Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 27/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

TÀI SẢN QUÝ CỦA DOANH NGHIỆP VÀ ĐẤT NƯỚC

Trong số những gương mặt nhận Giải thưởng Nguyễn Ðức Cảnh do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng nhằm tôn vinh những công nhân, lao động tiêu biểu đang trực tiếp lao động, sản xuất tại các doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế có thành tích xuất sắc, số lượng thợ bậc cao từ bậc 5 đến bậc 7/7, chỉ chiếm khoảng 25% các gương mặt được nhận giải thưởng cao quý.

Tài sản quý của doanh nghiệp và đất nước

Kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thiết bị tại Công ty CP Nhiệt điện An Khánh (tỉnh Thái Nguyên).

Họ không chỉ là tài sản quý giá của DN mà còn là nguồn tài sản vô giá của đội ngũ công nhân lao động cả nước. Những thành tích phi thường mà họ đạt được lại được tạo nên từ những điều giản dị trong công việc.

Chuyện của người trong cuộc

Anh Trần Xuân Vĩnh, sinh năm 1983, quê Yên Bái, là thạc sĩ y học, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, anh Vĩnh quyết định nộp hồ sơ thi tuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vì tỉnh có cơ chế chính sách mở đối với các bác sĩ trẻ, có cơ hội cho tay nghề và bản thân phát triển. Chỉ sau một năm, anh được bệnh viện cử đi đào tạo chuyên ngành ung bướu. Sau 11 năm, anh Trần Xuân Vĩnh giữ chức Trưởng khoa Ung bướu, trực tiếp vận hành thiết bị, công nghệ có sử dụng trí tuệ nhân tạo trong điều trị và chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư.

Trực tiếp triển khai nhiều kỹ thuật trong điều trị ung thư: sinh thiết xuyên thành ngực trong chẩn đoán ung thư phổi, các khối u trung thất; sinh thiết u vú bằng kim sinh thiết TRU-CUT... Anh là bác sĩ đầu tiên tại tỉnh Phú Thọ triển khai kỹ thuật xạ trị bằng máy gia tốc và hóa trị từ năm 2011…

Công nhân bậc 6/7 Lý A Chong, sinh năm 1966, người dân tộc Sán Dìu hiện đang làm việc tại Công ty Tuyển than Cửa Ông. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn cho nên đang học dở lớp 8, anh Chong nghỉ học, xung phong đi bộ đội. Ra quân, anh xin vào Công ty Tuyển than Cửa Ông từ năm 1987, vừa đi làm, vừa xin đi học bổ túc văn hóa. Thấm thoắt đã 32 năm công tác, giờ anh trở thành một trong những tài sản quý của doanh nghiệp. Công việc của anh là hằng ngày trực tiếp vận hành hệ thống máy lắng (máy rửa than nguyên khai), trị giá gần 9,5 tỷ đồng. Ðây là hệ thống máy tuyển duy nhất của Việt Nam để tuyển than chất lượng cao xuất khẩu, sử dụng công nghệ của Ô-xtrây-li-a. Anh Chong tâm sự, chính những năm tháng rèn luyện trong quân ngũ đã tôi luyện cho anh kỷ luật nghiêm cẩn với nghề. Hơn 30 năm gắn bó với mỏ than, trải qua rất nhiều đời thiết bị, máy móc, được công ty cho đi đào tạo bài bản, nhưng để thành thạo và làm chủ được máy móc, công nghệ, bản thân anh phải nỗ lực tự tìm tòi, sáng tạo rất nhiều trong công việc.

Anh Lý A Chong cho biết, ở Công ty Tuyển than Cửa Ông, để có một đội ngũ công nhân lao động tay nghề cao là do lãnh đạo, công đoàn công ty luôn quan tâm, chú trọng, thúc đẩy các đợt thi đua, các kỳ thi nâng bậc cho cán bộ, công nhân viên. Qua mỗi cuộc thi nâng cao tay nghề, 80% số công nhân được thăng bậc. Với anh Chong, bậc thợ cao hay thấp không chỉ là vấn đề về thu nhập, mà nó gắn với trách nhiệm công việc. Càng là thợ bậc cao, càng phải có trách nhiệm đối với công việc cũng như ý thức bồi dưỡng, đào tạo lớp công nhân trẻ nâng cao tay nghề. Bởi thế, anh đã bồi dưỡng rất nhiều lao động trẻ, giúp họ dễ dàng vượt qua các cuộc thi tay nghề.

Chị Hoàng Thị Thùy Dương, sinh năm 1982, Công ty TNHH OST, sau khi tốt nghiệp phổ thông, nối nghiệp cha mẹ, xin học sơ cấp tại Trường nghề Kỹ thuật đóng tàu Bạch Ðằng. Với thâm niên 14 năm ở vị trí thợ hàn, hiện chị Dương là thợ bậc 6/7, chuyên đảm nhiệm hàn các hệ thống cửa tàu thủy theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Hiện nay, chị Dương hàn được nhiều loại thép chịu áp lực cao từ 12 đến 18 in-xơ, với tất cả các chủng loại vật liệu từ thép các-bon đến thép không gỉ, thép hợp kim cao. Nói về những nỗ lực của mình, chị Dương chia sẻ, chị tự hào bởi trong hơn 200 cán bộ, công nhân viên của công ty, chị là tay hàn nữ duy nhất đang nắm giữ bậc thợ cao nhất.

Anh Dương Hoàn, sinh năm 1963, là kỹ sư cơ khí Công ty TNHH Kinh doanh Nông sản Việt Nam. Trong quá trình làm việc tại công ty, anh đã có hai sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp gần 400 triệu đồng/năm. Ðể có thể nhận mức lương 40 triệu đồng/tháng như hiện nay, anh Hoàn cho biết, không chỉ riêng anh mà tất cả cán bộ, công nhân viên hằng năm đều phải đăng ký mục tiêu cá nhân rõ ràng đối với bộ phận và công ty. Cuối năm đạt được mục tiêu đã đăng ký, cá nhân đó sẽ được tăng lương, nhận tiền thưởng.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng

Trong số 90 công nhân, lao động kỹ thuật cao sẽ được gặp Thủ tướng Chính phủ tại cuộc gặp gỡ nhân dịp Tháng Công nhân năm 2019, dễ dàng nhận thấy, thu nhập của những thợ bậc cao làm trong doanh nghiệp nhà nước chỉ dao động từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng, còn những công nhân, lao động tay nghề cao làm trong doanh nghiệp liên doanh hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, thường có thu nhập bình quân từ 30 đến hơn 40 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn thế.

Tại cuộc gặp gỡ công nhân các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng vào tháng 5-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" nhằm khuyến khích anh, chị em công nhân phấn đấu, trau dồi hơn nữa trong công việc. Hiện tượng "chảy máu" thợ bậc cao đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra nếu DN không có cơ chế, chính sách phù hợp, thiết thực, có tầm nhìn dài hạn để thu hút và "giữ chân" họ một cách tương xứng với tay nghề, công sức và trí tuệ họ bỏ ra.

Anh Lý A Chong, dù gắn bó với nghề hơn 30 năm, thế nhưng một mình là lao động chính trong gia đình, cho nên cho đến giờ gia đình anh vẫn đang ở trong một căn nhà cũ kỹ. Anh vui vẻ khoe, sắp tới được trong danh sách Công đoàn Than Khoáng sản (TKV) hỗ trợ tiền sửa chữa nhà. Chồng chị Hoàng Thị Thùy Dương cũng là thợ cơ khí bậc 6/7, nhưng so với thu nhập của vợ lại thấp hơn nhiều bởi anh vẫn đang trụ lại trong DN nhà nước, mặc dù công ty đã mấy lần "ba chìm, bảy nổi". Gắn bó với nơi mình làm việc lâu năm khiến người thợ không tránh khỏi tâm lý ngại, không muốn ra ngoài làm DN tư nhân, cũng bởi lo sợ ảnh hưởng tới các chế độ sau khi về hưu. Hơn nữa, họ sợ chuyển ra DN ngoài sẽ bị đánh tụt bậc tay nghề.

Anh Dương Hoàn thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Không quan trọng là anh làm trong DN nhà nước hay DN nước ngoài, mà ở đâu chủ sử dụng lao động quan tâm coi người lao động là trọng tâm, coi trọng an toàn vệ sinh lao động, sòng phẳng, công bằng trong đánh giá phấn đấu của người lao động, và trả mức lương tương xứng với sự cống hiến, nơi đó sẽ có những người lao động hết lòng, tận tâm cùng DN. Bác sĩ Trần Xuân Vĩnh chia sẻ, việc anh vẫn phải làm thêm bên ngoài sau ca trực và thời gian làm việc tại bệnh viện để có thể trang trải cuộc sống, chăm lo bố mẹ già, vợ con.

Khi chúng tôi đặt vấn đề: Nếu một cơ sở y tế nào đó muốn mời anh đến làm với vị trí và thu nhập cao hơn, anh có đồng ý không? Anh Vĩnh trả lời: Ðó là việc của tương lai, còn hiện nay, tôi vẫn hài lòng với công việc dù thu nhập còn khiêm tốn, bởi ở vị trí hiện tại, tôi được cống hiến trí tuệ và tâm huyết của mình cho cộng đồng.

Những kiến nghị và đề xuất

Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, thực tiễn đòi hỏi hơn bao giờ hết các DN cần phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là yếu tố con người - nguồn lực quan trọng, quyết định thành công. Muốn như vậy, chúng ta không thể chỉ chú trọng đào tạo đội ngũ kỹ sư, các nhà khoa học, đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại mà phải song song quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân, kỹ thuật, lao động lành nghề, sáng tạo, bởi chính họ là đội ngũ trực tiếp đón nhận, tiếp cận và làm chủ máy móc, khoa học, kỹ thuật công nghệ ứng dụng vào sản xuất.

Các chuyên gia lao động cho rằng, chính sự dễ dãi trong đào tạo hiện nay đã dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ lành nghề. Trong khi hệ thống các trường và trung tâm dạy nghề có rất nhiều, nhưng những nơi đào tạo đạt 
tiêu chuẩn lại rất thiếu. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự phát triển lệch lạc trong cơ cấu lao động; tâm lý chạy theo bằng cấp, hư danh, thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Quan niệm, đánh giá, sử dụng và đãi ngộ với thợ giỏi, lành nghề còn phiến diện, ấu trĩ.

Trong hệ thống trường nghề, nặng dạy lý thuyết, nhà trường ít đầu tư máy móc đổi mới công nghệ để học viên thực hành do việc mua sắm trang thiết bị tốn kém. Ở những trường cao đẳng, trung cấp, hệ thống đào tạo cũ, kiến thức không cập nhật, thiếu tính thực tiễn, thừa giáo điều, sách vở. Trong khi đó, từ góc độ tâm lý xã hội, định hướng giáo dục và truyền thống, các bậc phụ huynh không muốn con mình sau 12 năm ăn học "như con người ta" lại trở thành công nhân. Bởi vậy, ai cũng cố gắng cho con đỗ các ngành kinh tế, ngân hàng, kỹ thuật. Trong khi đó, chất lượng đầu vào của các trường đại học ngày càng thấp, bởi vậy ai cũng có cơ hội trở thành sinh viên đại học. Khi ra trường, cầm bằng cấp trong tay nhưng lại thất nghiệp bởi không xin được việc làm vì kiến thức nửa vời... Những nguyên nhân nêu trên khiến các DN đang đứng trước nguy cơ thiếu thợ lành nghề, nhất là các ngành cơ khí, đóng tàu, xây dựng… những nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cụ thể, chính xác, có ý thức trách nhiệm với sản phẩm.

Gốc rễ của vấn đề là nhiều năm qua, các ngành nêu trên chưa được Nhà nước tạo điều kiện với những chính sách vĩ mô cũng như chiến lược thúc đẩy phát triển. Những sản phẩm thị trường có nhu cầu đều được nhập khẩu, sản phẩm công nghệ cao ít đơn hàng. Số học viên qua đào tạo các trường nghề sau khi ra trường chất lượng kém, DN tuyển dụng xong đều phải cho đi đào tạo, huấn luyện lại. Trong khi đó, thị trường lao động lại đang cạnh tranh rất khốc liệt bởi nơi đâu cũng cần thợ bậc cao. Nhiều DN sau khi mất thời gian, kinh phí đào tạo công nhân thành thạo nghề lại bị DN khác thu hút bởi đồng lương cao hơn. Ðó cũng là nguyên nhân khiến nhiều DN xao nhãng, không thiết tha việc tổ chức nâng cao tay nghề cho người lao động.

Ðể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao, cần phải có những định hướng chiến lược trong công tác giáo dục đào tạo. Ðặc biệt, trong các ngành đào tạo phi công, sản xuất, chế tạo máy móc thiết bị, thiết kế rô-bốt và các lĩnh vực công nghệ mới chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức, chưa có chính sách ưu đãi chuyên biệt như: học bổng, học phí, các chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút những chuyên gia. Ở cấp vĩ mô, Nhà nước cần tạo ra một thị trường nguồn nhân lực lành mạnh cho những ngành cần thợ bậc cao cũng như có chính sách thúc đẩy phát triển. Nhà nước cần thể hiện rõ vai trò của mình trong các chính sách tuyển dụng, sử dụng nhân tài. Ðối với thợ bậc cao, nhất là đội ngũ thợ giỏi, Nhà nước và DN cần có cơ chế, chính sách thỏa đáng để họ gắn bó với DN. Ðây là nguồn nhân lực có vai trò quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Một điều không thể phủ nhận, công nhân có tay nghề cao, có thể làm việc bằng nhiều người khác. Thế nhưng, với chính sách tiền lương như hiện nay không đủ sức giữ chân người lao động có tay nghề cao. Khoảng cách giữa các bậc lương còn thấp, không thể hiện rõ vị trí, vai trò của từng công việc. Ðiều này chẳng những không khuyến khích công nhân học tập nâng cao tay nghề mà còn đẩy một số bộ phận công nhân lành nghề ra khỏi các DN nhà nước, tìm kiếm không gian làm việc mới có thu nhập cao hơn.

ÐẶNG THANH HÀ

Nguồn: www.nhandan.com.vn

Số lượt đọc: 12979 Trở lại Bản in Về đầu trang

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển