Học thuyết Mác - Lênin là một khoa học đặc thù, tính trừu tượng và khái quát rất cao. Đó là hệ thống các nguyên lý và quy luật về sự phát triển của xã hội loài người, bởi vậy để áp dụng vào thực tiễn tiến hành cách mạng XHCN, những người cộng sản phải căn cứ vào hệ thống các nguyên lý và quy luật của XHCN khoa học, để xây dựng mô hình cụ thể làm cơ sở áp dụng vào thực tiễn. Mô hình CNXH có chiều dài thời gian rất dài, như Lênin đã từng khẳng định “chủ nghĩa xã hội là thời kỳ lịch sử lâu dài để cải biến triệ
Đường lối đổi mới của Đảng đã triển khai thực hiện hơn hai mươi năm qua, do cản ngại tư duy lý luận chậm đổi mới, chỉ dừng lại ở nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng rõ hơn (Nghị quyết IX). Nhưng hình dạng ngôi nhà CNXH cụ thể như thế nào thì chưa xác định được, nên việc đổi mới vẫn mò mẫm trong đêm dài sẽ khó tránh khỏi vấp váp sai lầm. Nếu lấy kim chỉ nam “học thuyết Mác - Lênin” soi rọi công cuộc đổi mới đến thời điểm hiện nay thì còn nhiều nội dung chưa phù hợp, như hệ thống chính trị và thượng tầng kiến trúc chưa phù hợp hạ tầng cơ sở đã đổi mới cơ bản, là vật cản làm chậm trễ sự phát triển nền kinh tế - xã hội và không bảo đảm an sinh xã hội, làm phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội khắp các lĩnh vực hoạt động đời sống xã hội ngày càng tinh vi và sâu rộng. Nếu lấy giá trị trong lãng phí và tham nhũng trừ GDP sẽ kết quả âm, làm mất lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và CNXH. Tình hình trên nếu không sớm khắc phục thì mâu thuẫn giữa cơ sở hạ tầng với thượng tầng kiến trúc ngày càng lớn dần, thượng tầng kiến trúc sẽ bị phủ định.
Do chưa định hình mô hình CNXH kiểu mới, nên nhiều lý giải chưa thuyết phục, như cụm từ đi lên CNXH trong lúc chúng ta đang đứng trên mảnh đất CNXH ở giai đoạn đầu, hoặc cụm từ quá độ XHCN là khái niệm của mô hình CNXH hiện thực, mô hình CNXH kiểu mới phân kỳ theo kiểu khác, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu là giai đoạn đổi mới, phân kỳ giai đoạn hai là giai đoạn phát triển, phân kỳ giai đoạn ba là giai đoạn hoàn thiện chín muồi chuyển sang CNCS. Vì CNXH là thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS (không có cái quá độ nằm trong cái quá độ). Hoặc là nhiều câu hỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, các nhà lý luận chưa lý giải được: Tại sao CNXH lại áp dụng chế độ sở hữu tư nhân, tư bản tư nhân, kinh tế thị trường và còn chấp nhận bóc lột v.v.. Từ thực trạng chưa định hình mô hình CNXH kiểu mới nên tư tưởng trong Đảng và nhân dân bị phân tán nhiều chiều: có người hoài nghi cho là đã chệch hướng sang ngôi nhà TBCN, có người cho là theo quan điểm xét lại và rất nhiều người trong đó có cả cán bộ trung cấp, cao cấp và đảng viên chưa hình dung CNXH là gì ?
Xây dựng mô hình CNXH kiểu mới, trước hết để làm cơ sở xây dựng hiến pháp cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng qua các giai đoạn phân kỳ và là căn cứ để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, nhận thức và hành động thống nhất phấn đấu vươn tới mục tiêu của cách mạng.
Quá trình xây dựng CNXH mang tính trình tự hệ thống, tương tự như xây dựng ngôi nhà. Để xây dựng ngôi nhà, việc đầu tiên tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình mà lựa chọn kiểu nhà: căn nhà phố, nhà vườn, biệt thự… dựa vào lý thuyết về xây dựng, kiến trúc… thiết kế mẫu nhà, phòng ốc, hệ thống điện nước …, các bước tiến hành xây dựng, thời gian hoàn thành ngôi nhà. Ngôi nhà CNXH cũng tiến hành tương tự, cũng tùy vào hoàn cảnh của từng nước mà lựa chọn mô hình sao cho thích hợp, dựa vào học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (Việt Nam) mà thiết kế mô hình CNXH ở Việt Nam thể hiện nội dung, mục tiêu, bước đi và thời gian hoàn thành giai đoạn cách mạng này.
Hiện nay trên thế giới xuất hiện số mô hình CNXH gồm:
- CNXH hiện thực (còn gọi là CNXH hiện vật).
- CNXH thị trường.
- CNXH dân chủ.
- Và các xu hướng XHCN của các Đảng cánh tả.
Trong đó CNXH hiện thực đã sai phạm học thuyết Mác - Lênin về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS, còn lại các mô hình: CNXH dân chủ, CNXH thị trường và xu hướng XHCN của các Đảng cánh tả để lựa chọn. Các Đảng cầm quyền như Việt Nam, lựa chọn mô hình CNXH thị trường là phù hợp.
- Mác - Enghen cho rằng: Để xây dựng CNCS cần phải trải qua giai đoạn trung gian quá độ (giai đoạn xây dựng CNXH), ở đấy một xã hội mà trong thời gian dài có cơ cấu mang trên mình dấu ấn rõ nét một xã hội cũ như: còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu, còn kinh tế hàng hóa trao đổi ngang giá, sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn v.v..
- Lênin cho rằng: CNXH mà ở đó nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, một xã hội còn tồn tại sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị còn chỗ đứng… Đó chưa phải là xã hội phát triển đầy đủ, hoàn thiện và hoàn hảo, thành thục của nó với tư cách là một xã hội mới. Đó là thời kỳ lịch sử lâu dài để cải biến triệt để xã hội cũ và xây dựng thành công xã hội mới trên mọi phương diện.
Những định hướng nêu trên của Mác - Enghen và Lênin, nhằm làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ và tính chất xã hội của lực lượng sản xuất còn thấp ở giai đoạn cách mạng này.
Việt Nam có đủ điều kiện để lựa chọn mô hình CNXH thị trường, bắt đầu hình thành từ năm 1986 theo định hướng của Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam. Mô hình kiểu mới của Việt Nam phân kỳ làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu của CNXH có nhiệm vụ: Chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường XHCN. Phát triển một bước lực lượng sản xuất và cơ sở vật chất của CNXH. Tiến hành CNH - HĐH đất nước, xây dựng nước Việt Nam thành nước công nghiệp. Đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH đất nước. Đổi mới hệ thống chính trị và thượng tầng kiến trúc phù hợp với hạ tầng cơ sở đã được chuyển đổi cơ bản. Đổi mới thể chế dân chủ tập trung quan liêu, sang thể chế dân chủ XHCN. Nâng cao một bước đời sống vật chất văn hóa của nhân dân.
- Phân kỳ giai đoạn hai với các nhiệm vụ: Xây dựng nền kinh tế tri thức, đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH trình độ cao. Hoàn thiện hệ thống chính trị và thượng tầng kiến trúc đáp ứng nền kinh tế - xã hội hiện đại. Hoàn thiện nền dân chủ XHCN để phát huy mọi thành viên xã hội năng động, sáng tạo thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh, rút ngắn khoảng cách tụt hậu so với các nước. Xây dựng con người mới XHCN có kiến thức cao, bản lĩnh năng động sáng tạo. Xây dựng đời sống văn minh hiện đại, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
- Phân kỳ thứ ba có các nhiệm vụ: Tạo dựng đầy đủ các yếu tố về kinh tế, xã hội, văn hóa và con người văn minh hiện đại, tạo tiền đề tiến lên CNCS.
Tên gọi của một hình thái kinh tế - xã hội thường gắn với tên gọi nền kinh tế của từng giai đoạn lịch sử ấy. Mô hình CNXH kiểu mới theo quan điểm của học thuyết Mác - Lênin về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS trình bày ở phần trên, thì nền kinh tế thị trường sẽ hiện diện suốt cả các phân kỳ của CNXH, chỉ khác nhau tính chất và tỷ lệ giữa các chế độ sở hữu. Ở giai đoạn đầu của CNXH các hình thức sở hữu tư nhân và tư bản tư nhân chiếm khoảng 80 - 90% để phù hợp trình độ và tính chất xã hội của lực lượng sản xuất còn thấp, do đó phải thực hiện cổ phần hóa và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhưng quá trình phát triển đến giai đoạn chín muồi cuối cùng của CNXH thì tỷ lệ này sẽ đảo ngược, sở hữu tập thể và nhà nước sẽ chiếm lĩnh về cơ bản để chuẩn bị tiền đề tiến lên CNCS. Do đó mô hình CNXH kiểu mới gọi là CNXH thị trường là phù hợp.
Mô hình CNXH thị trường có thể áp dụng đối với các nước chậm phát triển, bởi thời đại hiện nay khoa học kỹ thuật, công nghệ, thông tin phát triển và điều kiện hội nhập quốc tế có thể rút ngắn bỏ qua giai đoạn phát triển CNTB mà không cần sự hỗ trợ bao cấp của các nước XHCN đi trước như Lênin dự báo, trên cơ sở có người cầm lái có tâm và đủ tầm, có một Đảng cộng sản vững mạnh. Việt Nam không là ngoại lệ. Thời gian thực hiện giai đoạn quá độ lên CNCS (giai đoạn xây dựng CNXH) tuỳ hoàn cảnh lịch sử từng nước có mốc thời gian khác nhau. Mô hình CNXH thị trường ở Việt Nam dự báo giai đoạn đầu khoảng 40 năm (đã thực hiện hơn 20 năm). Giai đoạn phân kỳ thứ hai dự kiến 40 năm và hoàn thành công cuộc cách mạng XHCN ở Việt Nam tiến lên CNCS dự kiến một thế kỷ. Mô hình CNXH kiểu mới ở Việt Nam định hình như trên, thì tên gọi cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam là “Cương lĩnh xây dựng đất nước giai đoạn đầu chủ nghĩa xã hội”.
KS. NGUYỄN KIM ĐĨNH
Nguyên CVCC Ban Tổ chức Trung ương
Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam