Trong danh sách những anh hùng của châu Á trong suốt 6 thập kỷ qua mà Time đã tôn vinh, bên cạnh các anh hùng dân tộc, có 12 nghệ sĩ và nhà tư tưởng kiệt xuất. Danh sách này có mặt nữ diễn viên khả ái Củng Lợi của Trung Quốc và huyền thoại nhạc Rock Freddie Mercury.
1. Akira Kurosawa
Kể từ khi bộ phim Rashomon (Lã Sanh Môn) của Nhật Bản được trao giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Venice vào năm 1951, tên nhà làm phim Akira Kurosawa đã trở nên quen thuộc trong làng điện ảnh thế giới. Trong suốt gần nửa thế kỷ sau đó, phim của ông luôn thống trị tại các rạp chiếu của Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác. Ông cũng chính là người đi đầu trong việc giới thiệu đất nước Nhật Bản ra thế giới, với những ký ức về chiến tranh vẫn còn tươi mới.
Trong khi phim của các nhà làm phim Nhật Bản khác, như Yasujiro Ozu và Kenji Mizoguchi tập trung khai thác mảng đề tài cuộc sống thường nhật bình lặng thì phim của Kurosawa dữ dội hơn với tiết tấu nhanh và phân cảnh ngắn. Ngoài Rashomon, đạo diễn Akira Kurosawa còn nổi tiếng với các phim The Seven Samurai (Bảy Samurai), Yojimbo và The Hidden Fortress (Pháo đài bí ẩn). Ông đã 3 lần vinh dự bước lên bục nhận giải Oscar.
Giáo sư Amartya Sen là người Ấn Độ đầu tiên, cũng là người châu Á đầu tiên được trao giải Nobel kinh tế. Tuy nhiên, đó lại không là điều khiến ông thành một người đặc biệt. GS Sen đặc biệt vì ông là nhà kinh tế - tâm lý học đầu tiên có tác phẩm thực sự chạm tới cuộc sống của hàng triệu người nghèo nhất thế giới. Cuốn Cái nghèo và nạn đói của ông đã làm thay đổi cách hiểu và giải quyết nạn đói. Ý tưởng của ông đơn giản là người người bị chết trong nạn đói không phải vì họ không có thức ăn mà vì họ không có tiền để mua thức ăn. Do đó, vấn đề cốt lõi để giải quyết nạn đói là phải tạo thu nhập cho người nghèo.
3. Nusrat Fateh Ali Khan
Cái tên Nusrat Fateh Ali Khan gắn với thể loại world music. Âm nhạc của ông đã trở thành cầu nối văn hóa Đông-Tây. Khi ông mất vào năm 1997, người phương Tây đã ghi nhận kho báu âm nhạc mà nghệ sĩ người Pakistan này đã để lại cho thế giới.
Tin rằng cảm xúc vượt qua mọi ngôn từ, Ali Khan rất hiếm khi hát bằng tiếng Anh mà thường hát bằng ngôn ngữ mẹ đẻ là Punjabi và Urdu, hoặc Farsi. Ông có thể hát hàng tiếng đồng hồ không nghỉ, như thể ông lấy năng lượng từ chính khán giả của mình.
4. Maxine Hong Kingston
Maxine Hong Kingston là nhà văn người Mỹ gốc Hoa, có tác phẩm được đưa vào giáo trình giảng dạy tại Mỹ. Các tác phẩm của bà được xếp vào thể loại cổ điển. Bản thân bà được nhắc đến như một người có cái nhìn về một thế giới không biên giới.
Bà đã từng được trao Giải Thưởng Tác Phẩm Quốc Gia (National Book Award), là tác giả các tác phẩm: “The Woman Warrior: Memoirs of a Girlhood among Ghosts” (Nữ chiến binh: Hồi ký về tuổi thanh xuân giữa những bóng ma), “China Men” (Những người đàn ông Trung Hoa), “Hawaii’ One Summer” (Một Mùa Hè Hawaii), và “Tripmaster Monkey: His Fake Book” (Chuyện hư cấu về Tôn Hành Giả.)
5. Hayao Miyazaki
Hayao Miyazaki, sinh năm 1941 ở Tokyo, là một trong những đạo diễn phim hoạt hình xuất sắc nhất của Nhật Bản, nổi tiếng với những bộ phim có tình tiết vui nhộn, tính cách nhân vật hấp dẫn, hình vẽ ấn tượng, ngộ nghĩnh. Tài năng của ông không chỉ được ngưỡng mộ trong biên giới Nhật Bản mà còn được toàn thế giới công nhận. Xem phim của Miyazaki, người ta thấy phảng phất một chút của Walt Disney, một chút của Steven Spielberg và một chút Orson Welles.
6. Kenzo Tange
Ông là kiến trúc sư của những tác phẩm dẫn đường cho công cuộc tái thiết Nhật Bản từ tro tàn của Thế chiến thứ 2.
Năm 1949, Kenzo Tange giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế Công viên Hòa Bình và Trung tâm Hòa Bình ở Hiroshima, thành phố bị phá hủy trong cuộc tấn công nguyên tử đầu tiên của thế giới. Thiết kế bao gồm một bảo tàng được xây dựng ngay tại nơi quả bom được thả xuống vào ngày 6/8/1945.
Kenzo Tange ghi dấu ấn bằng các công trình kiến trúc ở hơn 20 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Trung Quốc, Singapore, Australia, Malaysia, Nê-pan, Ả rập Xê-út, Iran, Cô-oét, Nigieria, Italia...
Ông qua đời ngày 22/3/2005 sau một cơn đau tim, thọ 91 tuổi.
7. Farrokh Bulsara
Farrokh Bulsara sinh ngày 5/9/1946, trong một gia đình người Iran. Năm 1947, cả gia đình Bulsara chuyển đến Ấn Độ và trở thành công dân nước này.
Farrokh Bulsara được cả thế giới biết đến với cái tên Freddie Mercury – một huyền thoại nhạc Rock, ca sĩ chính của ban nhạc rock opera Queen (Anh). Freddie có tông giọng đạt đến âm chuẩn của chất giọng tenor trong nhạc kịch. Chính ca sĩ opera lừng danh Luciano Pavaroti đã có lần thể hiện sự thán phục chất giọng đặc biệt của Freddie.
Mặc dù qua đời năm 1991 do bệnh AIDS, hậu quả của lối sống thiếu lành mạnh nhưng Freddie vẫn được thế giới ghi nhận là một tài năng nhạc Rock kiệt xuất của âm nhạc.
8. Paik Nam-june
Là một người Hàn Quốc, nhưng tên tuổi Paik Nam-june nổi tiếng trên khắp thế giới kể từ sau khi tác phẩm nghệ thuật bằng video có tên “Chào Ngài Orwell” được phát sóng trực tiếp qua vệ tinh tại New York, Paris, Berlin và Seoul.
Ông là người đầu tiên trên thế giới tổ chức triển lãm thiết bị truyền hình vào năm 1963 và được mệnh danh là "cha đẻ của nghệ thuật video".
Paik có tên trong danh sách 100 nghệ sĩ hàng đầu của năm 1996 do tạp chí “Tiêu điểm” của Đức bình chọn. Năm 1997, tạp chí “Thủ đô” của Đức cũng xếp ông vào vị trí thứ 8 trong 100 nghệ sĩ hàng đầu thế giới. Năm 1988, ông đã được nhận Giải nghệ sĩ Miami và Giải Kyoto với những đóng góp trong việc kết hợp nghệ thuật đương đại và video. Năm 2000, ông được nhận huân chương vương miện vàng - danh hiệu cao quí nhất của nghệ sĩ Hàn Quốc.
Nghệ sĩ Paik Nam-june đã từ trần ngày 30/1/2006 tại nhà riêng ở Miami, Mỹ, hưởng thọ 74 tuổi. Hài cốt của ông được hoả táng và đưa đi 3 nước Hàn Quốc, Mỹ và Đức.
9. Hàn Tú Anh
Mang trong mình hai dòng máu Trung – Bỉ, Hàn Tú Anh theo học y khoa tại Bỉ nhưng sau đó vì yêu nước mà bỏ học về nước kháng Nhật. Bà bắt đầu nổi tiếng trên văn đàn thế giới với cuốn “Một mùa hè vắng bóng chim” (đã được tác giả Nguyễn Hiến Lê dịch sang tiếng Việt) trong một bộ hồi ký gồm 4 cuốn. Cuốn sách này có thể được coi như một tư liệu sử quý giá vì bà đã ghi lại rất khách quan những bê bối của Quốc Dân đảng và cảnh khổ của dân chúng - một bức tranh toàn cảnh rất sinh động về tình hình đất nước Trung Hoa từ ngày bị Nhật xâm lăng, chiếm Mãn Châu, cho đến lúc Thế Chiến thứ 2 kết thúc.
Năm nay bà đã 89 tuổi và đang định cư tại Thụy Sỹ.
10. Củng Lợi
Khi nói đến gương mặt tiêu biểu của Trung Quốc trong môn nghệ thuật thứ 7, không thể không nhắc đến Củng Lợi. Tên tuổi và sự nghiệp điện ảnh của cô đã góp phần đưa Trung Quốc vào bản đồ điện ảnh thế giới.
Cái tên Củng Lợi bắt đầu thu hút sự chú ý của khán giả và người trong ngành với vai diễn chính trong phim Cao lương đỏ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu vào năm 1987. Củng Lợi có khả năng diễn xuất vô cùng đa dạng: từ một cô gái quê chất phác (Red Sorghum, To Live) cho tới vai làm gái làng chơi (Shanghai Triad, Chinese Box), từ cành vàng lá ngọc (The Emperor And The Assassin) cho tới một bà chủ ghê gớm (Raise The Red Lantern).
Không chỉ nhận được những giải thưởng lớn ở trong nước và quốc tế nhưgiải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Liên hoan phim Quốc tế Venice lần thứ 49 hay New York Film Critics, Củng Lợi còn được vinh dự mời vào vị trí Ban giám khảo, làm Chủ tịch Ban giám khảo tại các Liên hoan Venice (2002) và Tokyo (2003).
11. Seiji Ozawa
Nhà soạn nhạc đại tài Seiji Ozawa của Nhật Bản năm nay đã 70 tuổi, giữ chức Giám đốc âm nhạc của Vienna State Opera từ năm 2002 sau gần 30 năm đảm nhiệm cương vị tương tự trong Dàn nhạc giao hưởng Boston (BSO) - nhiệm kỳ dài nhất trong lịch sử BSO (trước đó chỉ duy nhất có huyền thoại Serge Koussevitzky làm với nhiệm kỳ 25 năm). Ông cũng là người đã dẫn dắt nhiều nhạc sĩ tên tuổi ở Mỹ và châu Âu.
Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình, Seiji Ozawa đã nhận được vô số danh hiệu và giải thưởng cao quý. Gần đây nhất, ông được Tổng thống Pháp Jacques Chirac trao tặng danh hiệu Chevalier de la Légion d’Honneur do - công nhận đóng góp của ông cho nền âm nhạc cổ điển Pháp. Tháng 12/1997, Ozawa được Musical America vinh danh là "Nhạc sĩ của năm". Năm 1994, ông là người đầu tiên nhận giải Inouye Sho - Thành tựu cuộc đời nghệ thuật.
Năm 1992, Ozawa đồng sáng lập ra Festival Saito Kinen lừng danh tại quê hương Nhật Bản. Ông đã tham gia chỉ huy nhiều dàn nhạc danh tiếng như Boston, Berlin Philharmonic, Vienna Philharmonic, New Japan Philharmonic, dàn nhạc London, Orchestre National de France, La Scala ở Milan và Vienna Staatsoper.
12. Salman Rushdie
Salman Rushdie là nhà văn người Ấn Độ nổi tiếng thế giới với tác phẩm “Những vần thơ của quỷ Satan”. Vì sáng tác này mà ông đã bị Giáo chủKhomeyni của Iran ra lệnh cho tín đồ đạo Hồi trên toàn thế giới truy nã tử hình. Mãi đến tháng 9/1998, chính quyền Iran mới hủy bỏ lệnh tử hình ông.
Ông đã theo học về đạo Hồi tại trường King's College của Anh, tốt nghiệp Cao học Lịch sử. Tác phẩm đầu tiên của ông là “Grimus”, xuất bản năm 1975. Năm 1981, Salman Rushdie được trao giải thưởng Booker với cuốn tiểu thuyết "Những đứa trẻ lúc nửa đêm".
Bất luận thế nào cũng không thể phủ nhận rằng Rushdie không chỉ là người đã mở ra một chương mới cho nghệ thuật tiểu thuyết mà còn làm thay đổi hoàn toàn cách kể chuyện và cách nhìn thế giới.