Nguồn lực phát triển lớn nhất của nước ta là con người
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho rằng: Theo tinh thần cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011, đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì những khó khăn, thách thức phía trước là không hề nhỏ. Bởi xóa đói giảm nghèo đã khó, làm cho đất nước cường thịnh, bền vững, thu hẹp và tiến kịp các nước phát triển, sẽ càng khó khăn hơn nhiều.
Theo Thủ tướng, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu với tinh thần tự lực, tự cường với tất cả lòng tự hào, tự tôn dân tộc để vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, xã hội bình yên, thịnh vượng.
“Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta không phải là “rừng vàng, biển bạc”. Nguồn lực phát triển lớn nhất của đất nước ta chính là con người, là gần 100 triệu người dân Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta cùng cả hệ thống chính trị cam kết luôn nỗ lực chăm lo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được học hành, được có việc làm, không ai bị bỏ lại phía sau. Phải làm sao để mỗi người dân Việt Nam có cơ hội thực hiện khát vọng làm giàu hợp pháp, phát triển khả năng trên chính mảnh đất quê hương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, tại kỳ họp đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông, và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể. Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta. Qua đó, Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển.
Phải đảm bảo an ninh nguồn nước
Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) và Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) về vấn đề nước sạch sau sự cố ở Công ty nước sạch Sông Đà, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012. Trong đó, phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước an toàn cho người dân, tránh tình trạng như vừa qua.
“Trên phương tiện thông tin đại chúng nói tỉ lệ Nhà nước nắm giữ đối với nước sạch. Về vấn đề này, tôi yêu cầu các cấp, các ngành nắm. Đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống sức khoẻ của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường chỉ đạo các cấp kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng Luật Bảo vệ tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành thông qua”, ông nói.
Trả lời đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) về kinh tế tư nhân, Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước đã xác định, kinh tế tư nhân là một trong động lực quan trọng phát triển đất nước, đặc biệt với kinh tế tư nhân lần này đã có hẳn Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.
“Chúng ta vui mừng về việc Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân các địa phương đã chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân các cấp, các ngành có liên quan được giao chương trình hành động để phát triển kinh tế tư nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, đến nay kinh tế tư nhân đã đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước, nhiều tập đoàn tư nhân đổi mới khoa học, công nghệ đầu tư những sản phẩm có chất lượng cao, giá trị gia tăng cao trong phát triển kinh tế vừa qua, nhất là đã ứng dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới trong phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sẽ tận dụng năm ASEAN tốt nhất
Năm 2020, Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Chủ tịch ASEAN. ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị Thủ tướng cho biết, những quyết sách để tận dụng cơ hội này đối với đất nước thời gian tới? Về việc tận dụng thời cơ đối với ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta sẽ tận dụng năm ASEAN tốt nhất, với tinh thần Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Ít có quốc gia nào trùng lặp hai sự kiện quan trọng này trong đối ngoại của đất nước”, Thủ tướng nói và khẳng định, chúng ta cần tận dụng thời cơ này để đưa đất nước có bước phát triển mới tốt hơn, vị thế tốt hơn.
Đối với các nước ASEAN, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không những tiếp tục thực hiện tốt 3 mục tiêu quan trọng, mà còn tiếp tục giữ gìn đoàn kết nội khối lấy ASEAN là trung tâm để nâng cao vị thế Việt Nam. Đẩy mạnh quan hệ thương mại đầu tư trong nội khối thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các nước ASEAN đấu tranh giữ gìn hòa bình, thống nhất trong ASEAN, để bảo vệ luật pháp quốc tế ở khu vực Biển Đông.
Tại phiên trả lời chất vấn, Thủ tướng cũng ta bày tỏ lòng tiếc thương tới những công dân Việt Nam thiệt mạng trong thảm kịch vừa xảy ra tại Anh và xin chia buồn với gia quyến các nạn nhân. “Chúng ta không được để thảm kịch đó tái diễn”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Cần thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, 4 bộ trưởng và các Phó Thủ tướng, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH. Đã có gần 250 lượt ĐBQH chất vấn và tranh luận, qua chất vấn đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhiều ĐBQH đã tranh luận làm rõ những vấn đề quan tâm. Qua đó các ĐBQH cơ bản hài lòng với phần trả lời của các thành viên Chính phủ. Không khí trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày càng diễn ra với không khí cởi mở, dân chủ, có trách nhiệm.
Quốc hội đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, và cần thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội. Quốc hội yêu cầu, Chính phủ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, cử tri và nhân dân cả nước nhằm tạo sự chuyển biến trong những lĩnh vực mà mình quản lý.
NGUYÊN CHUNG