Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 2, 23/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

Thu hút đầu tư từ kiều bào: Cần sợi dây liên kết chặt hơn

Trong 3 - 4 năm gần đây, lượng kiều hối và vốn đầu tư về nước của Việt kiều tăng bình quân 10 - 15%/năm, với hàng nghìn dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD. Đây là nguồn lực to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
 
Làng Việt kiều châu Âu có vốn đầu tư 59 triệu USD, do một Việt kiều ở Ba Lan làm chủ đầu tư
 
Bên cạnh những chính sách tổng thể ngày càng thông thoáng, cởi mở, theo đánh giá của nhiều Việt kiều, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cản trở lượng vốn đầu tư về nước của kiều bào, cũng như chưa tạo được sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp (DN) trong nước với DN của kiều bào.

Đầu tư về nước - Thiếu cẩm nang giới thiệu

Một trong những khó khăn, theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Australia), Chủ tịch Tập đoàn Vabis với 20 năm kinh nghiệm đầu tư về Việt Nam, đó là khi các doanh nhân Việt kiều về nước, họ không biết đầu tư vào đâu, đầu tư vào lĩnh vực nào cho hiệu quả. Vấn đề chính là do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong nước không có cơ sở dữ liệu hay cẩm nang về các địa chỉ, lĩnh vực đầu tư để giới thiệu cho kiều bào. Vì vậy, để tìm được một lĩnh vực hay dự án đầu tư phù hợp, kiều bào thường mất rất nhiều chi phí, đặc biệt là thời gian để tìm hiểu.

Theo TS. Hoàng Xuân Bình, Phó chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Ba Lan, cũng có một số tỉnh, thành phố trong nước có thông tin về các chính sách và danh sách dự án kêu gọi đầu tư, bao gồm cả các dự án kêu gọi đầu tư cho các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, con số này không nhiều, hơn nữa, các dự án kêu gọi đầu tư thường là các dự án lớn, nằm ở vùng khó khăn, nên chưa được DN quan tâm.

TS. Hoàng Xuân Bình cho rằng, các địa phương trong nước cần xây dựng hệ thống thông tin chung cho các tỉnh, thành phố, như là cẩm nang về chính sách và các dự án kêu gọi đầu tư hàng năm, được sắp xếp thuận tiện cho tìm kiếm từ địa phương, lĩnh vực, mức vốn, ưu đãi... “Quan trọng hơn, để cẩm nang thu hút sự quan tâm của DN Việt kiều lại là sự phong phú, đầy đủ của thông tin và phương thức hỗ trợ. Tránh tình trạng các dự án tốt, khả thi đều được ‘phân phối nội bộ’, số còn lại mới công khai kêu gọi đầu tư”, ông Bình nhấn mạnh. Có thể đề xuất giải pháp tổ chức đấu thầu công khai hàng năm các dự án thu hút đầu tư nhằm khẳng định tính minh bạch, bình đẳng cho mọi DN. Ngoài ra, cũng nên có trung tâm hỗ trợ, tư vấn cho DN của kiều bào về thông tin, luật pháp. Chỉ khi nào tạo được niềm tin của DN, thì cẩm nang đầu tư mới có sức sống và giúp ích thiết thực cho DN.

Trong thực tế triển khai đầu tư tại Việt Nam, ông Bình cho rằng, nhìn chung, các chính sách thu hút đầu tư đều rất thông thoáng, những năm gần đây đã giảm bớt thủ tục phiền hà. Tuy nhiên, khi vận dụng chính sách vào thực tiễn, vẫn có vướng mắc trong việc ra quyết định, hay thời gian chờ đợi quá lâu, phải thông qua nhiều môi giới, trung gian... Những hạn chế này khiến một số kiều bào e ngại khi đầu tư về nước. Để tránh phiền hà, nhiều doanh nhân kiều bào đã lựa chọn phương thức mua lại các dự án, các công ty, hoặc chuyển sang hình thức đầu cơ tại Việt Nam.

Liên kết đầu tư ra nước ngoài - Việt kiều là cầu nối hiệu quả

Với việc coi kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc, để tận dụng tốt nguồn lực của kiều bào, ông Tạ Nguyên Ngọc, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) cho rằng, không chỉ đẩy mạnh thu hút vốn về nước, mà còn phải thúc đẩy liên kết DN trong nước và DN của Việt kiều để mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Theo ông Ngọc, doanh nhân kiều bào chính là cầu nối quan trọng và cực kỳ hữu hiệu để đưa DN, hàng hóa của Việt Nam ra thế giới. Các DN của Việt kiều ở nước sở tại có thể trở thành đại lý hay đại diện tại nước ngoài cho DN trong nước. “Các Việt kiều, hơn ai hết, là những người hiểu rõ nhất thị trường mà họ đang sinh sống và kinh doanh cần gì, thiếu cái gì để có thể chỉ ra cho DN trong nước một đường hướng tiếp cận thị trường một cách hiệu quả nhất. Thậm chí, họ có thể làm tốt hơn rất nhiều so với những gì mà cơ quan tham tán thương mại tại nước ngoài có thể làm được, bởi nhiều tham tán thời gian lưu trú lại quá ngắn để có thể hiểu rõ thị trường sở tại”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Theo TS. Hoàng Xuân Bình, đa số kiều bào khi quyết định đầu tư về nước đều mong muốn làm được một việc gì đó cho quê hương. Vì thế, họ có thừa tâm huyết, nhưng làm thế nào để sự kết nối giữa DN trong nước và kiều bào hiệu quả lại phụ thuộc nhiều vào sự năng động, nhiệt huyết của DN và cơ quan chức năng trong nước.

Năm 2010, ông Bình đã từng về nước tổ chức hội chợ gắn kết DN trong nước và DN kiều bào trong hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ tại Hà Nội, nhưng không đạt kết quả như dự định. Nguyên nhân, theo ông Bình, do lãnh đạo các tỉnh, thành phố chưa chú trọng, chỉ có 21/63 tỉnh, thành phố tham gia với các mức độ khác nhau. Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng chưa giúp đỡ. Các bộ, ban, ngành chưa hỗ trợ, coi đây chỉ là hoạt động kinh doanh của DN Việt kiều. Các chủ DN chưa biết tới hội chợ xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ, thường nói đến hội chợ họ đều hiểu là hội chợ bán hàng, quảng bá sản phẩm, nên chỉ cử nhân viên đến tham dự.

Điều này hoàn toàn không mới, thực chất đã từng được kiều bào đề cập nhiều. Tại một hội thảo về xúc tiến đầu tư dành cho kiều bào cách đây không lâu, ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội DN Việt Nam tại Hungary chia sẻ, dù doanh nhân Việt kiều về tận địa phương “dọn cỗ” sẵn với đường hướng hợp tác bán hàng sang châu Âu rất thuận lợi, chỉ với một yêu cầu đơn giản là cải tiến mẫu mã, bao bì, nhưng DN Việt Nam cũng không làm. Nó cho thấy, sự trì trệ trong tư duy của DN Việt Nam khiến việc kết nối đôi khi khó thành hiện thực. Một vấn đề khác, theo Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt - Đức, ông Nguyễn Trung Thực, đó là DN trong nước kém chủ động trong nguồn nguyên vật liệu, nên việc sản xuất luôn bị động. Theo ông Thực, phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của Hiệp hội DN Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ nguồn quỹ giúp mở rộng hoạt động của Hội. “Cán bộ xúc tiến thương mại của các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài dù làm tốt cũng không thể bằng các doanh nhân tự làm. Doanh nhân làm vì lợi ích của chính mình sẽ khác cán bộ làm với tư duy nhiệm kỳ. Đó là kênh hiệu quả nhất thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa DN Việt Nam trong và ngoài nước”, ông Thực nói.
 
theo baodautu.vn
 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển