Bốn năm liền tham gia Trại sáng tác Văn học dành cho thiếu nhi do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng phối hợp với Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức, Ca Dao đều có giải, trong đó 2 năm đạt giải Nhất. Cô bạn có 2 tác phẩm được in trong tập “Giao hưởng và đốm lửa” của Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng năm 2010. Là một trong 2 đại diện của Đà Nẵng tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII… Cô học trò viết văn thế hệ 9X có cái tên đầy chất văn chương Phạm Nguyễn Ca Dao bắt đầu được dư luận chú ý bởi những tác phẩm của mình.
Viết để chia sẻ
Bố là giáo viên dạy văn nên từ nhỏ Ca Dao đã được bố hướng theo nghiệp văn chương. Ca Dao sớm được tiếp xúc và đọc rất nhiều sách văn, truyện ngắn, tiểu thuyết. Từ đọc nhiều trở thành niềm đam mê và có nhu cầu muốn viết.
Lúc đầu chỉ là những bài tập viết văn trong nhà trường rồi dần dần em phát triển thành những truyện ngắn.
Cô học trò học giỏi, đam mê viết truyện Phạm Nguyễn Ca Dao.
“Khi thấy các hiện tượng trong cuộc sống em muốn chia sẻ với mọi người nhưng nếu chỉ nói thôi thì không diễn tả được hết vì thế em đã chọn cách viết”, Ca Dao cho biết.
Tài năng thực sự của Ca Dao được bộc lộ khi em tham gia Trại sáng tác Văn học dành cho thiếu nhi do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP Đà Nẵng phối hợp với Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng tổ chức.
Ca Dao tham gia trong 4 năm liền (từ năm 2007 đến 2010) và đều có giải. Lớp 7, Ca Dao đạt giải Ba với tác phẩm truyện “ Những cơn Mưa”; lớp 8 đạt giải Nhất với tác phẩm “Tiếng Rừng” và “Ván chọi gà định mệnh”; lớp 9 đoạt giải Nhất với tác phẩm “ Lỗ hổng”. Trong đó, hai tác phẩm đạt giải Nhất của Ca Dao được in trong tập “Giao hưởng và đốm lửa” của Hội Nhà Văn TP Đà Nẵng năm 2010.
Ngoài ra, nhiều tác phẩm của Ca Dao đã được đăng báo, tạp chí. Và cô học trò 9X này là một trong hai đại diện của Đà Nẵng tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII.
Chủ tịch Hội Nhà Văn Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Nho Khiêm cũng đã từng nhận xét: “Trong gần 5 năm tổ chức trại sáng tác gần đây, Phạm Nguyễn Ca Dao là một trường hợp hiếm gặp. Em đã khẳng định bút lực của mình từ rất sớm với những trang văn đầy ấn tượng”.
Bên cạnh những thành công trong sáng tác văn chương, Phạm Nguyễn Ca Dao còn có thành tích học tập đáng nể: Là HS giỏi toàn diện suốt 12 năm học, riêng đối với môn Văn tổng kết luôn ở mức xấp xỉ 9 phẩy. Ca Dao đạt giải thưởng “Niềm hy vọng” dành cho các tài năng trẻ năm lớp 9, giải Nhì HS giỏi Văn TP Đà Nẵng năm lớp 10, giải Nhất HS giỏi Văn TP Đà Nẵng năm lớp 11, giải nhì HS giỏi quốc gia môn Văn năm lớp 12.
Bật mí về những tác phẩm của mình, Ca Dao cho biết, em thường sáng tác vào những lúc đêm khuya, yên tĩnh, khi đó cũng là thời điểm em đã hoàn thành mọi bài vở trên lớp.
Tất cả những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống cảm nhận được em đều ghi chép lại rồi qua thời gian viết lên thành chuyện để cùng chia sẻ với mọi người.
“ Văn chương đến với em chỉ đơn giản như sự trải lòng trong những phút thảnh thơi, viết để tập cho mình thói quen quan sát, nhìn nhận, suy ngẫm từ những điều nhỏ nhất của cuộc sống quang mình”, Ca Dao chia sẻ.
Muốn được là chính mình
Ca Dao cho biết em rất sợ sự so sánh, không bao giờ so sánh mình với một ai khác, không gò mình vào một thần tượng nào đó ép mình phải theo. Em muốn ngôn ngữ và cách thể hiện trong tác phẩm của mình phải của riêng em, dù có được mọi người chấp nhận hay không em vẫn muốn được là chính mình.
Và cô học trò đã khẳng định được sở trường của mình ở thể loại truyện ngắn thiên về những cuộc sống đời thường, những cảm nhận của một cô bé với thế giới mà hàng ngày em vẫn đang sống, trải nghiệm.
Ngoài giờ học trên lớp, Ca Dao thường đi thư viện - Café sách để đọc sách.
“Truyện ngắn của Phạm Nguyễn Ca Dao là những phát hiện có tính đột phá của một người biết quan sát, biết vận dụng vốn ngôn ngữ đời thường để thể hiện trong tác phẩm”, nhận định của Hội Nhà Văn Thành phố Đà Nẵng về Ca Dao
Chia sẻ kinh nghiệm để học môn Văn sao cho tốt và đạt điểm cao trong kì thi tốt nghiệp sắp tới, Ca Dao cho biết: Để có kết quả thi môn Văn tốt, các bạn đừng coi đây là môn học thuộc, rập khuôn một cách máy móc mà đơn giản chỉ là sự cảm nhận của chính các bạn đưa vào trong bài thi. Hãy cảm thụ tác phẩm mình cần phân tích một cách sâu sắc nhất thì dù đề có ra ở dạng nào các bạn đều giải quyết tốt nhất.
Ca Dao cho biết, trong kỳ thi đại học sắp tới, em sẽ xét tuyển vào ĐH KHXHNV TPHCM khoa Báo chí truyền hình.
theo dantri.com.vn