Xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 32 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của cơ sở giáo dục đại học sẽ dựa trên 3 tiêu chí, thay bằng 2 tiêu chí như trước đây. Cụ thể: Số sinh viên tính trên một giảng viên quy đổi theo khối ngành; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục đại học tính trên một sinh viên chính quy và quy mô sinh viên chính quy tối đa của các cơ sở giáo dục đại học.
 

 



Hàng năm, các cơ sở giáo dục đại học xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải đáp ứng đồng thời cả 3 tiêu chí này. Các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo cao đẳng, trung cấp, trừ các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành II và các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp khối ngành I. Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020.

Cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017. Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định không quá 15% chỉ tiêu chính quy đối với khối ngành VI; không quá 20% chỉ tiêu chính quy đối với các khối ngành khác. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học; liên thông đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học; văn bằng hai đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học được xác định không quá 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh sinh viên chính quy đã xác định của cơ sở giáo dục đại học.

Năm 2020 không còn hệ cao đẳng

 

Thông tư 32 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.2.2016. Trong quá trình thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thanh kiểm tra hằng năm đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc xác định, thực hiện các chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tuyển sinh vượt so với chỉ tiêu của Bộ đã thông báo thì số lượng chỉ tiêu tuyển vượt sẽ bị khấu trừ vào chỉ tiêu tuyển sinh năm sau của trường đó, và nhà trường sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc “siết” tuyển sinh và đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp trong các trường đại học được kỳ vọng góp phần giảm tình trạng nhiều trường đào tạo hai trình độ này nhưng chất lượng lại yếu kém khiến hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Để thông tư triển khai hiệu quả, song song với hoạt động thanh - kiểm tra các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng hướng tới giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học theo hướng dựa vào năng lực đào tạo, cơ sở vật chất thực tế của từng trường. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện phân tầng, xếp hạng các trường đại học theo chiều hướng: Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, ứng dụng và thực hành.

“Nhân tố chính quyết định quy mô của các trường đại học là năng lực đào tạo của chính mỗi trường và nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, cần lưu ý về năng lực đào tạo. Năng lực ở đây cần hiểu không chỉ về số lượng, mà quan trọng hơn là về chất lượng, trong đó có chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, chất lượng các nhân viên quản trị của trường” - PGS-TS Nguyễn Văn Áng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GDĐT), nhấn mạnh.

Lan Chi

 

Theo Báo Lao Động