Từng có ý kiến băn khoăn rằng, mức thưởng và sự tôn vinh dành cho HS, SV đoạt giải trong các kỳ thi quy mô quốc tế thấp hơn nhiều so với những người đẹp, hoa hậu trong các cuộc thi sắc đẹp hay những vận động viên thể thao đoạt thành tích cao. Tuy so sánh là khập khiễng, nhưng không so sánh sẽ không thấy được sự bất hợp lý. Vì vậy, việc làm trên của Bộ GD&ĐT là hết sức cần thiết.

Thực tế thời gian qua, nhiều thí sinh tham dự Olympic quốc tế đoạt thành tích cao với những tấm huy chương vàng (HCV), huy chương bạc (HCB) hay những nhà vô địch của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”, sau khi đi du học thường ở lại nước ngoài và rất ít người trở về nước làm việc. Không ít tài năng Việt đã trở thành kỹ sư, giảng viên của các công ty, trường đại học danh tiếng trên thế giới, như: TS Nguyễn Thị Thiều Hoa, nữ thí sinh đầu tiên của Việt Nam đoạt HCB tại Cuộc thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 1976, hiện là giáo sư đại học tại Mỹ; GS Vũ Kim Tuấn, HCB IMO năm 1978, hiện đang là giáo sư ở khoa Toán, Đại học West Georgia, Mỹ; quán quân cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" mùa đầu tiên Trần Ngọc Minh hiện làm việc cho một công ty nhà mạng di động hàng đầu tại Australia…

Ảnh minh họa: TTXVN.

Có nhiều lý do khiến câu chuyện về “chảy máu chất xám” chưa có hồi kết. Một trong số những lý do dễ thấy là chính sách đãi ngộ cho người tài của nước ta so với các nước trên thế giới vẫn còn khoảng cách khá xa. Trong khi, chúng ta chưa có chính sách cụ thể để thu hút, giữ chân nhân tài thì nhiều trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài sẵn sàng cấp học bổng, mời gọi học sinh giỏi của Việt Nam đến làm việc.

Nhiều chuyên gia giáo dục, đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện giải thưởng và tiền thưởng cho học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế rất thấp, chưa trở thành động lực để thu hút, lôi cuốn người tài. Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận, sau 16 năm thực hiện Quyết định số 158/2002-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ khen thưởng đối với HS, SV đoạt giải trong các kỳ thi HS, SV giỏi, Olympic quốc gia, quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia và kỹ năng nghề quốc tế, việc khen thưởng không còn phù hợp với mức thưởng và hình thức khen thưởng.

Có thể thấy, năm 2017 và đầu năm 2018 là khoảng thời gian bội thu thành tích của HS, SV Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. Tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng kết quả đó khẳng định những nỗ lực và hướng đi đúng của ngành GD&ĐT trong đổi mới công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi thời gian qua.

Dự thảo nghị định quy định chế độ khen thưởng đối với HS, SV đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế của Bộ GD&ĐT có đề xuất mức tiền thưởng HS, SV đoạt giải thế giới gấp 50 lần mức lương cơ sở đối với HCV; 33 lần mức lương cơ sở đối với HCB… Cùng với việc tăng mức tiền thưởng, dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh theo hướng đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất đối với HS, SV đoạt HCV thế giới hoặc khu vực. Đây là tin vui, phần thưởng xứng đáng với những HS, SV xuất sắc. Tuy nhiên, để HS, SV xuất sắc phát huy hết tài năng thì không phần thưởng, sự tôn vinh nào có thể so sánh được bằng sự quan tâm, nuôi dưỡng để các nhân tài có điều kiện học tập và làm việc tương xứng với khả năng, kiến thức của mỗi người; tạo ra những điều kiện, cơ hội để từng người phát huy tài năng, cống hiến cho đất nước, cho dân tộc...

UYÊN NHI

Nguồn: www.qdnd.vn