Thời gian gần đây, thị trường lao động, việc làm chuyển dịch, phát triển theo hướng tích cực. Tuy vậy, sự mất cân đối về tỷ lệ, cơ cấu lao động, việc làm giữa các ngành, khu vực và các nhóm lao động vẫn chưa được khắc phục.
Nhiều lao động thiếu việc làm
Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam - quý IV năm 2017 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến cuối năm 2017, cả nước có 55,16 triệu lao động. Lực lượng lao động tương đối cân bằng giữa nam và nữ với 28,71 triệu lao động nam và 26,45 triệu lao động nữ, nhưng có khoảng cách chênh lệch rất lớn giữa lao động ở khu vực thành thị và nông thôn. Lao động khu vực thành thị là 17,75 triệu người (hơn 32%), lao động ở khu vực nông thôn là 37,41 triệu người (gần 68%).
|
Giới trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền |
Đa số lao động nông thôn làm việc trong ngành nông - lâm - thủy sản, chưa qua đào tạo nghề và đang thiếu việc làm. Cụ thể, trong tổng số 749.000 lao động, thì ở độ tuổi thiếu việc làm có 86% là lao động nông thôn, 76,5% làm việc trong ngành nông - lâm - thủy sản. Số giờ làm việc bình quân của lao động thiếu việc làm là 22,1 giờ/tuần, bằng 49% tổng số giờ làm việc bình quân của lao động cả nước (45,11 giờ/tuần). Trong tổng số 11,6 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ đang làm việc, chỉ có 870.000 người làm việc trong ngành nông - lâm - thủy sản (7,49%).
Trình độ chuyên môn, tay nghề thấp, lại thiếu việc làm khiến thu nhập của lao động nông thôn thấp hơn nhiều so với ở khu vực thành thị. Hiện nay, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương ở khu vực nông thôn là 4,73 triệu đồng/người/tháng; mức thu nhập này ở khu vực thành thị là 6,3 triệu đồng/người/tháng. Lao động làm việc trong ngành nông - lâm - thủy sản có mức thu nhập thấp nhất và thấp hơn 2,3 lần so với nhóm ngành có thu nhập cao nhất là tài chính ngân hàng.
Ngoài nhóm lao động nông thôn, tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp còn tồn tại ở lực lượng lao động giữ vai trò “xung kích” như thanh niên, lao động có trình độ cao. “Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tuy đã giảm nhưng cả nước vẫn còn 545.900 thanh niên thất nghiệp (7,07%). Số người có trình độ tìm được việc làm nhiều hơn, nhưng vẫn "tồn dư" 215.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 78.800 người có trình độ cao đẳng và 64.600 người có trình độ trung cấp thiếu việc làm. Tính chung, cả nước còn hơn 1,07 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề, nhiều doanh nghiệp không tuyển đủ lao động phổ thông, lao động thời vụ. Điển hình là các doanh nghiệp điện tử chỉ tuyển được hơn 11% lao động có trình độ đại học trở lên, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp điện tử lớn hơn con số này nhiều lần. “Khó tuyển lao động trình độ cao, vững chuyên môn, các doanh nghiệp điện tử phải bù đắp sự thiếu hụt bằng cách phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo và đào tạo lại. Các doanh nghiệp điện tử luôn mở rộng cửa chào đón lao động trẻ, vững tay nghề vào làm việc”, bà Phạm Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quan hệ lao động, Công ty Samsung Thái Nguyên cho hay.
Có thể nhận thấy, hàng triệu lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm là sự lãng phí nguồn lực không nhỏ, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Thúc đẩy chuyển dịch theo hướng tích cực
Góp phần đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, các cấp, ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động, việc làm chuyển dịch theo hướng tích cực.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc đổi mới mô hình tăng trưởng từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, khuyến khích lao động chuyển dịch dần từ khu vực nông - lâm - thủy sản sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, từ khu vực lao động phi chính thức sang chính thức,… bước đầu tạo ra những điểm sáng cho bức tranh lao động, việc làm. Sự tiến bộ đó thể hiện rõ khi số lao động làm việc trong nhóm ngành nông - lâm - thủy sản liên tục giảm, số lao động làm việc trong ngành Công nghiệp chế biến tiếp tục tăng. So với thời điểm đầu năm 2017, hiện nay, số lao động làm việc trong ngành nông - lâm - thủy sản giảm gần 700.000 người. Những ngành nặng nhọc, độc hại như sản xuất, phân phối khí đốt, khai khoáng,… cũng giảm gần 100.000 người. Trong khi đó, lao động làm việc trong ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 460.000 người; trong ngành Xây dựng tăng 307.000 người; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa tăng 183.000 người,…
Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH từ trung ương đến địa phương đặc biệt chú trọng mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên và lao động nông thôn. Riêng năm 2017, công tác tuyển sinh học nghề trên phạm vi cả nước đạt 2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540.000 người. Số người tốt nghiệp các trường nghề đạt gần 2,04 triệu người, góp phần cung cấp cho thị trường lực lượng lớn lao động qua đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên khởi nghiệp. Một số sinh viên đã triển khai ý tưởng khởi nghiệp, tạo ra nhiều việc làm mới cho giới trẻ.
Thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm, ngành LĐ-TB&XH đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng triệu lao động; định hướng nghề nghiệp cho hàng triệu học sinh; kết nối với doanh nghiệp đưa người thất nghiệp trở lại thị trường lao động,... Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, dự báo, thị trường lao động, việc làm năm 2018 sẽ tiếp tục đà chuyển dịch theo hướng tích cực. “Một số ngành sẽ sử dụng nhiều lao động là sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, sản xuất kim loại,… Một số ngành giảm nhiều lao động là khai khoáng, sản xuất thuốc lá, nông - lâm - thủy sản…”, ông Doãn Mậu Diệp dự báo.
Hà Hiền
Nguồn: hanoimoi.com.vn