Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 24/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

SÁP NHẬP CÁC SỞ, NGÀNH: KHÓ MẤY CŨNG PHẢI LÀM

Theo các phương án mà Bộ Nội vụ đưa ra, có thể giảm tối thiểu từ 46 đến 88 Sở trên cả nước, chưa bao gồm các sở không đủ tiêu chí thành lập, cần sắp xếp lại. Mới đây, Lào Cai nhận được sự đồng tình của dư luận khi tiên phong hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng.

Lợi ích lớn nhất của sáp nhập là khắc phục được sự chồng chéo, chồng lần giữa chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành với nhau. Ảnh: PV

Lợi ích lớn nhất của sáp nhập là khắc phục được sự chồng chéo, chồng lần giữa chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành với nhau. Ảnh: PV

Nước ta có quá nhiều bộ ngành

Giữa năm 2017, Bộ Nội vụ trình dự thảo nghị định về sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Dự thảo này lập tức “gây bão” khi ngay cả các Bộ ở Trung ương cũng bày tỏ… quan ngại. Đến tháng 4/2018, Bộ Nội vụ tiếp tục lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng hợp nhất để giảm hàng chục sở trên cả nước.

Theo dự thảo mới, trong số hơn 20 sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc thì chỉ có 4 sở được Bộ này đề xuất tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, nhằm bảo đảm giữ ổn định và phát huy hiệu quả của mô hình tổ chức sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hoặc sở tham mưu quản lý chuyên ngành, chuyên sâu có tính ổn định cao gồm các sở: Tư pháp; Tài nguyên - Môi trường; Lao động- Thương binh và Xã hội...

Đối với các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông, Bộ này đề xuất trao thẩm quyền cho UBND tỉnh, TP trình HĐND tỉnh, TP quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất lại với nhau. Riêng với các Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND, Dự thảo cũng đề xuất tổ chức thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức tỉnh, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND cấp tỉnh.

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ còn đề xuất áp cả quy định “cứng” về số lượng sở, ngành, cơ quan tham mưu giúp việc theo hướng: Hà Nội, TP HCM không được quá 20 sở, ngành. Các tỉnh còn lại từ 17- 19 sở, ngành. Theo Bộ Nội vụ, nếu theo phương án trên thì sẽ giảm tối thiểu được 46 sở. Phương án thứ hai được Bộ Nội vụ đề xuất là Hà Nội, TP HCM không quá 20 sở, ngành, các tỉnh, thành còn lại không quá 17- 18 sở, ngành. Nếu thực hiện theo phương án này sẽ giảm tối thiểu được 88 sở, ngành trên phạm vi cả nước.

Đồng tình với phương án trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh: Nếu đủ điều kiện cũng nên nhập các bộ lại để bớt cồng kềnh mà hiệu quả. “Nếu nhìn vào các bộ ở nước ngoài thì dù nước họ rất lớn mà ít bộ hơn nước ta nhiều. Chẳng hạn như Pháp có 8 bộ, Nga, Mỹ, Hàn Quốc 15 bộ, Trung Quốc rộng lớn thế chỉ có 21 bộ, Việt Nam 22 bộ cộng 8 cơ quan thuộc Chính phủ là 30, thế là quá nhiều. Mình phải gom gọn lại. Từ trước tới giờ người ta thích tách hơn nhập, vì tách thì thêm bộ máy, thêm biên chế, quy mô hoành tráng, nhập vào thì khó bởi liên quan đến con người, chế độ chính sách, tâm tư nguyện vọng, quy mô bé đi… Nhưng đây là cuộc cách mạng như công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Nếu là nhiệm vụ bắt buộc mà nền hành chính cũng bắt buộc phải tinh gọn thì khó mấy cũng phải làm”, ông Dĩnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dĩnh, về tinh giản biên chế, theo Nghị quyết 39 sẽ giảm cán bộ công chức từ nay đến 2021 là 10%, như vậy mỗi năm phải giảm 2%. Sáp nhập bước đầu đương nhiên phải nhập cơ giới, nhưng chỉ tiếp tục nhiệm vụ giảm 2% mỗi năm cũng không dễ. Trước mắt, sáp nhập sẽ giúp gọn nhẹ. Và lợi ích nhất của sáp nhập là khắc phục được sự chồng chéo, chồng lấn giữa chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành với nhau. Cùng một con đường mà có tới mấy ngành quản thì có khi có việc chẳng ai làm cả.

Lào Cai tiên phong hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng

HĐND tỉnh Lào Cai vừa thông qua Nghị quyết hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng tỉnh Lào Cai. UBND tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành quyết định quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GTVT - Xây dựng.

Sau khi được hợp nhất, Sở này thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải, an toàn giao thông, phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông…;quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng…

Sở GTVT - Xây dựng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND tỉnh Lào Cai. Đồng thời, sở này cũng chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ GTVT và Bộ Xây dựng.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy, Sở GTVT - Xây dựng có Giám đốc và không quá 3 phó Giám đốc. Trong đó, Giám đốc sở là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước UBND, Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của sở; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Bộ GTVT, Bộ Xây dựng theo quy định. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Giám đốc và phó Giám đốc sở do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo quy định.

Ngày 16/7, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Vương Trinh Quốc – Chánh văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Quyết định sáp nhập sở có hiệu lực từ ngày 15/7. Đến thời điểm hiện tại chỉ còn công bố ra mắt Sở GTVT-Xây dựng là hoàn tất.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Lào Cai là tỉnh đi đầu trong việc hợp nhất, sáp nhập một số sở có nhiệm vụ, chức năng tương đồng. “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Lào Cai hợp nhất Sở GTVT với Sở Xây dựng”, ông Tuấn nói và thông tin thêm, hiện một số tỉnh cũng đang tính toán sáp nhập một số sở có chức năng nhiệm vụ tương đồng như Sở KHCN với Sở GD-ĐT.

Không có lý do gì để trì hoãn

Bàn về vấn đề trên, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho biết: “Mới đầu việc sáp nhập có khó khăn về tổ chức, bộ máy và con người nhưng dần dần sẽ đi vào nền nếp và hoạt động có hiệu quả. Hà Nội và Hà Tây chúng ta còn hợp nhất được không có lý do gì mà các sở ngành phải trì hoãn. Nếu sắp xếp nhỏ, gọn lại thì số lượng tỉnh, thành phố, sở ngành giảm dẫn đến tổ chức bộ máy biên chế giảm, đầu mối giảm, việc kiểm tra, giám sát thuận lợi. Đầu tư hạ tầng cũng sẽ tốt hơn thay vì “rải mành mành” như hiện nay”.

Cao Tuân

Nguồn: giadinh.net.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển