Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 19/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

QUAN ĐIỂM VÀ NGHỆ THUẬT TRỌNG DỤNG NHÂN TÀI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG VÀ KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại trong bài viết này chúng tôi xin trình bày quan điểm và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng đầu xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc.
1. Quan điểm và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc
 
Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ công hòa ra đời nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hàng đầu là phải xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng. Trong xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng cùng với việc đập tan bộ máy và loại bỏ đội ngũ quan lại của chính quyền cũ phải thiết lập ngay bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền cách mạng, chính quyền của nhân dân. Đồng thời, phải bắt tay vào xây dựng và kiến thiết Nhà nước dân chủ nhân dân. Để xây dựng và kiến thiết đất nước vừa thoát ra khỏi ách thống trị của thực dân Pháp cần phải có nhân tài. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc ngày 04/10/1945 với bút danh Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng trên báo Cứu quốc số 58 bài “Thiếu óc tổ chức một khuyết điểm lớn trong các Ủy ban nhân dân”. Trong bài viết này song song với việc phê bình nghiêm khắc các khuyết điển lớn của Ủy ban nhân dân các cấp đó là “bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức, làm việc không có nguyên tắc, nề nếp, phân công trách nhiệm không rõ ràng, bố trí cán bộ sai, cán bộ năng lực yếu”, Người đã chỉ ra biện pháp khắc phục là cần phải “có óc tổ chức” cần phải sử dụng, trọng dụng nhân tài.
 
Người nhấn mạnh: “Việc dụng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe, miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì ta đặt ngay vào việc ấy”1. Đây chính là quan điểm, tư tưởng sử dụng, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự kế thừa phương sách “Dụng nhân như dụng mộc” của cha ông ta trong lịch sử.
 
Ngày 14/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “nhân tài và kiến quốc” đăng trên bảo Cứu quốc. Người chỉ rõ “nay muốn giữ vững nền độc lập chúng ta phải đem hết lòng hăng hái vào kiến quốc. Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”2. Người kêu gọi: “chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến…vv lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì thực hành ngay”1. Quan điểm, tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa được nhấn mạnh trong bài viết “tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu quốc ngày 20/11/1946. Trong bài viết này Người khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức.
 
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. khuyết điểm đó Tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho chính phủ biết”2.
 
Bài viết này khẳng định quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò to lớn của nhân tài và việc trọng dụng những người có tài có đức cho sự nghiệp kiến thiết đất nước là rất quan trọng. Người quan niệm nước nhà không thiếu người có tài đức, Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp là Chính phủ có lỗi. Ở cương vị người đứng đầu Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mạnh dạn nhận khuyết điểm đó là của mình và đề nghị các địa phương tiến hành điều tra tìm người có tài đức có thể làm được nhũng việc ích nước lợi nhà báo cho Chính phủ biết để sử dụng. Bài viết “nhân tài và kiến quốc” cũng như bài “tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh như các “chiếu cầu hiền” của các bậc minh Vương các Triều đại phong kiến tiến bộ của nước ta trong lịch sử. Nhờ có quan điểm và tư tưởng trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã thu hút được rất nhiều người có tài, đức vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ đất nước ngay từ những ngày đầu vô cùng khó khăn của chính quyền cách mạng.
 
Đặc biệt tháng 10 năm 1947 khi chiến dịch Thu Đông năm 1947 đang diễn ra ác liệt, khi trong bộ máy chính quyền cách mạng, trong Uỷ ban Kháng chiến hành chính các cấp nhiều cán bộ mắc khuyết điểm trầm trọng về lề lối làm việc và thiếu trách nhiệm với dân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, công chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn sách “ sửa đổi làm việc”3 ký tên tác giả XYZ.
Trong cuốn sách này Người phê bình nghiêm khắc các khuyết điểm của cán bộ chính quyền các cấp, chỉ ra các nguyên tắc và biện pháp khắc phục. Đồng thời chỉ ra vai trò to lớn của cán bộ, của việc tuyển chọn, đánh giá và trọng dụng nhân tài. Là lãnh tụ cách mạng, là người khai sinh ra chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thấm nhuần tư tưởng, một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì cán bộ là khâu quyết định.
 
Người viết “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi việc” chính là quan điểm về con người với tính chất vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, là động lực của cách mạng. Đó là biểu hiện cụ thể của quan điểm “lấy dân làm gốc” để dành độc lập, tự do cho dân tộc mà cả cuộc đời người phấn đâu hy sinh.
 
Từ nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của cán bộ nói chung của những cán bộ có tài đức nói riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng Đảng cần phải đào tạo bồi dưỡng cán bộ, phải biết đánh giá, lựa chọn sử dụng, trọng dụng đúng cán bộ “phải trọng nhân tài, phải trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Trọng dụng, sử dụng đúng nhân tài là vấn đề cực kỳ quan trọng trong phương sách dùng người. Trong “sửa đổi lối làm việc” Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ cũng không được việc” “nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người chỉ nói mà không làm vào địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại”.
 
Người phê phán “thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người” “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng”. Người chỉ ra tác dụng to lớn của việc bố trí, sử dụng, trọng dụng đúng nhân tài “phải biết dụng nhân như dụng mộc” “phải biết tuỳ tài mà dùng người sẽ thành công” “lãnh đạo khéo thì tài nhỏ có thể hoá thành tài to.
 
Lãnh đạo không khéo thì tài to cũng hoá ra tài nhỏ”. Đó chính là nghệ thuật dùng người, nghệ thuật sử dụng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến cứu quốc. “Nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ “khéo dùng cán bộ” “khéo dùng lãnh đạo” để “tài nhỏ hoá ra tài to”. Khéo ở đây không có nghĩa là “vỗ về nuông chiều cán bộ” ưa dùng những người nhát gan dễ bảo “đập đi hò đứng”, những bà con, anh em, bạn bè quen biết, những người tính tình hợp với mình, những kẻ “khéo nịnh hót mình”. Khéo ở đây chính là nghệ thuật dùng người biết cất nhắc sử dụng “đúng người đúng việc” dùng người “đúng việc đúng chỗ” “biết tùy tài mà dùng người”.
 
Khéo ở đây chính là ở chỗ khiến cho cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc”. Nghệ thuật dùng người, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở tinh thần “độ lượng vĩ đại”, chí công vô tư khi đánh giá, sử dụng, trọng dụng cán bộ, trọng dụng nhân tài và đặc biệt ở tài năng thuyết phục cảm hoá, thu phục những người lầm lỗi, có khuyết điểm về với mình, về với chính quyền cách mạng để giúp họ tiến bộ, biết sử dụng những người trái chính kiến với mình đề thêm bạn bớt thù cho dân, cho nước.
 
2. Tài năng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc.
Quan điểm, nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được minh chứng bằng những việc làm cụ thể sau khi nước nhà dành được độc lập Người đã trân trọng mời những trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, những người có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực, có kỹ năng trong quản lý điều hành bộ máy công quyền tham gia vào các cơ quan của Chính phủ, của các Bộ, ngành, của Uỷ ban hành chính, Uỷ ban hành chính kháng chiến các cấp, động viên họ mang hết tài năng, tâm huyết và kinh nghiệm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc.
 
Trong số đó có nhiều vị là đại quan của Nam Triều như Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Vi Văn Định, Phạm Khắc Hoè; có người là nhân sĩ nổi tiếng, những bậc đại khoa như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố; có nhiều người trí thức tây học nổi tiếng như Phan Anh, Vũ Đinh Hoè, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Hà, những tư sản dân tộc yêu nước như Ngô Tử Hạ, Trịnh Văn Bính …vv. Vì đại nghĩa dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân tin tưởng trọng dụng, họ đã vượt qua được các mặc cảm phức tạp, nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc. Việc lựa chọn bố trí sử dụng nhân sự chủ chốt của Bộ Nội vụ, một trong các Bộ quan trọng của Chính phủ lâm thời, Chính phủ liên hiệp kháng chiến là một ví dụ cụ thể về quan điểm, tài năng, nghệ thuật sử dụng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên là đồng chí Võ Nguyên Giáp giáo sư sử học, là người học trò xuất sắc tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người duy nhất trong Chính phủ lâm thời được người ủy quyền ký một loạt sắc lệnh quan trọng như Sắc lệnh số 3 tuyên bố lệnh thiết quân luật tại Hà Nội; Sắc lệnh số 5 về việc ấn định quốc kỳ Việt Nam; Sắc lệnh số 11 bỏ thuế thân và định việc thay đổi chế độ thuế khoá hiện hành; Sắc lệnh số 14 về việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử đề bầu quốc dân đại hội (bầu Quốc hội). Khi Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập và ra mắt Quốc hội ngày 02/3/1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng “một người đạo đức và danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết” được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay đồng chí Võ Nguyên Giáp nhận nhiệm vụ khác. Sau khi Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ trần tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 30/4/1947 theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh Hội đồng Chính phủ đã nhất trí cử cụ Tôn Đức Thắng giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay cụ Huỳnh Thúc Kháng.
 
Đến ngày 09/11/1947 tại phiên họp Hội đồng Chính phủ theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh Hội đồng đã nhất trí cử ông Phan Kế Toại giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thay cụ Tôn Đức Thắng đi nhận công tác khác. Trong cơ cấu bộ máy lãnh đạo của Bộ Nội vụ đầu tiên gồm có: Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng, Hoàng Minh Giám- đổng lý văn phòng; Hoàng Hữu Nam Chánh Văn phòng; Phạm Huy Thụ Giám đốc nha công an; Tôn Quang Phiệt phụ trách nha thanh tra.
 
Sau này ông Hoàng Minh Giám được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Phạm Khắc Hoè được cử giữ chức đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ thay ông Hoàng Minh Giám. Bộ Nội vụ là một trong các Bộ quan trọng của Chính phủ lâm thời và Chính phủ liên hiệp kháng chiến đứng đầu là đồng chí Võ Nguyên Giáp, sau này là cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Tôn Đức Thắng và ông Phan Kế Toại dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, lại vừa đảm nhiệm một phần chức năng của Chủ tịch phủ, theo dõi và điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và là đầu mối phối thuộc hoạt động của các Bộ khác.
 
Bộ Nội vụ với cơ cấu nhân sự lãnh đạo gồm những người có tài, đức đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các Sắc lệnh quan trọng, về tổng tuyển cử, về xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng, xây dựng nền hành chính, chế độ công vụ và đội ngũ công chức của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cụ thể như Bộ Nội vụ đã tham mưu đề xuất nhân sự và trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 ngày 20/9/1945 về việc lập ra Uỷ ban dự thảo và để trình Quốc hội một bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt nam dân chủ cộng hoà gồm 7 người: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thuỵ, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến; Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp gồm những con người tài ba nói trên đã dự thảo và trình Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà, còn giữ nguyên giá trị khoa học đến ngày nay.
 
Sau khi cách mạng thành công vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra cho Chính phủ là phải khẩn trương ban hành văn bản về tổ chức bộ máy của chính quyền nhân dân. Cần phải có một ban nghiên cứu về tổ chức chính quyền địa phương. Theo đề xuất của Bộ Nội vụ và được sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối tháng 10/1945 Ban nghiên cứu Tổ chức chính quyền địa phương đã được thành lập gồm đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Trưởng ban. Uỷ viên gồm các ông: Cù Huy Cận Bộ trưởng Bộ Canh Nông; Lê Văn Hiến Bộ trưởng Bộ Lao động; Vũ Đình Hoè Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục; Vũ Trọng Khánh Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Hoàng Minh Giám đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ; Hoàng Hữu Nam Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; Chu Quang Côn chuyên viên Bộ Nội vụ; Lê Hữu Tám chuyên viên Bộ Nội vụ, Nguyễn Xiển Chủ tịch UBND Bắc bộ; Nguyễn Văn Trân Phó Chủ tịch UBND Bắc bộ; Nguyễn Duy Thân uỷ viên chính trị UBND Bắc bộ; Nguyễn Văn Huyên Giám đốc nha đại học Vụ Bộ quốc gia giáo dục; Phạm Khắc Hoè nguyên đổng lý văn phòng cựu Hoàng đế Bảo Đại. Sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương nhờ có tài năng và kinh nghiện của các uỷ viên, Uỷ ban nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương đã giúp Bộ Nội vụ trình để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 63 về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp (xã, huyện, tỉnh, kỳ). Đây là văn bản pháp lý đầu tiên về tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta. Nhiều quy định của sắc lệnh này còn có giá trị hiện hành đến ngày nay.
 
Có thể nói nhờ biết sử dụng trọng dụng những người có tài năng, đức độ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời, Chính phủ liên hiệp kháng chiến trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thù trong, giặc ngoài, lại thiếu kinh nghiệm quản lý điều hành đất nước trong một thời gian ngắn đã xây dựng và ban hành được hệ thống thể chế, kiến tạo được bộ máy, quy tụ và tập hợp được đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Đó là kết quả cụ thể minh chứng cho tài năng và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực tiễn xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc.
 
Trong lịch sử chính phủ, lịch sử nền công vụ nước nhà sự kiện nhân sĩ Huỳnh Thúc Kháng được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời giữ chức Bộ truởng Bộ Nội vụ từ tháng 3/1946 là một minh chứng điển hình về quan điểm, tài năng, nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo thoả thuận ngày 23/12/1945 giữa Việt minh và các Đảng đối lập cùng tham gia xây dựng Chính phủ kháng chiến thì người đứng đầu 2 Bộ quan trọng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng phải là nhân sĩ trung lập. Với nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, khôn khéo và nhạy cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mời Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Trung bộ ra Hà nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay đồng chí Võ Nguyên Giáp. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một chí sĩ yêu nước thuộc hàng tiền bối, là bậc đại khoa có danh vọng và uy tín lớn lao. “Việc cụ huỳnh thúc kháng tham gia chính phủ và giữ chức bộ trưởng bộ nội vụ vừa giúp cho Chính phủ có thêm một nhân sĩ tài năng, đức độ do đó củng cố thêm sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, và uy tín của Chính phủ được tăng thêm”1.
 
Trên cương vị Bộ truởng Bộ Nội vụ Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã không quản tuổi cao công hiến hết sức mình cho dân, cho nước, tích cực tham gia vào các hoạt động quan trọng của chính phủ. Trên cương vị người đứng đầu Bộ Nội vụ một bộ quan trọng của Chính phủ liên hiệp kháng chiến Cụ Huỳnh Thúc Kháng chỉ đạo đổi mới tổ chức và phương thức làm việc của Bộ Nội vụ, ban hành nhiều nghị định, thông tư, hướng dẫn để hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền cách mạng. Từ 31/5 đến 21/10/1946 Cụ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy trao trọng trách ký các công văn thường ngày và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ1. Trên cương vị này Cụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lòng trông đợi của nhân dân, thể hiện lập trường kiên định, thái độ kiên quyết của Cụ trong việc đấu tranh với âm mưu chống phá sự nghiệp kiến quốc của các đảng phái phản động.
 
Việc sử dụng ông Phạm Khắc Hoè đưa vào cơ cấu cán bộ chủ chốt của Bộ Nội vụ cũng là một ví dụ điển hình minh chứng cho tài năng thu phục những công chức có trình độ năng lực, có hạnh kiểm tốt của chính quyền cũ vào làm việc cho chính quyền cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Phạm Khắc Hòe là một nhân sĩ tiến bộ, từng giữ chức đổng lý văn phòng của vua Bảo Đại, sau khi được mời làm việc trong tinh thần đoàn kết chân thật, giản dị với các chiến sỹ cách mạng tại cơ quan Bộ Nội vụ, đã kiên định, tận tâm, tận lực công tác hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ và Bộ Nội vụ giao phó. Chính nhân sĩ tiến bộ Phạm Khắc Hòe sau này trong hồi ký của mình đã viết : sau 20 năm chìm đắm trong vũng bùn hôi tanh của của chính quyền thực dân phong kiến, tôi vô cùng phấn khởi được góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng cơ cấu chính quyền ruột thịt của nhân dân và phân biệt được sự khác nhau giữa nền dân chủ tư sản mà tôi hằng “mơ ước” với nền dân chủ nhân dân con đẻ của cách mạng tháng 8”.
 
Nhờ có quan điểm trọng dụng hiền tài đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút và lựa chọn được những người có cảm tình và nhiệt tình với chính quyền cách mạng, những người có đức tài, có trình độ năng lực chuyên môn và kỹ năng hành chính, kỹ năng quản trị và điều hành nền hành chính công quyền vào sự nghiệp xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Có thể nêu ra nhiều thí dụ cụ thể nữa về tài năng và đức độ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sử dụng và trọng dụng nhân tài. Song, trong giới hạn cho phép của một bài viết và nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người, chúng tôi lựa chọn nêu những thí dụ điển hình, hy vọng cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về quan điểm và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những tháng, năm đầu xây dựng chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc.
 
Có thể khẳng định quan điểm và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh truyền thống dùng người của cha ông ta trong lịch sử, là đỉnh cao của “nghệ thuật” hay “phương sách” dùng người, bí quyết thành công của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa hội nhập khu vực và thế giới, làm cho dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng và xã hội văn minh chúng ta cần phải có, phải biết trọng dụng nhân tài hơn bao giờ hết.
 
Cần phải có chiến lược phát triển nhân tài của đất nước. Chìa khóa, kim chỉ nan để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và trọng dụng nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước là quan điểm và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập và vận dụng sáng tạo quan điểm và nghệ thuật trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất định chúng ta sẽ phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng được nhiều nhân tài cho sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 
 
TS. Văn Tất Thu- Thứ trưởng Bộ Nội vụ
 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển