Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 10/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

THAM GIA LÝ LUẬN VỀ NHÂN TÀI

         Chúng ta đều biết nhiều, luận nhiều về sự quan yếu, cốt tử của Nhân Tài và trọng dụng Nhân Tài. Ngay từ khi xã hội loài Người có Lịch sử thành văn cũng đã bàn nhiều, trải hàng chục nghìn năm ở những nền Văn minh tối cổ như Lưỡng hà - Ân độ, sông NIN – Ai Cập, sông Hoàng Hà – Trường Giang Trung Hoa, nền Văn minh Hy – La,. . . Trong đó Văn minh Lạc Việt là một trong những Nền Văn minh sớm, rực rỡ đã được Lịch sử Khảo cổ học chứng minh. Văn minh Nhân Loại đã nghiên cứu, bình luận nhiều về Người Tài, về Kẻ Sĩ, về Anh Hùng, Hào Kiệt,...  Tuy nhiên cho tới nay chưa lập thành một Hệ thống nghiên cứu hoàn chỉnh, một công trình Khoa học Lý luận có hệ thống lozic về Nhân Tài.

          Hôm nay, Viện nghiên cứu Danh Nhân do Viện trưởng Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo thuộc Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân Lực – Nhân Tài Việt Nam tổ chức Hội thảo lần thứ nhất về Nghiên cứu Nhân Tài tiến tới xây dựng hệ thống Lý luận Nhân Tài là một vấn đề lớn, hệ trọng của Quốc gia – Dân tộc. Chúng ta đã liều mình khai phá rừng rậm để mở một lối mòn đầu tiên cho xây dựng Học thuyết Nhân Tài cho nhiều năm sau kết nối - Điều chưa từng có ấy đòi hỏi sự Dũng cảm Trí thức, sự tập trung cao độ trí tuệ của tập thể các Nhà Khoa học trong Nước và Quốc tế. Đây là Một HỌC THUYẾT rất cần sự kiên trì, nhẫn nại lao động khổ mình, nhọc sức của nhiều thế hệ, trong đó chúng ta có vinh hạnh là người mở đầu. Quả thực là một vấn để rất quan trọng nên mấy nghìn năm thường bàn đến, nhưng lập thành Lý luận Khoa học thì chưa, nếu như thời nay chúng ta không thành công cũng là lẽ thường. Điều đó chỉ chứng minh là chúng ta không đủ tầm trình độ khi làm một việc quan trọng. Nhưng chúng ta cũng đã là người tập hợp và mở đầu cho sự hình thành Khoa học Lý luận về Nhân Tài.                          

       Khi nói về Nhân Tài ở Việt Nam, chúng ta thường nhắc lại câu: “ Hiền Tài là Nguyên khí của Quốc gia” khắc bia Tiến sỹ năm Hồng Đức thứ 15 (1484) đặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám củaTiến sĩ Thân Nhân Trung, chữ Hán: 申仁忠, 1419 - 1499, tự Hậu Phủ - chữ Hán: 厚甫, ( Sách Đăng Khoa lục còn ghi ông có tên là Thân Trọng Đức sinh năm 1418 mất năm 1499), ông từng giữ các chức Đông các Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc tử giám, kiêm Thượng thư bộ Lễ, Phó đô Nguyên súy Tao đàn Nhị thập bát Tú, Trưởng Hàn lâm Viện sự, Thượng thư Bộ Lại, Nhập nội Phụ chính dưới triều Vua Lê Thánh Tông ( 1460 – 1497) và Vua Lê Hiến Tông (1497 – 1504).

      Xã hội loài người từ thời cổ đại đã nhận thức để trọng dụng Nhân Tài. Trong các thư tịch cổ của Việt Nam cũng đã có viết về Nhân Tài, tư liệu còn đọc được là phiên bản sách Đại Việt sử ký của Lê văn Hưu (chữ Hán: 黎文休;1230-1322). Năm Đinh Mùi (1247), ông đỗ Bảng nhãn khi mới 17 tuổi. được giữ chức Kiểm pháp quan, rồi Binh Bộ Thượng thư, Hàn Lâm Viện Học sĩ kiêm Quốc sử Viện Giám tu. Ông cũng là thầy dậy học của Thượng tướng Trần Quang Khải. Lê văn Hưu dự khoa thi đầu tiên ở nước ta có đặt ngôi Tam khôi. Nguyễn Hiền 12 tuổi đỗ Trạng nguyên, Đặng Ma La 14 tuổi đỗ Thám Hoa. Ông viết Đại Việt sử ký gồm 30 quyển dưới triều vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278), đây là bộ Quốc sử đầu tiên của Việt Nam. Bộ sách này đến nay không còn nhưng nhờ nó mà Ngô Sĩ Liên đã dựa vào để soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư.  Sự kiện những thiếu niên thi đỗ rồi được bổ ngay làm quan Đại thần dưới Triều Nhà Trần đã cho thấy sự trọng dụng Nhân Tài của Nhà Trần đến như thế nào.

      Nếu như Nhân Lực là sức của Toàn Dân, thì Nhân Tài là người có năng lực nổi trội để lãnh đạo, quản lý, đứng đầu một nhà nước, một tổ chức, một nhóm cộng đồng dân cư. Một Quốc gia – Dân tộc chỉ tồn tại được khi có Nhân Lực. Hiện nay chúng ta đặt nhiệm vụ Phát triển Nhân Lực kỹ thuật, Nhân Lực kỹ thuật cao là để có một Cộng đồng Dân tộc có sức mạnh Tri thức. Tuy nhiên nếu không phát hiện, trọng dụng Nhân Tài ở nhiều cấp độ thì không thể tập hợp Tri thức Kỹ thuật thành Một sức mạnh Đoàn kết – Phát triển. Chúng ta đều biết Nhân Tài là một trong những trụ cột phát triển của Nhân loại. Không có Nhân Tài - Sức Người, Sức Của sẽ không thể trở thành Hàng hóa chất lượng cao để thành công sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa Quốc gia – Dân tộc  trở thành Cường quốc.

       Xin đưa ra một ý kiến để chúng ta cùng phân tích, phê bình, xây dựng: - Nhân Tài khi có giới hạn về lịch sử, về vị trí địa lý Vùng, Miền là Người Tài trong một Cộng đồng. Nhân Tài đã vượt qua được giới hạn về địa lý Vùng – Miền thường là các Danh Nhân. Danh Nhân mà vượt được giới hạn lịch sử, thay đổi được một thời kỳ lịch sử của một Quốc gia – Dân tộc là Thiên Tài.

      Không riêng ở Việt nam, trên thế giới cho đến nay việc trọng dụng Nhân Tài chỉ dừng ở chính sách, không có Luật, vậy nên khi thời cuộc thay đổi thì chính sách trọng dụng Nhân Tài cũng thay đổi. Các quan niệm về Nhân Tài gần như một cảm tính, do đó Nước lúc thịnh, lúc suy. Cổ nhân có câu: “Minh quân, Lương tướng tao phùng dị / Tài tử, Giai Nhân tế ngộ nan”, nghĩa là:” Vua sáng, Tôi hiền (Tài) không mấy đời có / Người con trai Tài, Người con gái Đẹp khó gặp nhau” cổ ngữ này nói lên quy luật khắc nghiệt của sự trọng dụng Nhân Tài hướng Thiện.

       Ngay từ khi thành lập Nhà nước Cách mạng năm 1946, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có chính sách trọng dụng Nhân Tài. Người đã tập trung được rất nhiều Nhân Tài dưới Cờ đỏ Sao Vàng vừa kiến quốc, vừa chống ngoại xâm giành Độc lập, Tự do cho Dân tộc – Tiêu biểu là Hội nghị Văn hóa Toàn quốc ngày 24/11/1946 trước khi cả Dân tộc Việt Nam tiến vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Trải qua rất nhiều biến cố, thăng trầm của hơn 92 năm, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam nền Kinh tế - Xã hội nước ta từ năm 1986 đến nay đã bước vào Công cuộc Đổi Mới đạt được nhiều thành tựu làm thế giới ngạc nhiên, khâm phục.

     Chấp hành chỉ đạo của Đảng – Nhà nước về việc xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện và trọng dụng Nhân Tài. Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân Lực – Nhân Tài Việt Nam đã dự thảo văn bản Dự Luật (Nghị định) về phát hiện và trọng dụng Nhân Tài xin ý kiến của các Nhà khoa học sau đó trình lên Lãnh đạo Đảng – Nhà nước. Đây là một dự Luật (Nghị định) mới lần đầu tiên được thực hiện trong Lịch sử nước ta với sự gửi gắm hy vọng của xã hội là Dự án Luật phát hiện và trọng dụng Nhân Tài sớm được các Bộ, các Ngành chỉnh sửa, bổ sung trình Quốc Hội thông qua hoặc sử dụng một số điểm đề xuất phù hợp để ban hành chính sách hoặc Luật, văn bản dưới Luật (Nghị định Chính Phủ) bước đầu mở đường phát hiện, trọng dụng Nhân Tài cho Đất nước.

HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC NGÀY 24/11/ 1946

TẬP HỢP NHÂN TÀI TRÍ THỨC

Ảnh chụp tại số nhà 12 phố Lê Thái Tổ, Hà Nội vào năm 1946 gọi là Nhà Khai Trí Tiến Đức (Sau năm 1955 có tên là Câu lạc bộ Thống Nhất, năm 1982 đổi là Trung tâm Câu lạc bộ trực thuộc Bộ Văn hóa). Tại thời điểm Hội nghị Văn hóa Toàn quốc có triển lãm phục vụ Hội nghị Văn Hóa Toàn quốc do Chủ Tịch Hồ Chí Minh chủ trì.

Chú thích ảnh: Hàng đầu tiên chính giữa là Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Người đánh dấu số 1 là Nhà văn Nguyễn Đình Thi, Người số 2 là Phạm văn Đồng, Người số 3 là Nhà văn Vũ Ngọc Phan lúc đó là Chủ Tịch Ủy Ban vận động Văn hóa Toàn quốc, Người số 4 là Bác sỹ Trần Duy Hưng, Người số 5 là Cố vấn Chính Phủ Vĩnh Thụy (Bảo Đại). Ảnh hiện lưu trữ Gia đình Nhà văn Vũ Ngọc Phan.

Có một chi tiết vào năm 1965, khi Nhà văn Vũ Ngọc Phan có nói tên từng người trong ảnh thì Người đứng sát phía sau bên trái Chủ Tịch Hồ Chí Minh (Nhìn từ trong ra)  là Bác sỹ Không còn nhớ tên (hình như là Trương Đình Chi ?)Một trí thức ủng hộ Việt Minh rất nhiệt thành, sau bị Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh bắt cóc thủ tiêu bằng cách cho vào bao tải thả trôi sông Hồng.


Phát hiện, trọng dụng Nhân Tài ở mọi cấp độ, mọi lĩnh vực đều rất phức tạp, hệ trọng. Chúng ta phải dựa vào Nhân Dân Việt Nam có truyền thống yêu nước rất sâu sắc, ý chí tự cường, bất khuất. Lịch sử Việt Nam đã minh chứng Thời đại Hồ Chí Minh là Thời đại Huy hoàng – Hiển hách nhất vì lần đầu tiên có Chính quyền Cách Mạng từ Nhân Dân mà ra, vì Nhân Dân mà chiến đấu. Sau Khởi nghĩa Tháng Tám 1945 Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra.” – Hồ Chí Minh Toàn tập.

        Trong bài viết “Yêu Bác lòng con trong sáng hơn - phỏng vấn nhà thơ Tố Hữu” của Bế Kiến Quốc, in trong tập sách “Tố Hữu, về tác giả và tác phẩm” - NXB Giáo dục, tháng 4-1999, tr.145-146 có ghi lại Nhà thơ – Nhà Cách mạng Tố Hữu nói: “Nhân đó mình mới hỏi Bác: “Bọn cháu ở bí mật ra, không hiểu chính quyền, xin Bác cho kinh nghiệm để về làm”. Bác nói: “Bác cũng mới làm. Bác có làm chủ tịch bao giờ!”. “Dạ, nhưng xin Bác chỉ vẽ cho. Bác cho ý kiến như ở Huế thì nên làm thế nào?”. “Ờ, cứ hỏi dân, dân ưng cái gì, không ưng cái gì. Người ta ưng cái gì thì làm, không ưng cái gì thì đừng có làm. Làm thế nào cũng hỏi dân. Cử ai làm, cũng phải hỏi dân”. Tóm lại, chính quyền theo Bác chỉ có ba câu. Sau này ta nói: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra - theo tôi có lẽ không rõ bằng ba câu của Bác. Bác là vậy”.

 

Tôi xin nêu lên một số ý kiến để chúng ta cùng thảo luận:

  • Một là người Tài phải là người có công đáng kể cho lợi ích Cộng đồng, cho Dân tộc và phải được Cộng đồng, được đa số người trong Xã hội công nhận. Người Tài nói chung có Thiện và Ác, có Chính có Tà.Trong nghiên cứu và xây dựng lý luận,tôi cho rằng cần nghiên cứu cả hai khuynh hướng Thiện và Ác của Người Tài, đây là sự lozic phát triển, mâu thuẫn của hai mặt đối lập Âm – Dương, Sáng – Tối, Nước – Lửa cùng song hành trong Lịch sử loài Người. Ác là Bản năng dễ theo, dễ học. Thiện là Lý trí Nhân cách phải được truyền dậy từ khi trẻ mới lọt lòng – Sự dậy Thiện chính là cách dậy của Ông, Bà, Cha Mẹ sau mới đến Nhà trường. Cộng đồng. Giáo dục Nhân cách Thiện lấy Gương Mẫu là Chính yếu.

Ngạn ngữ Việt có câu: “ Dậy con tự thủa còn thơ,.../ Bé không vin cả gẫy cành, ..../ Người không học như ngọc không mài, Học khôn đến chết, học nết đến già,../ Ân sâu nghĩa nặng chớ quên,../Làm con phải giữ lấy nền phong gia,…/ Học ăn, học nói, học gói, học mở / Khi măng không uốn thì tre trổ vòng / Làm người mà được khôn ngoan. Cũng nhờ học tập mọi đường mọi hay / Rừng như biển thánh khôn dò. Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra /Con có cha như nhà có nóc. Con có mẹ như bẹ ấp măng. / Con cái khôn ngoan vẻ vang cha mẹ. / Làm con cho đáng nên con. Trong tròn hiếu đạo, ngoài tròn giá danh./ Học là học để làm người. Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi. / Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn, …”. Dân tộc Việt có hàng vạn, hàng triệu câu ca dao, tục ngữ về nuôi dậy con – Tất cả đều chú trọng giáo dục Nhân cách.

Nhân cách bao gồm Lễ và Nghĩa, đó là quy luật Hưng Thịnh muôn đời. Bá Di liệt truyện viết trong Sử Ký Tư Mã thiên nói: “ Đạo Trời Đất không thân với ai, thường thân với Người Thiện”.

      Tôn chỉ của Đảng Cộng sản Việt Nam “ Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh” là Chân lý khát vọng của Nhân loại rất gian nan để thành hiện thực. Nhưng trong gian khó thì sự gian khó nhất chính là Công bằng – mà Công bằng chính là Nhân cách. Không có đa số người có Nhân cách trong Xã hội thì không thể Công bằng. Từ cổ xưa, không có Nhân cách là một tai họa vô cùng, Kinh Dịch viết: “ Sai một hào, một ly, lầm đến nghìn dặm, cho nên nói: Tôi giết Vua, con giết Cha, không phải duyên cớ một sớm, một chiều mà ra, cái đó đã ngấm ngầm từ lâu rồi,…Vì không biết nghĩa lý, nên bị tai tiếng không sao tránh khỏi. Chỉ vì không hiểu cái thâm thúy của Lễ và Nghĩa mà đến nỗi Vua không ra Vua, Cha không ra Cha, Con không ra Con. Vua không ra Vua thì phạm tội với Lễ Nghĩa. Tôi không ra Tôi thì phải giết. Cha không ra Cha thì vô đạo. Con không ra Con thì bất hiếu.”

    Người Tài trên cả hai phương diện Thiện và Ác đều có cấp độ, tạm gọi là đẳng cấp. Xin nêu một ý kiến để Hội nghị thảo luận, tôi sơ bộ tạm thời phân định có 04 thứ hạng Nhân Tài:

      - Một là Vĩ Nhân: là Người có sự nghiệp làm thay đổi và khai sinh ra một thời đại, thậm chí là cả một kỷ nguyên mới về ý thức hệ kinh tế, xã hội, triết học, văn hoá,...Có nhiều dẫn chứng về những Vĩ nhân. Người gần với chúng ta nhất là Hồ Chí Minh – Người đã khai sinh ra một chế độ xã hội với triết học hoàn toàn mới ở Việt Nam.Thế giới coi Hồ Chí Minh là một trong những Vĩ Nhân cuối cùng của Thế kỷ XX có nhiều Công đức Thiện không chỉ với Việt Nam vì đã khởi đầu cho sự phá bỏ hệ thống Thực dân đã kéo dài hơn 300 năm trên toàn thế giới. Do sự nghiệp của Vĩ Nhân tác động làm thay đổi cả một Thời đại nên sự nghiệp và danh tiếng của Vĩ Nhân chỉ được một phần Thế giới kính phục, một phần khác của Thế giới lại căm ghét. Đó là quy luật cuộc đấu tranh Thiện – Ác, khi Thiện mạnh Ác yếu thì thế giới ôn hòa. Khi Ác mạnh Thiện yếu thì thế giới bạo loạn, chiến tranh. Cuộc chiến Thiện - Ác không thể chấm dứt trên Thế gian này.

     - Hai là Danh Nhân: là Người mở đầu hay khai sáng – nâng cao và phát triển hơn nữa một lĩnh vực lớn trong Xã hội như Triết học,Văn học Nghệ thuật, Khoa học kỹ thuật, Kinh tế, Chính trị,...Danh Nhân trong lịch sử loài người từ Thượng cổ đến nay kể có hàng triệu người. Đặc điểm của Danh Nhân là có sự nghiệp hướng Thiện là chính, vì vậy khi Danh Nhân Thiện đã qua đời nhiều thế hệ sau vẫn sử dụng thành quả của họ,học tập họ ở nhiều mặt từ phong cách tư duy đến học thuật. Lịch sử Nhân loại thường biểu hiện sự kính trọng đối với Danh Nhân Thiện ở mọi Thời đại.

    - Người có Danh Vị: là Người thường có vị trí nổi trội so với đồng nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Họ là các Nhà lãnh đạo Chính Trị, Quản lý Kinh doanh,Văn hoá Nghệ thuật, Khoa học kỹ thuật, Dịch vụ,...Tác dụng của họ có tính chất đi đầu cộng đồng. Đánh giá về công lao của Người có Danh vị làm được Thiện căn thường rất khó vì có đặc trưng hoà lẫn trong hành động Tập thể mà vì thế Người có Danh Vị dù Thiện hay Ác sau khi rời khỏi vị trí, thường ít được nhắc đến. Sự nổi tiếng có giới hạn về thời gian, thường là do thông tin đại chúng có tính Thời sự nên dễ nhớ, mau quên. Vì vậy chỉ Những Nhà lãnh đạo Chính trị có Công Đức lớn hoặc gây ra Tai họa lớn trong cả một thời kỳ phát triển của một Quốc gia – Dân tộc mới được lịch sử nhắc đến.

    - Người Tài Năng: Là những người nổi trội so với những đồng nghiệp trong một giới hạn nhất định, có thể là rất ngắn rồi sau đó gần như bị lãng quên. Có thể dẫn chứng những vận động viên được huy chương vàng, học sinh, sinh viên đạt thứ hạng cao trong học tập, các ca sỹ, ... Kể cả những Tội phạm làm việc xấu, ác. Thường sự cảm nhận và đánh giá tác động hay cống hiến  của những Người Tài Năng chỉ giới hạn trong một cộng đồng.

       Tôi nhận rằng thực tiễn hai thứ hạng Nhân Tài đầu tiên là Vĩ Nhân và Danh Nhân được nêu trên đều không liên quan đến Học vị, bằng cấp, . . . Mà phải xét bằng Giá trị Thực tiễn họ đã cống hiến cho Dân tộc và cao hơn là cho Nhân loại.

        Vấn đề rất quan yếu là Nhân Tài được hình thành như thế nào? Có đào tạo được Nhân Tài không? Đây là hai vấn đề rất cần được nghiên cứu sâu làm cơ sở cho phát hiện Nhân Tài chưa bộc lộ và đào tạo Nhân Tài. Có những Nhân Tài ở cấp độ hẹp do đào tạo mà có, nhưng những Nhân Tài ở cấp độ cao, rộng thường do Tự thân rèn luyện. Vì vậy phân chia khoa học thứ hạng Nhân Tài để trọng dụng, để đào tạo là rất quan trọng, rất cần thiết. Người Tài dù là thứ hạng nào về bản chất phải có hai tố chất: - Thứ nhất là trí Thông minh bẩm sinh do di truyền của Cha Mẹ hoặc thậm trí là gien ẩn trội về Thông minh từ đời ông bà, tổ tiên Nội, Ngoại truyền qua Cha Mẹ thì lặn, đến con cháu mới trội lên.

       Bản chất của Nhân Tài dù thứ hạng nào, Thiện hay Ác phải có sự tự rèn luyện, thậm chí là khổ luyện.Tố chất thứ hai hãy nói Nhân Tài Thiện là có sự khởi đầu từ Gia phong – Nhân cách. Người xưa có câu: “Sống để Đức cho con cháu” là nói đến truyền thống Gia phong. Thực tế Lịch sử Xã hội cho thấy những gia đình nề nếp, gia giáo không nhất thiết phải có bằng cấp, học vị thì con cháu đều thành đạt và ít nhiều đều ở một trong bốn thứ hạng của Nhân Tài. Sự thành đạt còn ẩn chứa cả di truyền và trong hoàn cảnh sống mà thường là khó khăn nhưng có Gia phong nếp nhà:“ Đói cho sạch, Rách cho thơm” và “Giấy rách thì giữ lấy lề” dù trong cảnh bần hàn không bị biến chất.

      Cổ nhân có câu “Mới hay loạn thế xuất Anh hùng” hoàn cảnh sống chính là thử thách để phân định Người đó có là Người Tài dù là Thiện - Ác hay không nên có câu ca dao:

“Gừng già,Gừng rụi,Gừng cay,

Anh hùng càng cực,càng dày nghĩa nhân.”

       Chúng ta cần hiểu rõ và sâu từ “ Anh hùng” đây là một khái niệm tương đối. Như xâm lược chẳng hạn, đối với cộng đồng, dân tộc chống Ngoại xâm thì đó là Kẻ thù Cướp Nước. Đối với nước đi xâm lược lại là Anh hùng. Sự này cũng giống như giết giặc ngoại xâm là Anh hùng, nhưng giết người vô tội trong xã hội lại là Tội phạm.

       Sự rèn luyện tự học hỏi là yếu tố Đủ để trở thành Tài. Không có sự tự rèn luyện thì dù có thông minh mấy thì cục thép tốt cũng như cục gang. Có khổ luyện thép mới trở nên sắc bén, sáng bóng. Còn gang thì ngược lại, càng tôi rèn càng nứt gẫy, càng đen xấu, rèn quá mức còn tan vỡ ! Đến đây, tôi thấy sự phát hiện Nhân Tài có thể thực hiện trên cơ sơ nghiên cứu và xây dựng trắc nghiệm khoa học từ các môn khoa học Tâm lý học, Nhân Chủng học và một môn Khoa học tối cổ rất hệ trọng là Nhân Tướng học.

       Tôi đã có điều kiện từ gia đình được đọc về Tướng học từ thủa thiếu thời. Những cuốn sách như “Thần tướng Toàn biên” của Hứa Phụ đời Nhà Đường đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc về xét đoán tính cách con người thông qua nét mặt, hình dáng, tiếng nói, đi đứng, nằm, ngồi.Trải nghiệm qua cuộc đời nhiều gian truân, càng thấy Nhân tướng học rất kỳ diệu, uyên thâm.Có thể xét đoán một người không quen biết về quá khứ,về hiện tại, về tương lai đúng tới 60% ~ 70%. Khi người xét đoán (Người xem Tướng) trong lúc có sức khoẻ tốt, tinh thần minh mẫn thì sự chính xác đạt tới 80% ~ 95% mà không cần biết tên, năm sinh hay bất cứ thông tin nào của người được xem.

Tục ngữ ca dao Việt Nam có rất nhiều câu nói về Tướng học như :

Người khôn con mắt đen sì,

Người dại con mắt nửa chì,nửa thau.

hay:

Đàn ông rộng miệng thì sang,

Đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà.

Những người thắt đáy lưng ong,

Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.

Những người béo trục béo tròn,

ăn vụng như chớp đánh con cả ngày.

Những người mặt nạc đóm dầy,

Mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn.

      Nhân Tài và sự xét đoán, nghiên cứu, phát hiện, trọng dụng Nhân Tài là câu chuyện của nghìn vạn năm trước sau không bao giờ hết. Trên đây tôi cũng xin mạo muội góp một số thiển ý về Nhân Tài để các Nhà khoa học tham khảo.

       Việc cầm quyền Quốc gia – Dân tộc quan yếu nhất là Dân Yên thì Nước Thịnh. Trong Bình Ngô Đại cáo, Nguyễn Trãi đã viết “ Việc Nhân nghĩa cốt ở yên Dân”. Mọi sự trong lịch sử loài người đều nhằm mục đích sao cho có kết quả tốt nhất để giải quyết ba mục tiên “ Ăn – Mặc - Ở” trong đó ĂN quan trọng hàng đầu. Sử ký Tư Mã Thiên ghi: “ Thiên tử coi Dân là Trời. Dân coi miếng Ăn là Trời” đủ thấy việc lo cho Dân No - Ấm hệ trọng như thế nào đến bình ổn một Quốc gia. Ngày nay tất cả các chính sách, pháp luật của tất cả các quốc gia đều ưu tiên Phát triển Kinh tế - Dân giầu rồi Nước mới mạnh. Chính trị - Kinh tế - Xã hội đều là ba trụ cột lớn nhất, quan yếu nhất của một Quốc gia – Dân tộc.

        Vì thế chúng ta hãy xét đến Nhân Tài trong Nền Kinh tế ở Việt Nam,

        Lịch sử loài người từ khi có Tiền và Giai cấp thì có Người kinh doanh – Nay gọi chung là Doanh nhân – sản xuất rồi đưa hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu. Sức lao động, Tài nguyên chỉ trở thành Hàng hóa nếu có Doanh nhân. Từ xưa, dân gian ta vẫn gọi chung là Thương nhân và ít có phân biệt giữa buôn bán và sản xuất, quan niệm này đến nay lại đúng với Học thuyết Kinh tế học hiện đại. Thời phong kiến từ nhận thức hẹp hòi của Nho giáo nên chuyện Thương nhân mua rẻ, bán đắt, biến tất cả các loại sản phẩm thành Hàng hóa có lãi nên trong gần hết chiều dài lịch sử xã hội loài người từ cổ xưa đến cận đại của thời Phong kiến đều coi khinh Doanh nhân cho họ là xảo trá, tham ác là loại người thấp kém nhất trong xã hội, trong khi đó từ vua quan đến dân sống được đều nhờ vào Thương nhân.

         Chế độ phong kiến ở Việt Nam cũng như nhiều nước phương Tây thời cổ đều có Luật, Lệ cấm không cho con nhà Thương nhân được đi học, đi thi, không được ra làm quan. Đến gần nửa đầu thế kỷ XVI, khi các giáo sỹ và thương nhân Tây phương đến Việt Nam vào năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Vua Lê Trang Tông cho mãi đến gần cuối thế kỷ XIX,  lần đầu tiên vào Năm Tân Tỵ  (1881 - Tự Đức thứ 34) có Quan Lê Đĩnh đi sứ ở Hương Cảng (Hongkong) về tâu: "Các nước Thái Tây mà phú cường là chỉ cốt ở việc binh và việc buôn bán. Lấy binh lính mà bênh vực buôn bán, lấy việc buôn bán mà nuôi binh lính. Nước ta, người khôn ngoan, lại có lắm sản vật, nên người ta mà làm thì cũng có thể giữ được quyền độc lập của nước nhà".Vua Tự Đức nghe xong nói:" Được" rồi giao cho các quan bàn.

Hàn Lâm Viện Phan Liêm viết sớ tâu : "Cho mở rộng sự buôn bán, sự chung vốn lập hội, cho người đi học nghề khai mỏ,..." Vua Tự Đức giao cho đình thần xét thì các quan bàn việc buôn bán không tiện (!) Vua Dực Tông ( Tự Đức) khuyên các quan nghĩ cho kỹ, nên làm cho tiến bộ, ... Chiếu ban ra viết:" Xét lời ấy thì không phải Vua không muốn thay đổi. Chỉ vì Vua ở trong cung điện, việc đời không biết rõ, phải lấy các quan làm tai làm mắt, mà các quan thì lại số người biết thì ít, số người không biết thì nhiều,... Lại có lắm người tự nghĩ mình đã có quyền cả ngôi cao, thì tất giỏi hơn người, chứ không hiểu rằng cái tài giỏi không cần phải nhiều tuổi, sự khôn ngoan không phải là làm quan to hay quan nhỏ. Cái phẩm giá con người cốt ở tư tưởng, học thức, chứ không phải ở tiền của hay là ở quyền tước".

       Nhưng cũng không ai thi hành !

       Sau thời kỳ này lần đầu tiên trong sử sách nước ta có xếp hạng “ Sỹ, Nông, Công, Thương”. Như vậy Doanh nhân vẫn là dân loại bét. Sau khi xếp hạng dân, lệ Vua ban ra cứ 3 năm thi Hương, các quan từ Kinh đi ra coi thi có dương biển lên phía trước đề: "Phụng chỉ cầu Hiền". Mới thấy ý nghĩa của thi cử ngày trước khác bây giờ, không phải để lấy bằng cấp, mà để tìm người Hiền Tài, nhưng rút cục sự trớ trêu là con nhà Thương nhân vẫn không được tham gia thi cử!

      Sự hạn chế lịch sử này giải thích hai sự việc trước đó,năm Bính Dần ( 1866 – Tự Đức thứ 19) có Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điều ở nghệ An đi học ở Tây về có viết điều trần về văn minh ở Tây lên Vua Dực Tông (Tự Đức) vua giao cho đình thần xét duyệt, xem xong bảo nói càn, bỏ đi. Lại đến năm Mậu Thìn (1868 - Tự Đức thứ 21) có Đinh văn Điền người Ninh Bình dâng sớ tâu Vua Tự Đức phải cho :" Mở doanh điền, khai thác mỏ vàng, làm tầu hỏa, cho người Tây vào buôn bán để luyện tập sỹ tốt, thêm lương thực, bớt sưu dịch cho dân, thưởng người có công, nuôi người bị thương, người tàn tật,..."  Vua giao cho đình thần xét, các quan cho là không đúng, bác bỏ đi” - Việt Nam sử lược, Đại Nam Thực lục chính biên - sách đã dẫn. Trên đây chúng ta sơ lược những vấn đề lịch sử xã hội dẫn đến hạn chế Nhân Tài - Doanh Nhân chân chính trong sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

         Từ thời kỳ phong kiến và tàn dư tư tưởng phong kiến về phân biệt Nam – Nữ và nhiều định kiến Xã hội nói chung đến coi khinh Doanh nhân còn kéo dài đến tận thời hiện đại chỉ dần chấm dứt phân biệt đối xử với Doanh Nhân sau Cách mạng tháng Tám thành công thành lập Nhà nước Dân chủ Nhân dân.

        Quan điểm về phát triển Kinh tế Tư nhân ở nước ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm "Thường thức chính trị" tháng 9/1953. Người đã đề cập đến sự tồn tại của các loại hình kinh tế khác nhau, trong đó có Kinh tế Tư nhân, “ Những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ, đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà". Kinh tế Tư nhân là một thành phần kinh tế, đã được ghi trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đó là kết quả quan trọng của cả một quá trình Đổi Mới. Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (15/7/1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng ta đã khẳng định “ Kinh tế tư nhân được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm.”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (tháng 3/2002) tiếp tục xác định “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”. Như vậy sự thay đổi nhận thức kỳ thị Kinh tế Tư nhân nhiều trăm năm là một cuộc Cách Mạng Tư tưởng để Hành động Đổi Mới vô cùng gian truân vì phát triển Kinh tế Tư nhân là một vấn đề rất quan trọng trong Chiến lược phát triển Kinh tế nhiều thành phần định hướng Xã hội Chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Công nghiệp hoá, Hiện đại hóa, tăng sức mạnh Nước ta trong Hội nhập Quốc tế.

     - Tại Đại Hội Đảng khóa X  tháng 4/2006, kinh tế tư nhân chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai thành phần kinh tế gồm Cá thể, Tiểu chủ và Tư bản Tư nhân được xác định rõ: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Đại Hội Đảng khóa X / 2006 đã thông qua một quyết định rất quan trọng là cho phép Đảng viên được làm Kinh tế Tư nhân.

      - Đại Hội Đảng khóa XI / 2011, vị thế Kinh tế Tư nhân được nâng tầm cao với việc đưa vào Nghị quyết “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật”.

       -  Đại Hội Đảng khóa XII / 2016, đã xác định đối với Kinh tế Tư nhân thức: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế”, lần đầu tiên khái niệm Tập đoàn Kinh tế Tư nhân xuất hiện.

        -  Đại Hội Đảng khóa XIII / 2021 đã làm sâu sắc hơn về phát triển Kinh tế Tư nhân, khẳng định phát triển mạnh mẽ khu vực Kinh tế Tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững “ Thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân…Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích rất sâu sắc những vấn đề cốt lõi trong việc xây dựng Nền Kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ nghĩa trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ Doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt, phải công bằng, phải xoá bỏ mọi kỳ thị, định kiến với kinh tế tư nhân, phong tặng danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi.” Theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng,vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ở nước ta đã được nâng cao trở thành một trong những động lực của nền kinh tế.

        Vậy thế nào là Doanh nhân – là Người Tài trong sản xuất kinh doanh. Trước hết nói về Người Tài – Nhân Tài, đây là phạm trù rộng, đã và đang gây tranh cãi trong suốt lịch sử loài người từ khi có giai cấp đến nay. Tuy nhiên có thể cùng có chung một điểm là: “Người có năng lực vượt lên trên những người trong một nhóm, một cộng đồng hay trong một xã hội tại một không gian, thời gian nhất định” – Nếu với khái niệm này, người Tài bao hàm cả Thiện và Ác, Tốt và Xấu. Người Tài dù là thứ hạng nào về bản chất đều phải có hai điều kiện Cần và Đủ:

         - Một là điều kiện Cần : Thứ nhất là trí thông minh và ý chí do di truyền của Cha Mẹ hoặc thậm trí là gien trội về thông minh từ đời ông bà, tổ tiên Nội, Ngoại truyền qua Cha Mẹ thì lặn, đến con cháu mới trội. Trí thông minh thì không bồi dưỡng đào tạo được, đây là một bí ẩn của Tạo hóa vì ngay trong những gia đình được xã hội tôn vinh là DANH GIA VỌNG TỘC thì mỗi đời, thậm chí mấy đời mới có một vài người được xã hội coi là Nhân Tài. Ngạn ngữ Việt nam có nhiều câu đúc kết như: " Con Dòng,Cháu Giống,../Lấy vợ kén Tông, Lấy chồng kén Giống,.../ Con nhà Tông không giống Lông cũng giống Cánh."

         - Hai là điều kiện Đủ: Thứ hai là phải có sự tự rèn luyện, thậm chí là khổ luyện. Tố chất thứ hai này có sự khởi đầu là ở Gia phong , người xưa có nói:"Sống để Đức cho con cháu” là nói đến Gia phong. Thực tế lịch sử xã hội cho thấy những gia đình nề nếp, gia giáo - có GIA PHONG, không cứ là giầu nghèo, sang hèn ( Ở đây là nghĩa Hán Việt .Chữ  SANG là chỉ người có địa vị, chữ HÈN chỉ người Dân không có địa vị, không phải theo nghĩa là hèn hạ, hèn nhát ).... thì con cháu đều thành đạt cấp độ có khác nhau nhưng ít nhiều đều ở một trong các thứ hạng của Nhân Tài. Xét thấy con các Gia đình giầu có thường ít Người Tài. Sự thành đạt còn ẩn chứa cả di truyền và trong hoàn cảnh sống mà thường là khó khăn nhưng có nếp nhà là: “Đói cho sạch, Rách cho thơm” và “Giấy rách thì giữ lấy lề” dù trong cảnh bần hàn không bị biến chất. Cổ nhân còn có câu "Mới hay Loạn Thế xuất Anh hùng” hoàn cảnh sống chính là thử thách để phân định Người đó có là Người Tài hay không, lại có câu ca dao:“Gừng già, Gừng rụi, Gừng cay. Anh Hùng càng cực, càng dày nghĩa Nhân.”

       Sự rèn luyện tự học hỏi là yếu tố Đủ để trở thành Tài. Không có rèn luyện thì dù có thông minh mấy thì cục thép tốt cũng như cục gang. Có khổ luyện thép mới trở nên sắc bén, sáng bóng. Còn gang thì ngược lại, càng rèn giũa càng nứt gẫy,càng đen xấu, rèn quá mức còn tan vỡ - Đây chính là tố chất di truyền ẩn sâu bên trong của Nhân Tài. Tôi cho rằng trong sản xuất kinh doanh của lĩnh vực kinh tế nên dùng danh xưng cho những người lãnh đạo, quản lý này là DOANH NHÂN có lẽ dễ hiểu hơn. Nếu như chúng ta tạm đưa ra một khái niệm Doanh Nhân là: "Người sống hưởng lợi từ  năng lực kinh doanh của mình”, cũng như Người Tài, Doanh nhân cũng sẽ có Thiện - Ác, Tốt - Xấu.

       Khảo sát và nghiên cứu tại Việt Nam cũng như nhiều nước phát triển trên thế giới về động cơ mục đích Doanh nhân, thì nguyên nhân chính, mục đích chính ban đầu đưa con người tham gia vào sản xuất kinh doanh là do sự đói khổ phải kiếm sống cho bản thân, gia đình rồi trải nhiều gian nan, tự học, tự rèn luyện vượt lên trở thành những Doanh nhân lớn thì họ mới chú ý tới lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia. Sự việc này rất dễ thấy khi quan sát người buôn bán nhỏ ngoài chợ, để bán được nhiều hàng, có lãi và bán hàng bền vững, họ phải tự rèn luyện, học hỏi không ngừng để tồn tại giữ lợi ích cho bản thân, mà vì thế cộng đồng, xã hội được hưởng lợi từ hàng hóa dịch vụ tốt của họ. Trong lịch sử Việt Nam, cũng như Thế giới, những Doanh nhân “ Thuần túy hay Hoàn hảo” gần hết không tham gia chính trị vì một lẽ đơn giản -  Họ đã chọn và đeo đuổi một mục đích là - Lợi.

          Trên cõi Trần gian này con người ta tranh giành không ngừng chỉ vì hai mục đích: Danh và Lợi. Người khôn ngoan thì chỉ chọn một trong hai thứ đó vì Lợi lớn thành Danh, Danh lớn có Lợi. Kẻ tham tối thì cùng theo đuổi cả hai nên thường không lâu bền. Đôi khi kết cục rất bi thảm ! 

        Thực sự Người Tài hay Doanh nhân trong sản xuất kinh doanh mới được coi trọng từ sau công cuộc Đổi Mới 1986 do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng đến nay. Khi mà môi trường xã hội chưa hoàn thiện về lối sống " Dở Tây, dở Tầu", pháp luật chồng chéo, chưa thi hành Luật nghiêm túc, sản xuất chủ yếu là khai thác xuất khẩu nguyên liệu thô không qua chế biến, gia công nguyên liệu bán thành phẩm, lại tập trung kinh doanh trong một số tổ chức độc quyền “ Bố làm Chính sách, Con làm Kinh tế” . . . Vì vậy tệ Người Giả thì có Hàng Giả là tất yếu. Lẽ dĩ nhiên Người giả, Hàng giả chưa thể chấn chỉnh trong một sớm một chiều, nhưng đang dần thui chột trước chiến dịch bài trừ Tham nhũng, Tiêu cực ngày một sâu rộng từ sau Đại Hội Đảng khóa XII / 2016 đến nay đã thắng lợi được thể hiện trên bề nổi là tệ nạn xã hội, buôn lậu Heroin, tín dụng Đen,... cùng nhiều thứ “ TỆ” khác đang biến dần vào bóng tối. Trong Nước ta có không ít các Doanh nhân Chân chính, lao động khổ mình, nhọc sức cả đời để có tiền của, họ có cuộc sống cá nhân đơn giản, uyên thâm trải đời qua nhiều gian nan nên giấu mình. Thực ra quy luật sống của những người này không khác mấy những Tỷ Phú Dolars trên thế giới như nhận định của tạp chí FORBES - Mỹ: " Nếu hỏi họ là ai thì ở ngay chính quê hương không ai biết họ là tỷ phú". Phim ảnh, các tiểu thuyết, phóng sự, báo chí, . . . với mục đích lỳ kỳ, giật gân để kiếm tiền đã từ một vài tỷ phú xa hoa dựng thành một hình ảnh tiêu biểu, méo mó cho tất cả Doanh Nhân Việt Nam cũng như trên Thế giới. Những hình ảnh Doanh nhân trên quảng cáo, trên phim ảnh chỉ đúng với các Đại Gia Nô tài rửa tiền.

       Tôi xin trích một đoạn ngắn khá trữ tình trong Lời giới thiệu cuốn sách “ Honda sự thành công trên đất Mỹ ” xuất bản năm 1993 của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia mà tôi cho rằng rất hay “ Thực tế cuộc sống cho thấy rằng, kinh doanh không phải là thứ có sẵn trời cho, càng không phải ai cũng biết kinh doanh. Kinh doanh đã trở thành một nghề có tính công nghệ và nghệ thuật cao. Vì vậy, để có thể thành công trong nghề kinh doanh không phải là một việc đơn giản. Nó đòi hỏi phải dày công khổ luyện và học hỏi, phải lăn lộn vất vả trong trường đời, đôi khi còn phải kiên nhẫn gánh chịu thất bại, đắng cay trong buổi ban đầu dựng nghiệp”.

        Nhân Tài Doanh nhân phát sinh từ cuộc đấu tranh tồn tại giữa Đói Khổ và Giầu Có một đời người vì vậy không thể đào tạo được Doanh nhân. Sự đào tạo quản trị kinh doanh ở Thế giới và nước ta duy nhất tạo ra các Chuyên gia làm công, ăn lương để làm một công việc chuyên trách như quản lý, hành chính, hậu cần, hoặc kế toán trong một tổ chức kinh doanh – Những người này gần như không bao giờ trở thành Doanh nhân. NHÂN TÀI là chữ đã Việt hóa bao hàm tất cả, dễ viết, dễ hiểu. Nhân thì ai ai cũng biết là Người - xin nhắc lại lời Thánh Nhân Nguyễn Ái Quốc trong Hồ Chí Minh tuyển tập:

"Suy cho cùng mọi sự ở Đời là Sống và Làm Người"

        Chữ Việt đa ngôn rất Ác khi nói: “Người - Ngợm, Con - Người,....” Vì vậy LÀM NGƯỜI không dễ, hãy trở lại quan điểm đánh giá phẩm giá làm Người của Vua Tự Đức: "Cái phẩm giá con người cốt ở tư tưởng, học thức, chứ không phải ở tiền của hay là ở quyền tước" rồi hãy nói đến trọng dụng Nhân Tài. Thiên Khổng Tử Thế gia – Sử ký Tư Mã thiên ghi Khổng tử nói: “Cái mà thật cứng mài cũng không mòn, cái mà thật trắng nhuộm cũng không đen”.

        Ở Hoa Kỳ, trong Toà nhà Quốc Hội ở Washington D.C có tượng các Danh Nhân, các nhà Tỷ phú đã có công đáng kể vào xây dựng sự hùng cường của nền Kinh tế - Văn Hóa Mỹ. Tôi hy vọng rồi đây tại Việt Nam sẽ có tượng những Danh nhân và Doanh nhân Chân chính đã đóng góp xứng đáng vào kỳ tích xây dựng phát triển Văn hóa – Kinh tế - Xã hội cho Công cuộc Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá Nước nhà trở thành Cường quốc trong tương lai gần. Trên đây tôi cũng xin mạo muội góp một số thiển ý để tham gia Hội thảo.

                                                                                                                                                                                                           Vũ Ngọc Phương

Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển

nguồn Nhân Lực – Nhân Tài Việt Nam

(Tại Hội thảo của TW Hội và Viện Nghiên cứu Danh nhân tháng 12/2022 tại Hà Nội)

 

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển