Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

NÔNG NGHIỆP TP HCM PHÁT TRIỂN THEO MÔ HÌNH NÀO?

- Bài 1: Tăng tốc

- Bài 2: Ưu tiên phát triển kinh tế tập thể

Bài 1: Tăng tốc

Bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM đang cần gấp lời giải: Chọn hướng đi nào trong rất nhiều mô hình để TPHCM phát triển? 

Nông nghiệp TPHCM từ giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đến nay có sự phát triển khá ấn tượng. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2006-2010 là 4,9%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 5,8%/năm. Năm 2017 tăng trưởng 6,3% (năm 2016 là 5,4%), bằng 2,2 lần so mức tăng cả nước; giá trị sản xuất tăng 6,3%, bằng 2 lần mức tăng cả nước.

Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Có thể nói, đó là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp TPHCM. Còn nhớ, đầu thập niên 1990, ngành nông nghiệp TPHCM lâm vào giai đoạn trì trệ, mất phương hướng khi cơn sốt đất đai lần đầu bùng phát, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
Nhưng sau đó, TP xác định phải chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị thay cho cây lúa, đặc biệt là khu vực Cần Giờ và Nhà Bè - khi cây lúa chỉ độc canh và độc vụ, mà năng suất lại thấp. Giai đoạn đầu, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất được thực hiện với 2 cây (rau và dứa), 2 con (bò sữa và tôm sú). Sau đó, do cây dứa Cayen không phù hợp với nông hộ nên cơ cấu sản xuất chuyển dần sang cá cảnh, cá sấu và cây hoa nhiệt đới (các loại lan Dendrobium, Mokara...).
Nông nghiệp TPHCM phát triển theo mô hình nào? - Bài 1: Tăng tốc ảnh 1Nuôi cá cảnh tại Công ty Saigon Aquarium (huyện Củ Chi) Ảnh: ANH SƠN
Nền nông nghiệp đô thị bắt đầu định hình, thay thế dần mô hình nông nghiệp truyền thống vốn quen cây lúa là chủ đạo. Từ đó, ngành nông nghiệp TP thoát khỏi tình trạng trì trệ, phục hồi sự phát triển rồi tăng tốc, vượt qua mức phát triển bình quân của ngành nông nghiệp cả nước. Đến năm 2017, nhờ vào việc tăng cường chuyển đổi sang các cây trồng vật nuôi có hiệu quả cao, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, nên giá trị sản xuất bình quân đạt 450 triệu đồng/ha/năm, tăng 9,8% so cùng kỳ 2016 (410 triệu đồng/ha/năm).
Giờ đây, vùng nông thôn ngoại thành đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, như lan cắt cành ở Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9; vùng bò sữa ở huyện Củ Chi; cá cảnh ở quận 12, Củ Chi, Bình Chánh; vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi; các mô hình cánh đồng mai 250ha tại xã Bình Lợi (Bình Chánh), cánh đồng lan 10ha tại xã An Nhơn Tây (Củ Chi), cánh đồng lan 7ha tại xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), vùng tôm nước lợ (tôm sú, thẻ chân trắng) tại Cần Giờ...
Cơ cấu nông nghiệp TP năm 2017: trồng trọt chiếm 24,3%, chăn nuôi 36,3%, dịch vụ nông nghiệp 7,4%, thủy sản 29,5%... 
Năm 2017, cơ cấu nông nghiệp TPHCM tiếp tục theo hướng nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhưng nội bộ từng lĩnh vực có sự chuyển dịch phù hợp, như chuyển từ đất lúa và mía năng sang cây trồng giá trị cao như rau, hoa cây kiểng, cỏ chăn nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người nông dân. Cơ cấu nông nghiệp TP năm 2017 như sau: trồng trọt chiếm 24,3%, chăn nuôi 36,3%, dịch vụ nông nghiệp 7,4%, thủy sản 29,5%... 
Với chủ trương huy động nguồn lực đầu tư trong dân thông qua các chính sách khuyến khích chuyển dịch sản xuất, nên 1 đồng vốn ngân sách TP hỗ trợ lãi vay đã huy động được 30 đồng vốn xã hội (từ ngân hàng 18 đồng, người dân 12 đồng). Nhờ vậy, sản xuất phát triển, thu nhập tăng lên, đời sống nông dân được cải thiện, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn bằng 78,7% so với khu vực thành thị (năm 2010 bằng 66,6%, và năm 2012 là 76,8%). 
Sự tham gia của các mô hình
Góp sức vào mức phát triển này, bên cạnh việc định hướng và chính sách hỗ trợ của TP, phải nhắc đến sự đóng góp tích cực từ nhiều mô hình: kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp (DN). Theo khảo sát của Sở NN-PTNT, kinh tế hộ có 2 vai trò đóng góp cho nền kinh tế. Đó là, khi được tự chủ về sản xuất, kinh doanh thì kinh tế hộ tạo ra việc làm và góp phần  sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất nông nghiệp khu vực nông thôn. Kế đến, khi kinh tế hộ phát triển sẽ góp phần vào việc ổn định nền kinh tế, cũng như đảm bảo về mặt an ninh trật tự và xã hội.
Trong khi đó, xuất hiện đầu những năm 1980, kinh tế trang trại ở TPHCM cung cấp nguồn nguyên liệu nông sản có chất lượng cho công nghiệp chế biến, dịch vụ; góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn tập trung, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tiến tới xây dựng những vùng nông thôn mới văn minh, hiện đại. Phát triển kinh tế trang trại giúp việc khai thác và sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập. Ngoài ra, kinh tế trang trại phát triển tạo sự liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh giữa trang trại với các DN, làm tăng giá trị nông sản hàng hóa, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặc dù kinh tế trang trại có sự đóng góp không lớn trong giá trị sản xuất nông nghiệp TPHCM, nhưng lại là mô hình hiệu quả rất cao về giá trị sản xuất bình quân trên 1ha (2,6 tỷ đồng/ha/năm).
Việc tổ chức liên kết sản xuất với DN, hợp tác xã cũng được các chủ trang trại triển khai tích cực và mang lại thu nhập ổn định cho các chủ trang trại. Điều hạn chế ở đây chính là do vốn đầu tư cao (gần 4,5 tỷ đồng/trang trại) và quy mô sản xuất bình quân hơn 1ha/trang trại nên rất khó nhân rộng mô hình này tại vùng nông thôn ngoại thành. 
Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung cho biết, bên cạnh việc phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cũng được chú trọng, gắn với phương thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học, theo hướng sản xuất nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ.
Mô hình DN cho thấy sự vượt trội so với các mô hình đơn vị sản xuất nông nghiệp cơ bản khác với năng lực tài chính mạnh (vốn bình quân lên đến 27,6 tỷ đồng/DN, tài sản cố định và đầu tư dài hạn bình quân đạt 13,5 tỷ đồng/DN); hoạt động có hiệu quả cao (doanh thu thuần đạt bình quân 6,1 tỷ đồng/DN/năm); năng lực quản trị tiên tiến, hiện đại, tổ chức được chuỗi cung ứng giá trị nông sản từ sản xuất đến tiêu thụ, phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, đa phần các DN nông nghiệp của TP nói riêng và cả nước nói chung lại là DN nhỏ và vừa, năng lực hoạt động còn thấp so với mặt bằng chung của cộng đồng DN ở TPHCM. Kinh tế tập thể, chủ yếu là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới, cũng góp phần vào việc phát triển sản xuất ngành nông nghiệp TP. Tuy còn khiêm tốn khi chỉ chiếm 5% doanh số nông nghiệp TP, nhưng HTX có vai trò làm đầu mối để tổ chức hộ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản giao cho DN; giúp hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản trong việc cung cấp sản phẩm an toàn.
Bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM đang cần gấp lời giải: Chọn hướng đi nào trong rất nhiều mô hình này để TPHCM phát triển? 

CÔNG PHIÊN

Bài 2: Ưu tiên phát triển kinh tế tập thể

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp TPHCM không thể thiếu sự tham gia của các mô hình sản xuất nông nghiệp cơ bản: kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN), cũng như sự liên kết sản xuất giữa DN với hộ nông dân, với HTX. Vấn đề đặt ra là lựa chọn mô hình nào để ưu tiên tập trung đầu tư trong thời gian tới, giúp nông nghiệp TP tiếp tục phát triển?

3 thất bại của kinh tế hộ
Với trên 25.400 hộ, hơn 72.000 lao động nông nghiệp, kinh tế hộ nông dân được xem là lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp TP, chiếm hơn 77% tổng giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phù hợp với nông nghiệp đô thị như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa…
Tuy nhiên, do đa phần các hộ nông dân quy mô sản xuất nhỏ, thiếu liên kết (chiếm 65% hộ nông nghiệp), xét về sức mạnh kinh tế là rất nhỏ, khả năng chịu rủi ro không cao.
Năng suất lao động sản xuất nông nghiệp năm 2015 chỉ đạt 88,1 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng (bình quân gần 230 triệu đồng/người/năm).
Chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, phụ thuộc nguồn vốn vay nên khó mở rộng sản xuất hay đầu tư khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm của hộ nông dân không có thương hiệu, dễ dàng bị ép giá trên thị trường. 
Nông nghiệp TPHCM phát triển theo mô hình nào? - Bài 2: Ưu tiên phát triển kinh tế tập thể  ảnh 1Sản xuất tại bánh tráng tại HTX Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi). Ảnh: PHIÊU NHIÊN
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (Đại học Kinh tế TPHCM), điệp khúc “được mùa, mất giá” và “được giá, mất mùa” thể hiện sự thất bại của hộ nông dân sản xuất nhỏ, rõ nét nhất trong 3 khâu.
Thứ nhất là khâu đầu vào. Nông dân không thể tiếp nhận phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá thấp, chất lượng. Việc mua vật tư nhỏ lẻ luôn phải chấp nhận giá cao, khó kiểm soát chất lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; khi thiếu vốn phải mua trả sau với giá cao, hoặc chấp nhận “bán lúa non”.
Thứ hai là khâu sản xuất. Nông dân khó tiếp cận và áp dụng công nghệ mới hay kỹ thuật mới (giống, phương thức canh tác...) do năng lực cá nhân (sự hiểu biết, vốn) hạn chế. Nếu tiếp cận thì cũng khó thực hiện vì quy mô nhỏ, không thể cơ giới hóa được với vài công đất.
Thứ ba, khâu tiêu thụ sản phẩm luôn bị ám ảnh vì phần lớn bán qua thương lái hoặc bán lẻ chợ truyền thống, vừa không ổn định vừa giá thấp. Việc xây dựng thương hiệu nông sản, bảo quản và chế biến sau thu hoạch vượt quá năng lực của hộ dân sản xuất nhỏ.
Nông dân nhỏ cũng thất bại trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, không thể xuất khẩu với quy mô nhỏ, chất lượng và tiêu chuẩn không đồng đều.  
Về lâu dài phải là kinh tế tập thể
Đến nay đã có vài hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục nhược điểm của nông hộ sản xuất nhỏ, như tích tụ ruộng đất thành mô hình sản xuất lớn như trang trại, hay DN nông nghiệp, hợp tác của nông dân với các DN theo hình thức hợp đồng liên kết, xây dựng tổ hợp tác...
Mỗi hình thức tổ chức đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, nhưng HTX là hình thức có thể giải quyết căn cơ những thất bại của nông hộ nhỏ lẻ. 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo mô hình đơn vị sản xuất cơ bản nông nghiệp TPHCM đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh: Theo khảo sát, 77% doanh số nông nghiệp TP là từ hộ cá thể, 15% từ mô hình nông dân liên kết với DN, 5% từ HTX và 3% từ trang trại.
Với nền kinh tế thị trường và hội nhập, hộ cá thể không phải là mô hình tối ưu. Việc nông hộ liên kết với DN để sản xuất, tiêu thụ nông sản được khuyến khích và trân trọng, nhưng không phải là cứu cánh.
Bài học từ các nước cho thấy, để tồn tại trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tập thể - nhất là HTX - mới là hướng phát triển chủ yếu. Nông dân vẫn làm chủ đất đai, nhưng thông qua HTX để giải quyết bài toán thị trường. Hộ cá thể không biết thị trường cần gì, như thế nào, chất lượng ra sao, trong khi thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có lượng hàng hóa nhất định, có xuất xứ, có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Những điều này, chỉ HTX mới có khả năng và điều kiện đáp ứng. Đối với việc tìm kiếm nguồn vốn nhằm mở rộng sản xuất, HTX cũng sẽ dễ dàng tiếp cận hơn hộ cá thể nhờ có kế hoạch sản xuất, đầu ra sản phẩm. Với các tiến bộ kỹ thuật mà cơ quan nhà nước hay DN chuyển giao, thông qua HTX sẽ thuận lợi rất nhiều.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho rằng, HTX là mô hình tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của nền kinh tế thị trường. Khảo sát của TP vừa qua cho thấy, lợi ích sau khi gia nhập HTX là doanh thu tăng 1,1 lần nhưng lợi nhuận tăng 1,35 lần. TPHCM hiện có 230 tổ hợp tác, cần tập trung nâng cấp 10% - 20% trong số này lên HTX.
TP đã có chính sách hỗ trợ cho HTX mới thành lập, nhưng cũng cần thận trọng, đảm bảo sự hoạt động lâu dài và hiệu quả của HTX. Muốn vậy cần tăng cường vận động để nông dân hiểu được lợi ích thiết thực và có mô hình chứng minh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, chợ đầu mối tiêu thụ khoảng 85% tổng sản lượng nông sản TP; khi các chợ đầu mối quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thì hộ cá thể buộc phải tổ chức lại sản xuất, phải vào HTX mới có thể đáp ứng các yêu cầu này.
Thế mạnh của HTX không chỉ là đầu mối tiêu thụ nông sản, mà còn là lưu kho, sơ chế, chế biến trước khi tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; cung cấp đầu vào về vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) với giá thấp hơn thị trường không dưới 10%, để nâng cao lợi nhuận cho từng thành viên HTX. 
Như vậy, nếu muốn duy trì sự phát triển ổn định, nông nghiệp TP phải chuyển đổi mô hình từ hộ cá thể sang HTX. Nhưng cần khẳng định, HTX không làm thay việc của các thành viên nông dân. HTX chỉ giải quyết những vướng mắc của hộ cá thể là tiêu thụ, thông tin thị trường, cung cấp vật tư đầu vào giá thấp; đồng thời khẳng định, sản xuất tập thể nhưng không sở hữu tập thể.

ĐĂNG LÃM

Nguồn: www.sggp.org.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển