Theo Tổng cục Thống kê, mục đích cuộc tổng điều tra kinh tế lần này là đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế. Đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu phân bổ của các cơ sở và lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, địa phương.
Cũng trong lần tổng điều tra này, Tổng cục Thống kê sẽ tính toán, biên soạn lại chỉ tiêu GDP toàn nền kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê. Cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội.
Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 cho thấy, số lượng và lao động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp tiếp tục tăng qua 5 năm, trong đó khối doanh nghiệp có mức tăng cao nhất với 518.000 doanh nghiệp thực tế đang tồn tại. Khu vực dịch vụ tăng 17,2% về số lượng và 18,8% về lao động; khu vực thu hút nhiều doanh nghiệp nhất là Đông Nam Bộ.
Theo ngành kinh tế, lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất và có mức tăng cao nhất với việc thu hút 6,8 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 48%. Số lượng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tăng mạnh hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn. Tại thời điểm 1/1/2017, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp lớn, chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp; doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng 65,5%. Về huy động vốn, tổng nguồn vốn được huy động vào sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp tại thời điểm 1/1/2017 là 30,2 triệu tỷ đồng, gấp 2,03 lần so với năm 2012...
Kết quả này cho thấy, việc xây dựng, thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2012 - 2017 đã đạt những dấu mốc tích cực theo hướng xắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý Nhà nước, tạo mọi điều kiện cho khu vực kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó đáng chú ý là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, có giải pháp loại trừ nhũng nhiễu của các sở, ban, ngành và cá nhân ở các cấp hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính...
Và trong đợt tổng điều tra kinh tế lần này, mục đích cũng không ngoài việc nhằm cung cấp cho các cơ quan chức năng cái nhìn tổng quát, đúng, đầy đủ và sát thực tế nhất về bức tranh kinh tế. Trong đó, “phác họa” đầy đủ những biến động, cũng như phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng và kết quả đóng góp của từng ngành cho sự phát triển của đất nước cũng như của từng địa phương. Bên cạnh đó, còn là cơ sở để các ngành, các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển nguồn nhân lực.
Sẽ không chỉ đơn thuần là cung cấp số liệu, quan trọng hơn, cuộc tổng điều tra kinh tế lần này còn giúp các cơ quan chức năng nắm bắt được thực trạng của nền kinh tế nói chung, của từng ngành, từng địa phương nói riêng, từ đó “định vị” được từng ngành, từng địa phương đang ở đâu trong quá trình phát triển nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.
Yên Khánh
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại