Có người nhân việc cha mẹ chết, muốn lấy tiếng là có hiếu mà giết bò, giết dê thổi kèn đánh trống ầm ĩ suốt ngày, lấy việc buồn làm việc vui. Bạn bè thân thích, họ hàng làng xóm đáng lẽ không nỡ nhìn cảnh xa xỉ phí phao ấy, như thế mới đúng. Nay lại đòi hỏi rượu tiền, sắm lễ vật, thử hỏi đạo làm người có nên như thế không? Cốt cho no say, vô ích đối với người sống, vô ích đối với người chết, những việc hao tiền tốn của kể không biết bao nhiêu ức vạn triệu.
Tục ấy thật quá hủ bại!
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, năm 1915)
Cái tục tang ma ở ta, hiếu chủ(1) đã có nhiều cách phiền phí(2), đến như lệ làng lại càng phiền nhiễu nữa. Việc tử biệt là cái cảnh rất thương xót, sự trợ tang là một nghĩa vụ của xã hội. Đã gọi là nghĩa vụ, khi người ta đau đớn có thể giúp được gì thì giúp, chứ ai còn tưởng gì đến sự ăn uống. Mà hiếu chủ đang lúc buồn bã âu sầu, còn bụng nào mà nghĩ đến việc thù tiếp. Vậy mà ép cho người ta phải cỗ bàn khoản đãi, cái nghĩa vụ cứu giúp nhau ở đâu? Trừ người cùng kiết(3) quá, còn như người có thể lo được hoặc có thể vay mượn được, không mấy ai chịu kém cái sĩ diện. Vậy tiếng là tùy tiện(4), mà cũng là buộc một cái nợ miệng cho người. Đến như các làng dẫu ai đau đớn khổ sở thế nào mặc lòng, hễ có ăn thì còn để cho người la giữ hiếu nghĩa, không có ăn thì hiếu nghĩa của người ta cũng bỏ. Tục ấy là một tục rất thô bỉ, rất hủ bại, rất bạc bẽo, không có tục nào xấu xa đê tiện bằng!