Thỏa ước lao động tập thể là sự thỏa thuận giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, thông qua vai trò của tổ chức công đoàn. Thỏa ước lao động tập thể là một thứ “luật con” trong doanh nghiệp, được lập ra nhằm đạt những quyền lợi thiết thực, cao hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Vì vậy, quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp đạt nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào bản lĩnh và tiếng nói có trọng lượng từ tổ chức công đoàn.
Sau hai năm thực hiện Nghị quyết 01 của Ðoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 67% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở đã đã tổ chức ký thỏa ước lao động tập thể. Trong đó 60% thỏa ước đạt được các điều khoản có lợi hơn cho công nhân so với quy định của pháp luật, tăng 20% so với trước khi nghị quyết ban hành. Chất lượng và nội dung các thỏa thuận được nâng cao, tính hình thức của các bản thỏa ước giảm dần.
Thông qua thỏa ước lao động tập thể, doanh nghiệp đã dành nhiều ưu đãi cho người lao động như trả thêm tháng lương thứ 13, hỗ trợ bữa ăn giữa ca, trợ cấp trượt giá, chi phí đi lại, nhà ở, đào tạo nghề, đóng tiền bảo hiểm tai nạn; thành lập quỹ trợ vốn cho công nhân không tính lãi, xây dựng nhà trẻ, tăng thời gian nghỉ ngơi cho lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi...
|
Nhiều doanh nghiệp đã dành ưu đãi cho người lao động (Ảnh: KT) |
Thông qua thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, quyền dân chủ, ý thức trách nhiệm, tính tổ chức, kỷ luật của người lao động ngày càng nâng cao, tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng còn không ít bản thỏa ước lao động tập thể chỉ mang tính hình thức, chất lượng thấp, lập ra để đối phó là chính. Giới chủ thường thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà xem nhẹ, thậm chí vi phạm quyền và lợi ích của người lao động, chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của thỏa ước lao động tập thể đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trong khi Luật Lao động quy định: Ban chấp hành công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể với chủ doanh nghiệp, thì nhiều nơi, vai trò của cán bộ công đoàn cơ sở còn rất mờ nhạt; trình độ, kỹ năng thương lượng kém dẫn đến thiếu bản lĩnh, chưa tự tin trong quá trình thương lượng. Đó là chưa kể, một số cán bộ công đoàn cơ sở còn sợ đấu tranh ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân, sợ mất lòng ông chủ đã trả lương cho mình.
Vì vậy, để thỏa ước lao động tập thể không còn mang tính hình thức, trở thành chỗ dựa cho người lao động, cần thiết phải xây dựng và củng cố "tổ tư vấn xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể” ở cấp tỉnh, thành phố, nhằm hỗ trợ đắc lực cho công đoàn cơ sở. Hằng năm, giao chỉ tiêu cụ thể về xây dựng, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể cho từng cấp công đoàn, xem đây là một trong những chỉ tiêu thi đua để đánh giá, xếp loại và khen thưởng đối với công đoàn cơ sở. Mặt khác, cần có chế tài xử lý thích đáng đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động là nhiệm vụ số một của công đoàn các cấp. Mục tiêu mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra trong nhiệm kỳ này là phấn đấu đến năm 2013, có 70% trở lên số công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
Song vấn đề không chỉ dừng lại ở tỷ lệ bao nhiêu phần trăm mà là những bản thỏa ước ấy đã thực sự mang lại lợi ích cho công nhân được bao nhiêu? Điều đó còn phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ chuyên gia trong quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Lao động, Luật Công đoàn theo hướng nâng cao hơn nữa tính pháp lý của thỏa ước lao động tập thể…
Ngoài ra, cũng cần có sự phối hợp giữa công đoàn với các ngành chức năng như Tòa án, Thanh tra, Lao động- Thương binh xã hội, Bảo hiểm xã hội... trong việc kiểm tra việc thực thỏa ước lao động tập thể, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động như đã cam kết trong thỏa ước./.
theo vov.vn