Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 19/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Thu hút người tài, mỏi mắt chờ quyết sách

Bàn về chính sách thu hút người tài, Thiếu tướng PGS.TS Lê Văn Cương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam đã trao đổi một số vấn đề tâm huyết với Đại Đoàn Kết.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

 

 
Thưa Thiếu tướng, rất nhiều hội thảo bàn hướng phát triển nhân lực, nhân tài được tổ chức, không ít nghị quyết về vấn đề này đã được ban hành. Thế mà chúng ta vẫn phải thừa nhận với nhau rằng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn? Tại sao vậy thưa ông?

 
Nếu nói các hội thảo bàn về nhân lực, nhân tài không có tác dụng gì cũng không thỏa đáng. Dù sao đi chăng nữa nó cũng khơi dậy, nâng cao nhận thức của đại bộ phận nhân dân đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Đồng thời các cuộc bàn thảo về hướng phát triển nhân lực, nhân tài ít nhiều khơi dậy được bộ phận quan trọng trong hệ thống công chức Việt Nam thức tỉnh để thấy rằng phát triển nguồn nhân lực là khâu chốt của then chốt. Ngay cả lớp trẻ, nếu họ tiếp cận những thông tin này sẽ có điều chỉnh hành vi của họ. Chắc chắn rất nhiều người trong số họ sẽ học và hành thật giỏi để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

 
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng, hiệu quả của những đợt tuyên truyền này không được như chúng ta mong muốn, là vì, những người tham gia hoạch định chính sách ở tầm chiến lược và có tiếng nói quyết định thì lại không được trực tiếp nghe. Đây là điều đáng tiếc nhất. Có lẽ đó là một trong những lý do cơ bản khiến cho chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa có những bước đột phá. Thứ 2, đây cũng là điều đáng buồn, đó là, không ít lãnh đạo của chúng ta chủ yếu nghe 1 kênh thông tin thôi. Tại sao tôi lại nói như vậy là vì rất nhiều quyết sách quan trọng lại được một chuyên viên làm, trưởng phó phòng trình lên vụ phó, vụ trưởng rồi thứ trưởng, bộ trưởng… thế là ra quyết định. Đây là vấn đề trọng đại không thể làm theo quy trình dập khuôn thế được. Vừa qua, chúng ta cũng chỉ chọn được những người giỏi nằm sẵn trong khối cơ quan hành chính nhà nước thôi, trong khi đó, biết bao người giỏi ngoài xã hội, lãnh đạo không bao giờ biết đến, nghe đến. Đây mới là lực lượng chúng ta phải "hút” vào.

 
Nhưng rõ ràng rất nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã ưu tiên thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài rồi, thưa ông?

 
Đã có rất nhiều chính sách về vấn đề này rồi. Tôi không nói là không có. Vấn đề có phù hợp không, có gỡ được những nút thắt về chất lượng nguồn nhân lực không cũng là điều chúng ta phải nhìn nhận và đánh giá khách quan. Cách đây ít ngày tôi xem truyền hình quay cảnh lao động của các cháu trong ngành xiếc. Đây là nghề đặc thù. Bởi trong cả triệu người chỉ có vài người làm xiếc được. Nhưng thử nhìn lại xem chúng ta đãi ngộ thế nào để có những nghệ sỹ làm xiếc giỏi. Hay câu chuyện lương của 1 giáo sư thấp như hiện nay thì làm sao sống được. Tất nhiên nói đi cũng phải nói lại. Chúng ta phải thừa nhận với nhau, chất lượng giáo sư, tiến sỹ còn nhiều điều phải bàn nhưng nếu cứ đãi ngộ thế này sẽ chẳng có người tài.

 
Phải chăng chính sách đãi ngộ, sử dụng người chưa tốt cho nên vài năm trở lại đây đã diễn ra hàng loạt các cuộc chia tay với cơ quan nhà nước của những người giỏi?

 
Tôi đã từng trăn trở nhiều về vấn đề này và lý giải tại sao lại có những cuộc dứt áo ra đi như vậy. Có thể khẳng định, những người rời khỏi cơ quan nhà nước phần lớn là kỹ sư, kiến trúc sư, công nhân, cán bộ nghiệp vụ giỏi. Lý do tại sao họ ra đi ư, rất nhiều nhưng vấn đề lương bổng là một chuyện. Có một lý do đáng buồn hơn đó là có những xung đột về giá trị dẫn đến những cuộc chia tay. Thực tế cho thấy, nếu thủ trưởng tư cách không tốt, kéo bè kéo cánh còn người giỏi bị bạc đãi thì người ta cũng dứt áo ra đi. Tất cả người giỏi họ đều có chính kiến. Chắc chắn họ không chịu được lãnh đạo phẩm chất, năng lực quá kém.

 
Ai cũng biết cần có chính sách đãi ngộ tương xứng để giữ chân người giỏi, tôi nghĩ rằng điều này không phải những nhà làm chính sách không nhận ra. Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, Việt Nam không phải là nước giàu vậy lấy đâu nguồn tiền rất lớn để thu hút người giỏi thưa ông?

 
Tôi không nghĩ rằng do nghèo, do thiếu ngân sách mà không thu hút được người tài. Chúng ta chỉ có số tiền thế thôi phải biết chọn lĩnh vực để ưu tiên đầu tư. Đất nước này không thiếu tiền đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng người tài. Theo tôi được biết, để làm 1km đường cao tốc phải mất 50 tỷ đồng. Tất nhiên đường cao tốc cũng cần nhưng chỉ cần giảm đi 10 km đường thì tha hồ tiền để đãi ngộ nhân tài. Tôi tuyệt đối phản đối vì thiếu tiền mà không thu hút được người tài. Cốt yếu là do nhu cầu lãnh đạo cần nhân tài đến đâu. Nếu lãnh đạo cần nhân tài thì sẽ có nhiều nhân tài. Nếu không cần thì không có, đơn giản vậy thôi. Tất cả do nhu cầu cuộc sống. Nếu xã hội cần nhiều rau thì ngay lập tức thị trường sẽ tràn ngập rau bởi có cầu.

 
Thưa Thiếu tướng vậy cần làm gì để sử dụng, đãi ngộ nhân tài đúng hướng?

 
Trước hết lãnh đạo cần nghe trực tiếp ý kiến của các nhà khoa học, nghe ý kiến của nhân dân. Vì đây là vấn đề quốc sách cho nên phải có cái tai thật thính để nghe nhiều ý kiến. Phải nghe từ nhiều kênh thông tin để được nghe tất thảy các ý kiến mới hình dung được thực trạng và phải làm gì? Còn nếu chưa nghe, hoặc nghe chưa đủ làm sao có những quyết sách mới được!
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này!
 

theo đại đoàn kết

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển