Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 20/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

Nguồn nhân lực quyết định cơ hội phát triển của CNTT

Đào tạo theo nhu cầu xã hội và đẩy mạnh xã hội hoá đào tạo nhân lực CNTT, nhằm tận dụng cơ hội cho sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam - đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khi làm việc với Bộ TT&TT ngày 12/10/2007.
Làn sóng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNTT-TT vào Việt Nam đang diễn ra rất sôi động. Sau sự kiện Intel đầu tư dự án nhà máy lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn trị giá 1 tỉ USD vào Khu CNC TP. Hồ Chí Minh và hàng loạt các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài khác, hoặc đang được triển khai, hoặc vừa được công bố như dự án đầu tư của Tập đoàn Foxconn, Compal (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn IBM mở trung tâm dịch vụ phần mềm (GDC) tại Việt Nam, với kế hoạch năm 2007 tuyển dụng 1.000 kỹ sư, năm 2008 là 2.000 kỹ sư và tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới...
 
Bên cạnh đó, thị trường CNTT-TT Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, ứng dụng CNTT-TT trong các ngành kinh tế - xã hội ngay tại thị trường gần 100 triệu dân này cũng đang được đẩy mạnh. Theo số liệu từ Bộ TT&TT, doanh thu ngành công nghiệp phần mềm (CNpPM) Việt Nam năm 2006 đạt khoảng 350 triệu USD và dự kiến năm 2007 đạt khoảng 500 triệu USD; công nghiệp nội dung số đang giữ tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm với mức doanh thu năm 2006 khoảng 110 triệu USD.
 
"Đây là thời cơ để phát triển ngành CNTT-TT Việt Nam. Nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT là rất lớn, nếu chúng ta không đáp ứng được nhu cầu này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm đầu tư ở những thị trường khác, những cơ hội phát triển sẽ trôi đi", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
 
Theo tính toán, nhu cầu nhân lực CNTT Việt Nam hiện đang vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống đào tạo, mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành này đã tăng mạnh thời gian qua. Báo cáo của Vụ Công nghiệp CNTT, Bộ TT&TT cho thấy, để đạt mục tiêu doanh thu phần mềm 800 triệu USD vào năm 2010, chúng ta cần có khoảng 80 ngàn kỹ sư làm phần mềm chuyên nghiệp. Nhưng theo số liệu từ Bộ GD&ĐT, năm 2007 cả nước có khoảng 177/350 trường ĐH, CĐ tuyển sinh đào tạo về CNTT. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2007 cho các chuyên ngành sâu về CNTT là khoảng 9,5 ngàn chỉ tiêu đại học và gần 10 ngàn chỉ tiêu cao đẳng; chuyên ngành về điện tử, viễn thông là khoảng hơn 5 ngàn chỉ tiêu đại học và cũng chừng đó chỉ tiêu cao đẳng.
 
Bên cạnh những bất cập về mất cân đối khả năng cung - cầu nguồn nhân lực CNTT, việc triển khai các cơ chế, chính sách trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT cũng chưa theo kịp với yêu cầu của sự thực tế phát triển, như thiếu chuẩn về khung chương trình đào tạo CNTT; về đánh giá hệ thống văn bằng, chứng chỉ trong lĩnh vực CNTT; công tác xã hội hóa đào tạo CNTT chưa thực sự hiệu quả. Tư tưởng "mở" và khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực CNTT chưa thực sự được thể hiện với tinh thần cách mạng...
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo:
 
- Trong tháng 11/2007, Bộ TT&TT cùng Bộ Tài chính ký ban hành thông tư liên tịch về định mức cho các dự án đầu tư CNTT;
- Trong tháng 11/2007, Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn danh mục chi cho CNTT sử dụng vốn ngân sách nhà nước;
- Trong quý 4/2007, Bộ TT&TT ký ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2020; trong đó lồng ghép hoặc ban hành đồng thời các cơ chế, chính sách để triển khai Quy hoạch này
- Trong quý 4/2007, Bộ TT&TT xây dựng xong kế hoạch triển khai Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 và giai đoạn 2008 - 2010;
- Ủng hộ về nguyên tắc cho phép Bộ TT&TT được thực hiện cơ chế đặc thù về tài chính. Tuy nhiên, Bộ TT&TT cần nghiên cứu kỹ để tránh hiện tượng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong việc cung cấp dịch vụ, tránh độc quyền và không làm phương hại đến vai trò quản lý Nhà nước.
 
Trước thực tế phát triển rất nhanh của ngành công nghiệp CNTT và nhu cầu nhân lực ứng dụng và phát triển CNTT đang tăng rất mạnh, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khẳng định Bộ tập trung làm chuyển biến nhận thức về đào tạo CNTT, coi đào tạo là việc làm cần thiết để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, hội nhập với nền kinh tế quốc tế. "Đào tạo nhân lực là nhiệm vụ số một của Bộ trong 6 nhiệm vụ lớn mà Bộ TT&TT đặt ra", Bộ trưởng Lê Doãn Hợp khẳng định.
 
Bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm đào tạo nguồn nhân lực CNTT của Bộ TT&TT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra một số giải pháp quan trọng để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực. Đó là đào tạo theo kinh nghiệm và chuẩn đào tạo quốc tế. Phó thủ tướng yêu cầu hai Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT trong 3-5 tháng tới công bố chuẩn đào tạo CNTT theo các trình độ. Ông cũng đồng tình với đề xuất của lãnh đạo Bộ TT&TT về việc sớm thành lập các cơ quan kiểm định chất lượng nhân lực CNTT và có thể xã hội hóa hoạt động của các cơ quan này.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định quan điểm đào tạo nhân lực CNTT theo nhu cầu xã hội. Bộ GD&ĐT cùng Bộ TT&TT sẵn sàng ký thỏa thuận đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho các tập đoàn CNTT lớn của nước ngoài đang và chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, ông cũng ủng hộ chủ trương thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lớn của ngành CNTT-TT mở trường, mở các khoa đào tạo ngành CNTT-TT, sử dụng các chương trình đào tạo của nước ngoài.
 
(Theo ICT)
 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển