Đầu tháng 10/2006, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố kết quả điều tra về xu hướng và các vấn đề về lực lượng lao động và tình hình phát triển nguồn nhân lực ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Cuộc điều tra của JETRO có chủ đề “Báo cáo so sánh môi trường lao động ở ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ” được tiến hành từ tháng 11/2005 - 6/2006 với sự hợp tác của các công ty Nhật Bản tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.
Doanh nghiệp coi trọng nâng cao năng suất lao động
Kết quả của cuộc điều tra này cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ các công ty lo ngại về vấn đề tăng lương đặc biệt cao, chiếm tới 75,9% (các nước có tỷ lệ cao tương tự là Indonesia 85,8% và Ấn Độ 72,1%).
Mặc dù lương tăng là xu hướng khá phổ biến ở hầu hết các nước, nhưng ở Việt Nam, các công ty Nhật Bản vẫn duy trì được lợi thế về mức lương thấp. Xét tới lương hàng tháng, khoảng cách giữa lương của các công nhân ở Việt Nam và ở miền Nam Trung Quốc có khoảng cách đáng kể, khoảng 70 – 80 USD.
Thế nhưng có tới 75,9% công ty vẫn coi “lương nhân viên tăng” là trở ngại lớn nhất về lao động việc làm tại Việt Nam (đây là tỷ lệ trả lời cao thứ 2 ở châu Á, sau Indonesia).
Theo dự đoán, xu hướng tăng lương sẽ còn tiếp tục trong tương lai, vì vậy, nhiều công ty Nhật Bản đang nỗ lực nâng cao năng suất của người lao động. Với mục đích này, 74,5% các công ty trên toàn ASEAN cũng như ở Ấn Độ coi các vấn đề phát triển nguồn nhân lực và khuyến khích khả năng của nhân viên là quan trọng nhất.
Riêng tại Việt Nam, có tới 81% các công ty được hỏi đã lựa chọn giải pháp này. Một cách khác được các công ty Nhật Bản ở Việt Nam thực hiện nhằm tăng cường sức cạnh tranh trong bối cảnh lương tăng là bổ nhiệm người Việt Nam vào các vị trí quản lý.
Thiếu hụt nhân viên trình độ cao
Theo báo cáo trên, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có đủ lực lượng lao động và nhân viên công nghệ thông tin nhưng lại thiếu kỹ sư, cán bộ quản lý cấp trung gian và nhân viên nói được tiếng Nhật có trình độ.
Nếu đánh giá kỹ sư và nhân viên kỹ thuật theo lĩnh vực chuyên môn, ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản chọn Việt Nam là một trong những nước gia công công nghệ thông tin (IT) tốt nhất trong số 5 nước được chọn làm IT nhiều nhất là Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Một trong những điểm đặc biệt của đội ngũ IT Việt Nam, cũng giống như người lao động Việt Nam nói chung, là có lợi thế về chi phí thấp, với tỷ lệ thấp hơn từ 20 – 30% so với nhân viên IT ở Trung Quốc có kỹ năng ở mức chấp nhận được. Đây cũng là lợi thế lớn nhất của nhân viên IT Việt Nam.
Tuy nhiên, đội ngũ IT Việt Nam lại kém cạnh tranh hơn nếu so với khả năng nói tiếng Nhật của nhân viên IT Trung Quốc và so với trình độ công nghệ của nhân viên IT Ấn Độ.
Ngoài nhân lực công nghệ thông tin, những công ty Nhật Bản đang cần nhân viên có trình độ ở Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí (58,5%) và điện, điện tử (41,5%), các tỷ lệ này trong toàn khu vực ASEAN lần lượt là 54,1% và 39,7%. Bên cạnh đó, các ngành kỹ thuật khác như vật liệu và luyện kim cũng được các công ty Nhật Bản đang có nhu cầu tuyển dụng ở Việt Nam.
Nếu chia người lao động Việt Nam thành các nhóm công nhân, kỹ sư và cán bộ quản lý cấp trung gian thì lực lượng lao động nói chung được đánh giá khá dồi dào nhờ nhóm dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao. Thế nhưng các công ty được hỏi lại gặp phải khó khăn trong việc tuyển kỹ sư và cán bộ quản lý cấp trung gian.
Theo số liệu điều tra, trên 50% các công ty Nhật khó tìm được kỹ sư có trình độ và cán bộ quản lý cấp trung gian ở Việt Nam - mức thấp nhất so với các nước trong khu vực do trong những năm gần đây, Việt Nam đón nhận luồng đầu tư mới tăng mạnh nhưng đội ngũ cán bộ có đủ kinh nghiệm lại chưa phát triển tương xứng.
Đặng Nguyễn