Thiết lập tiêu chuẩn nghề, nâng cao chất lượng giáo viên, hợp tác với doanh nghiệp trong dạy nghề, tài chính bền vững cho đào tạo nghề là 4 vấn đề cốt lõi cần phải thay đổi để tạo sự đột phá.
Đây cũng là nội dung mà Bộ LĐTBXH Việt Nam, Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Cộng hoà Liên bang Đức và 15 quốc gia trong khu vực bàn thảo tại Hội nghị khu vực về đào tạo nghề tại Việt Nam với chủ đề “Đột phá chất lượng dạy nghề” trong 2 ngày 10 và 11.10, tại Hà Nội.
|
Học viên khoa Cơ khí thực hành tại Trường Cao đẳng nghề Việt Đức - tỉnh Vĩnh Phúc. |
Tăng cường liên kết với doanh nghiệp
Điểm nhấn chính trong hội nghị là đề xuất của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Cộng hoà Liên bang Đức là thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Ông Hans Jurgen Beerfeltz – Quốc vụ khanh, Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Cộng hoà Liên bang Đức cho biết, thời gian tới, Đức sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thay đổi cơ bản phương pháp dạy nghề, hướng tới đào tạo kép. Nghĩa là tăng thời gian học của học sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở làm nghề thay vì nặng về học lý thuyết như hiện nay.
Ông Beerfeltz nêu kinh nghiệm tại Đức, doanh nghiệp là đơn vị dạy nghề chính còn trung tâm, cơ sở dạy nghề chỉ hỗ trợ về mặt lý thuyết. Chính vì thế mối liên kết giữa các đơn vị này thường rất chặt chẽ. Tại Việt Nam, bước đầu phía Đức sẽ vận động các doanh nghiệp của Đức đang kinh doanh tại Việt Nam tham gia vào công tác dạy nghề và hỗ trợ điểm thực tập nghề cho học sinh Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Phi - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thì nhấn mạnh, để đón đầu dòng đầu tư đòi hỏi lao động tay nghề cao, năm 2011, Bộ LĐTBXH đã xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề với 26 nghề đạt tiêu chuẩn nghề quốc tế, 47 nghề đạt tiêu chuẩn ASEAN và 130 nghề đạt tiêu chuẩn quốc gia. Các bộ tiêu chuẩn này có tham khảo “chuẩn” của Malaysia, Đức…
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Chưa nước nào xuất khẩu công nghệ đào tạo vào nước khác một cách thành công, và Việt Nam cũng không nhập khẩu một cách máy móc công nghệ đào tạo”. Hội nghị này, Việt Nam sẽ lắng nghe kinh nghiệm của các nước ở mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp và sẽ tìm phương án áp dụng hợp lý tại Việt Nam
Đau đầu tài chính
Tại Hội nghị, vấn đề được đặt ra là sẽ đào tạo tay nghề cho lao động ở trình độ cao. Việt Nam hiện đã xây dựng hệ thống trường cao đẳng nghề phục vụ mục tiêu này nhưng tài chính để đầu tư còn rất hạn chế. Trước mắt, trong tổng số 23,5 triệu euro mà Đức tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực dạy nghề, sẽ có khoản đầu tư để xây dựng trung tâm dạy nghề chất lượng cao…
Một trong những hỗ trợ đặc biệt nữa được phía Đức đưa ra là nâng cao năng lực giáo viên dạy nghề ở Việt Nam. Theo Tổng cục Dạy nghề, hiện cả nước có khoảng 35.800 giáo viên nghề nhưng có tới 60% số giáo viên dạy nghề mới qua trình độ sơ cấp, gần 16% số giáo viên dạy nghề chỉ dạy lý thuyết mà không hề gắn với thực tiễn hay kiến thức thực tiễn...
Tuy nhiên, từ phía người học, vấn đề đặt ra sẽ là đào tạo chất lượng cao đồng nghĩa với học phí sẽ rất cao. Làm thế nào để học sinh khu vực nông thôn, học sinh diện chính sách tiếp cận được các chương trình học này? Ông Nguyễn Tiến Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Kinh phí đào tạo nghề chất lượng cao là rất lớn, Nhà nước dù có hỗ trợ học sinh vẫn phải đóng góp”.
Cụ thể hiện nay, Tổng cục Dạy nghề đã chuyển giao 8 chương trình nghề cấp độ ASEAN cho 8 trường có hệ cao đẳng nghề để dạy thí điểm, học sinh phải thi tuyển đầu vào “gắt gao hơn thi đại học”, và mỗi lớp chỉ có 25 em. Với thiết bị thực hành hiện đại, trường lớp giới hạn thì học phí của các em sẽ rất cao: “Nếu con em gia đình chính sách thì sẽ có hỗ trợ của Nhà nước. Nếu là học sinh bình thường sẽ có cơ chế đóng góp phù hợp và được hỗ trợ bởi tín dụng sinh viên”- ông Dũng nói.
theo danviet.vn