách", ông Vorajet nói.

Ông Prasit Piwawattanapanich, chủ nhiệm khoa luật Đại học Thammasat thì nói cuộc đảo chính đã làm lung lay những thành tựu chính trị mà Thái Lan xây dựng được trong mắt cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế đang mong chờ nhìn thấy một chính phủ dân sự mới trên đất nước Thái Lan và đưa quốc gia này trở về với dân chủ. Vậy nên, "nhiệm vụ và trách nhiệm đầu tiên của Chính phủ lâm thời là khôi phục lại hình ảnh của đất nước trong mắt cộng đồng quốc tế". Ông nói thêm, vì có ít kinh nghiệm trong các vấn đề ngoại giao nên ông Surayud sẽ phải nhọc công hơn để giành được niềm tin và sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Bà Rosana Tosittrakul, người đứng đầu Liên đoàn các tổ chức người tiêu dùng cho biết: hình ảnh một vị tướng quân đội của ông Surayud không thể xóa được mối lo về khả năng lực lượng quân đội sẽ lại can thiệp vào công việc của chính phủ. Bà cho hay "một Thủ tướng hoàn toàn dân sự sẽ là một lựa chọn tốt hơn".

Sự nghiệp 38 năm trong quân đội đã mang lại cho tân Thủ tướng Surayud Chulanont danh tiếng về hiệu quả làm việc, tài ứng biến và quan điểm chống tham nhũng. Ông sẽ cần tất cả những điều đó và nhiều hơn thế nữa để vượt qua quãng đường 12 tháng tới một cách thành công.

 

Vài nét về tân Thủ tướng Thái Lan Surayud Chulanont:

Ông sinh ngày 28/08/1943 ở Phetchaburi, lớn lên ở thủ đô Bangkok. Ông theo học các trường dành cho giới quý tộc, trong đó có trường Đại học Suan Kularb. Ông là học viên xuất sắc của Học viện dự bị lực lượng vũ trang, rồi sau đó tốt nghiệp Học viện Quân đội Hoàng gia Thái Lan Chulachomklao.

Năm 1965: Chính thức bắt đầu sự nghiệp quân đội của mình với cấp bậc Thiếu úy.

Năm 1991: Chỉ huy của Lực lượng chiến tranh đặc biệt. Một trong những sĩ quan của ông chính là Tướng Sondhi - người đã lãnh đạo cuộc đảo chính vừa qua và hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng cải cách chính trị Thái Lan.

Năm 1997: Tổng tư lệnh quân đội. Surayud bắt đầu một chiến dịch chống lại "Mafia trong quân đội", chuyên nghiệp hóa và tinh lọc quân đội cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Năm 1998: Tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Thái Lan.

Năm 2002: Chỉ huy quân đội tối cao.


Năm 2003: Nghỉ hưu và được chọn vào Hội đồng cơ mật. Cũng trong năm này, ông được tạp chí Time bình chọn là một trong những anh hùng châu Á, trong nhóm người đặt nền móng và nhà cải cách
.

Từ 1/10/2006: Thủ tướng thứ 24 của Thái Lan.

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển