Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

Nguyễn Khắc Viện - hành trình đến chữ tâm

Có một lần, Nhà xuất bản Ngoại văn mời giáo sư Nguyễn Hoàng Phương đến nói chuyện về trường sinh học.
Tình cờ tôi ngồi đối diện với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, thủ trưởng cơ quan, nên nom thấy ông nghe rất chăm chú. Tan cuộc, tôi lân la đến hỏi ý kiến bác sĩ về môn khoa học huyền bí đang trở thành mốt này. Nguyễn Khắc Viện bật ra một câu nói của Khổng Tử: Tố ẩn hành quái, ngộ bất vi chi (những việc bí ẩn quái dị, ta không làm). Rồi ông buông thõng: Trong đời sống cũng như trong khoa học không thể và không nên thiếu những đầu óc mơ mộng kỳ quặc, nhưng nếu ai cũng vậy thì…
 
Tôi biết ông nói vậy không phải để răn đe nhân viên. Một người duy lý như ông không tán thành trường sinh học thì cũng là chuyện đương nhiên. Vốn sinh ra trong một gia đình nhà Nho, từ nhỏ tuy không học chữ Hán, nhưng ông đã nhiễm tư tưởng, lối suy nghĩ của nhà Nho một cách vô thức. Nho giáo là một học thuyết cai trị, một tập hợp những ứng xử xã hội lấy tu thân làm gốc, lấy gia đình làm hình mẫu. Khổng Tử đã tự minh định mình bằng câu học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện (học không biết chán, dạy không biết mỏi). Nhà Nho là người không chỉ muốn giải thích (nhiều khi không muốn cả giải thích nữa), mà còn muốn cải tạo xã hội, trước hết là cải tạo con người. Ông hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, ý thức được điều đó hơn ai hết, đã cho cậu con trai đi học chữ quốc ngữ, vì biết được sự suy tàn của đạo Nho, ông nghè, ông cống cũng nằm co. Lĩnh ý cha, Nguyễn Khắc Viện học rất chăm, học thành tài để giúp dân giúp nước. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông không học luật để ra làm quan, mà chọn nghề thầy thuốc là vì vậy.
 
Con người dòng dõi Nho học đó lại tiếp thu khoa học phương Tây, mà tinh thần cốt yếu của nó là khoa học thực nghiệm, nhất là thời gian học y khoa ở Pháp từ 1937 đến 1941. Như vậy, Nguyễn Khắc Viện là con người duy lý đến hai lần. Từ 1942-1951, sau khi bị lao phổi phải cắt bỏ hẳn một lá và lá kia cũng chỉ còn một nửa, Nguyễn Khắc Viện lên núi chữa bệnh, tiếp xúc với chủ nghĩa Mác và tìm ra thuật dưỡng sinh theo phương pháp khí công – yoga. Khỏi bệnh, ông “hạ sơn” và tái xuất vào con đường hoạt động cách mạng, làm Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp, viết nhiều sách báo tuyên truyền cho Việt Nam, cho đến khi bị trục xuất về nước năm 1963. Ở nhà, được giao công tác văn hoá đối ngoại, ông đã tạo một bước mới về chất, từ nội dung, phong cách đến tầm cỡ những vấn đề đặt ra. Ông còn tích cực tham gia vào đời sống đất nước và luôn có tiếng nói kịp thời về những sự kiện xã hội…
 
 
Tôi nhớ, có lần nhân giới thiệu cuốn Cù Lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Viện nói: tôi với Nguyễn Mạnh Tuấn giống nhau ở chỗ có “máu” chính trị. Tôi làm gì cũng nhằm mục đích tuyên truyền cả. Khi cần giới thiệu lịch sử Việt Nam cho bạn bè biết thì tôi viết thông sử, còn giới thiệu văn học cổ điển Việt Nam thì tôi dịch Kiều… Điều đó cũng có phần đúng, nhưng ở một người có văn hóa cao và nhiệt tâm như Nguyễn Khắc Viện thì dầu vì mục đích chính trị, các tác phẩm của ông đều có giá trị tự thân: Cuốn lịch sử ông viết vẫn là “sử” hơn cả, còn bản dịch Kiều thì đã thoát khỏi mê cung điển tích để đạt tới tín, nhã… Tuy nhiên, từ duy lý đến duy ý chí đôi khi chỉ một bước. Trong cuộc đời hoạt động chính trị ráo riết của mình, Nguyễn Khắc Viện, tôi nghĩ, hẳn không tránh khỏi những lần quá tin vào ý chí siêu phàm của mình. Cơ thể bản thân thì được, cơ thể xã hội thì khó.
 
Trở lại, noi theo đạo nhà, Nguyễn Khắc Viện đưa ra khái niệm đạo lý như là một bổ sung cần thiết cho duy lý. Theo ông, đạo lý khác với đạo đức, nhất là khác với chính trị. Đạo lý là những phẩm chất nhân bản ở trong mỗi con người và có giá trị bất biến. Còn đạo đức thì có thể thay đổi theo phong tục tập quán và quan niệm của từng thời đại. Đạo lý là cái căn bản để tạo nên nhân cách. Con người có thể ứng biến, tòng quyền, tuỳ nghi, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, đi với bụt mặc áo cà sa… nhưng không được xa rời đạo lý. Có giữ được bản chất của nước thì mới linh hoạt như nước được. Nhờ giữ vững được đạo lý, Nguyễn Khắc Viện mới có thể trở thành một người hoạt động linh hoạt và mềm dẻo, dám chênh vênh đi giữa những đối lập một cách tự tin, và quan trọng hơn cả là biết dừng (tri chỉ) đúng nơi và đúng lúc.
 
 
Người ta thường nói đời người đi theo đường đạn đạo học. Ra đời là con vật bốn chân đến khi về già lại thành con vật ba chân. Tôi thấy Nguyễn Khắc Viện không nằm trong thông lệ này. Càng về già ông càng trở về với chữ tâm: Từ duy lý đến đạo lý, từ đạo lý đến tâm lý (thành lập Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý Trẻ em N -T) và cuối cùng từ tâm lý đến tâm linh. Đó là một hướng thượng.
 
Nguyễn Khắc Viện đã thực hiện một chương trình nghiên cứu về thờ cúng tổ tiên ở thành phố. Thoạt tiên, ông chỉ muốn tìm kiếm và xây dựng một yếu tố cố kết cho những người dân của một thành phố đang hiện đại hoá. Nhưng dần dần ông thấy ý nghĩa của nó còn hơn thế nhiều. Hoá ra, nhu cầu tâm linh là một chiều kích bản thể của con người.
 
 
Những ngày ốm nặng gần đây, thân thể cứ mòn mỏi dần, nhưng tinh thần vẫn sáng suốt. Ông vẫn đọc cho bạn bè chép những bài của ông về Truyện Kiều, về Tú Xương… Ông cũng thường nằm mơ gặp cha và những người thân đã khuất. Tiếng gọi mơ hồ của tổ tiên hình như ngày một rõ hơn. Rồi một hôm ông không muốn đọc cho viết nữa. Bạn hỏi vì sao, ông chỉ trả lời bằng một câu buông thõng: ảo tưởng! Nghe được chuyện này, tôi bỗng nhớ đến bài Nói chuyện với một nhà đạo học của học giả Đào Duy Anh. Đó là cuộc tranh luận triết học của tác giả với Cao Xuân Huy về phép biện chứng của Hêghen, của Mác với biện chứng Lão Tử.
 
Cuộc đấu bất phân thắng bại đã kết thúc bằng một trận cười xoà và câu nói vuốt: Cũng là A.Q cả thôi! Chữ A.Q mà các cụ dùng ở đây, có lẽ, là chủ nghĩa duy lý tưởng, chủ nghĩa Đông Ki Sốt, là ảo tưởng. Các bậc minh triết, đến cuối đời, đều nhìn thấy cái hư vô. Có lẽ, con người cần thấy cái hư vô càng sớm càng tốt, không phải để sống vô trách nhiệm theo chủ nghĩa Mắc-kê-nô, mà để sống bình tĩnh hơn, tốt đẹp hơn. Thiên đường của đức Jesus, Niết bàn của Phật, Hư vô của Thiền, Ý niệm tuyệt đối của Hêghen cũng chỉ là tên gọi khác nhau của hư vô mà thôi, có điều người ta cứ nhân danh nó mà bắt con người hoặc xuất thế, hoặc hi sinh kiếp này cho kiếp sau. Con người hiện đại sống khó ở chỗ vẫn nhìn thấy hư vô mà vẫn tích cực tham dự vào đời sống xã hội.
 
 
Người trí thức không phải là nhất thành bất biến, mà luôn biết tự thay đổi, có quyền được thay đổi. Nhưng dù thay đổi đến thế nào đi nữa thì vẫn không rời xa đạo lý, xa rời chữ tâm. Có lẽ, đó là bài học sâu sắc nhất mà cuộc đời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã để lại.
 
 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển