Trên giảng đường đại học. Ảnh: Quang Vinh.
Với kết quả 94,06% tỷ lệ tốt nghiệp THPT, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các địa phương trên cả nước. GS.TSKH Bùi Văn Ga- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT đánh giá: Công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh đều được đánh giá tốt; kết quả kỳ thi đánh giá đúng thực chất chất lượng của học sinh phổ thông. Chúng ta đã từng thực hiện nói không với tiêu cực trong thi cử và kết quả chỉ đạt 70%, lệch rất lớn, năm nay công tác coi thi, chấm thi được siết chặt nhưng kết quả tốt nghiệp THPT của cả nước đạt hơn 94%, không lệch nhiều so với những năm trước đây, chứng tỏ rằng chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng được cải thiện.
Từ đây, nhiều trường ĐH đã đề xuất cần duy trì kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019 để tạo cơ sở thuận lợi cho các trường trong công tác xét tuyển. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến tiếp tục đề nghị xem xét lại việc có cần thiết tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay không khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nào cũng trên 90%? TS Lê Trường Tùng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT đề xuất khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, thi cử cũng sẽ phải thay đổi, làm sao để bảo đảm chúng ta không mất quá nhiều công sức cho việc thi cử.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh mà quan trọng hơn là giúp ngành giáo dục phân tích, điều chỉnh chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, có giải pháp nâng cao chất lượng ở bậc phổ thông, nhất là những môn học có kết quả thấp trong kỳ thi THPT quốc gia như Lịch sử, Tiếng Anh.
Tuyển sinh phải tuân thủ điểm sàn
Về xét tuyển vào ĐH năm nay, bà Nguyễn Thị Kim Phụng-Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, lưu ý hiện 90% nguyện vọng (NV) thuộc về 5 tổ hợp trong khi 133 tổ hợp còn lại chỉ chiếm gần 10% NV. Vì vậy, các trường không cần đặt ra quá nhiều tổ hợp, trừ các ngành đặc thù. Bà Phụng yêu cầu các trường đăng tải đầy đủ thông tin và trực giải đáp thắc mắc cho thí sinh, đặc biệt từ ngày 22-31/7, khi thí sinh điều chỉnh NV. Đồng thời, rà soát lại đề án tuyển sinh. Theo đó, chỉ tiêu, ngành, tổ hợp xét tuyển; hệ số bài thi/môn thi, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, tiêu chí phụ, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có)... phải chính xác với cơ sở dữ liệu đã khai báo trong hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh.
Thời hạn để các trường công bố điểm nhận hồ sơ “sàn” xét tuyển của trường trước 22/7. Đối với khối sư phạm, sức khoẻ, Bộ GDĐT yêu cầu các trường tham mưu để xác định điểm sàn và sau khi điểm sàn được công bố, mọi phương thức tuyển sinh đều phải tuân thủ điểm sàn.
Quy trình xét tuyển, lọc ảo sẽ được thực hiện từ ngày 6/8 đến ngày 8/8/2019. Khi đã công bố danh sách trúng tuyển (cùng thang điểm xét tuyển và tiêu chí phụ) thì trường không được điều chỉnh danh sách này. Các trường cần cập nhật danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học của mọi phương thức xét tuyển, theo đúng cấu trúc dữ liệu và thời gian quy định.
Đối với vấn đề thí sinh ảo, NV ảo dẫn đến việc nhiều trường buộc phải gọi quá % chỉ tiêu tuyển sinh (dẫn đến bị phạt), Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An cho rằng những lo lắng ấy là câu chuyện của ngày xưa. Thực tế, hiện nay vấn đề đó đã giảm gần như triệt để, khi Bộ GDĐT đã có các nhóm xét tuyển tự động lọc ảo trước và hệ thống tự động chung của Bộ, công tác xét tuyển hiện nhẹ nhàng, công khai và minh bạch.
Kỳ thi THPT năm 2019 được đánh giá là nghiêm túc, tạo cơ sở cho chất lượng giáo dục đại học Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Minh bạch kiểm định chất lượng đại học
Bà Nguyễn THị Kim Phụng cho biết, sắp tới Bộ GDĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học các trường năm 2018 và năm 2019 trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT để người học và xã hội giám sát; thực hiện hậu kiểm đối với các tất cả trường. Nếu cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý theo các hình thức sau: Trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính theo quy định, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức… bị phạt hành chính, thậm chí hình sự tùy theo mức độ sai phạm.
Đặt mục tiêu nâng cao nhận thức vì một nền giáo dục ĐH có chất lượng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Tôi rất có niềm tin chúng ta sẽ xây dựng được một nền giáo dục ĐH có chất lượng, bởi chất lượng phổ thông của chúng ta không thấp, nhu cầu học ĐH của thị trường hơn 96 triệu dân lớn, thị trường lao động cần rất nhiều nhân lực chất lượng, chất lượng cao, đó là yếu tố thuận lợi của giáo dục ĐH”.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu các trường ĐH phải cạnh tranh công khai minh bạch, tạo dựng uy tín cho giáo dục ĐH. Đặc biệt chú trọng việc kiểm định chất lượng trên cơ sở minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, bao gồm kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định trường, để trường nào chất lượng kém sau một thời gian không cải thiện được phải đóng cửa. Khi các trường cạnh tranh bình đẳng về chất lượng sẽ tránh được những góc khuất, những điểm tối, tạo ra nghi ngờ trong xã hội, người sử dụng lao động về chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam.
“Chúng ta cùng nhau quyết tâm xây dựng nền giáo dục ĐH trung thực, chất lượng. Chất lượng tới đâu công bố tới đó. Trong thị trường lao động, phân khúc đa dạng, không phải cứ chất lượng như nhau mới tốt”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
* Kết quả môn Lịch sử và Tiếng Anh vẫn chưa chấp nhận được: Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Theo Bộ trưởng, không phải năm nay hai môn này mới có kết quả thấp, những năm trước cũng vậy. Khi phân tích phổ điểm nhìn chung Lịch sử và Tiếng Anh đã có sự tiến bộ nhưng kết quả như vậy vẫn chưa chấp nhận được nên cần phải phân tích kỹ, rút kinh nghiệm cho kỳ thi sang năm. Vào cuối tuần này, trên cơ sở kết quả phân tích kỹ phổ điểm của từng môn, từng tỉnh, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở GDĐT để bàn kỹ, lí giải nguyên nhân vì sao môn Lịch sử, Tiếng Anh thấp để rút kinh nghiệm.
* “Các trường áp dụng các phương thức xét tuyển là quyền tự chủ của các trường, tuy nhiên, vẫn cần cân nhắc lựa chọn phương thức xét tuyển nào phù hợp nhất, đảm bảo được chất lượng tốt nhất, đánh giá được cả quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra của các trường”-Thứ trưởng Bộ GDĐT Lê Hải An nói.
Thu Hương
Nguồn: daidoanket.vn