Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 01/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

Thầy… nuôi dạy trẻ

“Một mai khi em lớn lên/ Đừng quên khi đi nhà trẻ/ Quên cô giáo người nuôi em khoẻ/ Quên cô giáo người chăm em ngoan…”. Cô giáo gần như là một mặc định giới tính nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục mầm non xưa nay.

Thầy… nuôi dạy trẻ

“Ông bố” Nông Văn Long và 16 đứa con.

Bởi vậy, trong chuyến đi mới đây lên huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, tôi đã ngỡ ngàng trước một lớp mầm non mà người đứng lớp là… thầy giáo.

Nông… Thị Long

“Đến đây rồi thì nên “phượt” một chuyến vào bản có nhiều cái nhất: Xa nhất, nghèo nhất, gia đình đông con nhất và cuối cùng, có thể là nơi duy nhất của cả miệt Tây Bắc này, có một lớp mầm non mà giáo viên là nam giới”. Vế cuối cùng trong lời của ông Hoàng Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng - đã làm tôi tò mò không cưỡng được.

Sau một buổi xe cài số 1, số 2 trên đường mòn 25km với một bên núi đá tai mèo, một bên vực thẳm, tôi đến Trường Tiểu học Sán Xoáy nằm giữa thung lũng. Ngôi trường nhỏ gồm 3 phòng học và một phòng ở của giáo viên phên tre, mái phibrô ximăng. Ghé mắt nhìn vào lớp học mầm non, tôi thấy ngay một thầy giáo đang đứng lớp đúng như lời của ông chủ tịch xã.

Lúc này, thầy giáo lớp mẫu giáo đang say sưa tập hát cho học sinh. Các cháu hát theo thầy bằng tiếng Kinh, tiếng được tiếng mất. Có những đoạn khó, các cháu nhao nhao: “Thầy ơi, con chưa thuộc...”, “Thầy ơi, hát lại cho con hát theo...”. Tôi tiếp tục theo dõi buổi học. Thầy giáo đang dạy các cháu đọc và viết chữ cái, bỗng một cháu đứng lên: “Thầy ơi, con muốn tiểu...”. Lát sau, thầy đưa cháu vừa đi tiểu xong vào lớp, chưa kịp ổn định lớp đang láo nháo thì một cháu khác đứng lên: “Thầy ơi, con muốn tiểu...”. Cứ thế, lớp mẫu giáo chỉ 16 cháu nhưng không bao giờ yên với lời trẻ ngây thơ, thầy ơi..., thầy ơi...  

Nông Văn Long - 25 tuổi, quê ở bản Na Nàng, xã Thái Sơn - là lý lịch trích ngang của thầy giáo mầm non mà tôi vừa gặp. Tôi kiên nhẫn “giấu mình” chờ hơn một tiếng đồng hồ, cho đến khi Long kết thúc buổi lên lớp để bắt chuyện. Nhưng vừa chào hỏi xong Long liền rủ tôi... ăn: “Cứ từ từ đã, có sẵn thịt lợn hong giàn bếp rồi, để tôi đi kiếm thêm ít rau về làm cơm trưa, mình vừa ăn vừa nói chuyện”. Long chạy ra vườn tăng gia hái ít rau cải rồi xuống suối cõng nước.

Loáng một cái là có cơm dọn ra, ngoài tôi và Long, cùng ăn còn có hai thầy giáo Thẩm Văn Thìn và Đăng Xuân Nam dạy lớp 1, lớp 2 cùng trường. Vừa ăn, các thầy vừa “thanh minh” về sự đạm bạc của bữa ăn: “Ở đây là vậy đó nhà báo, mọi thứ đều thiếu thốn, muốn đi chợ mất cả buổi đường, hôm nào có người trong bản ra trung tâm xã thì gửi mua được đồ ăn, còn không thì rau và muối qua bữa”.

Dứt chuyện ăn khổ, Long lại kể về những long đong của đời mình. Tốt nghiệp sư phạm mầm non năm 2011, Long đậu đơn và được ký hợp đồng dạy ở Sán Xoáy với mức lương thử việc 1,2 triệu đồng/tháng. Dù ở cùng một xã, nhưng bản Sán Xoáy cách bản Na Nàng nhà Long đến 26km. Xa thế nhưng do mới đi làm, lương thấp, nhà lại nghèo nên không sắm nổi cái xe máy Tàu, mỗi lần về thăm nhà Long lại cuốc bộ hàng giờ liền. “Đã thế, Long còn bị dân bản đùa về giới tính, có người ác khẩu gọi anh là Nông Thị Long” - thầy giáo Thẩm Văn Thìn nói thêm.

Long cười buồn: “Em bỏ ngoài tai hết anh ạ. Cứ nhìn các cháu đến lớp thiếu thốn nhiều, mùa đông lạnh buốt xương mà đi chân đất, áo quần chỉ che kín được da thịt, nhiều hôm có cháu ngất xỉu tại bàn học vì lạnh, vì thiếu ăn nhưng cả năm nay không cháu nào bỏ lớp, thì dù ai nói gì, dù khó khăn thế nào em cũng vượt qua được hết”.  

Vui buồn chuyện nghề

Bản Sán Xoáy có 27 hộ dân người Mông sinh sống, là nơi xa nhất xã Thái Sơn. Mặc dù đã có nhiều nữ giáo viên lên đây đứng lớp, nhưng không chịu được cái khổ ở miền sơn cước nên đã “hạ sơn” chỉ sau một thời gian. Gần một năm đến với nghề của “phụ nữ”, Long đã trải qua không ít chuyện vui buồn. Ngày đầu Long đến trường, lớp học thì có đấy, nhưng không một bóng học sinh.

Hỏi thầy hiệu trưởng thì Long nhận được câu trả lời rất “trường vùng cao”: Có học sinh hay không thì nhà trường nhờ ở em. Hiểu ý, hôm sau Long một mình đến từng nhà vận động cha mẹ cho các cháu đến lớp. Nhưng chuyện không đơn giản, khi đến nhà ai Long cũng gặp phải lời phản đối: “Ở đây bao đời nay bọn nhỏ có cần học đâu, chúng cần cái bỏ bụng cho căng chứ cái chữ không ăn được”. Đặc biệt khi nghe tin có thầy giáo về dạy mẫu giáo, nhiều người trong bản kéo đến trường thắc mắc: “Thấy trên tivi, dạy mẫu giáo là cô, sao ở đây là thầy? Thầy không tốt cho bọn trẻ đâu, chúng tôi muốn cô dạy giống như ở dưới xuôi…”.

Khó khăn vậy, nhưng Long không nản. Đầu tiên, Long nhờ trưởng bản cùng mình đến từng nhà thuyết phục. Một bữa chưa được thì hai, hai chưa nghe thì ba… Cùng với phân tích thiệt hơn của việc cho con đi học, Long còn nhấn mạnh thông tin tiền hỗ trợ như một cách chiêu dụ hiệu quả. Số là theo quy định của Nhà nước, trẻ em vùng cao như xã Thái Sơn đi học không những không mất tiền học phí mà còn được hỗ trợ mỗi quý 80.000 đồng.

“Đây mới là yếu tố quyết định anh à, lâu nay dân Thái Sơn chưa ai biết khoản tiền này. Cuộc sống ở đây nghèo quá, 80.000 đồng là rất lớn đối với dân bản...” - Long kể, giọng chua chát. Ông Ma A Giùa - phụ huynh cháu Ma Thị Pè, học sinh của Long - cười thú nhận với tôi: “Từ ngày con Pè đi học thầy Long tới giờ, nó không những biết hát, biết nói tiếng Kinh, mà còn mang cả tiền về cho mình, vui lắm…”.

Long bảo, dạy mầm non có những khó khăn, đặc thù, nhưng dạy mầm non cho trẻ vùng cao còn khó khăn gấp trăm lần. “Trẻ con ở đây toàn nói tiếng Mông, một câu tiếng Kinh bẻ đôi cũng không thể. Ngày đầu các em đến lớp, thầy và trò nói hai ngôn ngữ. Thầy nói, trò mặc kệ, trò nói thầy chổng tai nghe cũng không hiểu”. Vậy nên mấy tháng liền, ngày đến lớp, đêm Long vào nhà dân học tiếng Mông. “Bây giờ chưa giỏi, nhưng cũng đủ để giao tiếp với các cháu rồi” - Long khoe. Tôi hỏi: “Là con trai, nhưng sao Long chọn học ngành mầm non, nghề lâu nay thường chỉ dành cho nữ giới?”.

Long cười: “Có ai quy định đó là nghề dành cho nữ đâu? Phụ nữ làm được thì mình cũng làm được chứ”. Rồi Long nhớ lại: “Hồi nhỏ mình không được học mầm non như các cháu bây giờ. Đang theo bố mẹ lên nương thì trưởng bản và thầy giáo mò đến tận nơi bảo mình đi học lớp 1. Học hết tiểu học, rồi đến cấp 2, cấp 3 được ra thị trấn đi học. Ra đó mình mới biết cái gọi là học mầm non. Thấy bọn trẻ đang còn nhỏ mà biết đọc biết, biết viết, mình lại nghĩ tới trẻ con ở xã mình. Vậy là mình đăng ký thi vào mầm non…”.

Tôi vẫn chưa hết thắc mắc: “Dạy mẫu giáo, việc hát và nhất là múa, thì phụ nữ mới dẻo, mới đẹp, còn đàn ông như Long...”,  Long cãi ngay: “Đúng vậy, mình không hát hay, múa dẻo như các cô giáo, nhưng bù lại mình có thế mạnh về các trò chơi nên học sinh thích lắm”.

Rồi bất chợt Long trầm ngâm: “Hồi nhỏ mình vốn cộc tính, nhưng từ ngày đi dạy mầm non, mình thay đổi hẳn, lúc nào cũng phải tươi cười, mềm mỏng. Người ta nói dỗ như dỗ trẻ mà anh...”. Bây giờ, Long không những được các cháu yêu quý, mà ngay cả phụ huynh cũng tin tưởng, không còn “kỳ thị” như trước. “Nó dạy con mình giỏi lắm. Mình không ngờ con trai cũng dạy được bọn trẻ múa hát…” - Mùa A Sơn - phụ huynh của cháu Mùa A Dìa, một trong những người từng kịch liệt phản đối “thầy mẫu giáo” - nói.

Trên đường rời bản, dẫu có phần vui với những kết quả thầy giáo Long đem lại cho trẻ con Sán Xoáy sau những nỗ lực bền bỉ của anh, tôi vẫn nặng lòng bởi chuyện người dân ở đây cho con đi học một phần vì nhắm vào 80.000 đồng một quý và còn bởi cái cách người ta trêu anh là “Nông Thị Long”…

theo laodong.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển