Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 19/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

NHẬN DIỆN BỘ MÁY VÀ MỘT SỐ CHUYỂN ĐỘNG...

Bài 1: Nhận diện bộ máy

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các nghị quyết TƯ 6 khoá XII hôm 29/11, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính dành cả buổi sáng để phân tích Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính giới thiệu Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 29/11. Ảnh: VGP.

Ông Phạm Minh Chính cho biết, hiện tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối. Trong khi đó bất chấp các “sắc lệnh” tinh giản, biên chế vẫn cứ âm thầm năm sau tăng cao hơn năm trước.

Hiện cả nước có 42 tổng cục, tăng 2 lần so với 2011; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7%; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với 2011. Số liệu này chưa kể Quân đội và Công an. Tỷ lệ cán bộ công chức phục vụ hiện nay rất lớn, như ở TƯ tại các cơ quan đảng chiếm 27%; các tổ chức chính trị - xã hội chiếm 30%.

Về đơn vị hành chính cấp địa phương, năm 1986 chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng đến nay đã tăng thành 63. Sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện, 1.136 xã.

Chỉ thích tách mà không cơ quan nào muốn nhập. Bộ, ngành nào, địa phương nào cũng muốn thêm đầu mối “vì việc nhiều làm không suể”, trong khi đó giảm biên chế thì năm nào cũng năm nào, càng quyết tâm giảm thì biên chế càng phình to hơn khiến bộ máy vốn đã cồng kềnh nay lại phình to hơn đè nặng ngân sách.

Muốn bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì có rất nhiều cách trong đó hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính hoặc các cơ quan có chức năng trùng nhau là điều có thể thực hiện được. Nhưng thực tế, 10 năm qua, chỉ giảm duy nhất được một tỉnh là sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Trong khi đó xu hướng chung là tách chứ không phải nhập. Tội gì mà sáp nhập, bởi tách được tăng nhân sự, trụ sở mới và đáng nói là chi thường xuyên cấp cho đơn vị theo đó mà tăng lên.

Trước diễn đàn của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa từng đề nghị: Nên tính toán sáp nhập để thu gọn đầu mối tỉnh và bộ ngành. Ông đề xuất những tỉnh có số dân dưới 800.000 người có thể xem xét để sáp nhập với nhau. Với các cơ quan trung ương, có thể sáp nhập để giảm khoảng 3-4 bộ ngành so với hiện nay. Nếu đề xuất này được thực hiện sẽ tinh giản được hàng ngàn cán bộ, công chức, từ đó giảm chi thường xuyên hàng ngàn tỉ đồng. Đó là chưa kể tiết kiệm được khoản ngân sách cùng tài sản công.

Nhưng gần như ngay lập tức Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vình Tân thừa nhận, rất bất hợp lý và lãng phí nguồn lực ngân sách khi có nhiều tỉnh quy mô dân số chưa tới 1 triệu người nhưng cũng có bộ máy, biên chế cùng trụ sở, xe cộ… chẳng khác những tỉnh vài ba triệu người. Sáp nhập những tỉnh số dân ít hay các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng là cần thiết và giúp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại không hề đơn giản.

Ngay chuyện sáp nhập một số sở mà Bộ Nội vụ từng đề xuất như, sáp nhập, hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Kế hoạch - Tài chính; hợp nhất Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải thành Sở Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị cũng vấp phải sự phản ứng dữ dội của “người trong cuộc”.

Khó mấy cũng phải làm, không thể chấp nhận bộ máy hành chính nhà nước nhiều tầng nấc, cồng kềnh như hiện tại. Tất nhiên mới ban đầu đầu sáp nhập có thể xảy ra xáo trộn về tổ chức, bộ máy, nhưng sau một năm sẽ đi vào nề nếp và hoạt động bình thường.

“Như Hà Tây và Hà Nội, dân số lớn nhưng khi sáp nhập vẫn hoạt động hiệu quả” - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa minh chứng.

Nói về kinh nghiệm sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh sự khó khăn: “Sáp nhập phòng đã khó rồi, vì hai ông trưởng phòng nay chỉ chọn một. Sáp nhập cấp tỉnh thì còn khó khăn gấp bội, vì cùng là ủy viên TƯ, rất khó”. Tuy nhiên, ông cho rằng sau gần 10 năm nhìn lại, quyết sách sáp nhập Hà Tây và Hà Nội là “đúng đắn, thành công, hiệu quả”.

“Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường thì sao không làm được?” - ông đặt vấn đề và nhấn mạnh: “Sáp nhập là giảm ngay đội ngũ. Hà Tây sáp nhập Hà Nội là bài học sống động, cho thấy khó mấy cũng làm được”.

Câu chuyện hợp nhất, các cơ quan song trùng nhiệm vụ, không chỉ có minh chứng là Hà Nội, Hà Tây hợp nhất. Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và mới đây nhất là Hà Nội đã cho những bằng chứng sống về việc sáp nhập không khó như người ta tưởng. 

Sau 3 năm triển khai việc tinh giản biên chế, địa phương này đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương. Ngoài ra, Quảng Ninh đã tinh giản khoảng 1.600 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; giảm phụ cấp thường xuyên đối với gần 19.000 vị trí không chuyên trách ở cơ sở.

Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã cắt giảm 686 biên chế công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã so với số được giao, trong đó có 123 công chức khối Đảng, đoàn thể, 11 công chức khối chính quyền, 174 viên chức cấp tỉnh, 6 viên chức cấp huyện và 423 công chức cấp xã. Qua đó, mỗi năm tỉnh tiết kiệm được hơn 300 tỉ đồng từ việc tinh giản bộ máy, biên chế, chủ yếu từ tiền lương cho nhiều người nay chỉ còn một người; vật tư, văn phòng phẩm của nhiều cơ quan nay nhập làm một… 

Rõ ràng giảm biên chế, sáp nhập các đơn vị song trùng nhiệm vụ là rất khó nhưng không phải không làm được. Thế nhưng theo Nghị quyết 39 mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm phải giảm 140.000 - 150.000 người, thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người!

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, lý do của mọi lý do là xử lý những vấn đề liên quan đến sắp xếp bộ máy hành chính, tinh giản biên chế chưa hề nghiêm. Ông Chính đặt câu hỏi: “Trong những năm qua có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế, có ai được khen vì giảm biên chế thành công hay không?”.

“Chúng tôi rà soát thì chưa thấy ai được khen, chưa thấy ai bị kỷ luật. Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, chê, kỷ luật thì rất khó. Xu hướng chung vẫn là xin tăng biên chế, vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên”. Giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ mà chỉ hô hào mà không có chế tài đủ sức răn đe thì chuyện tăng biên chế, đội ngũ cứ cồng kềnh là điều dễ hiểu.

Báo cáo của Bộ Tài chính về thu chi ngân sách 9 tháng năm 2017, tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15-9 ước đạt 851,5 nghìn tỉ đồng, bằng 61,2% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 623 nghìn tỉ đồng, chiếm hơn 73% tổng chi ngân sách.

Thế nên tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy là việc làm cấp thiết. Nó không dừng lại ở sự hô hào chung chung mà phải làm thật với chế tài đủ sức răn đe nếu cơ quan, đơn vị không chịu chuyển động.

Nguyên Khánh

 

Bài 2: Số biên chế nhìn 'ớn lạnh' của Đà Nẵng: 22.065 người

 

 

Chính ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - dùng từ "ớn lạnh" cho con số này, một bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, Nhà nước không đủ tiền nuôi.

Nhân viên Sở Xây dựng giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chúng ta không thể chấp nhận duy trì một bộ máy mà ở trong đó có nhiều cơ quan, đơn vị hoạt động không hiệu quả.

Ông Nguyễn Thương - phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng

Giảm 21 đơn vị, 2.000 biên chế

Theo thống kê của UBND TP Đà Nẵng, năm 2017 có 409 đơn vị sự nghiệp công lập với 22.065 người làm việc (trước đây gọi là biên chế sự nghiệp). Ông Võ Ngọc Đồng - giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng - cho biết theo lộ trình đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ hợp nhất, sáp nhập, giải thể 21 đơn vị sự nghiệp công lập để giảm ít nhất 2.000 biên chế. 

Đề án này cũng đặt mục tiêu chuyển nguồn chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước bao cấp sang nguồn thu dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp khoảng 200 tỉ đồng/năm.

Ông Đồng cho biết nguyên tắc sẽ sáp nhập, hợp nhất: các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ, cùng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với đối tượng, địa bàn như nhau thì mỗi nhiệm vụ chỉ giao một đơn vị thực hiện, nhưng không nhất thiết mỗi đơn vị chỉ thực hiện một chức năng, nhiệm vụ.

 

Cùng với đó là giải thể đối với các đơn vị hoạt động không hiệu quả, hoặc lĩnh vực cung cấp dịch vụ đã được xã hội hóa cao.

"Đối với các đơn vị sự nghiệp đã giao quyền tự chủ và thành lập hội đồng quản lý thì được thí điểm thuê giám đốc điều hành trong đơn vị sự nghiệp, nhằm đổi mới tư duy và phương thức quản lý theo mô hình quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy khả năng chủ động, sáng tạo, mở rộng liên doanh liên kết, kêu gọi, huy động vốn, tăng khả năng cạnh tranh theo cơ chế thị trường" - ông Đồng nói.

Không quá 3 cấp phó

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã ban hành quy định và kiểm soát cơ cấu, định mức tỉ lệ giữa bộ máy và người làm lãnh đạo, quản lý.

Về cấp phó, đơn vị dưới 30 người chỉ có 1 cấp phó, từ 30 người đến dưới 150 người có 2 cấp phó. Đơn vị y tế điều trị bệnh có 150 người trở lên có không quá 3 cấp phó. Các đơn vị sự nghiệp khác có từ 150 người trở lên và có phạm vi hoạt động trải rộng trên nhiều địa bàn hoặc có tính chất phức tạp thì chủ tịch UBND TP xem xét từng trường hợp cụ thể để thực hiện, nhưng không quá 3 cấp phó


Đà Nẵng mạnh tay giảm biên chế - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đối diện sự thật

Nói về lý do sáp nhập, tinh gọn bộ máy trong cuộc họp mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ - chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho rằng nhìn vào con số biên chế hiện nay thấy "ớn lạnh", Nhà nước không đủ tiền nuôi bộ máy cồng kềnh nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng lâu nay việc tinh giản biên chế tuy có thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả. Do vậy, đề án của Sở Nội vụ lần này sẽ tạo đột phá trong việc sắp xếp bộ máy, giảm các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hạn chế chồng chéo. 

"Hướng sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa, tiến tới lộ trình tự chủ là những đề xuất mạnh mẽ, mạnh dạn, rất hợp lý và khoa học, triển khai thực hiện càng sớm càng tốt" - ông Thơ nói.

Ông Thơ xác định: "Trước sau gì cũng phải đối diện sự thật là bộ máy hành chính hiện tại rất cồng kềnh, phân tán, chia nhỏ. Người làm thì ít mà đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo to quá, nhiều quá, nhìn vào tỉ lệ là không thể chấp nhận được.

Trụ sở thì nhiều, cán bộ lãnh đạo nhiều, trong khi nhân viên và người làm trực tiếp thì ít. Lương nhiều nhưng công việc không trôi chảy bao nhiêu... Chưa kể có những lĩnh vực, công việc tương tự nhau cũng chia năm, chia bảy ra. Đó là sự thật".

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng thừa nhận việc tinh giản, thu gọn bộ máy rất phức tạp. Ông Thơ cho biết đối với các đơn vị đã có đề án sắp xếp, khi giám đốc về hưu thì dừng việc bổ nhiệm giám đốc mới, tránh tình trạng quá nhiều giám đốc khi sáp nhập sẽ gây khó khăn trong công tác bổ nhiệm nhân sự.

Không ai thích đổi mới theo hướng xóa sổ mình, hay hạ mình xuống một bậc cả. Đó là cái khó. Nhưng thấy khó mà mình chùn bước, không dám làm càng không được. Nếu cứ nghĩ theo kiểu để yên rứa chứ mắc chi đụng vô, xới lên làm gì cho rách việc, rồi đơn thư kiện tụng, rồi xin xỏ, cầu cứu đủ thứ... Nếu ngại thế không làm được.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ

Mô hình "một cửa" ở Trung tâm hành chính Đà Nẵng hoạt động hiệu quả, giảm được nhiều đầu mối và nhân lực - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Thu gọn vẫn hiệu quả

Thực tế việc thí điểm sáp nhập 8 trung tâm giáo dục thường xuyên thành còn 3 trung tâm vừa qua ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục tại Đà Nẵng đã mang lại hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Vĩnh - giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết sau khi sáp nhập, bộ máy đã tinh gọn lại, trụ sở của các cơ sở này dư ra được bàn giao lại cho UBND quận, huyện để mở trường mầm non, tiểu học, THCS...

"Việc sáp nhập này là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt số lượng người làm việc, lấy thu bù chi, tiến đến việc các trung tâm này có thể tự chủ hoàn toàn về kinh phí hoạt động" - ông Vĩnh cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Giao - giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 vừa mới được sáp nhập - cho hay sau gần 10 tháng sáp nhập với sự "khởi sắc" tuyển sinh, đời sống cán bộ nhân viên của trung tâm hiện cao hơn, thu nhập tăng thêm cao gấp đôi so với năm trước. 

Về bộ máy, ông Giao cho biết nếu trước đây mỗi trung tâm có 1 giám đốc và 2 phó giám đốc thì sau khi sáp nhập, hiện trung tâm có 1 giám đốc và 1 phó giám đốc.

Bà Trần Thị Thúy Hà - trưởng Phòng GD-ĐT quận Hải Châu - cho rằng với việc sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, quỹ đất đó được bàn giao cho UBND quận để mở trường học rất hợp lý, do quỹ đất để xây dựng, mở rộng trường học ở quận trung tâm như Hải Châu hiện dường như là không thể. 

Khi được bàn giao lại các trụ sở, với khu đất dư ra của các trung tâm, phòng sẽ đề xuất mở trường mầm non và trường tiểu học.

TP.HCM: Trợ cấp tiền cho người nghỉ hưu trước tuổi

Theo lộ trình được Bộ Chính trị giao, đến năm 2021 TP.HCM phải tinh giản 10% biên chế công chức hành chính và 10% viên chức sự nghiệp công lập. Hiện TP.HCM đang sử dụng hơn 11.900 biên chế (trong khi trung ương giao chỉ khoảng 8.300 biên chế) và khoảng 130.000 viên chức làm việc tại các đơn vị công lập.

Về biên chế công chức, dù trung ương giao khoảng 8.300, nhưng số biên chế tăng thêm hơn 3.000 đang bảo đảm quản lý cho đô thị đặc biệt. Từ năm 2013 đến nay, TP không tăng biên chế nữa.

Giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, để giải quyết biên chế công chức hành chính, mới đây UBND TP đã trình HĐND duyệt chi 380 tỉ đồng để vận động 1.062 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc theo quá trình tinh giản biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2021.

Số tiền trên trợ cấp cho 2 nhóm đối tượng gồm: cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và quận, huyện thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo nghị định 108.

Kế đến là nhóm cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý (không cơ cấu cấp ủy) tự nguyện xin nghỉ công tác trước tuổi (về hưu trước tuổi hoặc thôi việc không thuộc diện tinh giản biên chế).

Thứ hai, về tỉ lệ tinh giản 10% của 130.000 viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập (bệnh viện, trường học, trung tâm...), TP.HCM cũng đang có các kế hoạch chuyển mạnh các đơn vị sang tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa (theo quy định của nghị định 16).

Các đơn vị sự nghiệp công phải tiến dần từ tự chủ một phần đến tự chủ hoàn toàn trong việc chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Hiện đã có 4 sở (Y tế, Giáo dục - đào tạo, Khoa học - công nghệ và Lao động - thương binh & xã hội) trình các đề án, kế hoạch để chuyển các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành sang tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa. Theo lộ trình, đến năm 2021, số viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ được tinh giản khoảng 20.000.

Sắp tới, với cơ chế đặc thù đã được thông qua, TP.HCM có thể chủ động quyết định nhiều hơn đến việc tinh giản biên chế, tăng lương, chế độ cho công chức, viên chức có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng tốt cho sự phát triển của đô thị đặc biệt. ÁI NHÂN


Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội, một trong 5 "siêu ban" của Hà Nội mà báo Tuổi Trẻ từng đề cập. Các "siêu ban" này được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 BQLDA tiền thân trực thuộc TP và trực thuộc sở, ngành trước đây - Ảnh: VIỆT DŨNG

Hà Nội: Khuyến khích tự nghỉ

Năm 2018, Hà Nội sẽ giảm gần 8.600 biên chế viên chức sự nghiệp và biên chế công chức hành chính theo phương án về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp được HĐND TP Hà Nội thông qua ngày 5-12.

Ông Trần Huy Sáng, giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết từ cuối năm 2016, UBND TP đã giao chỉ tiêu biên chế cho các đơn vị theo đúng số biên chế HĐND TP giao trước đó. Sau đó, ngay từ đầu năm 2017, TP đốc thúc các đơn vị thực hiện. Nhờ đó, trong năm 2017 TP đã tinh giản được 1.267 biên chế.

Trong năm 2017, Hà Nội đã sáp nhập, sắp xếp lại hàng loạt cơ quan, đơn vị như: sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 ban quản lý dự án (giảm 41,4%); tổ chức lại Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Quỹ đầu tư phát triển TP, Quỹ phát triển đất TP, Quỹ bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và môi trường; sắp xếp các đơn vị sự nghiệp cấp huyện; sáp nhập các đơn vị trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm thể thao và đài truyền thanh huyện thành Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao; sáp nhập các trung tâm phát triển cụm công nghiệp vào ban quản lý dự án...

Tới đây, Hà Nội tiếp tục hoàn thành sắp xếp các đơn vị còn lại, trong đó có đội thanh tra xây dựng, các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp, Trung tâm Điều hành và giám sát công nghệ thông tin TP. Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là giáo dục, y tế, sẽ được chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, mô hình công ty cổ phần.

Về giải pháp, ông Sáng cho hay Hà Nội đã hoàn thành xây dựng cơ chế đặc thù của TP để khuyến khích các đối tượng tự nguyện nghỉ tinh giản biên chế. Hiện Hà Nội đang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành cơ chế này.

 LÂM HOÀI

HỮU KHÁ - ĐOÀN CƯỜNG

Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp từ các nguồn:daidoanket.vn; tuoitre.vn

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển