Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 26/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Nhân ngày Giỗ ông Sáu Dân: Nghĩ về chữ 'dân'

 Tưởng niệm ông Sáu Dân sau bốn năm ông đã tuyệt đối nằm xuống, nghĩ về chữ "dân" gắn làm một với "dân chủ" phải chăng là một việc nên làm vào lúc này?
 
Dòng chảy của thời gian với những đợt sóng dồn dập các sự kiện, càng khơi rộng ra khoảng trống vắng từ sự ra đi đột ngột của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bốn năm trước. Trước những diễn biến của thời cuộc, càng ngẫm ra được sự thiếu vắng của con người ấy. Trong câu chuyện đời thường của bạn bè quanh chén trà bè bạn, một câu nói quen thuộc thường bật ra "Phải chi lúc này còn ông Sáu Dân".
 
 
 

Thời gian là ân huệ trong sự nghiệt ngã. Câu nói "phải chi" đó thể hiện tâm trạng xã hội, càng làm nổi rõ lên một điều, khi tư tưởng và hình ảnh của một con người đã đi vào lòng dân thì không bao giờ chết cả. Ông vẫn sống trong lòng dân. Điều này mang tính quy luật. Nhưng đã là quy luật thì có gì mới đâu mà phải bàn?

Chẳng phải hai từ nhân dân được đều đều rót vào tai mọi người, khô cổ bỏng họng rao giảng, cứ tưởng như những điều mới "phát hiện" và đem sử dụng như một liều thuốc kích thích khi cần đấy thôi! Ấy vậy mà điều có tính "thiên kinh, địa nghĩa" này đã có từ rất lâu, lâu lắm.

Từ thời Chiến quốc cách nay hơn hai ngàn năm, Mạnh Tử đã từng đưa dân lên trước cả "xã tắc" và "vua" : "dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Chẳng những thế, nhà tư tưởng cổ đại được tôn là Á thánh của đạo Nho ấy đã giảng giải câu "ý dân là ý trời" bằng cách viện dẫn "Thiên Thái Thệ" trong "Kinh Thư":"trời không có mắt có tai, dân nhìn tức là trời nhìn, dân nghe tức là trời nghe" là nghĩa vậy. Ông từng vạch rõ cái tệ tham nhũng của kẻ cầm quyền, kết bè kéo cánh, sống xa hoa trụy lạc "bàn tiệc ê hề tới nỗi mắt không nhìn thấy hết được, tay không gắp hết được, miệng không nếm hết được" để rồi phẫn uất mắng vua Lương Huệ Vương "Bếp vua có thịt béo, tàu ngựa vua có ngựa mập, mà dân thì có sắc đói, đồng ruộng la liệt những kẻ chết đói, như thế khác nào vua sai thú ăn thịt người. Loài thú ăn thịt lẫn nhau người ta còn ghét thay, nay làm cha mẹ dân, cai trị dân mà sai thú ăn thịt người thì có đáng làm cha mẹ dân không? ". Vì thế, ông đòi hỏi "Nhà cầm quyền không thể bỏ lỡ việc sinh nhai của dân... Thường tình của dân là có hằng sản thì mới có hằng tâm. Không có hằng tâm thì...chẳng cái gì là chẳng dám làm, đến khi phạm pháp thì người cầm quyền vin vào đó mà chém giết họ, như vậy không khác gì đặt lưới mà bẫy họ!". [Đằng Văn Công thượng]

Thì ra từ xa xưa, nhà tư tưởng cổ đại ấy đã khuyến cáo "nhà cầm quyền không thể bỏ lỡ việc sinh nhai của dân", cũng đã lên án chuyện dùng pháp luật như một thứ công cụ để "đặt lưới mà bẫy dân"để rồi tự tung tự tác, bảo kê, bao che cho nhau để ức hiếp, bóp nặn dân. Điều khác cơ bản nhất so với hiện đại là chữ "dân" của Mạnh Tử là dành cho "thần dân", là phận "dân đen, con đỏ" cần được dạy dỗ, chở che bởi các đấng "cha mẹ dân". Khi chữ dân này được các nhà Nho của ta dẫn giải và vận dụng sẽ tiếp tục cái tinh thần truyền bá "dân tâm" nhưng rất kiêng kỵ "dân chủ".


 
Dòng chảy của thời gian càng khơi rộng ra khoảng trống vắng từ sự ra đi đột ngột của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt bốn năm trước.
Mạnh Tử cũng như các nhà nho tự nhận mình là thầy là người đỡ đầu cho dân để phụng sự nhà vua tốt đặng làm cha mẹ dân. Mối quan tâm của họ đối với dân trong vị thế là "thần dân", là lòng nhân ái của bên trên ban phát xuống. Điều oái oăm là, chuyện này được lặp lại với những biến thái mới của thời hiện đại mà chúng ta đang sống. Nhân danh là người làm chủ xã hội mới, điều mà bao hy sinh xương máu của nhiều thế hệ Việt Nam qua cách mạng và kháng chiến rồi xây dựng CNXH mới có được, thì bóng dáng "thần dân" vẫn hiện ra trong cái áo khoác rộng cỡ của "người công dân" .
 
 
 

Đáng lý phải là một nhà nước làm công bộc của dân thì dưới nhiều biểu hiện vẫn tỏ ra là "cha mẹ dân" ban phát ân huệ cho dân. Và rồi không hiếm những "thần dân" khi nhận đươc những "ân huệ" nhỏ nhoi thì đã vội thành thật "biết ơn", cho dù những ân huệ ấy không thấm vào đâu với nghĩa vụ của nhà nước phải làm cho dân. Điều này như một liều thần dược kích thích và dung dưỡng cho sự thoái hóa của một bộ phận không nhỏ những người cầm quyền. Chính trạng thái tâm lý ấy là một biểu hiện rất rõ của "những gì đã cũ kỹ, hư hỏng" cần phải đấu tranh để tạo ra "những cái mới mẻ tốt tươi" mà Bác Hồ nói trong Di chúc. Bác chỉ rõ đó là một "cuộc chiến đấu khổng lồ" *. Mà đúng là "khổng lồ" thật. Tính từ ngày Bác viết những dòng tiên tri ấy, một nửa thế kỷ đã trôi qua, bao nhiêu nước chảy qua cầu, "dân" đã được những gì và còn phải làm gì để giành cho mình quyền được thật sự làm chủ , để thật là dân theo đúng nghĩa mà Tuyên ngôn Độc lập đã trịnh trọng và kiêu hãnh với thế giới : Mỗi người dân Việt Nam đều có "những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".*

Hơn hai phần ba thế kỷ, bao nhiêu xương máu đổ ra với ba cuộc kháng chiến chống xâm lược, bao mồ hôi, nước mắt của người lao động, lao động chân tay và trí óc đổ ra như suối trong sự nghiệp dựng nước sau chiến tranh, cùng với những thành tựu to lớn vẫn còn :"Những người, những hộ đói kinh niên" mà nhà báo lão thành Thái Duy kể ra rành rọt trên số báo "Đại Đoàn Kết" số ra ngày 12.6.2012.

Cũng trong ngày 12.6 ấy, đọc mục "Tâm điểm và Bình luận" trên báo "Nông thôn Ngày nay" sẽ phát hoảng lên với con số 4 tỷ đồng chi cho lễ khởi công cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong! Tại diễn đàn QH đang họp, người ta đưa ra con số 5.000 tỷ tiết kiệm được từ khối cơ quan, 13.000 tỷ tiết kiệm được từ các "quả đấm thép", tức là các tập đoàn kinh tế, thì thấm tháp gì so với những thất thoát trăm tỷ, ngàn tỷ chỉ ở một tập đoàn!

Chao ôi, chuyên xưa kia Mạnh Tử mắng Lương Huệ Vương "đặt lưới mà bẫy dân" cũng "thấm tháp gì" so với "những cái bẫy" thời hiện đại. Chuyện "bếp vua có thịt béo, tàu ngựa vua có ngựa mập, mà dân thì có sắc đói" cũng "thấm tháp gì" so với những điều vừa nêu!

Nghĩ như vậy mới thấm thía được cái chữ "dân" trong tư duy và trong hành động của ông Sáu Dân cần phải được nhắc lại vào lúc này là cần thiết biết bao. Đúng là "thời gian, theo quy luật khắc nghiệt của nó, sẽ xòa mờ đi tất cả; nhưng cũng còn một quy luật khác, mạnh mẽ không kém: có những điều, những con người mà thời gian, ngược lại, sẽ chỉ soi sáng thêm lên, vừa ngày càng rõ ràng, rỡ ràng, vừa như mãi còn bí ẩn. Như ngọn núi kia, càng đứng xa ra mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu. **

Quả thật, "càng đứng ra xa mới càng đo được hết tầm cao và chiều sâu" của con người ấy. Để rồi trong cái "tầm cao" và "chiều sâu" của người cần tiếp tục được khám phá ấy, nếu ngay bây giờ đây thì chỉ một [chữ] thôi thì xin mượn lại ý của Lê Quý Đôn để nói về chữ "dân" trong tư tưởng và trong sự nghiệp của ông Sáu Dân.

Trong "Lời nói cuối sách" của cuốn "Quần thư khảo biện" viết năm 1757, nhà bác học Việt Nam thế kỷ 18 viết: "Kinh Dịch nói : "Biến động trong thiên hạ chính đáng chỉ có một [lý] thôi. Chí lý thay chữ"một". Lấy chữ "một" ấy mà xuyên suốt mọi việc thì dù bốn bể chính châu cách trở, ngàn xưa trăm đời xa xôi, mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vây". Học theo cách nói của nhà bác học Việt Nam thế kỷ XVIII thì có thể nói rằng "lấy chữ DÂN" mà xuyên suốt mọi việc thì "mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vậy"! Chỉ có điều phải hiểu thật rõ chữ "dân" trong tư tưởng và trong toàn bộ sự nghiệp của ông Sáu Dân gắn làm một với "dân chủ". Chính điều ấy là chìa khóa để giải mã "hiện tượng Võ Văn Kiệt".

Vì, nói đến dân tộc, trước hết và sau cùng là phải nói đến "dân". Nói đến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cũng chính là nói đến DÂN, là sự gắn bó, thông cảm, tin tưởng và khoan dung giữa những "người trong một nước phải thương nhau cùng" trong tự tình dân tộc vốn trầm tích trong tâm hồn Việt Nam, truyền thống Việt Nam. Nhờ chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, ra sức mở rộng dân chủ để khởi động và phát huy đến mức cao nhất trí tuệ của dân, mà ông có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước. Với tầm nhìn ấy, Sáu Dân thường đưa ra những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở lớn trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối nội và đối ngoại. Mà "đột phá" được là vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình, khiến cho trí óc không bị xơ cứng vì những công thức cũ kỹ cứng nhắc, những giáo điều ẩm mốc đã bị cuộc sống vượt qua. Đột phá được là nhờ thật sự tin dân, học dân, phát huy dân.

Nhờ coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, khởi động và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân mà ông Sáu Dân có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước. Cho nên, "chỉ cần một chữ, chữ dân", hiểu thật rõ "ý dân là ý trời", chắc rằng mọi diễn biến phức tạp trong đời sống đang hàng ngày hàng giờ đặt ra một cách bức xúc như chuyện đất đai và khiếu kiện, cho đến chuyện Quốc Hội bàn thảo những đạo luật, như Luật phòng chống tham nhũng... thì "mọi trao qua đổi lại, mọi xem xét đánh giá đều vẫn rõ ràng như bày ra trước mắt, rành rọt như trỏ bàn tay vây".

Với chữ "dân" ấy trong tim trong óc mà ông Sáu Dân quyết "phá rào" khi là người đứng ở vị trí cao nhất thành phố mang tên Bác để rồi người dân Sài Gòn buổi ấy gọi ông là "Ông bí thư phá rào", là "Ông Chủ tịch gạo", tháo gỡ những ách tắc, rào cản mở đường cho kinh tế thành phố đi tới. Và rồi với "Văn phòng kinh tế của Bí thư Thành ủy", "Câu lạc bộ Giám đốc" để trực tiếp chỉ đạo và tác động đến cách làm kinh tế thuận với quy luật. Rồi "Nhóm thứ Sáu" được ra đời để góp phần nghiên cứu về giá lương tiền, về cải tổ ngân hàng, phát triển ngoại thương, về khu chế xuất.., những chuyện không dễ dàng chút nào! Nếu không có một nỗi lo thường trực về đời sống cơ cực của người dân bị trói chặt trong cái xiềng của kế hoạch hóa tập trung bao cấp, sản phẩm tai hại của đầu óc bảo thủ chật kín những tín điều ẩm mốc rêu phong thì không thể có những quyết sách được xem là mạo hiểm ấy.

Từ cách suy nghĩ và cách hành động của ông Sáu Dân nổi rõ một chân lý : Có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của Tổ quốc. Có vậy mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống. Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào mình, ông tiếp thu những nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với cái đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự học hỏi và lắng nghe chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng. Đó là suối nguồn bất tận làm nên một nhân cách văn hóa Sáu Dân, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách, những điều thể hiện một tầm vóc Võ Văn Kiệt.

Tưởng niệm ông Sáu Dân sau bốn năm ông đã tuyệt đối nằm xuống, nghĩ về chữ "dân" gắn làm một với "dân chủ" phải chăng là một việc nên làm vào lúc này?

theo tuanvietnamnet

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển